Điện thoại di động và kinh tế các nước nghèo

07:00 | 23/11/2014

5,161 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong nghiên cứu kinh tế vĩ mô gần đây nhất, nhà kinh tế Christine Zhen-Wei Qiang thuộc Ngân hàng Thế giới cho biết, cứ 10 điểm phần trăm tăng trong ứng dụng dịch vụ điện thoại di động (ĐTDĐ) tại một nước đang phát triển sẽ kéo theo tỷ lệ tăng GDP/đầu người lên 0,8 điểm phần trăm tại quốc gia đó. Với nhiều nước nghèo, ĐTDĐ không thuần túy là công cụ liên lạc. Nó là phương tiện kiếm sống, là chiếc “cần câu cơm” đối với hàng triệu người.

Năng lượng Mới số 373

Yếu tố kinh tế vĩ mô của ĐTDĐ

Từ một thiết bị xa xỉ từng dành riêng cho người có tiền, ĐTDĐ ngày nay đã trở thành vật bất ly thân đối với nhiều người, từ anh xe ôm đến chị bán rau, từ bác phu rác đến bà bán rong. ĐTDĐ đã thật sự làm thay đổi diện mạo thế giới, đặc biệt các nước nghèo. Thử xem một ví dụ trên The Economist. Với Mary Wokhwale sống tại làng Bukaweka ở Đông Uganda, ĐTDĐ là sự sống của bà. Năm 2003, Wokhwale là một trong 15 phụ nữ đầu tiên ở Uganda trở thành “nhà cung cấp dịch vụ ĐTDĐ làng”. Từ một chương trình trợ vốn, bà mua một chiếc ĐTDĐ đơn giản rồi cho dân làng “thuê” khi cần, tính tiền ở mỗi cuộc gọi. Tiền lãi dành dụm giúp Wokhwale trả hết nợ ngân hàng và mua thêm một chiếc nữa. “Dịch vụ” cho gọi “mướn” thành công đến mức giúp Wokhwale có thể mở quán bia và gia đình bắt đầu khấm khá đến độ “dư dả” để đóng tiền học cho bọn trẻ trong nhà.

Bây giờ, nhiều người ở làng Bukaweka đã có ĐTDĐ nhưng cuộc sống gia đình Wokhwale cũng hoàn toàn thay đổi theo hướng tích cực. Tại những ngôi làng châu Phi đèo heo hút gió như Bukaweka, nơi hệ thống đường sá còn kém và dịch vụ bưu điện èo uột, ĐTDĐ đã và tiếp tục trở thành phương tiện thay thế đắc dụng, giúp tiếp cận thông tin cực nhanh, từ giá cả hàng hóa đến giao dịch thương mại. Nghiên cứu của Viện Tài nguyên thế giới cho biết, khi thu nhập tại các nước đang phát triển tăng, việc chi xài cho ĐTDĐ của các hộ dân tăng nhanh hơn mức độ chi tiêu cho năng lượng, nước sinh hoạt hoặc bất kỳ gì khác. ĐTDĐ mang lại cuộc cách mạng sâu sắc làm lột xác bức tranh sần sùi u tối của vô số làng quê nghèo toàn cầu. Chẳng trách sao ĐTDĐ bùng nổ tại thế giới thứ ba.

ĐTDĐ đang tạo ra nhiều diện mạo mới cho thế giới thứ ba

Và tốc độ phát triển thiết bị ĐTDĐ lẫn nhà cung cấp cũng liên tục tăng. Số thuê bao tại Indonesia, Việt Nam, Ấn Độ, Brazil, Nga…  tăng ào ạt. Tốc độ phát triển ứng dụng ĐTDĐ mang lại nhiều tích cực. Từ việc bùng nổ số nhà cung cấp dịch vụ, dẫn theo sự cạnh tranh khốc liệt (có lợi cho người tiêu dùng) đến việc ra đời nhiều tiện ích khác khó có thể kể hết. Thời gian gần đây, người ta ngày càng đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy mức độ liên kết của công cụ ĐTDĐ với ảnh hưởng của nó lên phát triển kinh tế.

