Cuộc chiến giành Bắc Cực mở màn

08:52 | 17/12/2014

2,311 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 15/12, Đan Mạch là quốc gia đầu tiên đã đệ đơn lên Liên Hiệp Quốc đăng ký chủ quyền với một phần vùng Bắc Cực, trước Nga và Canada. Tuyên bố này đã chính thức hóa việc tranh giành vùng cực bắc của trái đất, chứa nhiều tài nguyên và khoáng sản, giữa Nga, Canada, Na Uy, Mỹ và cả Trung Quốc.

Cuộc chiến giành Bắc Cực mở màn

Biên đội tàu chiến Nga hành trình lên Bắc Cực

Bắc Cực bắt đầu nóng lên

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Martin Lidegor, dữ liệu khoa học cho thấy rằng thềm lục địa của Greenland (lãnh thổ tự trị của Đan Mạch) được kết nối trực tiếp với các cấu trúc ở dưới đáy Bắc Băng Dương, và điều đó cho phép nước này xác định chủ quyền với 900.000 km2 về phía bắc của bờ biển Greenland.

Vùng chủ quyền mà Đan Mạch muốn xác nhận tại Bắc Cực với diện tích lớn gấp 21 lần so với diện tích của bản thân đất nước. Đây là lần đầu tiên trong thực tế cuộc tranh chấp vì lãnh thổ Bắc Cực, có một nước nêu yêu cầu của mình với cả vùng Cực Bắc. Nga, Canada và Na Uy tuyên bố sở hữu lãnh thổ Bắc Cực.

Đơn yêu cầu của Đan Mạch gửi Ủy ban Liên Hiệp Quốc về phân định thềm lục địa mâu thuẫn với kỳ vọng Bắc Cực của Nga. Moskva xuất phát từ thực tế là sườn núi Lomonosov ngầm dưới nước chính là phần nối tiếp của lục địa Á-Âu. Đan Mạch thì khẳng định rằng sườn núi đó là phần mở rộng của Greenland - mà họ giữ chủ quyền.

Nga đã đăng ký mở rộng ranh giới thềm lục địa Bắc Cực, nghĩa là có quyền ưu tiên thăm dò và khai thác trong năm nay. Tuy nhiên, hồ sơ bị gác lại do chưa đủ thông tin. Nga sẽ sửa bổ sung và nộp hồ sơ mới vào mùa xuân năm 2015. Theo các chuyên gia, Nga rất cẩn trọng trong việc thu thập và lựa chọn bằng chứng cụ thể như vậy.

Ngoài Đan Mạch và Nga muốn mở rộng ranh giới thềm lục địa Bắc Cực của mình, Canada cũng đã gửi sứ đoàn đến Bắc Cực để lập bản đồ đáy biển.

Theo các nhà khoa học, Bắc Cực chứa khoảng 13% dầu chưa phát hiện của thế giới và 30% lượng khí đốt chưa được khám phá.

Các chuyên gia lo ngại rằng giai đoạn phát triển hòa bình Bắc Cực đã kết thúc, và trong tương lai sẽ chỉ gia tăng căng thẳng. Theo luật pháp quốc tế, Bắc Cực và các khu vực lân cận của Bắc Băng Dương không thuộc về bất cứ một quốc gia nào. Tuy nhiên, năm quốc gia - Canada, Đan Mạch, Na Uy, Nga và Mỹ có quyền đến 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế từ các bờ biển của họ. Sau khi phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, các nước thành viên được cấp một khoảng thời gian 10 năm để thực hiện tuyên bố sẽ mở rộng giới hạn của thềm lục địa của nước này vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở.

Cuộc chiến giành Bắc Cực mở màn

Tàu ngầm hạt nhân USS New Hampshire của Mỹ trồi lên lớp băng trong một cuộc tập luyện ở Bắc Cực

Việc xem xét hồ sơ có thể mất đến 15 năm. Có thể xảy ra khả năng là các lập luận của mỗi nước đều được Ủy ban Liên Hiệp Quốc thấy là hợp lý. Và khi đó họ phải cùng nhau giải quyết tranh chấp. Các chuyên viên loại trừ khả năng kịch bản quân sự, tuy nhiên mỗi quốc gia đều cố tăng cường hiện diện của quân đội nước mình tại Bắc Cực.

Ngay từ năm 2009, Canada đã lập những đơn vị hỗn hợp có chức năng tiến hành chiến dịch Bắc Cực. Trong cùng năm, Đan Mạch công bố về việc thành lập ban chỉ huy quân sự Bắc Cực đặc biệt và lực lượng phản ứng nhanh. Mỹ chưa có đội quân Bắc Cực dành riêng, nhưng ở Alaska đã triển khai khoảng 20.000 binh sĩ và cảnh vệ. Trong kế hoạch của Lầu Năm Góc có việc tạo lập căn cứ thường trú ở Bắc Cực và mở rộng lực lượng vùng Cực.

Nga cũng đang chuẩn bị lá chắn để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình ở Bắc Cực. Tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo đến cuối năm nay, đội quân Nga sẽ bố trí trên khắp vùng Bắc Cực - từ Murmansk cho đến Chukotka. Tuyên bố này vang lên như là lời đáp lại tham vọng lãnh thổ của Canada và Mỹ ở vùng thềm lục địa Bắc Cực.

Lữ đoàn vùng Cực của Nga mang tên “Phương Bắc” làm việc ở Bắc Cực từ ngày 1/12 năm nay. Nga cũng đã hình thành Bộ Tư lệnh của nhóm quân mới trên các đảo phương Bắc. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ủy thác thành lập hệ thống thống nhất các căn cứ trên tàu nổi và tàu ngầm ở phần Bắc Cực của Nga. Ông Putin yêu cầu bảo vệ từng tấc đất tấc biển ở thềm lục địa của nước Nga.

Cuộc chiến giành Bắc Cực mở màn

Tàu phá băng lớn nhất của Trung Quốc là Tuyết Long 

Trung Quốc cũng muốn có phần

Như trường hợp Biển Đông, Trung Quốc cũng xây dựng một “lý thuyết”, một cách cưỡng cầu, để biện giải “tính hợp lý” cho cách tiếp cận Bắc Cực. Đại sứ Trung Quốc tại Na Uy, Triệu Vân, nói rằng, khu vực Đông Bắc Trung Quốc kéo dài gần đến 50o vĩ độ Bắc và như thế Trung Quốc đáng gọi là một “quốc gia cận Bắc Cực”! (nếu lập luận tương tự, Đức cũng có thể được xem là quốc gia “cận Bắc Cực”, bởi đảo Sylt của nước này nằm ở 54o vĩ độ Bắc - Der Spiegel 25/1/2013).

Năm 2008, “ngũ cường Bắc Cực” – Canada, Nga, Mỹ, Đan Mạch và Na Uy – ký Bản tuyên bố Ilulissat với nội dung các thành viên Hội đồng Bắc cực phải giải quyết êm thấm mọi tranh chấp chủ quyền cũng như chia sẻ khai thác Bắc cực. Cho rằng Bản tuyên bố Ilulissat là bình phong cho “âm mưu” hất cẳng Trung Quốc, Bắc Kinh đã phản ứng gay gắt. Tháng 3/2010, thượng tướng hải quân Duẫn Trác nói rằng “Bắc cực thuộc về tất cả dân tộc thế giới và chẳng nước nào có thể có chủ quyền với nó cả”.

Trước đó, năm 2009, trợ lý ngoại trưởng Hồ Chính Dược cũng “cảnh báo”, rằng các nước vùng cực nên “bảo đảm một sự cân bằng cho quyền lợi của các quốc gia duyên hải cũng như lợi ích chung của cộng đồng thế giới”. Vận dụng ngôn ngữ UNCLOS (Công ước LHQ về luật biển), Trung Quốc nói rằng Bắc Cực cùng tài nguyên của nó là “di sản chung của tất cả nhân loại”. Tuy nhiên, cần nói thêm, khi lôi Công ước LHQ ra làm “cơ sở” biện giải, Trung Quốc đã tự giăng bẫy chính mình. Theo cách tính UNCLOS (qui định phạm vi lãnh hải mỗi quốc gia được tính 12 dặm kể từ bờ, cộng thêm 200 hải lý thuộc khu vực được phép khai thác kinh tế), Trung Quốc rõ ràng không thể vói tới Bắc Cực! Cho nên, có lần tờ Beijing Review phải gỡ bí bằng cách “nói lại cho rõ”, khi cho rằng tất cả hiệp ước, định chế và luật lệ liên quan tính hợp pháp của việc khai thác Bắc cực, trong đó có UNCLOS, Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) và tất nhiên cả Hội đồng Bắc Cực đều “ngập trong lỗi và cần phải được sửa đổi”.

Cuộc chiến giành Bắc Cực mở màn

Khu vực được 8 thành viên thường trực Hội đồng Bắc Cực phân chia để chịu trách nhiệm quản lý, lâu dần có thể thành phạm vi ảnh hưởng

Trong thực tế, Trung Quốc đã không che giấu nhiều mưu toan khác, ngoài vấn đề thuần túy khai thác kinh tế, khi xem xét tính chiến lược của yếu tố địa chính trị Bắc Cực. Điều đó có thể thấy rõ không phải từ những “suy diễn” bên ngoài mà từ chính những “bộc bạch” bên trong Trung Quốc. Trong một bài viết, nhà nghiên cứu Lý Chấn Phúc thuộc Đại học hàng hải Đại Liên, nói rằng “Bắc Cực có giá trị quân sự đặc biệt, một thực tế hiển nhiên được nhiều nước thừa nhận”, rằng “bất cứ ai kiểm soát được tuyến hàng hải Bắc cực sẽ kiểm soát được tuyến hàng hải mới của kinh tế thế giới và chiến lược quốc tế”.

Năm 2008, đại tá Hàn Húc Đông cũng huỵch toẹt: “Khả năng sử dụng vũ lực là điều không thể loại trừ khỏi Bắc cực, bởi tính phức tạp của các tranh chấp chủ quyền”. Và bởi “khả năng sử dụng vũ lực” là “không thể tránh khỏi” nên Trung Quốc hẳn đang bắt đầu hoặc chắc chắn sẽ xây dựng một chính sách vũ trang đối với Bắc Cực.

Nh.Thạch

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc