Kỷ niệm 50 năm ngày Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi hy sinh:

Vợ anh hùng Nguyễn Văn Trỗi: Chuyện bây giờ mới kể

14:30 | 14/10/2014

64,068 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 15-10-2014 là tròn 50 năm ngày Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi bị địch xử bắn ở khám Chí Hòa. Nửa thế kỷ đi qua, khí phách của người anh hùng trẻ tuổi Nguyễn Văn Trỗi đã trở thành lý tưởng cho nhiều thế hệ trẻ Việt Nam noi theo và là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

>> Bí mật về cuộc "đổi mạng" cho anh Nguyễn Văn Trỗi

Ngày 2-5-1964, anh thợ điện, đồng thời cũng là một chiến sĩ yêu nước Nguyễn Văn Trỗi nhận nhiệm vụ đặt mìn ở cầu Công Lý, để ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara. Sự việc bại lộ, anh bị bắt. Dù bị địch tra tấn dã man, nhưng anh Trỗi không khai nửa lời. Anh bị xử bắn tại nhà lao Chí Hòa sáng 15-10-1964.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, bà Võ Thị Thắng và đồng đội của anh Trỗi tới viếng anh (ảnh Như Phong)

Lần đầu tiên kể từ ngày anh ngã xuống, bà Phan Thị Quyên (vợ anh hùng Nguyễn Văn Trỗi) đã tâm sự những điều đi theo bà cả thời xuân sắc. Xin được gọi bà Phan Thị Quyên là “chị Quyên” như mấy chục năm trước cả nước đã gọi như thế.

SÁU THÁNG LÀM VỢ ANH TRỖI

Đầu năm 1964, khi mới 16 tuổi, chị Quyên làm việc tại Hãng bông Bạch Tuyết, nằm ở đường Võ Tánh (nay là đường Hoàng Văn Thụ). Tại đây, chị được một đồng nghiệp giới thiệu làm quen với anh Nguyễn Văn Trỗi (SN 1940), thợ điện của Nhà máy điện Định Quán. Điểm gây ấn tượng trong lòng cô gái trẻ lúc đó là anh Trỗi hay mặc quần ống rộng, trong khi quần ống chật đang hợp thời. Vì thế, chị đã dành tình cảm đặc biệt cho anh.


Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trước lúc bị ngụy quyền tử hình

 

Những lần về thăm quê, anh Trỗi không quên viết thư cho chị với những lời đầy yêu thương. Cuối thư lúc nào anh cũng dặn: “Uống đủ hai lít nước mỗi ngày em nhé!”.

Anh Trỗi là con thứ tư trong một gia đình ở Quảng Nam, vào Sài Gòn từ năm 1956. Anh kể cho chị nghe về những dự định, ước mơ và hoài bão của cuộc đời. Cứ thế, theo thời gian, tình yêu của hai người ngày càng sâu đậm. Được hai bên gia đình chấp thuận, ngày 21-4-1964, chị Quyên và anh Trỗi đã tổ chức đám cưới. “Dù ở Sài Gòn, nhưng gia đình tôi vẫn giữ phong tục Bắc. Lễ cưới phải có trầu cau, cốm để biếu hàng xóm. Trưa hôm ấy, ba má tôi làm mấy mâm để chờ nhà trai đón dâu. Phía đàng trai đến đúng giờ, hoàn tất thủ tục và dùng cơm, rồi rước dâu từ quận 4 về nhà ở khu chợ Kiến Thiết (nay thuộc quận Phú Nhuận)” - cô dâu trẻ ngày nào nhớ lại.

Phan Thị Quyên (giữa) lúc tìm ra mộ chồng, bà cho rằng tấm hình này bị chụp lén 

 

Đôi uyên ương xây dựng tổ ấm tại một căn nhà trong hẻm, vách gỗ, mái lợp lá, nền xi măng. Anh Trỗi cùng một người bạn hùn tiền mua căn nhà này lúc mới vào Nam. Mười tám ngày sau khi kết hôn, đêm 9-5-1964, anh Trỗi bảo vợ ra ngoài có việc. Người vợ trẻ không hề biết: lần ấy, anh bí mật nhận nhiệm vụ ám sát McNamara. Trong những tháng ngày tiếp theo, cả hai vẫn sống rất vui vẻ.

Đến khi nghe hung tin anh Trỗi bị bắt, chị Quyên hoàn toàn bất ngờ. Ngày 5-8-1964, địch đưa anh ra xét xử. Đến ngày 10-8, anh bị kết án tử hình. Khi nhận được tin này, dư luận thế giới rất căm phẫn. Một tổ chức du kích tận Venezuela đòi đổi một sĩ quan quân đội Mỹ là trung tá không quân Michael Smolen để anh Trỗi được tha bổng; nhưng kẻ địch đã lật lọng.

Buồng giam anh Nguyễn Văn Trỗi ở khám Chí Hòa (ảnh Như Phong)

Sáng 15-10-1964, chị Quyên vào Trại giam Chí Hòa để thăm nuôi chồng, nhưng lính gác không cho gặp và hẹn đến chiều. Ra chỗ giữ xe chị mới biết, bên trong, chúng đang thi hành án tử anh Trỗi trước sự chứng kiến của đông đảo phóng viên trong nước và quốc tế.

HÀNH TRÌNH TÌM THI HÀI CHỒNG

Chị Quyên cảm thấy trời đất tối sầm trước mặt. Lấy hết sức lực, chị chạy về nhà báo tin cho cụ thân sinh anh Trỗi mới từ quê vào. Hai cha con thuê xích lô máy xuống Tòa án quân sự đóng ở bến Bạch Đằng. Một lính gác cho biết: vụ này họ không liên quan và chỉ chỗ đến Tòa án vùng 3 chiến thuật. Tuy nhiên, tên lính ngụy này không dám cho địa chỉ. Vì quá sốt ruột, chị Quyên gào: “Cùng tòa án với nhau mà các ông nói không biết là quá vô lý”. Sau đó, người lái xích lô nhiệt tình chỉ cho hai người trụ sở lớn của địch trên đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám).

Đến nơi gần 12 giờ trưa, hỏi thăm thì một lính gác cắc cớ hỏi: “Bà có biết chữ không? Nếu biết thì hãy nhìn lên bảng có dòng chữ “đây là trại lính Lê Văn Duyệt”. Chị Quyên nhanh trí bịa ra lý do: “Tôi đến tòa án quân sự. Họ chỉ xác chồng tôi đang ở trong này”. Lính gác yêu cầu xem thẻ căn cước rồi chỉ vào trong. Tuy nhiên, tên khác cho biết: đã hết giờ làm việc, 2 giờ chiều quay lại! Chị Quyên nói với cha chồng: “Con sẽ ngồi đây đợi đến khi nào tìm thấy xác anh Trỗi, mới về”.

Bà Phan Thị Quyên hiện nay

 

Hai cha con ngồi đợi trong lúc bụng đói cồn cào. Khi thấy người đi vào, chị Quyên chạy lại hỏi thăm tình hình xác của anh Trỗi. Người này nói: “Nơi đây chỉ tuyên án, không biết chôn ở đâu”. Sáng hôm sau, tình cờ đọc báo, chị mới biết nơi chôn chồng. Sau khi hành quyết, địch đưa thi thể anh Trỗi về mai táng tại Nghĩa trang quân đội ở Gò Vấp. Tuy nhiên, sau đó di hài anh Trỗi lại được bốc lên, chuyển tới nghĩa trang đô thành.

Chị Quyên cùng cha chồng và các cháu vội tìm đến. Cảnh sát mật tự xưng là phóng viên, muốn gặp gia đình viết một thiên phóng sự. Vốn cảnh giác, chị Quyên thẳng thừng: “Chồng tôi làm gì tôi không biết”. Thấy họ giương ống kính, chị từ tốn cho biết: “Muốn hình tôi thì vào tổng nha mà lục, vì hồi bị nhốt ở đó, tôi có sẵn hình”. Nhưng họ vẫn tranh thủ chụp một tấm hình lén lúc chị đang khóc trước mộ anh Trỗi.

Do anh Trỗi bí mật thực hiện nhiệm vụ, nên chị Quyên không biết nguyên nhân vì sao địch tử hình anh. Vì thế, chị quyết tâm tìm hiểu cho rõ ngọn ngành. Gặp được anh Phạm Văn Hai, nghe kể lại sự tình, chị mới vỡ lẽ. Thì ra, trong thời gian còn yêu nhau và cho đến khi sống chung, những lúc anh Trỗi nói bận công việc chính là lúc anh đi tập huấn ở căn cứ Rừng Thơm, Đức Hòa (Long An).

Tự hào về chồng, chị bắt đầu hiểu hai từ “cách mạng”. Ngày 1-2-1965, chị tham gia đội biệt động 65 do anh Phạm Văn Hai chỉ huy, đóng tại Long An, sau đó được điều chuyển về R (Trung ương Cục). Tháng 3-1965, chị dự đại hội phụ nữ toàn miền Nam và được nhà báo Trần Đình Vân - phóng viên Báo Giải Phóng, viết bút kí có tựa “Sống như anh”.

Bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi tại nơi anh bị xử bắn ở khám Chí Hòa (ảnh Như Phong)

VINH DỰ ĐƯỢC GẶP BÁC HỒ

Tháng 5-1969, chị Phan Thị Quyên được ra Bắc. Nhân sinh nhật Hồ Chủ tịch, chị Quyên và chị Nguyễn Thị Châu (người yêu anh Lê Hồng Tư - bị kết án tử hình ở Côn Đảo), Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Thanh niên sinh viên giải phóng khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định được vào thăm Bác. Trước đó, cả chị Quyên và chị Châu đã từng bị địch giam cầm. Lúc đó theo giấy khai sinh, chị Quyên 17 tuổi, chị Châu 20 tuổi. Đồng chí Vũ Kỳ - thư ký của Bác Hồ căn dặn kỹ hai thiếu nữ miền Nam là không được khóc khi gặp Bác. Phải làm cho Bác vui vì sức khỏe của Bác không được tốt. Tuy nhiên, khi gặp được Bác cả hai đều ôm chầm lấy Bác khóc nức nở.

Chị Quyên nhớ như in: lần thứ hai được vào Phủ Chủ tịch là trưa 5-6-1969, sau khi Bác họp xong. Người đã dặn nhà bếp làm phở cho hai chị. Bác thông báo sắp tới hai thiếu nữ miền Nam sẽ được đi thăm Cuba, khiến ai nấy đều vui mừng.

Trước khi xuất ngoại, ngày 13-7-1969, Bác lại gọi hai chị em vào ăn cơm. Lúc ấy, họ rất vui vì thấy Bác vẫn còn khỏe. Bác nhờ hai chị gửi tặng đồng chí Phiđen Caxtơrô, lãnh tụ Cuba, hai món quà: đôi dép râu và hình ảnh Phiđen cẩn bằng ốc xà cừ.

>> Bí mật về cuộc "đổi mạng" cho anh Nguyễn Văn Trỗi

 

Theo Công an TP HCM

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps