Khí đá phiến sét đang "chia rẽ" châu Âu

10:06 | 18/09/2012

1,482 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chính phủ Czech đã ban hành lệnh cấm tạm thời đối với các dự án thăm dò nghiên cứu khí đá phiến sét do lo ngại về thiệt hại gây ra với môi trường. Đây cũng vấn đề gây phân hóa chia rẽ trong quan điểm của các nước châu Âu về phát triển loại khí đốt này.

Nhiều năm qua, Liên minh châu Âu (EU) luôn đau đầu với bài toán làm thế nào để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Để giải bài toán này, EU đã tính đến phương án sử dụng đường ống dẫn khí đốt Nabucco và đa dạng hóa nguồn cung khí đốt từ Turkmenistan, Na Uy và thậm chí là nhập khẩu cả khí đốt từ Mỹ.

Tuy nhiên, theo ông Konstantin Simonov ở Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga, tất cả những phương án trên đều không thực tế.

“Phương án duy nhất còn có vẻ thực tế trong giai đoạn từ nay đến cuối thập kỷ này là nhập khẩu 10 tỷ m3 khí/năm từ giai đoạn 2 của dự án mỏ khí đốt Shah Deniz ở Azerbaijan. Nhưng phương án cũng này cũng không bền vững. Lượng khí đốt không tăng lên, kể cả từ Iran hay Iraq. Trong khi đó, lượng khí đốt Qatar cung cấp được đã là tối đa và triển vọng trông cậy vào khí đốt từ Mỹ có vẻ mơ hồ”, ông Simonov nhận xét.

Không giống như ở Hoa Kỳ, ở châu Âu khó có khả năng bắt đầu khai thác công nghiệp với khí đá phiến sét

Do đó, theo người đứng đầu Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga, một trong những phương án là nghiên cứu phát triển khí đá phiến sét. Châu Âu thực lòng tin vào triển vọng tương lai của những dự án như vậy và xúc tiến quảng bá cổ vũ một cách đẹp đẽ cho các nghiên cứu theo hướng này. Tuy nhiên, nếu có cái nhìn tổng thể và hợp lý vào sự vật thì sẽ thấy tình hình đối với người châu Âu hiện giờ không phải toàn những thành tựu rực rỡ . Luận cứ “chống” nhiều gấp mấy lần so với “ủng hộ”.

“Sinh thái chỉ là một trong những luận điểm của phái “chống”, nhưng rất quan trọng. Bởi sinh thái là vấn đề mà châu Âu quan tâm nhất. Trong khi đó khí đá phiến sét là mối đe dọa thực sự cho môi trường, vì sử dụng nước với hóa chất. Những thành tố này thấm vào đất, vào nguồn nước uống của các thành phố, tuy nhiên như vậy còn chưa phải là tất cả. Đối với việc khai thác loại khí đốt này, cần liên tục khoan theo chiều ngang, không ngừng khoan trên diện tích rất lớn, mà ở châu Âu không còn vùng thông thoáng nào nữa. Đó là vấn đề rất nghiêm trọng”, ông Simonov cho biết.

“Tuy nhiên, trong một vài năm tới, không giống như ở Hoa Kỳ, ở châu Âu khó có khả năng bắt đầu khai thác công nghiệp với khí đá phiến sét” - ông Konstantin Simonov dự đoán.

Ông cũng dẫn chứng việc Tập đoàn ExonMobil (Mỹ) trong năm nay tuyên bố rằng ở Ba Lan không đủ điều kiện thương mại dành cho sản xuất khí đá phiến sét và đã đóng cửa toàn bộ các dự án Ba Lan. Thêm vào đó, ngày càng nhiều quốc gia cấm khai thác khí đá phiến sét trên địa bàn nước họ như ở Pháp, Bỉ. Còn ở Czech, chính phủ đã ban hành lệnh cấm tạm thời.

Đồng ý kiến với ông Simonov, ông Vladimir Feigin - Chủ tịch Viện Năng lượng và Tài chính ở Moskva cũng nhận thấy “tình hình với khí đá phiến sét ở châu Âu khá mâu thuẫn”.

 “Bản thân công nghệ này cũng như sự hiểu biết để phân định, những dự trữ nào có triển vọng, những dự trữ nào không có tương lai, tất cả đều vẫn ở giai đoạn khởi phát. Vì vậy, khi nói về các nguồn dự trữ khí đá phiến sét, có rất ít những con số đủ cơ sở hợp lý. Chúng chỉ trở nên có giá trị khi bắt đầu khai thác, khi thấy rõ rằng những công nghệ hiện có đang hoạt động hiệu quả, dòng sản phẩm có năng suất cao,... Hiện thời những kinh nghiệm như vậy ở bên ngoài nước Mỹ còn hoàn toàn ít ỏi”, ông Feigin cho biết.

Theo quan điểm của các chuyên gia châu Âu, trong vòng 15 năm tới, khí đá phiến sét còn chưa phải là yếu tố tác động nghiêm túc đến cán cân khai thác khí đốt toàn cầu. Châu Âu sẽ tìm cách giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và cung cấp khí đốt từ Nga nhờ các loại năng lượng tái tạo.

Trong khi đó, về phần mình, Nga đã bắt đầu tích cực chinh phục thị trường khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bởi vai trò toàn cầu của khí đốt sẽ tăng lên chính nhờ vào khu vực này.

Linh Phương (Theo VOR)

 

.