Vợ nhặt thời @

07:00 | 19/01/2015

3,138 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Câu chuyện “Vợ nhặt” của anh Tràng, thân phận một người nghèo khó, giữa cái năm đói kém nhất 1945 của nhà văn Kim Lân là hư cấu. Vậy mà, giữa chốn Sài Gòn phồn hoa, văn minh của năm 2014 lại xuất hiện một “anh Tràng” thời nay với mối tình hiếm. Đó là chuyện tình của anh Tài và chị An, một người vì nghèo không có vợ, một người không tiền bị đuổi ra khỏi nhà.

Năng lượng Mới số 391

Khốn khó phận nghèo

Số phận khiến họ gặp nhau. Nhân duyên khiến họ thành vợ thành chồng. Hạnh phúc càng dâng trào khi chị An hiện đã mang thai được 4 tháng. Đó là vợ chồng anh Nguyễn Văn Tài (29 tuổi, ngụ quận 4) gặp chị Nguyễn Thị Thúy An (28 tuổi, cùng ngụ ở quận 4, TP HCM).

Anh Tài sinh ra ở xóm Vắng (phường 3, quận 4) trong một gia đình cha mất sớm, một mình mẹ nuôi 3 con, anh Tài lớn lên trong nghèo khó, thiếu học. Lớp 3 anh đã phải nghỉ học lăn lộn với cuộc sống bằng nhiều thứ nghề mong có chút tiền về đỡ đần thêm cho mẹ. Nhưng rồi quá nghèo khổ, lại nợ nần nên mẹ anh phải bán nhà lấy tiền trả nợ, sau đó chuyển sang phường 8 quận 4 thuê phòng trọ.

Gia đình hạnh phúc của anh Tài

Tuổi nhỏ, ít học, không dễ tìm được việc làm. Một người quen thương tình cho anh theo học nghề sửa giày. Học thành nghề, anh sắm một thùng đồ nghề và từ đó là những ngày rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm của thành phố kiếm sống, 8 năm ròng trên khắp hang cùng ngõ hẻm của thành phố mà anh chẳng kiếm được là bao nên anh đành phải bỏ nghề. Cách đây 5 năm anh xin một chân trông giữ xe ở vỉa hè cạnh bảo tàng Tôn Đức Thắng (quận 1) với mức lương 4 triệu đồng mỗi tháng.

Anh Tài kể: “Trước khi gặp An, tôi có một vài mối tình. Có người yêu tôi. Có người tôi yêu. Có người tâm đầu ý hợp, thề non hẹn biển, nên duyên cầm sắc. Nhưng tất cả đều không thành vì tôi nghèo quá lại không nhà cửa, không công việc ổn định nên họ đều rời bỏ tôi và tôi bắt đầu thấy nản với chuyện yêu đương. Tôi rất bi quan về hạnh phúc gia đình”.

Không có niềm tin vào tình yêu, anh Tài chỉ còn biết quan tâm tới người thân và bạn bè. Thường ngày, sau giờ làm việc, anh lại trở về nơi xóm Vắng gặp bạn cũ, cùng nhau uống chén nước hay bữa cơm đạm bạc và ôn lại những ngày còn thơ. Chính lúc này anh gặp được chị An cùng với đứa con nhỏ thuê căn gác xép của dì chồng.

Chị An, sinh ra ở quận 4, bố mất sớm, mẹ đi thêm một bước nữa. Dù vậy chị vẫn theo học tới lớp 9. Thương mẹ, thương chị cực khổ, chị An nghỉ học xin đi phụ bán trong quán cà phê ở quận 1. Cuộc sống cứ thế từng ngày trôi qua, tuy không giàu nhưng cũng đủ sống qua ngày. Rồi bi kịch đến, mẹ chị An bỏ nhà ra đi biệt tích mang theo đứa em trai cùng mẹ khác cha. Người chị lấy chồng tận Đà Lạt, chị về sống cùng với người dì ruột trong căn nhà sắp giải tỏa. Nhưng rồi, dì cũng đi lấy chồng xa, bỏ lại mình chị ở đất Sài Thành.

Mải lo kiếm sống, nhìn lại đã 25 tuổi mà chưa chồng, chưa con. Rồi chị cảm lòng một thanh niên gần nhà. Tình yêu chớp nhoáng, cuộc hôn nhân không mấy hạnh phúc. Có vợ nhưng anh ta vẫn thích rượu chè, trai gái, đàn đúm với đám bạn xấu. Rồi lời ra tiếng vào, người chồng dứt áo ra đi khi chị An mang thai được 7 tháng.

Bụng chửa vượt mặt, chị An vẫn phải làm việc để có tiền sống qua ngày và chờ ngày sinh nở. Chị sinh ra bé Khang, gia đình chồng cũ không những không vui mừng mà còn hắt hủi. Chị tá túc trên căn gác phòng trọ nhà dì chồng với giá 25 nghìn đồng/ngày. Ở ngày nào, đóng tiền ngày đó. Chậm đóng một ngày là người dì đay nghiến, lầm bầm, đánh con chửi cái. Thế nên, dù có bệnh hay con ốm đau, chị không dám nghỉ một ngày. Sợ không có tiền, hai mẹ con bị đuổi ra đường. Chị còn chịu được chứ bé Khang mới hơn 1 tuổi thì thương lắm.

Tình yêu xóm vắng

Số trời run rủi, ngày 27/12/2013, anh Tài đến xóm Vắng nhậu lai rai với chúng bạn. Nhà cạnh bên, chị An lui cui với đứa con trai kháu khỉnh. Người con gái ít cười, ít nói, không ra khỏi cửa ấy lại khiến lòng anh rạo rực. Anh Tài kể: “Lần đầu nhìn thấy An, trái tim tôi đập rộn lên. Cô ấy có cái gì đó trong sâu thẳm, thu hút sự chú ý của tôi. Nhưng rồi nhìn thấy cô ấy bế con, tôi lại xót phận mình đến muộn và định từ bỏ ý cái “tình” mới chớm nở”.

Chẳng biết anh Tài nhìn ngó, tâm trạng thế nào mà để chúng bạn biết được. Vậy là chúng bạn lại chọc ghẹo, ghép đôi. “Mấy anh bạn bảo tôi, cô ấy có chồng mà bỏ lâu rồi tội nghiệp lắm. Một mình tay bế, tay bồng, không họ hàng ở gần, nhà chồng có ngó tới đâu. “Hay là hai người đến với nhau đi cho vui năm mới”. Và rồi suốt bữa nhậu hôm ấy mấy anh bạn cứ nói về cô ấy, kể mọi chuyện đầy thương cảm về số phận một người con gái. Càng nghe, tôi càng nhói lòng và càng rạo rực tâm can. Nhưng tôi không nghĩ duyên phận lại nhanh đến như vậy. Chỉ một ngày đưa đẩy chúng tôi đến với nhau” anh Tài nhớ lại.

Bé Khang

Đêm 29/12, anh Tài lại chạy sang xóm Vắng. Nhưng ngang qua một khu đất trống bị giải tỏa, anh thấy chị An cùng bé Khang đang nằm trên chiếc giường cũ kỹ, xiêu vẹo dưới một gốc cây. Quen biết, anh Tài dừng lại hỏi thăm, chị An trào nước mắt: “Em bị đuổi ra khỏi nhà vì không có tiền đóng nhà trọ”.

Chị An kể: “Vì mấy ngày liền tôi không đi làm được nên hết tiền đóng nhà trọ cho dì chồng. Mới thiếu có một ngày mà dì bảo: Tết đến nơi rồi mà không có tiền. Thôi thì hai mẹ con đi mướn chỗ khác ở đi. Không muốn nói thẳng nên dì đuổi khéo vậy đó. Tôi đành phải ra đi”.

Ngay sáng hôm sau, chị phải ôm đồ, bế con ra ngoài đường. Hàng xóm thương tình cho một chiếc giường cũ, một vài miếng các-tông che nắng, che mưa. Hai mẹ con trú ngụ tạm bợ, cơm ăn mỗi bữa phải đi xin, nước uống và tắm giặt đều nhờ nhà người khác. Thấy tình cảnh đáng thương đó, anh Tài không kìm được lòng trắc ẩn. Anh Tài đề nghị hai mẹ con chị An về nơi anh trọ anh cho ở nhờ chứ năm hết, tết đến rồi hai mẹ con ở vậy không ổn. “Cứ về chỗ tôi, tôi cho ở nhờ, qua tết rồi tính sau”. Thế là nhắm mắt đưa chân, chị An theo anh Tài, một người chỉ mới quen biết có ít ngày. “Mấy lần thấy anh nhậu, giờ tự nhiên đề nghị về nhà trọ, tôi cũng hơi nghi ngờ. Nhưng thân gái dặm trường, không nhà cửa, không tiền bạc, biết đi đâu về đâu. Đành liều, phó mặc cho số phận, tôi mới theo anh về nhà. Trong lòng lo gấp bội, không biết người nhà anh có chịu không, không biết tính tình anh thế nào. Trên đường, ngồi sau xe anh, tôi thương cho phận tôi, thương cho đứa con mới hơn 1 tuổi của mình phải lao vào bi kịch của cuộc đời đến mức phải đi “ăn nhờ ở đậu” nhà một người dưng” chị An kể.

Về đến nhà, anh Tài đưa chị An vào giới thiệu với gia đình. Anh kể tình cảnh đáng thương của người phụ nữ đang bế con đứa ngoài cửa. Mẹ anh, chị anh và đứa em trai khi nghe xong đều đồng cảm và đồng ý cho chị tá túc. Anh Tài kể: “Mẹ tôi chỉ hỏi “tên tuổi, nhà ở đâu”. Tôi vội quá đáp bừa chứ có biết cô ấy là ai đâu. Ban đầu ý định của tôi chỉ là đưa cô ấy về nhà ít hôm chứ không phải là đưa về sống chung như vợ chồng. Và cũng từ đây, chúng tôi nảy sinh tình cảm.

Đêm giao thừa, anh Tài đưa hai mẹ con chị An sang chơi đường hoa Nguyễn Huệ xem bắn pháo hoa. Đón giao thừa, ba con người vui vẻ, hạnh phúc như một gia đình. Rồi sáng mồng 1, anh lại đưa chị đi chùa hái lộc, đi thăm viếng khắp thành phố. Vậy là từ đây, anh và chị gắn bó với nhau. Bữa cơm đầu năm rộn tiếng cười. Một gia đình lý tưởng, hai vợ chồng, một đứa con trai, một mẹ già và một đứa em trai cùng nhau sum vầy.

Nói về câu chuyện của con mình, bà Phan Thị Duyên, mẹ anh Tài chia sẻ: “Chúng nó phải duyên, phải phận thì đến với nhau. Con tôi vì nghèo mà không cưới được vợ. Cô gái cũng nghèo lại đèo bồng thêm đứa con nhỏ. Biết rằng cả hai sẽ khó khăn khi chung sống, nhất là khi con An không có công ăn việc làm ổn định. Thân tôi nghèo, không lo được cho con được gia thất đường hoàng thì đành tôn trọng ý kiến của con. Chỉ mong trời thương tình cảnh hai đứa mà cho chúng sức khỏe, làm ăn được suôn sẻ có cái nuôi thân. Phần tôi, như thế là đã mãn nguyện lắm rồi”.

Hạnh phúc

Đưa mẹ con chị An về chung sống với gia đình. Nhưng phải đến hơn một tháng sau, anh mới thật sự “yêu”. “Đó là ngày định mệnh của đời tôi, ngày hạnh phúc nhất. Số tiền dành dụm được bao nhiêu năm trời, tôi mua một chiếc xe máy và cặp nhẫn cưới. Làm một bữa cơm thân mật báo cáo ông bà tổ tiên và mời mấy người bạn thân đến chung vui. Vậy là chúng tôi thành vợ thành chồng. Từ đây, tôi có vợ và có một đứa con trai” anh Tài nói.

Hình ảnh vợ chồng anh Tài chị An đăng tải trên facebook của nhiếp ảnh gia Brandon Stanton

Còn chị An không kìm được nỗi xúc động của mình: “Phận gái, có một đời chồng và một đứa con riêng. Khi anh ấy ngỏ lời yêu và muốn cưới, tôi lo lắm. Sợ người đời dèm pha, sợ anh xấu hổ với bạn bè khi nghe hai tiếng “nhặt vợ”. Sau nhiều đêm suy nghĩ, hồi tưởng lại cuộc đời mình. Thân nghèo từ nhỏ, lam lũ. Có chồng mà lại bị hẩm hiu. Từ ngày về nhà anh, tôi mới nhận thấy được thế nào là yêu, thế nào là sự quan tâm, chăm sóc của một người đàn ông. Mẹ anh Tài cũng rất thương tôi và bé Khang. Nên tôi mới “đồng ý”, nhận lời làm vợ anh ấy”.

Đưa mẹ con chị An về sống, anh Tài thêm mối lo. Nhưng anh Tài nói về gánh nặng rất nhẹ nhàng: “Thân làm đàn ông thì phải biết lo cho vợ con chứ. Dù khổ đến mấy cũng phải vượt qua. Trước đây đi làm về, không đi nhậu ở xóm Vắng thì nằm xem tivi, buồn lắm. Giờ có một đứa trẻ chạy ra chạy vào, líu ríu trò chuyện như con chim non, vui lắm”.

Bé Khang được mẹ tập cho gọi anh Tài là “ba”, gọi bà Duyên là “nội”. Cả hai đều rất yêu quý bé Khang. Chăm lo mọi thứ nên bé Khang mến tay mến chân, một tiếng kêu ba, hai tiếng gọi nội.

Dù hạnh phúc, nhưng nỗi lo vẫn hiện diện trên nét mặt của hai vợ chồng. Lương anh Tài 4 triệu/tháng, phải chắt chiu lắm mới có tiền mua sữa, mua quần áo, thuốc thang cho bé Khang. “Tháng nào cũng thâm hụt phải đi vay mượn bạn bè. Đợt rồi bé Khang đi Bệnh viện Nhi đồng 2, tôi lo sốt vó lên. Nhà không có tiền phải xin ứng trước lương. Tới giờ nợ nhiều lắm nhưng nếu trời thương thì sẽ vượt qua. Tôi tin là như vậy”, anh Tài lạc quan.

Chị An xin được một chân bán nước cho một người họ hàng xa tại một công trình xây dựng, tháng cũng được 3 triệu đồng phụ vào tiền cơm nước nhà trọ cho anh. Tuy nhiên, chị làm được hơn 1 tháng thì phải nghỉ. Lý do: “Lúc đầu người đó hứa trả 130 nghìn đồng/ngày nhưng giờ lại hạ xuống còn 100 nghìn đồng thôi. Lại còn hay mắng, hay chửi. Nên tôi bảo An nghỉ, sang phụ giữ xe với tôi. Bà chủ hứa cho thêm ít tiền”.

Hạnh phúc vừa đến thì xui rủi cũng đến như thử thách tình yêu của hai anh Tài - chị An. Chiếc xe máy mua trả góp mới được 4 tháng, còn tới 6 tháng nữa  mới hết nợ thì bị trộm mất. “Hôm đó An đi sang nhà người bà con lấy tiền công. Xe để trong nhà nhưng chỉ vừa mới lên gác có tí xíu quay xuống thì không thấy nữa. Tôi có trình báo với công an và xin ngân hàng cho góp dài hạn ra nhưng họ không chịu. Mấy hôm nay họ đang ráo riết đòi mà chưa có tiền trả đây. Giờ không biết phải làm sao” anh Tài nói.

Dù khó khăn đang chồng chất, nhưng anh Tài vẫn cố gắng bù đắp tình thương cho chị An. Mỗi ngày, vào sáng sớm, chị An ghi vé xe, anh Tài sắp xếp xe cho khách. Nửa buổi, chị An về phụ mẹ chồng cơm nước. Trưa lại mang cơm sang, hai vợ chồng cùng ăn, cùng trò chuyện với bé Khang. Đến tối, anh Tài lại chở hai mẹ con chị An đi dạo phố.

Tin mừng hơn nữa là chị An đã có thai được 4 tháng. Niềm vui, niềm hạnh phúc càng dâng trào, thấm đượm cho mối tình “trời se duyên”. Nghe tin này, bà Duyên mừng ra mặt: “Trời đã se duyên chúng nó nên vợ nên chồng thì sẽ nuôi chúng nó. Bây giờ con An có bầu rồi nên cả nhà đang cố gắng dành tiền chuẩn bị ngày sinh nở. Chắc lại khó khăn lắm khi bé Khang còn nhỏ và có thêm em bé nhưng chúng tôi sẽ cố gắng”.

Câu chuyện anh Tài “nhặt vợ” trên đường phố những người trong xóm trọ đều hay biết. Nhưng họ không hề đàm tiếu, không chê cười mà còn khen ngợi tấm lòng của anh Tài. Họ cũng thương cho ai vợ chồng mới cưới còn nhiều khó khăn. Nhiều người biết chuyện còn mang quần áo, giày dép và sữa đến ủng hộ hai anh chị. Hoặc nhiều người khách nơi anh Tài giữ xe luôn nở nụ cười, động viên tinh thần.

Vậy là, giữa lòng thành phố xa hoa, lộng lẫy, giàu sang lại có một câu chuyện “nhặt vợ” của một thanh niên nghèo, một thanh niên có tấm lòng thương người.

Hoàng Phúc Lộc