Nigeria chấn chỉnh ngành dầu mỏ

23:57 | 26/08/2012

1,349 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong nỗ lực chấn chỉnh ngành công nghiệp dầu mỏ lớn nhất châu Phi, Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan đã chuyển một dự luật mới lên Quốc hội với những nội dung chính tập trung vào thuế, tiền thuê mỏ, quỹ dành cho các cộng đồng nơi có hoạt động khai thác và cơ cấu lại công ty dầu mỏ nhà nước.

 

Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan

Dự luật trên đưa ra các quy định tài chính mới cho ngành dầu mỏ và việc tái cơ cấu công ty dầu mỏ nhà nước bên cạnh các biện pháp khác. Những đề xuất trong dự luật dài 223 trang này là rất cần thiết đối với quốc gia thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) này. Nigeria là nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ, hiện đóng góp trên 80% nguồn thu cho đất nước, và là nơi các tập đoàn lớn như Shell, Exxon và Total tham gia khai thác dầu thô để xuất khẩu.

Theo dự luật, Công ty xăng dầu quốc gia (NNPC), vốn được nhiều người biết đến về tình trạng tham nhũng, sẽ được tổ chức lại. Công ty quản lý tài sản xăng dầu quốc gia sẽ có quyền lợi trong các liên doanh giữa NNPC và các công ty dầu mỏ quốc tế. Công ty dầu mỏ nhà nước (NOC) và Công ty khí đốt nhà nước (NGC) sẽ được thành lập. NOC sẽ phát hành tới 30% cổ phần trong vòng 6 năm tại Sàn giao dịch chứng khoán Nigeria, còn NGC sẽ phát hành 49% cổ phần trong thời gian tương tự cũng tại sàn giao dịch này.

Dự luật đề xuất mức thuế lợi nhuận 25% đối với hoạt động khai thác ngoài khơi và 50% đối với hoạt động khai thác trên bờ, so với các mức hiện nay là 50% và 85% cũng như việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp 30%. Về các khoản thuê mỏ, mức thuê mới không được đưa ra trong dự luật, cho phép Bộ trưởng Dầu mỏ quyền điều chỉnh khi cần, dựa trên sản lượng và giá dầu. Tiền thuê mỏ hiện nay đối với hoạt động khai thác ngoài khơi dựa trên thang đối chiếu độ sâu, trong khi mức thuê mỏ trên bờ là 20%. Bên cạnh đó, các công ty cũng sẽ phải đóng 10% lợi nhuận ròng vào một quỹ nhằm mang lại lợi ích cho các khu vực có hoạt động khai thác dầu.

Các công ty dầu mỏ phàn nàn rằng gánh nặng tài chính sẽ quá lớn đối với họ. Các tập đoàn lớn cho rằng các quy định mới là quá khắc nghiệt, các quyền được trao cho Bộ trưởng Tài chính đang gây lo ngại và có thể xảy ra sự bất đồng về tài chính xung quanh quỹ cho các khu vực có hoạt động sản xuất dầu mỏ. Vì thế, khó khăn cho Chính phủ Nigeria là phải đảm bảo dòng chảy đầu tư và giữ vững nguồn thu.

Theo ông Kayode Akindele thuộc hãng đầu tư 46 Parallels, dự luật có thể được thông qua trước cuối năm nay. Ông cho rằng việc thông qua dự luật là cần thiết khi tình hình hiện nay đã khác so với 4-5 năm qua, song vẫn còn một số vấn đề cần được giải quyết. Ông nói 10-15 năm trước, Nigeria có thể trì hoãn bởi vì khi đó sự cạnh tranh chưa được đặt ra, còn nay một số nước châu Phi cũng đã tiến hành khai thác dầu mỏ. 

Nếu dự luật  chấn chỉnh ngành dầu mỏ của Nigeria được thông qua, đầu tư mới sẽ bị cản trở bởi thuế và tiền thuê mỏ quá cao

Trở lại năm 2008, nhiều hạn chót mà Chính phủ Nigeria đặt ra cho những cải cách trong ngành dầu mỏ đã được thông qua mà không được thực hiện, gây ra tình trạng không chắc chắn, hạn chế các khoản đầu tư mới và đe dọa làm giảm sản lượng trong tương lai. Nước này hiện đã bắt tay trở lại vào những nỗ lực cải cách đang dở dang và có lý do để tin rằng trong thời điểm này những cải cách sẽ thành công, dù có nhiều trở ngại có thể khiến kế hoạch này lại đi chệch hướng.

Bạo động ở khu vực sản xuất dầu mỏ Niger Delta đã lắng xuống sau lệnh ân xá năm 2009, điều đã giúp sản lượng đạt trở lại trên 2 triệu thùng mỗi ngày. Cuộc nổi dậy gây thương vong của quân Hồi giáo Boko Haram ở các khu vực miền trung và miền bắc cũng không còn ảnh hưởng tới sản xuất dầu mỏ. Tuy nhiên, người Nigeria đã quá ngán ngẩm với tình trạng ô nhiễm dầu mỏ và nạn tham nhũng trong ngành khai thác dầu mỏ.

Bản dự thảo luật mới được đưa ra một phần là vì các cuộc biểu tình hồi tháng 1/2012 mà bề ngoài là về vấn đề giá xăng dầu nhưng thực chất đã lôi cuốn hàng chục nghìn người xuống đường để thể hiện sự giận dữ của họ đối với nhiều vấn đề. Trước sự giận dữ của dân chúng, Chính phủ Nigeria đã cam kết tiếp tục tiến hành các cải cách từ lâu đã bị trì hoãn. Tuy nhiên, các nhà hoạt động xã hội cho rằng dự luật hiện nay gần như là chưa chú ý đúng mức tới sự thiếu minh bạch trong ngành dầu mỏ.

Dự kiến, Quốc hội Nigeria sẽ có các phiên họp trong những tháng tới. Theo một quan chức ngành dầu mỏ, nếu dự luật được thông qua, đầu tư mới sẽ bị cản trở bởi thuế và tiền thuê mỏ quá cao. Ông cho rằng dự luật này sẽ không đạt được mục tiêu là khơi dòng đầu tư ở nước này, tăng sản lượng và tăng nguồn thu của đất nước. Trong khi đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Diezani Alison-Madueke gần đây nói dự luật đảm bảo lợi ích đến mức cao nhất cho cả Chính phủ Nigeria, nền kinh tế đất nước và người dân cũng như những những thành phần khác và các nhà đầu tư tiềm năng trong ngành dầu khí.

Th.Long (Theo Jeunes Afrique)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps