Chiến tranh Trung - Mỹ là khó tránh khỏi?

07:00 | 12/07/2014

8,524 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 9/7, Mỹ- Trung tiến hành đối thoại chiến lược thường niên. Nhân dịp này, giáo sư Michael Vlahos, thuộc trường Naval War College (Mỹ), trong bài báo trên tạp chí The National Interest, khẳng định chiến tranh giữa Mỹ -Trung gần như là điều khó tránh.

Chiến tranh Trung - Mỹ là khó tránh khỏi?

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ủy viên Quốc Vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Bắc Kinh

Ngày 9/7/2014, Mỹ và Trung Quốc bắt đầu mở cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế thường niên tại Bắc Kinh. Bên cạnh những vấn đề Biển Đông, tại Đối Thoại thường niên lần này, Mỹ sẽ gây áp lực với Trung Quốc để nối lại hợp tác trong việc đấu tranh chống tình báo mạng, nhằm đạt được một môi trường an ninh mạng có quy củ.

Theo ông Vlahos, sự tranh giành các nguồn lực giữa hai cường quốc, mối đe dọa bành trướng kinh tế và tham vọng địa chính trị ngày càng tăng từ Trung Quốc, sẽ là ngòi nổ cho một xung đột quân sự bùng phát. Giáo sư người Mỹ lưu ý rằng, các phương tiện truyền thông hàng đầu của Trung Quốc không còn úp mở khi bình luận về khả năng Trung Quốc tham gia các cuộc chiến tương lai. Chính quyền Trung Quốc thực sự đang chuẩn bị về tinh thần, công tác hình thành ý kiến xã hội đã chứng tỏ điều này. Song, ông Vlahos không hề đề cập đến phương diện kỹ thuật quân sự Trung Quốc, vốn chưa thể cạnh tranh với Mỹ vào lúc này. Chẳng lẽ Trung Quốc sẽ mạo hiểm hành động theo nguyên tắc – quan trọng không phải sức mạnh cơ bắp mà là tinh thần chiến đấu?

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng chẳng hề có bất cứ cơ sở cho một cuộc đối đầu quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ. Gần như cùng lúc khi giáo sư Vlahos cho in bài báo trên The national Interest, Trung tâm Các nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington đã công bố báo cáo nhan đề "Giải mã chiến lược cường quốc Trung Quốc vĩ đại đang lớn mạnh ở châu Á". Lập luận của báo cáo này chứng minh rằng, sự đối đầu quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ là vô căn cứ. Tác giả báo cáo lưu ý là trước hết giữa Mỹ và Trung Quốc không hề có tranh chấp lãnh thổ. Thứ hai, mặc dù Trung Quốc đang tăng nhanh tiềm lực quân sự, tiến hành cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ giống Liên Xô trước đây, nhưng Trung Quốc rõ ràng không có đủ sức. Đối đầu quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc là không thể vì hai quốc gia này đang bị ràng buộc lẫn nhau về kinh tế.

Vậy mục tiêu của Chủ tịch Tập Cận Bình là gì khi ông tập trung vào tay mình quyền lực trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của nhà nước, bao gồm cả quân đội? Ông thậm chí còn điều khiển nhóm cải cách quân đội. Các chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Washington nhận định rằng, những thay đổi được nêu trên xuất phát từ thực tế Trung Quốc hiện nay tập trung vào nhiệm vụ đảm bảo chủ quyền lãnh thổ và an ninh hai tuyến giao thông quan trọng vận chuyển dầu khí qua biển Hoa Đông, Biển Đông và eo biển Malacca. Theo báo cáo được nêu, tuyên bố Trung Quốc phải trở thành một cường quốc hàng hải hùng mạnh do ông Tập Cận Bình nói tại Hội ​​nghị toàn thể lần thứ III của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản khóa XVIII, nên được xem như lời kêu gọi nâng cấp tiềm năng quốc phòng chứ không hề chuẩn bị cho một cuộc tấn công quân sự.

Tất nhiên, Trung Quốc quan ngại trước chính sách "trở lại châu Á" của Mỹ. Nhưng trên hết, Trung Quốc sẽ tranh giành sự ảnh hưởng trong khu vực với Mỹ thông qua những đòn bẩy kinh tế. Vì vậy, các chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Washington kết luận: không có căn cứ gì cho các hành động quân sự của Trung Quốc chống Mỹ.

Liên quan tới vấn đề Biển Đông, lập trường giữa Washington và Bắc Kinh vẫn còn rất đối nghịch, rất khó dung hòa với nhau. Tuyên bố ngay trước khi những cuộc hội đàm cấp cao Mỹ - Trung diễn ra, Ngoại trưởng Mỹ Jonh Kerry nói các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên gần như toàn bộ Biển Đông "có vấn đề". Ông Kerry đặc biệt tố cáo tính chất mập mờ của tấm bản đồ 9 đường gián đoạn mà Bắc Kinh dùng làm cơ sở để đòi thâu tóm gần như toàn bộ Biển Đông, bất chấp tuyên bố chủ quyền của các nước khác, trong đó có Việt Nam và Philippines.

Theo một quan chức cao cấp Mỹ, tình hình căng thẳng leo thang ở Biển Đông "có liên quan đến Mỹ trong tư cách là một cường quốc Thái Bình Dương, là một quốc gia thương mại chủ chốt, một khách tiêu thụ quan trọng của các tuyến đường biển và là người bảo kê lâu dài cho sự ổn định trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương".

Mỹ luôn nhấn mạnh rằng họ không bênh bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền, nhưng đã tố cáo Bắc Kinh về những hành vi gây mất ổn định và thúc giục Trung Quốc tôn trọng quyền tự do hàng hải trên các tuyến đường thủy quan trọng.

Trung Quốc từng tuyên bố là họ quyết tâm dùng các biện pháp ngoại giao và hòa bình để giải quyết tranh chấp, do đó phía Mỹ sẽ yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng các cam kết.

Th.Long

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc