Chạy án 3: Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 131)

07:00 | 15/08/2013

2,748 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hằng ngày Thúy xách máy tính lên chùa Giải Oan với Bình để viết bài. Bình cùng thủ từ lo cơm nước. Thỉnh thoảnh những lúc căng thẳng quá, Bình và Thúy lại đi lang thang trong rừng một chút. Sợi dây tình cảm giữa hai người ngày càng bền chặt.

>>Chạy án 3: Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 130)

Nguyễn Như Phong

Rồi Thúy nói:

- Tại sao anh không nghỉ trưa, mà lại ngồi thiền?

Bình quay lại nói:

- Em tỉnh rồi à? Ngủ được không em?

Thúy nói buông lơi:

- Em ngủ chập chờn. Em lại tưởng anh ngồi bên cạnh để canh cho em ngủ. Ai ngờ, anh ra ngồi thiền.

Rồi Thúy cười khúc khích:

- Em nói điều này xem có đúng “tim đen” không nhé.

Bình:

- Em nói đi.

Thúy:

- Anh ngồi thiền là để chống lại sự cám dỗ chứ gì?

Bình lúng túng. Anh im lặng.

Thúy:

- Thú nhận đi xem nào, xem có đúng không?

Bình không nói, mà chỉ hơi khẽ gật đầu.

Thúy tươi hẳn lên nói:

- Thế là được. Đấy, chí ít còn được sự thật thà.

Thúy kéo Bình ra ngoài và bảo:

- Thôi, đi ra vãng cảnh bên ngoài một tý. Chẳng mấy khi ở nơi vắng vẻ như thế này?

Bình chợt hỏi:

- Thế tối em về, hay ở chỗ nào?

Thúy nói:

- Em ở đây mấy ngày liền. Nhưng em đã thuê khách sạn ở ngoài bến đò Yến Vỹ rồi. Ngày thì em vào đây với anh và ngồi viết bài. Tối thì em lại ra ngoài đấy ngủ. Được chưa nào?

Bình vui vẻ nói:

- Ôi, thế thì tốt quá. Thế em vào đây viết bài đi. Anh và thủ từ sẽ lo cơm nước cho em.

Thúy và Bình đi ra ngoài. Trời lạnh. Gió bấc lùa hun hút. Thúy bỗng dưng dựa vào Bình và nói:

- Tại sao những người tốt thì cuộc đời lại cứ gian truân thế nhỉ?

Bình nắm chặt bàn tay Thúy và nói:

- Thế đấy. Nhưng giáo lý nhà Phật nói rằng, có những người tốt mà lại khổ là vì kiếp trước họ chưa tốt. Có những người rất xấu, mà tại sao lại cứ nhởn nhơ là vì kiếp trước họ không làm nên tội. Em thấy không, luật Nhân - Quả của nhà Phật hay lắm.

Hai người lại ngồi trên một tảng đá, dưới một gốc cây đại.

Thúy bỗng nhìn chăm chăm vào Bình và hỏi:

- Anh bây giờ là nhà sư thật hay nhà sư giả?

Bình nói:

- Sao em lại hỏi thế?

- Trông anh tụng kinh gõ mõ, mặc quần áo nhà sư, đầu cắt trọc thì rõ là nhà sư, nhưng cách ăn nói thì lại không phải.

Bình thở dài và bảo:

- Thôi thì cứ coi anh là nhà sư thật đi. À, thôi. Coi anh là nhà sư giả cho dễ nói chuyện.

Thúy dựa vào Bình và nói:

- Em coi anh là nhà sư giả nhé?

Bình gật đầu.

Thúy nói thầm thì vào tai Bình:

- Vậy thì hãy ôm em đi.

***

Từ sau hôm đó, hằng ngày Thúy xách máy tính lên chùa Giải Oan với Bình để viết bài. Bình cùng thủ từ lo cơm nước. Thỉnh thoảnh những lúc căng thẳng quá, Bình và Thúy lại đi lang thang trong rừng một chút. Sợi dây tình cảm giữa hai người ngày càng bền chặt.

Có những lúc Bình bừng tỉnh và nghĩ đến Chung. Anh cảm thấy ân hận, có lỗi với Chung. Nghĩ đến Chung đang nuôi con cho mình, mà anh lại ở đây với Thúy như thế này, Bình lại thấy mình không phải với Chung.

Một chiều, khi hai người đi dạo với nhau ở bờ suối, Thúy nói:

- Tiếc nhỉ? Tại sao em không được gặp anh sớm.

Bình:

- Gặp anh sớm thì chắc gì đã hay. Lại thành vợ một thằng tử tù trốn chui, trốn lủi.

Thúy bật cười:

- Biết đâu anh với em ở với nhau thì số mệnh lại khác đi đấy.

Bình nói:

- Sau này anh mới biết hồi bé, bố anh lấy tử vi cho anh, trong tử vi có nói số anh gian truân lắm, vào tù ra tội, mà không khéo còn mất mạng. Nhưng cuối cùng anh sẽ ăn nên làm ra.

Thúy:

- Em có một linh cảm là chắc chắn lần này anh sẽ thoát, sẽ không bị tội gì cả. Cùng lắm là người ta khép anh vào tội trốn khỏi trại giam.

Bình:

- Anh quyết tâm lần này phải trả món nợ một cách sòng phẳng với tất cả những kẻ đã gây ra tai họa cho anh.

Thúy nói luôn:

 - Anh đừng nghĩ thế vội. Trước tiên cứ lo những công việc bây giờ đã. Việc trước chưa xong thì tính gì đến việc sau.

Rồi Thúy bỗng ngân nga đọc câu thơ:

“Trả ngọc chàng, lệ như mưa

Ước gì được gặp khi chưa có chồng”.

Bình nghe Thúy đọc xong rồi hỏi:

- Anh nghe câu thơ này quen quen. Có phải là một câu thơ thời Đường không?

Thúy nói:

- Đúng. Anh nhớ tốt đấy. Đó là một bài thơ của Trương Tịch, thời Đường.

Bình:

- Có lẽ những ngày trong trại giam đọc sách, anh cũng vỡ lẽ ra được nhiều điều. Chỉ tiếc là anh được học hành ít quá.

Rồi Bình lại nói:

- Thúy ạ, anh nói với em điều này. Mong em đừng giận và tha thứ cho anh nhé.

Thúy nhìn như xoáy vào mặt Bình:

- Có gì mà phải tha thứ? Mà thôi, anh chẳng cần nói, em cũng biết anh định xin em điều gì rồi.

Bình ngạc nhiên và hỏi:

- Em biết anh xin em điều gì?

Thúy bảo:

- Những lúc ở bên em, anh ân hận với Chung chứ gì? Có đúng không nào?

Bình tròn mặt:

- Trời ạ, tại sao em lại đọc được suy nghĩ của anh thế?

Thúy nói:

- Anh không cần phải nói nữa. Em sẽ không tranh cướp anh cho em đâu. Cái gì đến thì sẽ đến, cái gì đi sẽ phải đi. Anh với em cũng có một chút duyên. Thế thôi. Sau đợt này, khi về, em cũng sẽ coi anh như một người anh. Hoặc cùng lắm là như một người bạn.

Bình im lặng hồi lâu, rồi nói:

- Nếu em nghĩ được như thế, thật lòng anh cảm ơn em.

***

Thúy ngồi mất bốn ngày thì viết xong phóng sự điều tra “Những sự thật ở Công ty Vạn Bảo”. Phóng sự có 3 kỳ. Kỳ thứ nhất nói về lịch sử hình thành Công ty Vạn Bảo và những bước đi ban đầu. Kỳ thứ hai là những mánh khóe trốn thuế của Công ty Vạn Bảo. Kỳ thứ ba là sự dung túng, bao che, tiếp tay của một số cơ quan đã tạo điều kiện cho Công ty Vạn Bảo trốn thuế.

Buổi sáng, Thúy đi vào chùa Giải Oan và ngồi viết bài.

Bình và thủ từ Tứ lo cơm nước phục vụ.

Thỉnh thoảng, Bình lại đến bên Thúy xem cô viết gì.

Có lúc Bình nhẹ nhàng bóp vai cho Thúy.

Thủ từ Tứ trông thấy, quay đi cười kín đáo.

Thúy gửi bài về tòa soạn và hồi hộp chờ đợi.

Ba hôm sau, cô nhận được thư của Trưởng Văn phòng đại diện. Trong thư viết:

Gửi chị Thúy,

Bài của chị, tôi đã trình Tổng biên tập. Ý kiến của Tổng biên tập như sau:

1. Tổng biên tập đánh giá cao bài viết của chị. Đây là một bài viết công phu, có điều tra kỹ lưỡng, có các số liệu cụ thể để chứng minh.

2. Tổng biên tập yêu cầu chị trước khi bài này được đăng trên Báo Công an Nhân dân thì phải tuyệt đối giữ bí mật, không được hé lộ cho bất cứ ai biết điều này.

3. Tổng biên tập đề nghị chị thu xếp thời gian về báo cáo Tổng biên tập cụ thể việc này. Nếu cần, sẽ cử thêm một tổ phóng viên phối hợp với chị để đi điều tra thêm những việc làm như bảo kê, đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê và một số việc khác nữa.

Xin chúc mừng chị!

Thúy đọc xong lá thư của Trưởng Văn phòng đại diện, cô gục xuống khóc vì sung sướng và cũng vì mệt mỏi.

Ngày hôm sau, Thúy lại vào chùa Giải Oan và mang bức thư đấy cho Bình đọc. Cô nói:

- Như thế này là thắng lợi rồi.

Bình nói:

- Chưa đâu em. Phải chờ báo in ra, xem phản ứng của dư luận thế nào đã. Đặc biệt là phản ứng của bố con ông Sâm.

(Xem tiếp kỳ sau)

N.N.P