Bà Merkel "vật lộn" trong vụ trừng phạt Nga

14:43 | 04/12/2014

5,137 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thủ tướng Đức Angela Merkel có thể sẽ gặp nhiều khó khăn nếu muốn giữ nguyên các lệnh trừng phạt đối với Nga. Những biện pháp trả đũa của Nga từ 3 tháng nay đã khiến nền kinh tế EU thiệt hại hàng chục tỷ USD, trong đó Đức là quốc gia chịu tổn thất nhiều nhất. Làn sóng chống trừng phạt Nga đã âm ỉ cháy trong lòng EU.

EU sẽ tiếp tục trừng phạt Nga như thế nào khi các biện pháp đó đang tác động trở lại khu vực này?

Ảnh: Thủ tướng Đức Angela Merkel

 “Tiếp tục trừng phạt Nga như hiện nay thực sự là một thách thức đối với Đức"-theo Gernot Erler – thành viên Đảng Dân chủ Xã hội Đức (đảng đối lập với Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo - CDU của Angela Merkel).

Biện pháp trả đũa của Nga chủ yếu đánh vào ngành nông nghiệp và ngành chế tạo của EU bắt đầu từ tháng 8. Việc Nga cấm nhập khẩu nông sản từ EU khiến khối này thiệt hại hơn 5 tỉ USD và dự kiến sẽ lên tới 7 tỉ USD. Phần Lan và các nước vùng Baltic chịu thiệt hại nhiều nhất từ lệnh cấm này vì 75% lượng phomai của họ được xuất sang Nga. Tiếp sau đó là các nước như Đức, Hà Lan, Ba Lan. Riêng tại Đức, theo ước tính, các chủ trang trại tại đây thiệt hại khoảng 750 triệu USD do không thể xuất khẩu hàng hóa sang Nga. Tổng thiệt hại cho ngành nông nghiệp Đức là 1,87 tỉ USD. Trong khi đó, ngành chế tạo của Đức cũng gặp không ít khó khăn khi Đức là quốc gia chiếm tới 1/3 tổng khối lượng hàng chế tạo của EU xuất sang Nga.

“Các công ty Đức ngày càng kiên quyết hơn yêu cầu chính phủ và EU đền bù cho họ những tổn thất từ các lệnh trừng phạt Nga”Đại diện Thương mại Nga tại Hà Lan Alexander Cherevko nói trên đài RIA Novosti. Thậm chí, nhiều công ty Đức đã đánh tiếng với Thủ tướng Angela Merkel là nếu tình hình cứ tiếp tục như vậy, họ sẽ ngừng tài trợ cho chính đảng của bà.

Lệnh trừng phạt của EU có hiệu lực trong vòng 1 năm, tức là nếu như không có thêm diễn biến căng thẳng nào khác, những áp đặt này sẽ bắt đầu nới lỏng từ tháng 3/2015. Có 2 kịch bản có thể xảy ra đối với các đòn trừng phạt từ EU:

Trường hợp thứ nhất là căng thẳng quân sự tiếp tục leo thang tại miền Đông Ukraina. Trường hợp còn lại là các bên liên quan tỏ rõ thiện chí muốn thỏa thuận, đạt được giải pháp cho vấn đề này.

Dù thế nào thì áp lực buộc EU phải gỡ bỏ lệnh trừng phạt sẽ là rất cao.

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu diễn biến xung quanh vấn đề Ukraina không hạ nhiệt, khi mà chưa bên nào có động thái đột phá tại miền Đông?

Báo Financial Times dẫn lời một nhà ngoại giao kì cựu của Đức cho biết, chính quyền nước này có thể thay đổi nghiêng về chiều hướng ôn hòa. Theo ông, với người Đức, Crimea chẳng phải vấn đề gì to tát đến nỗi có thể hủy hoại mối quan hệ truyền thống bền chặt với Nga. “Vấn đề đối nội sẽ ngày càng trở nên khó khăn cho Thủ tướng Merkel” - ông kết luận.

Đức đã thành công trong việc giành được sự ủng hộ của Liên minh châu Âu về vấn đề Ukraina nhưng điều đó cũng đồng thời đặt gánh nặng lớn lên vai bà Merkel khi hiện nay, các giới hạn kinh tế đã tác động mạnh trở lại EU. Bất luận quan hệ giữa Nga và châu Âu đang tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, vẫn không thể phủ nhận thực tế Nga là đối tác quan trọng của khu vực này không chỉ trên lĩnh vực kinh tế mà vẫn là định hướng để giải quyết nhiều vấn đề quốc tế khác. Ngày càng xuất hiện nhiều yêu cầu chính phủ đánh giá các tương đồng, mâu thuẫn về lợi ích, quan điểm trong quan hệ với Nga, cũng như tìm ra các biện pháp hòa bình cho các cuộc xung đột như ở Ukraina. Do đó, nhiều khả năng quan hệ tới đây giữa phương Tây với Nga có thể bước sang giai đoạn mới là hợp tác có giới hạn.

Hà My (tổng hợp)