Chán trừng phạt, EU quay sang "hâm nóng" quan hệ với Nga?

08:43 | 20/12/2014

5,610 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 19/12, Hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại Brussels (Bỉ) đã kết thúc với quyết định ủng hộ giải pháp ngoại giao, tăng cường đối thoại với Moscow để giải quyết khủng hoảng Ukraine và để xem xét lại các lệnh trừng đối với Nga.

Quan hệ EU - Nga đang ấm lên?

Các lãnh đạo EU chụp ảnh trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh tại Brussels ngày 18/12

Các lãnh đạo EU đã quyết định tạm dừng áp đặt thêm biện pháp trừng phạt vào Nga. Hai quốc gia có tiếng nói lớn nhất trong liên minh là Pháp và Đức đã thận trọng đảo ngược chính sách.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, quốc gia đóng vai trò đầu tàu trong liên minh đã kêu gọi các thành viên đặt thêm niềm tin vào Tổng thống Nga V.Putin: “Nếu Tổng thống Nga nói ông ấy cam kết về sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine thì chúng ta cần tin tưởng lời nói ấy và hành động dựa trên nó,” bà Merkel phát biểu sau hội nghị khi đề cập tới các cuộc đàm thoại gần đây giữa các lãnh đạo Đức, Pháp và Ukraine.

Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng đã vận động để giảm bớt hình phạt đối với Nga. Ông cho rằng nếu Moscow đồng ý hợp tác về vấn đề Ukraine thì không cần thiết phải áp đặt lệnh cấm mới và việc xem xét giảm nhẹ cấm vận sẽ phụ thuộc vào nhận định của chúng tôi về tiến triển tại Ukraine.

Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên đã lên tiếng phản đối quyết định trên, cho rằng các biện trừng phạt đang bắt đầu có hiệu quả khi đẩy kinh tế Nga đến bờ vực suy thoái. Thủ tướng Ba Lan Donal Tusk đồng thời là tân Chủ tịch EU cho biết chính Nga mới là vấn đề mang tính chiến lược chứ không phải Ukraine. Thách thức lớn nhất hiện nay đó là Nga đang dần tiếp cận tới không chỉ Ukraine mà còn là EU.

Tuy vậy, hội nghị vừa diễn ra được đánh giá là không hề có thái độ thù địch đối với Nga, ngay cả khi các lãnh đạo EU đã gia tăng trừng phạt với Crimea và Sevastopol - 2 vùng chưa được phương Tây công nhận là thuộc chủ quyền của Nga. Nó giống như kiểu “châu Âu vừa nhận ra một điều đó là áp dụng các biện pháp cứng rắn, đặc biệt, trong bối cảnh thị trường tài chính thiếu ổn định tại Nga lại phản tác dụng tới nền kinh tế của Cựu Thế giới”, theo Kirill Koktysh, giảng viên chính trị của Viện Quan hệ quốc tế tại Moscow (MGIMO).

Hội nghị đã mở ra nhiều hy vọng về sự ấm dần lên trong quan hệ giữa Nga và EU. Điều này cũng có lợi đối với liên minh bởi đánh vào nền kinh tế của Nga sẽ càng làm gia tăng tình trạng trì trệ của các nước EU trong nỗ lực phục hồi sau khủng hoảng. Tuy hội nghị chưa đưa ra được giải pháp đột phá nào nhưng “trong ngoại giao, giọng điệu và hình thức cũng quan trọng không kém gì nội dung.”

Hà My (tổng hợp)