Một trong những ví dụ kinh điển được nhắc nhiều là nghiên cứu của nhà kinh tế Robert Jensen thuộc Đại học Harvard công bố năm 2007, khi khảo sát thị trường cá biển tại duyên hải Kerala ở Nam Ấn Độ. Xem xét dữ liệu giá cá biển suốt từ năm 1997 đến 2001, Jensen chứng minh rằng ĐTDĐ đã giúp thị trường hoạt động trở nên hiệu quả hơn và mang lại lợi ích cho nhiều thành phần, từ bác ngư dân ngoài biển đến chị tiểu thương trong chợ. Các cuộc liên lạc thăm dò trước giúp ngư dân chủ động tăng hoặc giảm lượng đánh bắt cá đã mang lại lợi ích thiết thực và cụ thể. Giá cá nhờ vậy mà giảm 4% trong khi thu nhập ngư dân tăng 8%! Giáo sư Robert Jensen kết luận: “Thông tin giúp thị trường hoạt động hiệu quả và thị trường giúp cải thiện phúc lợi”.

Tương tự, Jenny Aker thuộc Đại học California - Berkeley cũng nghiên cứu vai trò thông tin nói chung và ĐTDĐ nói riêng (công bố năm 2008) khi phân tích thị trường ngũ cốc Niger. Giáo sư Aker nhận thấy ĐTDĐ giúp giảm chênh lệch giá giữa một thị trường này với một thị trường khác ở mức tối thiểu 6,4% (trong khi giá cao hơn ở những vùng xa không có dịch vụ ĐTDĐ). Thậm chí ở giai đoạn giá thực phẩm tăng vọt năm 2005, ngũ cốc tại Niger vẫn có giá thấp hơn 4,5% tại những thị trường có tầm phủ sóng ĐTDĐ! Những nghiên cứu vi mô như vậy đã củng cố các phân tích vĩ mô về mức độ kết nối giữa ĐTDĐ và tăng trưởng kinh tế. Năm 2005, kinh tế gia Leonard Waverman thuộc Trường kinh thương London cho biết, cứ thêm 10 ĐTDĐ mỗi 100 người tại một nước đang phát triển thì nước đó có thêm 0,6 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP/đầu người.

ĐTDĐ và cuộc cách mạng xã hội

Lợi ích ĐTDĐ không chỉ giới hạn ở phạm vi kinh tế. Nó còn mang lại nhiều tích cực về xã hội và chính trị. FrontlineSMS - một hệ thống cho phép các nhóm đối tượng có thể liên lạc qua tin nhắn - hiện được dùng để thông báo những trường hợp vi phạm nhân quyền, điều phối chiến dịch trợ giúp nhân đạo và thậm chí tổ chức hoạt động các dự án bảo tồn. Tại Kenya, website Ushahidi được thiết lập như một phản hồi trước tình trạng bạo động sau bầu cử năm 2008 hiện cho phép người sử dụng ĐTDĐ liên lạc thông báo các trường hợp khủng hoảng khẩn cấp chẳng hạn thiên tai. Trong cuộc bầu cử Ấn Độ 2009, cử tri đã dùng ĐTDĐ để truy xuất thông tin về các ứng cử viên.

Việc sử dụng ĐTDĐ làm công cụ giám sát bầu cử đã áp dụng tại nhiều nước trong đó có Nigeria, Kenya và Sierra Leone. ĐTDĐ thậm chí trở thành công cụ ngăn chặn tham nhũng. Tại Pakistan, viên chức nhà nước Zubair Bhatti từng yêu cầu tất cả công chức khu vực Jhang chịu trách nhiệm giám sát thị trường đất đai phải báo cáo thường nhật hoạt động kinh doanh địa ốc, trong đó có các thông tin chẳng hạn giá trị thương vụ cùng số ĐTDĐ của người bán lẫn người mua. Zubair Bhatti cho biết ông có thể bất ngờ gọi người bán hoặc người mua nào đó xem họ có bị “làm tiền” bởi viên chức phụ trách hồ sơ địa ốc địa phương hay không. Xét ở góc độ hẹp, ĐTDĐ còn hữu dụng hơn cả Internet...

Trên cánh đồng bên ngoài ngôi làng Bumwambu ở Đông Uganda với những ngôi nhà dựng bằng gạch bùn, bác nông dân Frederick Makawa đang nghĩ về vụ mùa cà chua. Bây giờ là cuối tháng 6 và mùa mưa sắp hết. Cà chua có giá trị thương mại lớn trong mùa khô tới và Makawa muốn chuẩn bị vụ mùa càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, mùa canh tác truyền thống Uganda đang thay đổi bởi những biến đổi khí hậu khó lường và do vậy Makawa cảm thấy lo về khả năng xuất hiện những trận lụt cực nhanh. Nỗi suy tư của Makawa có thể được giúp bởi mạng thông tin ĐTDĐ Bạn nhà nông, nơi cung cấp dịch vụ nhắn tin giải đáp thắc mắc cũng như cung cấp dữ liệu dự báo thời tiết.

