Đằng sau khoản ngân sách quốc phòng kỷ lục của Nhật Bản

07:04 | 01/09/2014

2,461 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dư luận trong và ngoài khu vực tiếp tục bày tỏ sự quan tâm sau khi Bộ Quốc phòng Nhật Bản yêu cầu tăng ngân sách quốc phòng thêm 3,5%, lên mức 5.050 tỷ yen (khoảng 48,7 tỷ USD) cho năm tài khóa 2015. Nếu được phê chuẩn, đây sẽ là đợt tăng ngân sách quốc phòng thứ 3 và có ý nghĩa đặc biệt kể từ khi ông Shinzo Abe làm Thủ tướng. Bởi điều này không những chấm dứt một thập kỷ cắt giảm quốc phòng của Nhật Bản, mà còn khiến một số nước láng giếng, đặc biệt là Trung Quốc “bất an”.

Nhật Bản tuyên bố, phần lớn trong số tiền này được chi cho phát triển tàu ngầm, máy bay chiến đấu và máy bay không người lái hiện đại nhằm đối phó với Trung Quốc. Theo giới quân sự, cho dù ngân sách quốc phòng của Nhật Bản có tăng, nhưng vẫn kém Trung Quốc bởi chi phí quốc phòng của Bắc Kinh lớn gấp 3 lần so với Tokyo - đã tăng 4 lần trong thập niên qua, đạt mức 132 tỷ USD.

Nhật Bản liên tục tăng ngân sách quốc phòng để đối phó với Trung Quốc

Trước đó (28-8), Bộ Quốc phòng đã trình Ủy ban Quốc phòng đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền bản đề án sửa đổi phương châm sử dụng vũ trụ liên quan đến lĩnh vực an ninh. Theo đó, sẽ nghiên cứu thành lập một đơn vị mới nằm trong Bộ Quốc phòng và Lực lượng Phòng vệ có nhiệm vụ giám sát “rác vũ trụ”, cũng như biến động của vũ khí tiêu diệt vệ tinh. Trong tương lai, Lực lượng Phòng vệ sẽ thành lập đơn vị chuyên trách, đồng thời tăng cường hợp tác với Cơ quan nghiên cứu phát triển vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và lực lượng Mỹ đóng tại Nhật Bản.

Cũng trong ngày 28-8, tờ Sankei Shimbun đưa tin, Cục tình báo an ninh công cộng của Nhật Bản (PSIA) có kế hoạch tăng nhân viên và ngân sách để tăng cường công tác thu thập thông tin đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, biển Hoa Đông và Biển Đông.

Hãng Bloomberg (Mỹ) dẫn lời Thiếu tướng về hưu Từ Quang Dự, cố vấn cao cấp của Hiệp hội Kiểm soát và Giải trừ vũ khí Trung Quốc, việc Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và khiêu khích ở biển Hoa Đông là nguyên nhân chủ yếu để Bắc Kinh tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông; và việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông chỉ là vấn đề thời gian. Chuyên gia Andrew Scobell thuộc tổ chức RAND của Mỹ (chuyên nghiên cứu phát triển chính sách) cũng có nhận định tương tự.

Tàu tuần tra của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản

Giới phân tích cho rằng, Bắc Kinh có thể đang thay đổi chiến thuật ở biển Hoa Đông nhằm giảm bớt sự cảnh giác của các nước châu Á hữu quan và làm suy yếu các lực lượng Nhật Bản. Bởi theo hãng Nikkei, tần xuất xuất hiện của tàu hải giám Trung Quốc gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư đã giảm trong 6 tháng đầu năm 2014 xuống khoảng 40 lần, tương đương 6,6 lần mỗi tháng. Tổng số thời gian ở lại khu vực cũng giảm từ mức hơn 4 giờ xuống khoảng 2-3 giờ.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng yêu cầu tránh đối đầu (khác hẳn với năm ngoái), khi tàu Trung Quốc luôn tìm cách bắt giữ tàu đánh cá và chặn đường các cuộc tuần tra của Nhật Bản. Được biết, nhiều máy bay Nhật Bản đã đi vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) do Trung Quốc thiết lập trên biển Hoa Đông, trong đó có chiến đấu cơ F-15, nhưng Bắc Kinh không làm căng.

Ngày 23-8, tờ Yomiuri Shimbun cho biết, Bộ Ngoại giao Nhật Bản sẽ tăng thêm lãnh sự quán tại 15 quốc gia ở châu Phi và Trung Á vào năm 2015 và đây là một trong những hoạt động để triển khai “chiến tranh tuyên truyền” cạnh tranh với Trung Quốc và Hàn Quốc. Điều này cho thấy, trong khi Trung Quốc thay đổi chiến thuật trên biển Hoa Đông, Nhật Bản cũng chủ động kết giao với các đối tác kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Trước đó (21-8), trang tin Nikkan-Spa (Nhật Bản) đưa tin, quân đội Trung Quốc được cho là đã thiết lập một lực lượng “binh sĩ internet” hùng hậu (ít nhất 10.000 chuyên viên và 8 triệu “dân quân internet” cùng hàng trăm nhân viên IT) chuyên tấn công hệ thống máy tính của chính quyền Nhật Bản.

Đội quân internet này có một nhóm đồn trú tại thành phố Thanh Đảo với mã số 61419, chuyên tấn công mạng nhằm vào Nhật Bản. Nhiều người cho rằng, sự thay đổi này liên quan tới những căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông - Bắc Kinh không muốn lưỡng đầu thọ địch.

Nhật Bản tăng cường sức mạnh quân sự

Tạp chí Ships of the World từng dẫn lời cựu chỉ huy hạm đội thuộc Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản, Phó đô đốc Yoji Koda cho rằng, lực lượng đặc nhiệm Nhật Bản có trình độ cao hơn Mỹ trong việc thực hiện các hoạt động tấn công đổ bộ chống lại Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Được biết, tại khu vực quần đảo tranh chấp với Trung Quốc, lực lượng người nhái Nhật Bản đã được triển khai và có thể tấn công chớp nhoáng dưới sự hỗ trợ của tàu ngầm và tàu đổ bộ.

Tờ Press Trust of India đưa tin, quân đội Trung Quốc vừa rút ra một số bài học cay đắng trong các cuộc tập trận gần đây, nơi các đơn vị chủ lực tham gia tập trận đã thua 6/7 trận trước đối thủ.

Hãng Reuters từng dẫn thông báo của Nhà Trắng cho biết, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (31-7) và hoan nghênh Tokyo dỡ bỏ lệnh cấm liên quan đến quyền phòng vệ tập thể, cho phép quân đội nước này tham chiến ở nước ngoài.

Được biết, Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng 10 tàu sân bay nội địa và Bắc Kinh nuôi tham vọng về một lực lượng hải quân mạnh mẽ và hùng hậu hơn so với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Giới phân tích cho rằng, tuy hải quân Nhật Bản có thể chiếm ưu thế về chất lượng so với hải quân Trung Quốc, nhưng việc này có thể thay đổi trong thời gian tới.

Binh sĩ Nhật trên một chiếc xe quân sự đa năng có tính cơ động cao

Phó giáo sư Toshi Yoshihara, đến từ Học viện quân sự hải quân Mỹ cho rằng, tuy về tính tiên tiến công nghệ và kinh nghiệm, hải quân Nhật Bản hiện chiếm ưu thế, nhưng Trung Quốc đang nhanh chóng đuổi kịp - về phương diện chế tạo vũ khí, Trung Quốc đang vượt qua Nhật Bản và Tokyo gặp phiền phức trên phương diện đuổi theo tốc độ sản xuất của Bắc Kinh. Phó giáo sư Lyle J Goldstein thuộc Viện nghiên cứu vận tải biển Trung Quốc của Học viện quân sự hải quân Mỹ cho rằng, quân đội 2 nước hiện đang ở thế ngang nhau, nhưng trong vài năm tới, Trung Quốc có thể vượt Nhật Bản.

Theo hãng Kyodo (dẫn nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản tiết lộ), Bộ Quốc phòng đã gác lại kế hoạch di chuyển máy bay vận tải Osprey do quân đội Mỹ triển khai ở sân bay Futenma, tỉnh Okinawa tới sân bay Saga. Việc này không ảnh hưởng tới kế hoạch mua 17 máy bay vận tải Osprey trước năm 2018, triển khai ở sân bay Saga nhằm tăng cường khả năng ứng phó tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye từng hối thúc Thị trưởng Tokyo Yoichi Masuzoe hợp tác để tạo dựng quan hệ ổn định giữa hai nước. Đó là cuộc gặp đầu tiên của bà Park Geun-hye với một chính trị gia Nhật Bản kể từ sau hội nghị thượng đỉnh 3 bên với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 3 ở Hà Lan.

Ngày 20-8, tân Đại sứ Hàn Quốc tại Nhật Bản, ông Yoo Heung-soo tuyên bố, đã sẵn sàng cải thiện mối quan hệ căng thẳng giữa Seoul với Tokyo. Hãng Kyodo cho biết, hơn 84% số người được hỏi tin rằng, Tokyo chưa giải thích đầy đủ quyết định cho phép Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể. 

Ngày 24-8, hãng NHK cho biết, sáng 24-8, tại khu vực quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, 4 tàu hải cảnh của Trung Quốc đã xâm nhập khu vực được cho là lãnh hải của Nhật Bản. Từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ 20 tàu hải cảnh Trung Quốc xâm phạm Senkaku/Điếu Ngư.

Trước đó (20-8), tờ Sankei Shimbun đưa tin, Trung Quốc đã điều thêm 4 tàu hải cảnh (2113, 2102, 2146, 2305) xâm nhập sâu vào vùng biển tiếp giáp quần đảo Senkuku/Điếu Ngư. Đây là lần thứ 3 trong tháng 8 và cũng là ngày thứ 12 liên tiếp, tàu Trung Quốc đi vào vùng biển thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ngày 12-8, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết, 3 tàu hải cảnh của Trung Quốc (2101, 2112 và 2151) tiếp tục đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Đông Ngàn - Phù Lưu