Xung quanh vụ “Cưỡng chế ngày mùng 2 Tết”

14:12 | 25/04/2014

2,267 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ với mấy tấm tôn che chắn phần đất được lấn chiếm hơn 10 năm trước đó, cấp trên yêu cầu trả nguyên hiện trạng, cấp dưới ra quyết định chỉ tháo dỡ những tấm tôn che chắn công trình sai phạm. Không những vậy, nơi đây còn có đến 600 công trình sai phạm vẫn nghiễm nhiên được tồn tại.

>> Cưỡng chế công trình sai phạm ngày mùng 2 Tết?

“Sếp” yêu cầu trả nguyên hiện trạng, cấp dưới bảo không!

Ngày 25/4, bà Nguyễn Thị Nụ, ngụ nhà 2A (đường số 43, phường Bình Thuận, quận 7, TP HCM) cho biết, ngay sau khi PetroTimes đăng tải thông tin “Cưỡng chế công trình sai phạm ngày Mùng 2 Tết”, Phòng Quản lý đô thị quận 7 đã có buổi làm việc với người đại diện của bà Nụ vào ngày 7/4.

Đơn khiếu nại của bà Nụ đề cập đến một số nội dung: “Thời hiệu UBND quận 7 ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính vào ngày 14/1/2014; Biện pháp khắc phục hậu quả; Biên bản vi phạm hành chính vào ngày 24/12/2013 của UBND phường Bình Thuận là… biên bản khống.

Phần đất do bà Nụ lấp rồi dựng rào từ năm 2003 để chống sạt lở và phòng ngừa trộm nhưng được cho là… con hẻm!

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hùng Tín, Đội phó Đội Quản lý trật tự đô thị trực thuộc Phòng Quản lý đô thị quận 7 cho hay: “Thời hiệu để UBND quận 7, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là dựa vào biên bản vi phạm hành chính của UBND phường Bình Thuận lập ngày 24/12/2013” (tức biên bản khống - PV).

Trong biên bản cho rằng, bà Nụ xây dựng vào tháng 9/2013 (!?). Đối với “biện pháp khắc phục hậu quả”, ông Tín giải thích theo kiểu “lập lờ” dựa theo điều 13 Nghị định 121 (không nêu ngày, tháng, năm của nghị định – PV) quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ phần công trình hoặc công trình xây dựng vi phạm, không có quy định buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu do vi phạm hành chính gây ra!

Người đại diện của bà Nụ đề cập về biên bản vi phạm hành chính ngày 24/12/2013 (biên bản khống - PV), nhưng không trao cho người dân theo quy định của pháp luật. Ông Nguyễn Hùng Tín cho rằng, việc lập biên bản trên còn dựa vào Luật Xử lý vi phạm hành chính, do chủ đầu tư (tức bà Nụ) nhiều lần không có mặt tại nơi vi phạm, do đó UBND phường đã lập biên bản và tống đạt bằng biện pháp… niêm yết tại nơi vi phạm! 

Song, bà Nụ tái khẳng định chỉ lấp và chiếm một phần diện tích ngang 2,67m rạch Bần Đôn từ năm 2003. Mục đích của bà Nụ nhằm chống sạt lở rồi dựng hàng rào nhằm ngăn ngừa trộm chứ không phải xây dựng vào năm 2013. Việc lấn rạch và dựng rào tôn đã được thể hiện trong các biên bản làm việc với chính quyền địa phương.

Đặc biệt, vào ngày 11/10/2013, UBND phường Bình Thuận (quận 7) có tổ chức buổi làm việc với đại diện của bà Nụ. Tại biên bản làm việc, ông Hồ Thái Thành, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 7 nêu rõ: “Phần diện tích lấn chiếm rạch do bà Nụ tự san lấp lấn chiếm, đề nghị bà khôi phục trả lại hiện trạng ban đầu do rạch còn chức năng thoát nước”.

Căn đối diện nhà bà Nụ (phần rào tôn thấp hơn, bên trái) cũng chiếm rạch nhưng không bị cưỡng chế!

Thế nhưng, tại buổi làm việc vào ngày 7/4/2014, ông Nguyễn Hùng Tín, Đội phó Đội Quản lý trật tự đô thị quận (dưới quyền Trưởng phòng Quản lý đô thị quận) lại “mâu thuẫn” với “sếp”. Ông Tín cho rằng, biện pháp khắc phục hậu quả: “Áp dụng điều 13 Nghị định 121 quy định Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ phần công trình hoặc công trình xây dựng vi phạm, không có quy định buộc khắc phục lại hiện trạng ban đầu do Vi phạm hành chính gây ra”!

Tại buổi họp, người đại diện cho bà Nụ không chấp nhận kiểu giải quyết như trên và yêu cầu phải có quyết định giải quyết khiếu nại chính thức.

Luật sư nói gì?

Về vấn đề trên, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Trưởng Văn phòng Luật Giải Phóng khẳng định: “Người dân vi phạm hành vi hành chính nào thì quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải đưa ra biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi đó. Bà Nụ lấp đất, lấn rạch thì biện pháp khắc phục hậu quả là phải móc đất trả lại hiện trạng ban đầu là rạch chứ không thể chỉ tháo dỡ tấm tôn". 

Cũng theo luật sư Hưng, trường hợp của bà Nụ vi phạm khoản 6 điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ về tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng. Theo quy định tại khoản 10 của điều 13: “Hành vi quy định tại khoản 3, khoản 5, khoản 6 và khoản 7 điều này mà không thuộc trường hợp xử lý theo quy định tại khoản 9 điều này thì bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 180/2007/NĐ-CP”.

Vì vậy bà Nụ thuộc trường hợp thi công không có giấy phép và có hành vi san lấp, lấn chiếm rạch. Việc lấn chiếm rạch có thể gây ô nhiễm môi trường do tắc dòng chảy. Căn cứ vào khoản 2 điều 15 Nghị định 180 thì chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng phải có biện pháp khắc phục hậu quả tức buộc khắc phục lại tình trạng ban đầu là rạch. Đối với dư luận cho rằng, sau khi bà Nụ móc đất trả hiện trạng, chính quyền địa phương sẽ cho đổ đất lấp lại nhằm mở đường cho cá nhân nào đó là vi phạm pháp luật.

Người dân yêu cầu phải có quyết định chính thức về giải quyết đơn khiếu nại là hoàn toàn chính đáng. Tại khoản 1, điều 7 Luật Khiếu nại, quy định: “Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại - khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính, cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính”.

Tại điểm h, khoản 1 điều 12 của Luật Tố tụng hành chính, nói rõ người khiếu nại có quyền: “Nhận văn bản trả lời về việc thụ lý giải quyết khiếu nại, nhận quyết định giải quyết khiếu nại”, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, nói thêm.

Căn nhà hoành tráng (ven rạch, đối diện nhà bà Nụ) cũng chiếm rạch nhưng không bị cưỡng chế!

Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM cho biết: “Việc lập biên bản số 35 ngày 24/12/2013, nhưng không giao cho người dân là vi phạm Luật xử lý Vi phạm hành chính. Theo quy định, biên bản Vi phạm hành chính phải được lập ít nhất 2 bản, phải có chữ ký người lập và người vi phạm. Lập xong phải giao cho cá nhân, tổ chức Vi phạm hành chính một bản.

Sau khi cưỡng chế không giao biên bản cưỡng chế cho bà Nụ là trái Nghị định 166/2013/NĐ-CP về cưỡng chế thi hành quyết định Xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp tổ chức cưỡng chế nhưng không có quyết định cưỡng chế là… vi phạm pháp luật. Việc cưỡng chế vào ngày Tết Nguyên đán, dù chưa có quy định hạn chế những ngày này, nhưng theo cá nhân tôi việc cưỡng chế như thế là trái với đạo lý và truyền thống của dân tộc".

Luật sư Nguyễn Văn Hậu còn cho rằng: “Theo thông tin nhà báo cung cấp trên địa bàn phường này có hàng trăm trường hợp cũng lấn rạch, nếu chính quyền phát hiện vi phạm nhưng không xử lý, thì người dân có quyền tố cáo hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai của người đứng đầu địa phương là chủ tịch UBND quận - huyện, để người có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật”.

Phương Ngọc