Bắc Kinh xây “trường thành” bảo hộ kinh tế!

07:00 | 31/08/2014

2,130 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trung Quốc thời Tập Cận Bình ngày một chứng tỏ thái độ nước lớn của họ một cách không kiềm chế. Họ tin rằng, kinh tế họ đã đủ mạnh đến mức có thể tự tồn tại và phát triển mà không cần vốn đầu tư nước ngoài hay sự có mặt của các công ty nước ngoài…

Chiến dịch “đánh” các tập đoàn nước ngoài

Tháng 7/2014, gần 100 nhân viên điều tra chống độc quyền bất ngờ đồng loạt xuất hiện tại bốn trụ sở Microsoft khắp Trung Quốc. Họ phỏng vấn một vị phó chủ tịch và nhiều viên chức quản lý cấp cao, sao chụp các bản hợp đồng và hồ sơ tài chính, truy xuất dữ liệu từ hệ thống máy chủ Microsoft trong đó có cả e-mail và nhiều thông tin liên lạc nội bộ. Cuộc “bố ráp” được thực hiện nhân danh luật chống độc quyền mà Bắc Kinh đưa ra năm 2008.

Không chỉ Microsoft, hãng sản xuất chip Qualcomm, các hãng xe Daimler, Chrysler, Audi, BMW…; 6 công ty sữa, trong đó có Mead Johnson (bị phạt tổng cộng 109 triệu USD); các hãng dược… Ngày 20-8-2014, Trung Quốc còn “biên” giấy phạt 200 triệu USD nhắm hầu hết vào các công ty xe hơi và nhà cung cấp phụ tùng xe của Nhật trong đó có Sumitomo, Denso và Mitsubishi Electric…

“Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” - phát biểu của Lý Phác Dân (Li Pumin), Tổng thư ký Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia (NDRC), một trong ba cơ quan mạnh nhất chịu trách nhiệm thực thi luật chống độc quyền. Tuy nhiên, mục tiêu NDRC là các tập đoàn nước ngoài, chủ yếu Mỹ và Nhật. Các vụ điều tra và phạt công ty nội địa, cũng có, nhưng chỉ để “làm màu”.

Việc “kiếm chuyện” các công ty nước ngoài thực chất là chủ trương bảo hộ mậu dịch đã được nhắc đến cách đây vài năm. “Trong nhiều năm, Chính phủ Trung Quốc hứa sẽ mở cửa rộng hơn cho các công ty nước ngoài nhưng bây giờ, trong nhiều lĩnh vực, ngày càng xuất hiện hiện tượng bảo hộ mậu dịch” - phát biểu nhấn mạnh của Christian Murck, người dẫn đầu phái đoàn đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ vào tháng 5/2010.

Tháng 4/2010, châu Âu cũng điều tra nhiều lĩnh vực kinh doanh tại thị trường Trung Quốc được chính phủ nước này trợ cấp để có bằng chứng tiến hành áp thuế với hàng xuất khẩu Trung Quốc. Nhiều công ty nước ngoài đã lên tiếng trước tình trạng bị o ép so với đối thủ địa phương, đặc biệt việc Trung Quốc vi phạm Hiệp định về đấu thầu chính phủ của WTO (với nội dung cấm phân biệt đối xử công ty nước ngoài đấu thầu các dự án của chính phủ sở tại).

Bắc Kinh xây “trường thành” bảo hộ kinh tế!

Từ tháng 5-2014, Trung Quốc đã cấm tất cả máy tính công sở sử dụng hệ điều hành Windows 8 của Microsoft

Có nhiều ví dụ cho thấy Trung Quốc dựng ngày càng cao và ken kín hàng rào bảo hộ. Hệ thống hỏa xa chẳng hạn. Với ngân sách 2 tỉ USD chi thêm trong năm 2010, trong đó có tuyến cao tốc Thượng Hải - Bắc Kinh, dự án này đã được quy định không được sử dụng thiết bị kỹ thuật nước ngoài.

Tháng 4/2010, Trung Quốc còn thông qua luật bưu điện mới với việc cấm công ty nước ngoài kinh doanh dịch vụ phát chuyển nhanh tại nước mình (điều mà FedEx của Mỹ và DHL của Ðức từng vận động hành lang để chống lại).

Ðến nay, Trung Quốc vẫn duy trì tình trạng mở cửa hạn chế đầu tư nước ngoài nhiều lĩnh vực thiết yếu chẳng hạn xe hơi, hóa chất, năng lượng, công nghệ thông tin... Luật Bản quyền thông qua ngày 1/2/2010 cũng buộc công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc!

Trong nhiều năm, Trung Quốc cố tình trì hoãn việc cấp phép kinh doanh dịch vụ điện thoại di động thế hệ thứ ba (3-G) và công nghệ không dây, để cuối cùng, khi các công ty Trung Quốc đủ khả năng phát triển kỹ thuật, họ mới bật đèn xanh. Tất nhiên, chỉ công ty Trung Quốc mới được ưu tiên trúng thầu!... Thời mà giới đầu tư nước ngoài được trải thảm đỏ khi đến Trung Quốc đã qua. Bây giờ, họ được tiếp với thái độ dè dặt. 

Trong lá thư đề ngày 26/1/2010 gửi Nhà Trắng, tập thể gồm Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Liên minh Công nghiệp phần mềm và hơn 10 tổ chức đại diện hàng trăm công ty đa quốc gia trong đó có Microsoft, Boeing, Motorola, Caterpillar, United Technologies… đã đề cập đến “những nỗ lực có hệ thống của Trung Quốc trong việc phát triển các chính sách nhằm xây dựng doanh nghiệp trong nước họ bằng cái giá của các công ty Mỹ”. “Tập thể nạn nhân” đã thỉnh cầu Nhà Trắng “quan tâm khẩn cấp đến những phát triển chính sách tại Trung Quốc khiến tạo ra mối nguy hiểm tức thời đối với các công ty Mỹ”. Có lẽ Trung Quốc đang muốn lấy lại những gì đã mất khi nhân nhượng đáng kể để được cấp vé vào WTO trước đây (chẳng hạn hủy thuế các sản phẩm nông nghiệp hoặc không bắt buộc hãng xe hơi nước ngoài phải sử dụng phụ tùng Trung Quốc)…

Sự đột phá xuyên Vạn Lý Trường Thành vào thị trường Trung Quốc đối với doanh nghiệp nước ngoài mỗi lúc mỗi nhọc công. Trung Quốc có nhiều chiêu để làm khó doanh nghiệp nước ngoài. Hewlett-Packard cho biết, họ đã bị “kiếm chuyện” khi Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng Trung Quốc chỉ trích chính sách bảo hành vốn trong thực tế chẳng có vấn đề gì. Ngày 16-3-2010, giới chức tỉnh Chiết Giang hạ lệnh tịch thu hàng may mặc sản xuất ở châu Âu của các hãng cao cấp trong đó có Versace, Hugo Boss… với lý do rằng, nhiều sản phẩm trên không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn!...

Cần biết, mỗi năm Trung Quốc tung ra hơn 10.000 quy định mới để quản lý từ điện thoại di động đến xe hơi và mỗi lần như vậy lại có thêm vài chi tiết bổ sung nhằm tăng cường bảo hộ nội địa. Hãng Continental của Ðức phải tuân thủ luật định rằng tất cả vỏ xe bán tại Trung Quốc phải được ghi bằng tiếng Hoa. Với nhà sản xuất bếp gas, họ phải tuân thủ các chi tiết trong 50 trang “tiêu chuẩn an toàn” trong đó có quy định bếp phải chịu được nhiệt độ trên 700oC (cao hơn bất kỳ chuẩn nào trên thế giới), có nghĩa bếp không được làm bằng nhôm (loại vật liệu dùng phổ biến của các nhà sản xuất châu Âu).

Kết quả, một số nhà sản xuất bếp gas Ý phải đóng cửa, “trốn” khỏi thị trường Trung Quốc và thề không bao giờ trở lại!

Trong lĩnh vực phần mềm, Bắc Kinh áp dụng chính sách giảm thuế và nhiều ưu đãi khác cho công ty nội địa nào mua sản phẩm của hãng nội địa Kingdee International (trụ sở tại Thâm Quyến). Tháng 5/2014, Bắc Kinh đã ban lệnh cấm tất cả máy tính tại các cơ quan nhà nước cài hệ điều hành Windows 8. Hạ tuần tháng 8/2014, Nghê Quang Nam (Ni Guangnan; người đồng sáng lập Hãng máy tính Lenovo) thuộc Viện Kỹ thuật Trung Quốc cho biết, từ tháng 10/2014, Trung Quốc sẽ dùng hệ điều hành riêng cho tất cả máy tính để bàn lẫn điện thoại di động (thay thế Windows của Microsoft và Android của Google)… Hè 2014, dịch vụ nhắn tin - gọi điện miễn phí KakaoTalk của Hàn Quốc và Line của Nhật cũng bị cấm.

Bắc Kinh xây “trường thành” bảo hộ kinh tế!

Mercedes-Benz (thuộc Tập đoàn Daimler) bị buộc tội thao túng giá dịch vụ bảo dưỡng và phụ tùng

Về bảo hiểm, theo nguyên tắc, Trung Quốc phải mở cửa cho công ty nước ngoài sau khi gia nhập WTO (tháng 11/2001) nhưng trong thực tế, các hãng Chubb, Liberty Mutual và Zurich Insurance chỉ có thể mở từng chi nhánh một (mà mỗi lần như vậy thường mất hơn 18 tháng mới có thể nhìn thấy được tờ giấy phép kinh doanh).

Theo hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers, tính đến tháng 6/2009, công ty nước ngoài chỉ thâm nhập được 4,7% thị trường bảo hiểm và 1% thị trường bất động sản Trung Quốc! Các nhà sản xuất turbine gió và pin mặt trời nước ngoài cũng cho biết họ bị chặn bằng cách này hay cách kia khi muốn tham gia thầu các dự án năng lượng tái sinh có giá trị hợp đồng cao. Năm 2008, Trung Quốc đã thẳng tay gạt Coca-Cola khỏi một vụ thầu và thay vào đó là dành cho hãng nội địa China Huiyuan Juice Group (Trung Quốc Hối Nguyên Quả Trấp Tập đoàn).

“Không mợ thì chợ vẫn đông”?

Sự có mặt các tập đoàn nước ngoài đã mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc, không chỉ về kinh tế mà còn là chuyển giao kỹ thuật. Trung Quốc đã không thể “lớn” như hôm nay nếu không có sự hiện diện của các tập đoàn phương Tây. Sự “truy bức” nhằm vào các tập đoàn đa quốc gia đã mang lại tổn thất nhãn tiền. Một cuộc tháo chạy khỏi Trung Quốc đang hình thành. The Epoch Times (25/8/2014) cho biết, vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào tháng 7-2014 đã giảm 17% (thấp nhất trong hai năm qua). Trong buổi họp báo ngày 18-8-2014, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết FDI đã đứng lại ở con số 7,8 tỉ USD (so với tháng 6/2014, tỷ lệ giảm là 45,9%). Một loạt công ty đã rời khỏi Trung Quốc (Yahoo, Best Buy, Media Markt…). Hãng mỹ phẩm Mỹ Revlon cũng tuyên bố “rời bỏ cuộc chơi” tại thị trường Trung Quốc và sa thải 1.100 nhân viên. Tháng 1/2014, hãng mỹ phẩm Pháp L’Oreal đã quyết định rút dòng sản phẩm Garnier khỏi Trung Quốc.

Tân Hoa Xã phải viết rằng, cách đây 5 năm, có đến 9/10 tổng giám đốc điều hành Mỹ (CEO) nói rằng họ sẽ chọn Trung Quốc để lập nghiệp. Tỷ lệ này bây giờ là 5/10. Trong 10 năm qua, khoảng 200 công ty Mỹ đã rút khỏi Trung Quốc. Một không khí hoàn toàn khác hẳn với thập niên 80 của thế kỷ trước khi Roberto Goizueta (cố Chủ tịch Coca-Cola) phát biểu rằng, ngày 15/4/1981 là “một trong những ngày quan trọng nhất… lịch sử thế giới”, ngày mà Nhà máy Coca-Cola đầu tiên được khánh thành tại nước này (The Economist 25/1/2014). Thực tế thì có vài lý do khiến các tập đoàn nước ngoài trở nên thận trọng với việc đầu tư vào Trung Quốc. Ngoài sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, còn có yếu tố giá nhân công không còn rẻ. Tuy nhiên, trên hết vẫn là môi trường kinh doanh, một môi trường trong đó cạnh tranh không công bằng và lành mạnh, một môi trường được bảo hộ với chính sách xiết chặt, một môi trường mà người ta không thể làm ăn nếu không am hiểu các đường dây đút lót…

Mạnh Kim