Tổng thống V.Putin và thông điệp “Chung sống hòa bình” của lãnh tụ Lênin:

Châu Âu và mùa đông không giá băng

10:18 | 29/10/2014

2,046 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đợt băng giá khời đầu cho một mùa đông khắc nghiệt quét qua cựu lục địa châu Âu cách đây 97 năm dường như tan loãng trước khi thế hừng hực của giai cấp công – nông Xô viết dựng lên thành lũy nhà nước vô sản đầu tiên của thế giới trên tàn tích của triều đại phong kiến Sa hoàng.

Một trong những di sản quan trọng mà Cách mạng Tháng Mười để lại là nguyên tắc “chung sống hòa bình”, do lãnh tụ Lênin đề xướng. Chung sống hòa bình có thể được coi là nguyên tắc đầy bản lĩnh của nhà lãnh đạo Liên bang Nga trong bối cảnh đang phải đối phó với định kiến vô lối cùng những đòn trừng phạt của nhiều nước phương Tây và Mỹ. Vì nước Nga cần thế giới và thế giới luôn cần đến nước Nga trong các mối quan hệ chiến lược nên hậu duệ được sản sinh từ thành quả của Cách mạng Tháng Mười luôn đi trên con đường của mình bằng tâm thế kiên định.

Châu Âu mùa đông không giá băng

Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Italia Renzi, Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Ukraine Porochenko tại Thượng đỉnh Á-Âu, Milan, Italia, ngày 19-10.

Xuyên suốt 4 sêri của loạt phim truyền hình ăn khách hàng đầu tại Mỹ - Game of Thrones (Trò chơi vương quyền) - là nỗi ám ảnh mùa đông đang đến và nhất là trong lúc giữa nước Nga, nước cung cấp phần lớn khí đốt cho châu Âu, và EU đang lao vào một cuộc chiến tranh trừng phạt xung quanh vấn đề Ukraine. Với các lãnh đạo châu Âu, mùa đông “lạnh” nhất với họ là năm 2009 khi Nga cắt một phần nguồn cung khí đốt sang cựu lục địa do cũng liên quan đến Ukraine. Tất cả mọi rắc rối đều từ Ukraine mà ra. Ukraine là nơi trung chuyển toàn bộ lưu lượng khí đốt từ  Nga bán sang châu Âu.

Trong cuộc đàm phán mới đây giữa Nga, Ukraine và EU, lãnh đạo châu Âu đã phải đứng ra “bảo kê” số nợ của Ukraine để Nga tiếp tục bán khí đốt cho Kiev. Nhưng thỏa thuận khung là thế, các điều khoản về giá cả vẫn chưa được các bên thống nhất nên vấn đề sẽ còn tiếp tục rắc rối. Châu Âu sợ rằng cũng giống như mùa đông năm 2009, khi Nga cúp khí đốt bán cho Ukraine, nước này bèn “xài đỡ” số khí trung chuyển qua châu Âu nên ở “hạ nguồn”, EU đành chịu cóng. Lần này họ rút kinh nghiệm.

Hội nghị Thượng đỉnh EU lần này chính là bàn cách đối phó với Nga và tìm cách dàn xếp cho xong việc nối lại khí đốt giữa Nga và Ukraine. Một trong những điều mà lãnh đạo châu Âu cần tính tới là Nga đang đàm phán trên thế thượng phong vì họ vừa ký hợp đồng bán cho Trung Quốc 400 tỷ USD trong 10 năm tới.

Về phần mình, Nga cũng đã để ngỏ khả năng có sự thay đổi trong cách tiếp cận đối với Ukraine và phương Tây. Phương cách “chung sống hòa bình”  được thể hiện một cách mềm dẻo với việc Chính phủ Nga đã rút lại một số biện pháp có thể khiến cho Moskva bị phương Tây cô lập thêm, trong đó có đề xuất áp dụng lệnh cấm bay đối với các hãng hàng không của EU và Mỹ qua không phận nước này. Phát biểu sau cuộc gặp với lãnh đạo EU và Ukraine trong diễn đàn Á-Âu tại Milan, Tổng thống Nga nói rằng Moskva không hề muốn xảy ra cuộc khủng hoảng khí đốt cho mùa đông năm nay. Nước Nga luôn là nhà xuất khẩu khí đốt đáng tin cậy.

Nhà lãnh đạo Nga hy vọng rằng các bất đồng sẽ được giải quyết trước khi mùa đông tràn về châu Âu. Có thể thấy, hai bên có một mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau về nhiều mặt. Và việc một bên cố gắng trừng phạt bên khác, có thể sẽ đem lại nhiều kết quả ngược với mong đợi. Khả năng Nga cúp toàn bộ khí đốt cho châu Âu là điều chưa từng xảy ra, ngay cả trong thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh lạnh, thì Nga vẫn bán khí đốt cho EU bởi lẽ Nga cũng cần nguồn ngoại tệ từ bán khí đốt cho EU như là điều mà các nước châu Âu cần ở nước Nga.

Thực ra, từ bao đời nay, châu Âu vẫn tìm cách thoát khỏi hoặc giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt từ Nga, nhưng chưa bao giờ họ thành công. Điều đầu tiên EU làm là tự lực cánh sinh, tức phát triển các nguồn năng lượng thay thế khí đốt. Tuy nhiên, giải pháp này vừa tốn kém vừa chưa thấy hiệu quả đâu nên họ tập trung vào giải pháp thứ hai, tìm nguồn cung khác Nga.

Một trong những giải pháp đang được EU đẩy mạnh là “Tuyến ống dẫn khí Xuyên biển Adriatic” gọi tắt là TAP, chuyển khí đốt của Cộng hòa Trung á Azerbaijan từ vùng biên giới Hy Lạp – Thổ Nhĩ Kỳ đến miền nam Italia, xuyên qua miền Bắc Hy Lạp, Albania và biển Adriatic. Đây là phương án đã được bật đèn xanh, nhưng công cuộc xây dựng vẫn chưa được bắt đầu, và sớm nhất thì phải chờ đến năm 2019, châu Âu mới có thể được cung cấp khí đốt qua ngả này.

Đối với ông Pierre Terzian, Tổng biên tập chuyên san Pétrostratégies (Chiến lược dầu hỏa), kể cả khi được hoàn tất, do công suất rất hạn chế, TAP vẫn chưa thể giúp EU giảm được đáng kể mức lệ thuộc vào khí đốt của Nga. Chỉ có khoảng 10 tỷ m3 khí đốt đi vào châu Âu qua TAP. Một khối lượng quá ít so với mức tiêu thụ của lục địa này, hiện đã vượt quá 450 tỷ m3 và sẽ lến đến 500 tỷ. Để so sánh, lượng khí đốt nhập từ Nga là 150 tỷ m3.

Châu Âu mùa đông không giá băng

Khủng hoảng năng lượng Nga – Ukraine đe dọa nguồn cung khí đốt châu Âu trong mùa đông này.

Lý do châu Âu chọn tuyến đường đưa khí đốt về miền Nam Italia khá bí ẩn. Một cách logic, nếu muốn cạnh tranh với khí đốt Nga, dù chỉ trên quy mô nhỏ, châu Âu lẽ ra phải chọn dự án Nabucco, một dự án khác nhằm tránh lệ thuộc khí đốt của Nga. Châu Âu từ lâu đã đấu tranh cho Nabucco vì muốn đưa khí đốt từ Trung Á đến khu vực trung tâm châu Âu, tức là đến Áo, chứ không phải đến miền Nam Italia, một khu vực rất xa các nơi tiêu thụ quan trọng, và cũng được cung ứng dư thừa bằng nguồn khí đốt, đặc biệt là đến từ Libya và Algeri, cũng như bằng khí hóa lỏng. Rủi thay tuyến TAP lại được chọn, với một lượng khí đốt cực nhỏ và sẽ chuyển đến một nơi tệ hại nhất, tức là miền Nam Italia.

Thoạt đầu như một biện pháp cho phép đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt và giảm sự lệ thuộc vào Nga, dự án TAP rốt cuộc đã “xì hơi” và biến thành một phương tiện cung cấp thêm khí đốt cho Italia, một nước đã được cung ứng đầy đủ, trong khi một bộ phận của châu Âu phụ thuộc nặng nề nhất vào khí đốt của Nga, nghĩa là vào Trung Âu, Đông Âu và Bắc Âu thì lại không được dự án này quan tâm.

