Trung Quốc với bài toán độc lập năng lượng

07:00 | 14/11/2012

3,855 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trung Quốc hiện là quốc gia sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới, đáp ứng được 90% nhu cầu năng lượng mà họ tiêu thụ, nhưng để có thể tự cung cấp được các nhu cầu năng lượng, nước này còn rất nhiều vấn đề quan trọng cần được giải quyết.

 

Năm 2011, sản lượng năng lượng của Trung Quốc đạt 3,18 tỷ tấn than đá tiêu chuẩn, đứng đầu thế giới, trong đó sản lượng than thô là 3,52 tỷ tấn, dầu thô 200 triệu tấn và các sản phẩm xăng dầu là 270 triệu tấn.  

Từ năm 1981 đến năm 2011, mức tiêu thụ năng lượng của nước này đã tăng 5,82%/năm khi tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 10%. Trong khi đó, từ năm 2006 đến năm 2011, tiêu thụ năng lượng đã giảm 20,7%, tiết kiệm được số năng lượng tương đương với 710 triệu tấn than đá tiêu chuẩn. Theo quan điểm của Trung Quốc, những thành tựu trên đang đóng góp lớn cho sự tăng trưởng kinh tế quốc gia lâu dài, vững chắc, nhanh chóng và cải thiện mức sống.

Nhưng để có thể trở thành một quốc gia có thể tự cung cấp được các nhu cầu năng lượng, Trung Quốc đang phải khắc phục nhiều thách thức. Thứ nhất là tỷ lệ tài nguyên năng lượng trên đầu người của Trung Quốc là thấp so với tiêu chuẩn toàn cầu, bất chấp sự phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Ví dụ như tỷ lệ than đá, xăng dầu và khí đốt tự nhiên của Trung Quốc chỉ đạt 67%, 5,4% và 7,5% mức trung bình của thế giới. Thứ hai là Trung Quốc cũng đang đứng ở mức thấp về hiệu quả sử dụng năng lượng. Năng lượng tiêu thụ cho mỗi đơn vị GDP cao hơn nhiều so với các nước phát triển và một số nước mới công nghiệp hóa. Phần tiêu thụ năng lượng của các ngành công nghiệp thứ cấp, nhất là các ngành công nghiệp cần nhiều năng lượng, là quá cao trong tổng nhu cầu năng lượng của Trung Quốc.

Để đối phó với những thách thức này, Sách Trắng khuyến nghị Trung Quốc tăng cường việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ năng lượng; khuyến khích phát triển hơn nữa công nghệ thiết bị năng lượng; bắt đầu các dự án công nghệ lớn; và đưa ra sự đổi mới tốt hơn đối với công nghệ năng lượng. Chính phủ Trung Quốc cho biết họ đã thực hiện một loạt các cải tạo tiết kiệm năng lượng, chẳng hạn như nồi hơi, máy móc điện, các tòa nhà và lắp đặt các sản phẩm chiếu sáng "xanh", như một phần trong những nỗ lực để đáp ứng nhu cầu gia tăng của quốc gia đông dân nhất thế giới. Trung Quốc đang tìm cách thúc đẩy phát triển năng lượng ở nông thôn, nơi thường bị thiếu hụt năng lượng. Trong ba năm tới, Trung Quốc đặt mục tiêu tạo ra 200 "địa phương năng lượng xanh" và 1.000 thôn làng có điện Mặt trời.

Liên quan đến việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, trong năm 2011, sản lượng thủy điện truyền thống của Trung Quốc đạt 230 triệu kWh, cao nhất thế giới. Trung Quốc cũng đứng đầu thế giới về ngành điện gió, với sản lượng 47 triệu kWh, trong khi sản lượng điện Mặt Trời đạt được mức tăng trưởng nhanh chóng, với 3 triệu kWh.

Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh việc sử dụng khí đốt sinh học, năng lượng địa nhiệt, năng lượng thủy triều và các hình thức khác của điện sạch. Cho đến nay, các nguồn năng lượng phi hóa thạch chiếm 8% mức tiêu thụ năng lượng tổng cộng của Trung Quốc, tương đương với việc giảm được 600 triệu tấn khí thải CO2/năm. Nhưng chính phủ Trung Quốc thừa nhận rằng "trong thời gian dài tới, năng lượng hóa thạch sẽ tiếp tục chi phối thành phần tiêu thụ năng lượng, là một thách thức ngày càng tăng đối với việc bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Trung Quốc đang rất cần một thành phần năng lượng thân thiện với môi trường hơn".

Trung Quốc đang đặt mục tiêu tăng sản lượng năng lượng tái tạo lên 11,4% vào năm 2015, giảm lượng năng lượng tiêu thụ trên đơn vị GDP 16% và lượng khí thải các bon 17% so với mức năm 2010. Chính phủ Trung Quốc cũng cam kết đến năm 2020, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 15% mức sử dụng năng lượng của họ, trong khi lượng khí thải trên một đơn vị GDP sẽ giảm 40-45% so với mức năm 2005, trong bối cảnh tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa sẽ tiếp tục tăng, nhu cầu năng lượng cũng sẽ tăng và do vậy nguồn cung năng lượng sẽ đối diện với những thách thức ngày càng khó khăn hơn. 

Nh.Thạch (Theo Oil price)