“Chiến tranh tình báo” Mỹ - Nga?

07:00 | 02/02/2015

3,600 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những cuộc hẹn và bàn giao tài liệu bí mật. Những thông điệp được mã hóa. Sử dụng tiền và quan hệ tình dục như một công cụ tuyển dụng điệp viên… Những cáo buộc mà tư pháp Mỹ đưa ra đối với 3 công dân Nga bị nghi ngờ nằm trong một đường dây gián điệp mới bị phá vỡ hôm 26/1 có vẻ giống như một bộ phim kinh dị thời Chiến tranh lạnh.

Năng lượng Mới số 395

Điệp viên Nga - Họ là ai?

Trong cáo trạng dài 26 trang, Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cáo buộc Evgeny Buryakov, còn gọi là Zhenya, 39 tuổi, dưới vỏ bọc là một nhân viên văn phòng đại diện của một ngân hàng Nga tại Mahattan, đã làm việc như một điệp viên bí mật cho Cơ quan Tình báo Nga ở nước ngoài (SVR). Buryakov đã âm mưu với hai người khác là Igor Sproryshev, 40 tuổi, đại diện thương mại Nga tại New York và Victor Podobnyy, 27 tuổi, tùy viên phái đoàn thường trực Nga tại Liên Hiệp Quốc, thu thập các tin tức tình báo kinh tế, đồng thời chiêu mộ nhiều công dân New York tham gia đường dây gián điệp. Những người mà Podobnyy và Sporyshev muốn tuyển dụng là một số nhân vật làm việc tại các công ty lớn của Mỹ, một số phụ nữ trẻ có quan hệ với một trường đại học lớn ở New York cùng một số người gốc Nga liên quan tới trường đại học trên.

Phác họa Buryakov - công dân Nga bị cáo buộc làm gián điệp tại Mỹ

Buryakov bắt đầu công việc tình báo từ năm 2012, tức là sau năm 2010, thời điểm rất nhiều gián điệp Nga bị trục xuất khỏi Mỹ. Mặc dù cáo trạng của FBI không nêu tên ngân hàng mà Buryakov đóng giả là nhân viên nhưng trên trang web của Ngân hàng Vnesheconombank của Nga, Evgeny Buryakov có chức danh là Phó đại diện văn phòng của ngân hàng tại Mỹ, đóng tại Đại lộ Madison, Manhattan. Tờ Daily Mail (Anh) còn tiết lộ, trước khi công tác tại Vnesheconombank, Buryakov từng là một thanh tra thuế.

Hiện Buryakov Buryakov đã bị bắt giam và có nguy cơ phải đối mặt với mức án 15 tù giam nếu bị kết tội. Trong khi đó, nhờ được hưởng quy chế miễn trừ ngoại giao, hai đồng bị cáo với Buryakov là Sporyshev và Podobnyy được tại ngoại và đã không còn ở Mỹ.

Dấu hiệu Chiến tranh Lạnh kiểu mới?

Đối với mỗi câu chuyện gián điệp, bao giờ cũng sẽ có những câu hỏi mãi mãi nằm trong màn sương của chiến tranh tình báo. Câu hỏi trong vụ bê bối này là điều gì khiến FBI nghi ngờ 3 điệp viên Nga? FBI đã sử dụng những thủ đoạn gì để điều tra họ và các điệp viên Nga đã sử dụng những chiêu thức nào để hoạt động tình báo? Tại sao Washington lại bắt giữ Buryakov vào lúc này?

Các bằng chứng của FBI cho thấy họ đã một thời gian dài quan sát 3 đối tượng trên. Họ đã thu thập nhiều chứng cứ từ các cuộc gọi, camera, micro và “một nguồn bằng chứng bí mật khác”. FBI dường như đã sử dụng các thủ đoạn nghe trộm ở văn phòng Cơ quan Tình báo Nga ở nước ngoài tại New York. Từ đó, cơ quan này đã phân tích và phát hiện những bất thường trong các cuộc nói chuyện của một số nhân viên ngoại giao Nga về mánh khóe tuyển dụng điệp viên, thậm chí là phàn nàn về chuyện cuộc sống gián điệp không giống những gì mà bộ phim nổi tiếng về điệp viên 007 James Bond mô tả cho lắm.

Theo đó, FBI cáo buộc Buryakov đã tổ chức 48 cuộc gặp bí mật, sử dụng thông tin mã hóa để liên lạc với các điệp viên SVR khác. Trong một số cuộc gặp điển hình, Buryakov thường chuyển một cái túi, một quyển tạp chí hoặc một tờ giấy cho Sporyshev, ở địa điểm ngoài trời, để tránh bị theo dõi. Trong một lần liên lạc bị FBI nghe lén, Sporyshen và Buryakov đã nói rằng họ cần phải gặp nhau để chuyển một thứ gọi là “vé”, cho dù FBI khẳng định họ chưa bao giờ tham gia bất kỳ sự kiện nào cần có vé như chiếu phim, hòa nhạc hay đá bóng.

Trong một lần, Sporyshev không gặp trực tiếp Buryakov mà nói chuyện qua điện thoại. Trong cuộc nói chuyện đó, Sporyshev đã nhờ Buryakov giúp hệ thống lại những câu hỏi được dùng để thu thập thông tin tình báo mà phóng viên của một tờ báo Nga thường hỏi. Một số nguồn tin đã chỉ đích danh tờ báo đó chính là hãng thông tấn nhà nước Itar-Tass của Nga.

Một nguồn tin làm việc cho FBI đã gặp Buryakov vào mùa hè năm 2014, dưới lốt đại diện của một nhà đầu tư giàu có muốn đầu tư vào việc kinh doanh sòng bạc tại Nga. Trong suốt các cuộc gặp với nguồn tin mật này, Buryakov đều cho biết anh ta rất muốn có thông tin về các chủ đề ngoài lĩnh vực ngân hàng và với tư cách là một điệp viên tình báo Nga, anh ta sẵn sàng thương lượng mua bán tài liệu mật của chính phủ Mỹ có chứa đựng những thông tin “hữu ích cho Nga”, bao gồm thông tin về các biện pháp trừng phạt áp đặt với Moskva, ví dụ như các ngân hàng Nga mà Mỹ có thể áp đặt trừng phạt.

Mặc dù việc phá vỡ đường dây gián điệp Nga ở Mỹ đang khiến truyền thông nước này xôn xao về sự tồn tại ngay trong lòng nước Mỹ của mạng lưới gián điệp Nga, nhưng cũng lại có những ý kiến cho rằng, đây là sự thổi phồng, khơi mào một cuộc chiến tranh tình báo nhằm vào Nga, nhằm gây sức ép với Moskva trong cuộc khủng hoảng Ukraine và các vấn đề quốc tế khác như Syria. Bên cạnh đó, theo Giáo sư Mark Galeotti, một chuyên gia về tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức, vấn đề an ninh và Nga tại Đại học New York, bắt giữ một điệp viên nước ngoài là một lựa chọn cuối cùng, bởi thông thường họ sẽ tìm cách vô hiệu hóa hoặc biến họ thành điệp viên hai mang, phục vụ cho lợi ích của mình. Do đó, việc Washington quyết định bắt giữ Buryakov vào thời điểm quan hệ Mỹ - Nga đang xấu nhất trong hơn 25 năm qua là một dấu hỏi lớn. Có phải họ nghĩ rằng Buryakov sắp quay trở lại Nga? Có phải vì Buryakov sắp thu thập được tin tức tối quan trọng nào đó? Hay đơn giản, đây là thời gian để Mỹ ra tiếp một đòn với Nga, sau khi đã cùng với các đồng minh phương Tây liên tiếp ra đòn trừng phạt kinh tế với Moskva.

Và nếu đúng như khẳng định của Tổng thống Mỹ Barack Obama là Washington sẽ không tham gia vào một cuộc Chiến tranh lạnh mới với Nga, thì chúng ta phải tìm một thuật ngữ mới để mô tả trạng thái thù địch giữa phương Tây và Nga ở thời điểm hiện tại.

Linh Phương (tổng hợp)