Pakistan-mắt xích yếu trong kế hoạch năng lượng của Trung Quốc

00:27 | 27/08/2012

1,017 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Làn sóng bạo lực giáo phái gia tăng trong thời gian gần đây tại các khu vực biên giới mang tính chất chiến lược ở Pakistan có thể là một phần trong một kế hoạch lớn hơn nhằm giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

 

 

Tình hình bạo lực ở Gilgit-Baltistan, Pakistan, có thể phá hỏng các hoạt động của Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh năng lượng

Báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (HongKong) số ra mới đây đăng bài viết của ông Syed Fazl-e-Haider, một chuyên gia phát triển và là một nhà văn nổi tiếng của Pakistan, cho rằng bạo lực có vẻ như nhằm mục đích làm thất bại những nỗ lực hoàn thành dự án đường ống dẫn khí đốt Iran - Pakistan cũng như kế hoạch đã được đề xuất về việc mở rộng dự án này tới Trung Quốc. 

Baluchistan, một tỉnh ở Tây Nam Pakistan, đã chứng kiến một làn sóng những vụ án mạng đối với người Hazara thuộc dòng Hồi giáo Shiite trong thời gian gần đây. Tình trạng này xảy ra trong bối cảnh Islamabad đã xúc tiến những nỗ lực hoàn thành dự án đường ống dẫn khí đốt trị giá 7,5 tỷ USD, một dự án vấp phải sự phản đối dữ dội của Mỹ, do Washington đang tiến hành các động thái cô lập Iran vì những tham vọng hạt nhân của Tehran.

Baluchistan được xem như là một phần trong tuyến đường dẫn khí đốt Iran - Pakistan, một dự án được lên kế hoạch từ năm 1993 nhằm cung cấp khí đốt của Iran tới Ấn Độ qua Pakistan. Tuy vậy, năm 2009 Ấn Độ đã rút khỏi dự án này do chịu sức ép của Mỹ. Trung Quốc đã chọn cách tham gia dự án này như một phần trong kế hoạch an ninh năng lượng của họ. Khi Bắc Kinh tham gia dự án này, tuyến đường dẫn khí đốt sẽ dẫn khí đốt từ mỏ khí South Pars của Iran qua Baluchistan tới miền Tây Trung Quốc, song song với tuyến quốc lộ Karakoram – một tuyến đường nối khu vực Gilgit-Baltistan ở miền Bắc Pakistan với khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc.

Trung Quốc không những là nước xây dựng cảng Gwadar ở Baluchistan, mà còn là nhà đầu tư lớn nhất ở thành phố này. Trung Quốc cũng đang gia tăng đầu tư nhanh chóng ở Gilgit-Baltistan trong 5 năm qua. Một bến cảng Gwadar khi đi vào hoạt động đầy đủ sẽ cung cấp cho Trung Quốc một cơ sở cung cấp dầu mỏ trên đất liền đầy đảm bảo.

Trung Quốc cần một lối đi an toàn qua Pakistan nhằm duy trì sự liên kết kinh tế và chiến lược với khu vực Nam Á. Sự tham gia của Trung Quốc vào dự án đường ống dẫn khí đốt nói trên sẽ tạo ra một mắt xích năng lượng mới trên bộ có thể bổ sung vào chiến lược đa dạng hóa năng lượng của Trung Quốc. Tuy vậy, sự can dự ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Baluchistan và Gilgit-Baltistan đã gây ra sự lo ngại ở các trung tâm quyền lực khu vực và toàn cầu, trong đó có Washington và New Delhi. 

Một giáo phái của người Hồi giáo dòng Sunni là Lashkar-e-Jhangvi, đã tuyên bố nhận trách nhiệm về những vụ tấn công mang tính chất giáo phái ở Baluchistan. Giáo phái Lashkar-e-Jhangvi được cho là có các mối quan hệ gần gũi với nhóm du kích Jundallah chiến đấu đòi các quyền của người Hồi giáo dòng Sunni ở Baluchistan. Iran tuyên bố Mỹ đang ủng hộ Jundanllah và cũng cáo buộc New Delhi tiếp tay cho làn sóng bạo lực ở Baluchistan thông qua các căn cứ của họ ở nước làng giềng Afghanistan. 

Baluchistan và Gilgit-Baltistan là hai khu vực chủ chốt trong kế hoạch của Trung Quốc tạo ra một hành lang vận tải và thương mại bằng cách thiết lập những tuyến đường và mạng lưới đường sắt mới. Một khu vực Baluchistan bất ổn khiến cho triển vọng của việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt nói trên bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, những căng thẳng giáo phái đã lan khắp Gilgit-Baltistan sau khi xảy ra các vụ bạo động giữa người Shiite với người Sunni hồi tháng 4 vừa qua, khiến hàng chục người thiệt mạng. Tình trạng này đã khiến chính quyền phải áp đặt lệnh giới nghiêm ở khu vực này. Nói tóm lại, theo chuyên gia Syed Fazl-e-Haider, khu vực bất ổn này có thể phá hỏng các hoạt động của Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh năng lượng.    

Nh.Thạch

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps