Tranh giành đất hiếm giữa EU và Trung Quốc ở Greenland

17:40 | 07/08/2012

1,350 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ủy viên phụ trách công nghiệp của EU, Antonio Tajani, cảnh báo: “Đảo Greenland đã trở thành một thiên đường mới với các mỏ đất hiếm trữ lượng lớn cho các ngành công nghệ mũi nhọn, song người Trung Quốc đang nhanh chân hơn EU trong cuộc đua giành các hợp đồng khai thác nguồn tài nguyên này”.

 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jose Manuel Barroso (phải) và Thủ tướng Greenland, Kuupik Kleist. EU muốn mở rộng hợp tác và khai thác khoáng sản trên hòn đảo lớn nhất thế giới

Là một tỉnh của Đan Mạch, từ năm 2009 đảo Greenland hưởng quyền tự trị nhiều hơn và một điều luật kiểm soát các nguồn tài nguyên. Trong lòng đất Greenland chứa 9 trên 14 loại đất hiếm được đánh giá quan trọng hàng đầu cho lĩnh vực công nghệ mới. Các công ty của EU đang phải nhập khẩu 100% nhu cầu đối với 14/17 loại thành tố có trong đất hiếm, gồm: Antimoine, Beryllium, Boron, Cobalt, Indium, Molybdenum, Niobium, Platinium, Rhenium, Tantalum, Tellurium, Titanium, Vanadium và một nhóm các Scandium 21Sc, Yttrium 39Y và 15 loại Lanthanide. Các loại chất này rất cần cho các ngành chế tạo bóng đèn LED, hệ thống xe hơi điện, điện thoại di động thông minh và phong điện.  

Ủy ban châu Âu đang theo dõi sát hồ sơ đất hiếm trên. Ngày 16/6, Ủy viên Tajani đã đến thăm Greenland để ký kết một thỏa thuận khai thác dành cho các công ty EU. Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Pháp AFP, ông Tajani nhấn mạnh: “Chủ tịch Trung Quốc (Hồ Cẩm Đào) đến đây vào ngày hôm sau. Người Trung Quốc đang làm việc tại đây. Họ đã mua một công ty của Anh và đã gửi 20.000 thợ mỏ Trung Quốc đến đây”. Trong khi đó, các công ty châu Âu mới trong quá trình đàm phán. Theo ông Tajani, “các thỏa thuận ký vào tháng 6 sẽ được các chính phủ châu Âu xem xét vào tháng 9”.

Các công ty châu Âu cam kết “trả cho đảo Greenland 35% những gì khai thác được”. Các cố vấn của Ủy viên Tajani giải thích: “Việc khai thác đất hiếm dự kiến chỉ ở những địa điểm ven biển. Người dân ở đây rất lo ngại về vấn đề bảo vệ môi trường và chính vì lý do này mà họ rất quan tâm đến cách thức khai thác của các công ty châu Âu. Trong khi đó, đảo Greenlend đang trải qua một cuộc khủng hoảng và rất cần tiền. Chúng tôi đang trong cuộc chiến đất hiếm với người Trung Quốc”. Cuộc tranh chấp này sẽ được nêu ra với các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhân dịp diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc lần thứ 15 vào ngày 20/9 tới tại Bruxelles. 

Greenland rất giàu tài nguyên đất hiếm nên là nơi tranh giành dữ dội giữa EU và Trung Quốc

 EU hiện phụ thuộc hoàn toàn vào việc nhập khẩu 14 trên tổng số 17 khoảng sản trong đất hiếm, và đang làm việc chặt chẽ với Mỹ và Nhật Bản trong chương trình nghiên cứu về đất hiếm. Trong khi đó, Trung Quốc đang chiếm thế gần như độc quyền về xuất khẩu đất hiếm do chi phối 1/3 trữ lượng có thể khai thác (35%) của thế giới và 97% thị trường các kim loại hiếm như Cérium hay Lithium. Các cố vấn của Ủy viên Tajani nhấn mạnh: “Tại thị trường chứng khoán Luân Đôn, cổ phiếu đất hiếm luôn có giá cao nhất”.  

Cùng với Mỹ và Nhật Bản, EU đã chỉ trích chính sách của Trung Quốc thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) do Bắc Kinh duy trì chính sách áp đặt hạn ngạch đối với việc xuất khẩu nguồn tài nguyên này”. Bên cạnh đó, EU đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung và cân nhắc các phương án tái chế để sử dụng.  

 EU đã ký kết các thỏa thuận với Liên minh châu Phi (AU), Chile, Argentina, Urugoay và thời gian tới sẽ đàm phán với Mexico và Colombia. Ủy viên Tajani cũng nhấn mạnh: “EU cũng có một số thế mạnh. Công tác nghiên cứu sẽ cho phép tìm ra các chất thay thế các kim loại quý hiếm trên và một sự hợp tác tích cực đã được thực hiện với Mỹ và Nhật Bản. Việc tái chế là một hướng khác. Một năm, mỗi công dân châu Âu thải ra 17 kg rác thải gồm các máy điện tử và gia dụng. Đó là một mỏ tài nguyên tại đô thị”.  

EU cũng có thể khai thác các nguồn tài nguyên của riêng mình và giá trị các mỏ đó ước tính trị giá 100 tỷ euro. Pháp giàu tài nguyên Antimoine, Beryllium và Tungstène. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng có các trữ lượng lớn đất hiếm trên. Ủy viên Tajani nhấn mạnh: “Chúng tôi cần phải thoát ra khỏi ngõ cụt để có sự độc lập sử dụng đất hiếm. Điều này đang chờ đợi các quyết định tại cuộc họp Hội đồng các bộ trưởng công nghiệp châu Âu bắt đầu vào tháng 10 tới”.  

Th.Long (Theo Maghrebia)