Với nhiều nông dân Uganda, Bạn nhà nông thật sự là một bằng hữu đồng hành đáng tin cậy. Họ có thể giải đáp ngay các câu hỏi (nhắn tin) ngắn chẳng hạn “sâu lúa”, ‘bệnh rụng lá”, “trồng chuối thế nào?”… Với những câu hỏi phức tạp (“mắt đám gà con nhà tôi tự nhiên sưng húp”) cần kiến thức chuyên môn, Bạn nhà nông sẽ chuyển đến chuyên gia và cú gọi giải đáp có thể đến trong vòng 15 phút. Bạn nhà nông là một trong những dịch vụ ĐTDĐ được khai trương vào tháng 6-2009 với hợp tác của MTN (nhà cung cấp dịch vụ ĐTDĐ tại Nam Phi hiện phủ sóng khắp châu Phi) cùng Google và AppLab của Grameen Foundation.

Không chỉ quanh quẩn chuyện ruộng vườn, Bạn nhà nông còn cung cấp thông tin liên quan y tế và giá cả thị trường. Thông qua hệ thống Google Trader, người bán giờ đây chỉ cần ngồi nhà rung đùi nhắn tin cho biết mình ở đâu, cần bán gì, giá bao nhiêu. Tin nhắn của ông sẽ tồn tại trên hệ thống 7 ngày để người mua - trong phạm vi 30km - có thể nhắn tin mặc cả thương vụ. Frederick Makawa kể rằng bố mình từng dùng dịch vụ trên để bán đám lợn. Dịch vụ giải đáp qua ĐTDĐ như vậy tính phí (rẻ bèo) chỉ với 110 shilling (khoảng 900 đồng Việt Nam)/lần nhắn, trừ Google Trader với phí gấp đôi. Chỉ trong 5 tuần đầu tiên, Bạn nhà nông đã nhận được hơn 1 triệu câu hỏi…

Tại Ấn Độ, nông dân cũng hưởng các hình thức dịch vụ tương tự, chẳng hạn Reuters Market Lite. Với phí 200 rupee (khoảng 75.000 đồng Việt Nam) cho 3 tháng, người sử dụng có thể yêu cầu cung cấp thông tin về thời tiết, giá cả... Ấn Độ còn có dịch vụ mKrishi (của nhà cung cấp Tata Consultancy Services) với hoạt động tương tự Bạn nhà nông. Tại Trung Quốc, China Mobile cũng có dịch vụ tương tự, gọi là Nông Tín Thông (Nong Xin Tong - thông tin nông nghiệp), hiện có 50 triệu người đăng ký sử dụng. Đó là chưa kể website 12582.com (cũng của China Mobile) chuyên gửi thông tin cho nông dân về kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc vật nuôi và giá cả thị trường (phí 2 tệ/tháng, tức khoảng 5.400 đồng VN). 12582.com hiện gửi 13 triệu tin nhắn mỗi ngày cho hơn 40 triệu người sử dụng…

Đáng chú ý nữa là ĐTDĐ cũng có thể được dùng trong lĩnh vực y tế (nhắn tin nhắc uống thuốc; tuyên truyền nhận thức HIV/AIDS; cổ súy lối sống lành mạnh…). Một báo cáo Liên Hiệp Quốc và Vodafone Foundation thực hiện năm 2008 cho biết hiện có khoảng 50 dịch vụ ĐTDĐ chăm sóc sức khỏe được sử dụng tại các nước đang phát triển… Ứng dụng phổ biến nữa ăn theo ĐTDĐ không thể không kể là dịch vụ thanh toán và chuyển tiền (chẳng hạn Gcash và Smart Money tại Philippines Wizzit ở Nam Phi, hoặc Celpay ở Zambia).

Tại Kenya, M-PESA hiện được xem là mô hình thành công nhất thế giới! Người ta dùng nó để trả gần như mọi thứ sinh hoạt, từ học phí đến thanh toán taxi. Mỗi ngày có đến 2 triệu USD được giao dịch thông qua M-PESA (hình thức như một tài khoản ngân hàng nhưng không tính lãi)! Giao dịch tài chính qua ĐTDĐ đang là xu hướng. Khảo sát của Pew Global đầu năm 2014 cho biết, “tiền di động” đang là hiện tượng cực kỳ đặc biệt tại châu Phi. Gần 7/10 người sử dụng tại Kenya nói rằng họ thường xuyên dùng ĐTDĐ để thanh toán lẫn nhận tiền gửi. Tại Uganda tỷ lệ trên là ½.

Cao Minh