Hơn nữa, TAP là một dự án cực kỳ tốn kém, và sẽ không thể nào có lời. Điều đó đã khiến cho hai tập đoàn châu Âu trong nhóm tham gia đề án – cụ thể là Total và Statoil – rút lui. Người ta đã nói đến một mức đầu tư 56 tỷ USD. Đó là con số chính thức và người ta cũng chính thức thừa nhận rằng chi phí đó rất có thể sẽ bị vượt qua.

Trong thực tế, Nga chưa bao giờ cắt khí đốt bán sang châu Âu. Họ cúp khí đốt bán cho Ukraine vì nước này không trả tiền mua. Những vấn đề đã nảy sinh khi kinh tế Ukraine bị suy yếu và nước này không thể thanh toán tiền mua khí đốt của Nga và bắt đầu hút khí mà Nga bán qua châu Âu. Chính châu Âu cũng công nhận điều này. Gốc rễ vấn đề nằm ở đó.

Bản thân Nga và EU cũng tìm cách né Ukraine bằng việc xây dựng các đường ống dẫn khí mới, không đi ngang qua Ukraine, để khỏi phải lệ thuộc vào một tuyến duy nhất là qua ngả Ukraine, bởi vì khí đốt của Nga đã và vẫn chiếm 30% lượng khí đốt tiêu thụ ở châu Âu.

Châu Âu và Nga trước hết đã xây dựng một đường ống dẫn khí đi qua Ba Lan. Sau đó, họ thiết lập một đường ống dẫn khí khác dẫn đến Thổ Nhĩ Kỳ. Và bước thứ ba là xây dựng một đường ống dẫn khí đi qua biển Baltic để chuyển khí đốt trực tiếp từ miền Bắc nước Nga sang Đức. Đề án mới nhất không đi qua Ukraine mang tên South Stream – vốn cho phép tránh hẳn tình trạng trung chuyển qua Ukraine – hiện đang gặp vấn đề: Dự án này đã bị chặn lại từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine vào tháng 2-2014.

Ngoài việc tìm nguồn cung từ Trung Á, EU còn cầu cứu tới Mỹ, đồng minh và là nhà sản xuất khí đốt số 1 thế giới. Khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra, Mỹ tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ châu Âu giải tỏa bớt áp lực của Moskva. Tuy nhiên đề nghị của Washington cung cấp khí đốt cho châu Âu mới chỉ là lời hứa suông, khi biết rằng, đưa khí đốt của Mỹ sang thị trường châu Âu không hề đơn giản.

Thứ nhất chính sách năng lượng của bản thân Mỹ vẫn chủ trương bảo vệ các nguồn dự trữ quốc gia, vì đó là một yếu tố an ninh của bản thân nước Mỹ. Thứ hai, việc đưa khí đốt từ Mỹ sang châu Âu đòi hỏi nhiều đầu tư tốn kém. Điều đó có nghĩa là dầu khí của Mỹ bán cho châu Âu đang mua của Nga hiện nay. Thêm vào đó là vấn đề thời gian: sớm nhất thì cũng phải vài ba năm nữa dầu khí của Mỹ mới chảy tới châu Âu.

Không còn đường lui, châu Âu buộc phải nhượng bộ Nga. Sau một thời gian dài căng thẳng, lần đầu tiên Ngoại trưởng Đức  Frank-Walter Steinmeier lên tiếng muốn EU thảo luận các tiêu chí về thời điểm và điều kiện để dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga.

Báo Die Zeit của Đức hôm 23-10 dẫn lời ông Steinmeier viết: “Dù lúc này chưa phải thời điểm để bỏ dỡ trừng phạt, song chúng ta phải tính sẽ tiếp tục như thế nào”. Quan điểm này phản ánh những mong muốn của một số quốc gia khác trong Liên minh châu Âu như: Slovakia, Slovenia, Hungary hay Hy Lạp.

 

Theo An ninh Thế giới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc