Điểm báo: Nga quyết không cho Ukraina “xù nợ”

06:00 | 24/05/2015

1,113 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Châu Âu chấp thuận cho Ukraina vay 1,8 tỉ euro để hỗ trợ nước này trong các cải cách kinh tế. Nga tuyên bố sẽ có lập trường cứng rắn nếu Ukraina không trả nợ. Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục các hoạt động tuần tra trên biển và trên không trong khu vực Biển Đông, bất chấp các cảnh báo của Trung Quốc. Đó là những tin tức quốc tế nổi bật trong ngày 23/5.

Điểm báo: Nga quyết không cho Ukraina “xù nợ”

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev 

Thượng đỉnh Đối tác phía Đông giữa châu Âu với 6 nước Liên Xô cũ tại Latvia kết thúc hôm 22/5 với quyết định giải ngân cho Ukraina thêm 1,8 tỉ euro (tương đương 2 tỷ USD) để giúp quốc gia này vực dậy nền kinh tế đang kiệt quệ. Thỏa thuận này yêu cầu Kiev thông qua một loạt cải cách, trong đó có các biện pháp chống tham nhũng, khắc phục những vấn đề về cơ cấu của nền kinh tế Ukraina.

Theo ước tính, trong quý I/2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ukraina đã giảm gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh Kiev phải chật vật đối phó với những tác động từ cuộc xung đột ở miền Đông. Hồi đầu tuần qua, Mỹ cũng đã phải đứng ra bảo lãnh để giúp Ukraina vay thêm 1 tỷ USD của nước ngoài.

Ngoài ra, EU còn cam kết chi 200 triệu euro để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Ukraina, Georgia và Moldova.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Moskva sẽ áp dụng một lập trường cứng rắn nếu Ukraina quyết định không thanh toán cho Nga những khoản nợ từ thời chính phủ trước ở Kiev.

Phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn phát sóng ngày 23/5 trên kênh truyền hình nhà nước Rossiya của Nga, ông Medvedev nói: “Nếu tình hình thực sự diễn biến theo cách này thì chắc chắn là Ukraina đang vỡ nợ. Chúng tôi sẽ có lập trường cứng rắn nhất có thể trong trường hợp này để bảo vệ các lợi ích quốc gia của chúng ta”.

Trước đó, Nga đã cực lực phản đối một đạo luật mới của Ukraina cho phép trì hoãn thanh toán các khoản nợ nước ngoài, đồng thời dọa kiện Kiev ra tòa nếu không trả 3 tỷ USD mà Moskva cấp cho chính quyền của Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych hồi tháng 12/3/2013 để đổi lấy việc ông này rút khỏi một thỏa thuận liên kết với EU.

Mỹ sẽ "săn lùng" công dân Nga?

Bộ Ngoại giao Nga hôm qua cảnh báo các công dân nước này đi du lịch nước ngoài về những nguy cơ mà các cơ quan thực thi pháp luật và các cơ quan đặc biệt của Mỹ gây ra, trong đó cáo buộc Washington đang săn lùng người Nga trên toàn thế giới.

Tuyên bố của bộ trên cáo buộc Washington bắt cóc người Nga, viện dẫn những trường hợp như của Vladimir Drinkman, người bị dẫn độ từ Hà Lan tới Mỹ hồi đầu năm nay.

Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Với việc cho rằng được phép làm mọi điều họ muốn, Washington đã đi xa tới mức bắt cóc công dân của chúng ta. Nguy cơ bị giam cầm hay bắt giữ theo lệnh của các cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan đặc biệt của Mỹ tại các nước thứ 3 vẫn hiện hữu... Nhà chức trách Mỹ tiếp tục hành vi “săn lùng” không thể chấp nhận được đối với người Nga trên toàn thế giới, phớt lờ các thông lệ của luật pháp quốc tế và bắt ép các nước khác làm theo ý họ".

Quan hệ giữa Nga và Mỹ đang ở mức tồi tệ nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh, chủ yếu do vai trò của Moskva trong cuộc xung đột tại Ukraina.

Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông

Đó là tuyên bố của ông Daniel Russel, phụ tá đặc trách khu vực Đông Á của Ngoại trưởng Mỹ. Ông Russel nói thêm, các phi vụ tuần tra trên Biển Đông là bình thường.

Tuyên bố vừa kể được đưa ra sau sự kiện, hải quân Trung Quốc đã 8 lần ra lệnh cho máy bay Mỹ phải rời khỏi vùng trời bên trên quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc vừa bồi đắp xong một chuỗi đảo nhân tạo.

Trong tuyên bố mới nhất liên quan đến sự kiện vừa kể, ông Russel nhấn mạnh, Mỹ sẽ duy trì khả năng thực hiện quyền tự do lưu thông trên biển và trên không cho cả Mỹ lẫn các quốc gia khác, dẫu cho Trung Quốc phản đối hay thách thức.

Theo phụ tá đặc trách khu vực Đông Á của ngoại trưởng Mỹ, bất kỳ ai có “đầu óc bình thường” sẽ không tìm cách ngăn cản các hoạt động của máy bay quân đội Mỹ thực hiện các phi vụ trên không phận quốc tế.

Tin mới nhất liên quan đến mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc quanh chuyện máy bay Mỹ tuần tra trên Biển Đông là Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa tố cáo các hoạt động của Mỹ là “nguy hiểm và vô trách nhiệm”.

Trong thực tế, Trung Quốc không chỉ hành xử như thế đối với máy bay Mỹ. Hôm 7/5, Phó Đô đốc Alexender Lobez, chỉ huy trưởng khu vực phía Tây Philippines, từng báo cáo với Thượng Viện Philippines rằng, trong vòng ba tháng, Trung Quốc đã 6 lần sách nhiễu các máy bay của không quân Philippines. Tuy những máy bay này đang thực hiện các phi vụ trong không phận quốc tế nhưng Trung Quốc đã phát cảnh báo qua liên lạc vô tuyến rằng, phi công Không quân Philippines “xâm nhập khu vực liên quan đến an ninh, quốc phòng của Trung Quốc”. Phó Đô đốc Lobez nhận định, Trung Quốc đang thăm dò phản ứng của Philippines để công bố vùng nhận dạng phòng không-ADIZ tại Biển Đông.

Đã có nhiều chuyên gia an ninh-quốc phòng trên thế giới từng cảnh báo như thế kể từ khi Trung Quốc tiến hành bồi đắp các bãi đá ở Biển Đông thành đảo nhân tạo rồi biến các đảo nhân tạo này thành một chuỗi căn cứ quân sự.

Richard Heydarian, một chuyên gia về an ninh-quốc phòng, nhận định, trước đây, Trung Quốc chỉ có thể điều động các chiến hạm để xâm nhập Biển Đông. Bây giờ chuỗi đảo nhân tạo tại Biển Đông sẽ giúp Không quân Trung Quốc khống chế phía trên Biển Đông. Nếu Trung Quốc thiết lập ADIZ tại Biển Đông và gia tăng các cuộc tuần tra cả trên biển lẫn trên không, các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông sẽ bị đẩy khỏi khu vực này vì đường tiếp liệu cho các hòn đảo mà họ kiểm soát bị cắt.

Cũng vì vậy, Mỹ đang thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn Trung Quốc làm điều đó. Trong đó có kế hoạch điều máy bay và chiến hạm đến tuần tra tại khu vực mà Trung Quốc vừa thiết lập một chuỗi căn cứ quân sự mà người ta tin là nhằm khống chế Biển Đông.

Một số chuyên gia lo ngại sẽ có xung đột tại Biển Đông. Tại cuộc Triển lãm và Hội nghị Phòng vệ biển lần thứ 10, vừa diễn ra ở Singapore, trò chuyện với lãnh đạo hải quân của 23 quốc gia, Ng Eng Hen, Bộ trưởng Quốc Phòng Singapore, cảnh báo, xung đột tại Biển Đông sẽ làm gián đoạn các tuyến hàng hải trong khu vực, gây nguy hại cho cả Singapore lẫn kinh tế toàn cầu.

Ngày 22/5, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ trích Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền tại các quần đảo tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp như xúc tiến cải tạo đất quy mô lớn, bất chấp sự phản đối quốc tế.

Phát biểu tại lễ tốt nghiệp của Học viện Hải quân tại Maryland, ông Biden nêu rõ: "Chúng tôi ủng hộ một cách không do dự cho giải pháp công bằng và hòa bình với những tranh chấp cũng như cho quyền tự do hàng hải. Ngày nay những nguyên tắc này đang bị thử thách trước các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông".

Hình ảnh ấn tượng

Điểm báo: Nga quyết không cho Ukraina “xù nợ”

Một em nhỏ di dân người Rohingya, vừa đến Indonesia bằng thuyền, khóc khi một tình nguyện viên cắt tóc cho em bên trong một khu trú ẩn tạm thời cho người tị nạn ở tỉnh Aceh của Indonesia.

G.K

Năng lượng Mới