Bắt cóc con tin - ngành kinh doanh béo bở

20:37 | 25/08/2014

870 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong khi Mỹ và Anh tuyệt đối bảo vệ chủ trương không thương lượng với khủng bố thì Châu Âu và các quốc gia vùng Vịnh ngày càng coi việc trả tiền chuộc như là một nỗ lực tuyệt vọng để giải thoát cho công dân mình.

Vụ phóng viên James Foley bị giết đang làm sống lại những tranh luận nên hay không nên chấp nhận trả tiền chuộc. Trước khi vụ hành quyết nhà báo Mỹ xảy ra, lực lượng đặc nhiệm của Mỹ đã từng cố gắng giải cứu các con tin tại Syria nhưng bất thành. Cùng lúc đó, thân nhân của nạn nhân khẳng định là quân thánh chiến đã yêu cầu một số tiền chuộc trị giá hơn 100 triệu USD.

Theo nhận định của tờ New York Times thì Al-Qaida và các nhóm Hồi giáo cực đoan xem việc bắt cóc các con tin phương Tây như là một ngành kinh doanh béo bở và có thể thu về hàng trăm triệu USD từ các khoản tiền chuộc.

Nhiều nhà báo châu Âu, bị các nhóm khủng bố Hồi giáo bắt cóc tại châu Phi đã được giải thoát, không phải chịu số phận như James Foley. Theo điều tra riêng của tờ New York Times thì Pháp từ 2008 đến nay đã trả 58 triệu USD tiền chuộc mạng cho công dân của họ, nhiều nhất trong tất cả mọi nước. Tiếp theo là Thụy Sĩ 12.4 triệu USD và Tây Ban Nha 5.9 triệu USD.

Có thể hậu quả của đường lối  này là trong năm ngoái, số công dân Pháp bị bắt làm con tin nhiều nhất thế giới. Nhưng đó cũng thể là do việc Pháp đã đưa quân can thiệp vào nhiều nước châu Phi.

Cảnh James Foley bị sát hại.

 

Vấn đề là “Tiền chuộc hay cái chết của những con tin” đang đặt phương Tây và Mỹ vào thế khó xử. Mỹ không chấp nhận chuyện trả tiền chuộc như là châu Âu đã làm. Mỹ cho rằng trả tiền chuộc như châu Âu chỉ có lợi trong ngắn hạn nhưng không giải quyết được vấn đề mà còn gián tiếp “tài trợ cho quân khủng bố, giúp chúng tăng cường ảnh hưởng và khả năng chiến đấu”. Sự khác biệt về phương thức hành động giữa Mỹ và châu Âu chẳng tốt cho bên nào cả.

David Cohen, Thứ trưởng Bộ Ngân khố Mỹ đặc trách tình báo về tài chính của khủng bố, giải thích: “Nộp tiền chuộc mạng sẽ tạo thêm những vụ bắt cóc trong tương lai và thêm tiền chuộc nữa. Tất cả sẽ xây dựng, tăng cường thêm khả năng cho các nhóm khủng bố tấn công”.

Theo ông Cohen: “Chúng ta phải tìm ra phương cách bẻ gẫy chu trình này. Không chấp nhận trả tiền chuộc là cách đúng nhất. Bởi vì nếu những kẻ bắt cóc chắc chắn không kiếm ra tiền như chúng muốn, thì chúng sẽ chẳng bắt giữ con tin làm gì nữa”.

Trên lý thuyết, Pháp và hầu hết các quốc gia khác tán đồng chủ trương của Mỹ và Anh, tuy nhiên họ đã dùng những kẽ hở để biện hộ. Theo các nhà quan sát, chính quyền Pháp không trực tiếp trả tiền chuộc mà chuyển tiền tới chủ nhân của con tin và họ là người trách nhiệm nộp tiền chuộc mạng. Như thế trên bề mặt Pháp vẫn giữ đúng chủ trương.

Những khoản tiền chuộc mà châu Âu và các quốc gia vùng Vịnh đã trả giúp cho các nhóm  khủng bố có sẵn một tài khoản rất lớn để tổ chức, tuyển mộ và hoạt động. Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria được coi là nhóm có hệ thống tống tiền và tuyên truyền hiệu quả hơn cả Al-Qaeda và có ngân sách ước lượng 2 tỷ USD.

Nhưng cái chết khủng khiếp của James Foley gây ra sự hoài nghi là phải chăng nên có một đối sách khác. Trả tiền hay không nên trả tiền chuộc mạng là một vấn đề tranh luận không bao giờ dứt, bởi vì còn tùy thuộc rất nhiều điều kiện cá biệt, không gian, thời gian và hoàn cảnh thực tế.

 

Duy Hưng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc