Ai thao túng Liên Hiệp Quốc?

13:00 | 26/02/2015

4,074 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng chủ nghĩa phát-xít, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) tổ chức cuộc tranh luận công khai nhằm kêu gọi bảo vệ nhân loại khỏi chiến tranh. Ngoại trưởng Nga cảnh báo rằng Mỹ đang biến tổ chức quốc tế này thành công cụ để tuyên truyền chống Nga.

Nga tố Mỹ thao túng Liên Hiệp Quốc

Ngoại trưởng Nga Lavrov phát biểu tại Hội đồng Bảo an LHQ ngày 23/2/2015

Ngày 23/2, phát biểu tại Hội nghị cấp cao LHQ có tiêu đề "Giữ gìn hòa bình và an ninh quốc tế: Những bài học lịch sử, cam kết trung thành với nguyên tắc và mục đích của Hiến chương LHQ", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng: “Đã đến lúc phải trả lời cho câu hỏi: liệu chúng ta có thực sự muốn nhìn thấy Hội đồng Bảo an LHQ như một công cụ hiệu quả và mạnh mẽ cho việc duy trì hòa bình và an ninh, hay sẵn sàng chấp nhận chuyển nó thành một đấu trường đối đầu tuyên truyền, với kết quả là tổ chức này sẽ bị loại khỏi quá trình tìm kiếm những giải pháp quốc tế quan trọng, tác động tiêu cực lên các diễn đàn quốc tế và khu vực khác, làm suy yếu hơn nữa cơ hội tiến tới tháo gỡ những vấn đề cấp bách”.

Ông Lavrov nói, mỗi dân tộc, có quyền tự mình lựa chọn tương lai mà “không có sự can thiệp bên ngoài vào công việc nội bộ của họ”. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga không ngần ngại nói rằng LHQ đã được thành lập như một liên minh của các dân tộc bình đẳng, song, hiện nay, tổ chức này ngày càng giống vở độc diễn của Mỹ.

Washington đóng góp gần 25% ngân sách LHQ. Sử dụng sức mạnh tài chính và tiềm năng kinh tế, Mỹ áp đặt những nghị quyết có lợi cho mình mà không quan tâm đến bất cứ ai hay bất cứ điều gì. Mục đích chính của họ là duy trì vai trò lãnh đạo. Để thực hiện mục đích này họ sẵn sàng sử dụng bất kỳ phương pháp.

Aleksandr Mikhaylenko - một nhà phân tích nhận định: “Mỹ luôn tìm cách áp đặt các quyết định của họ tại LHQ bằng những cách khác nhau. Nếu Washington thấy rằng, một vấn đề cụ thể không nhận được sự ủng hộ tại LHQ thì họ bỏ qua vấn đề này. Những vấn đề mà cộng đồng quốc tế phải giải quyết trong Hội đồng Bảo an hoặc Đại hội đồng LHQ, thì Mỹ cố gắng giải quyết một mình. Ví dụ, quyết định ném bom xuống Nam Tư đã được thực hiện mà không có sự chấp thuận của LHQ. Hoặc chiến dịch Afghanistan năm 2001 – sự chấp thuận của LHQ đã đến muộn hơn”.

Bây giờ tình hình đã khác, và Mỹ khó nhận được sự chấp thuận của LHQ cho các hoạt động tương tự. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, trong thời gian khá dài Mỹ đã duy trì vai trò lãnh đạo trong LHQ. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, tình hình đã thay đổi. Trên trường quốc tế đã xuất hiện những đối thủ mới, và Nhà Trắng không hài lòng với điều đó.

Theo cái nhìn của Mỹ, họ có đủ quyền áp đặt các điều kiện của họ cho toàn thế giới. Nhiều chính trị gia Mỹ nghĩ như vậy. Vì thế, họ không hài lòng với vị thế của Nga tại LHQ. Nhiều chuyên gia Mỹ công khai nói rằng, Nga đóng một vai trò quá lớn trong LHQ, vì thế nên thay đổi hệ thống này. Do đó, Washington cố gắng làm giảm ảnh hưởng của Nga, đề xuất các loại cải cách trái với lợi ích các nước khác, nhưng theo quan điểm của Mỹ, phục vụ lợi ích quốc gia của họ.

Mỹ không hề giấu giếm rằng, họ đặt lợi ích riêng của họ trên lợi ích của toàn thế giới. Đối với Washington, LHQ chỉ là một công cụ để hợp pháp hóa hành động của họ phục vụ lợi ích của đất nước họ. Ông Mikhaylenko nói: “Mỹ áp đặt những nghị quyết có lợi cho họ. Đáng tiếc, có ngày càng nhiều quyết định như vậy. Mỹ gây áp lực lên các nước trung lập, lợi dụng các nước đồng minh để LHQ thông qua những nghị quyết có lợi cho họ. Trong thành phần LHQ có nhiều quốc gia, và Mỹ dễ dàng tìm cách tác động đến các thành viên khác: đe dọa hoặc cung cấp hỗ trợ tài chính”.

Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ thường xuyên nêu vấn đề gia tăng số thành viên thường trực Hội đồng Bảo an. Bằng cách này Mỹ huy động các đồng minh để thống nhất hành động. Đáng tiếc, LHQ chưa thể đáp trả những hành động như vậy.

H.Phan

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc