Bí mật của những cuộc đời (Kỳ 3)

08:10 | 23/07/2014

9,840 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại một biệt thự sang trọng. Hoàng, nguyên là Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng miền núi Nam Sơn của tỉnh Nam Sơn và người tình là Nguyễn Thị Lệ đang ngồi ăn cơm.

Năng lượng Mới số 340

>> Bí mật những cuộc đời (Kỳ 2)

Ly bảo hai em:

- Các em vào học bài đi, chị có chuyện riêng muốn nói với bác Vũ.

Chờ cho hai em vào phòng trong, Ly hỏi nhỏ:

- Cháu nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đọc tin là Chủ tịch nước đã bác đơn xin tha tội chết của mấy người, trong đó có chú Hải. Bố cháu có trong số ấy không bác?

- Bố cháu không làm đơn, cháu biết rồi còn gì?

- Một chị quen với cháu làm ở tòa án cho biết, từ khi Chủ tịch nước bác đơn cho đến khi thi hành án, nhanh lắm, có khi chỉ hai, ba ngày.

- Việc đó bác không rõ lắm. Này thế nhà dưới cho thuê được bao nhiêu? - Vũ lảng sang chuyện khác. Nhưng Ly không trả lời mà vẫn hỏi:

-  Bác mà không rõ ư? Cháu nghe nói, khi thi hành án tử hình bác bao giờ cũng phải có mặt để chứng kiến.

Vũ lắc đầu:

- Bác đang hỏi cháu chuyện nhà cho thuê kia mà?

- Được năm triệu một tháng. Nhưng cháu vẫn đi làm gia sư dạy thêm môn văn cho ba đứa học sinh lớp 10, tháng được gần 2 triệu. Tiền thuê nhà cháu gửi tiết kiệm hết, còn mấy chị em sống bằng tiền cháu làm thêm. Cháu để dành hết số tiền cho thuê nhà để sau này cho em cháu đi học ở Singapore hoặc Trung Quốc.

Ly nhìn như xoáy vào mắt Vũ. Ánh mắt của cô làm Vũ lúng túng. Anh vội uống nước để nén sự uẩn khúc trong lòng của mình. Ly nhận ra điều đó, cô hỏi ngay:

- Bác Vũ, bác có điều gì khó nói với cháu phải không? Nếu không phải chuyện bố cháu thì còn chuyện gì nữa đây?

Vũ im lặng. Anh cảm thấy không cần phải nói dối, nhưng anh vẫn không đủ can đảm nói ra sự thật. Vũ ngồi lặng đưa ánh mắt nhìn đi chỗ khác.

- Cháu hiểu cả rồi. Bao giờ họ bắt bố cháu đi.

- Lúc này cháu phải dũng cảm, Ly ạ. Bác tin cháu...

Ly cầm cốc nước run run rồi nói với giọng quả quyết:

- Cháu hứa với bác, sẽ không làm bất cứ điều gì dại dột. Cháu xin bác hãy tin cháu.

- Bác tin cháu chứ. Vì thế hôm nay bác mới đến đây. Bác muốn ở lại đây với các cháu có được không?

- Thế thì tốt quá. Bố cháu trước ngày bị bắt có nói với cháu rằng, vì bố cháu không nghe lời bác nên đã gây họa cho chính mình và cho cả nhà... Lần trước cháu vào thăm, bố cháu có dặn, nếu bố có chết thì cũng đúng tội, nhưng các con... các con phải kính trọng bác Vũ... coi bác ấy như cha.

 

Nói xong, Ly ôm mặt khóc nức nở.

***

Cũng vào khoảng thời gian đó. Tại một biệt thự sang trọng. Hoàng, nguyên là Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng miền núi Nam Sơn của tỉnh Nam Sơn và người tình là Nguyễn Thị Lệ đang ngồi ăn cơm.

Hoàng trạc gần 50 tuổi, người to béo, đẫy đà, mắt nhỏ hùm hụp và đầy vẻ gian giảo. Ngày xưa khi Hoàng làm Trưởng phòng Kỹ thuật thì Lân vẫn chỉ là kẻ bán thịt lợn ngoài chợ thị xã. Nhưng chỉ tám năm sau, Lân đã trở thành xếp của Hoàng. Và khi Lân làm Tổng giám đốc thì Lân lôi Hoàng lên ghế Phó tổng và giao cho phụ trách tài chính. Nhưng Hoàng vốn là kẻ gian hùng tham lam. Thời kỳ đầu, chính hắn là người đã bày mưu tính kế cho Lân trong nhiều phi vụ làm ăn, đồng thời giúp Lân triệt hạ những ai không ăn cánh trong công ty. Để trả ơn Hoàng giúp đỡ, Lân đã cất nhắc hắn lên ghế Phó tổng giám đốc. Nhưng khi phát hiện thấy Lân có dấu hiệu bị công an để ý, hắn quay lưng lại ngay... Nhưng đó là chuyện sẽ kể về sau.

Còn Nguyễn Thị Lệ, vốn là một ả cave tại một quán karaoke ngoài thị xã và trước đã từng sống với Hoàng. Nhưng khi thấy Lân mê Lệ thì Hùng đã “bán” ả cho Lân. Là kẻ hám tiền nên Lệ đã bám chặt lấy Lân. Bằng nhiều thủ đoạn, Lệ đã trói được Lân vào trong vòng tay của mình. Khi thấy Lân sắp bị sụp đổ, ả đã cuỗm đi của Lân không ít tiền và khi Lân bị bắt thì ả đến ở luôn với Hoàng.

Bí mật của những cuộc đời (Kỳ 3)

Lệ thấy Hoàng rót rượu, ả giằng chai ra:

- Mình uống ít thôi nhé. Hôm nay có đi khám bệnh không?

- Em yên tâm đi. Anh khỏe mọi nhẽ. Từ hôm uống hết hai lạng sừng tê giác thấy người ngợm khỏe hơn rất nhiều.

- Thảo này, em thấy anh mãnh liệt hơn ngày trước đấy.

- Em hài lòng... về anh chứ? - Hoàng kéo Lệ vào lòng mình cợt nhả - So với ngày xưa, giờ thế nào?

- Quả là có hay hơn nhiều. Mà thôi, bệnh tật đầy mình, huyết áp thì cao ngất ngưởng, tim thì bắt đầu sa, cho nên bia rượu ít thôi, mà cũng phải cai cả “khoản” kia đấy.

- Cái gì, cai cả khoản kia... Hừ, rượu không được uống, thuốc không được hút, gái không được chơi... Thế là sống thực vật à? Thà chết còn hơn. Em biết không, ông thượng tọa Thích Thanh Tịnh ở chùa Quan Sơn chứ. Ăn chay cả đời, thuốc không, rượu không, gái thì càng không... Vậy mà năm 53 tuổi cũng toi. Mà lại vì ung thư phổi chứ. Hồi xưa, thằng Lân nó đọc cho anh nghe một bài thơ của cụ Nguyễn Du, bài gì không nhớ, nhưng có hai câu, anh rất nhập tâm: “Nhân sinh vô bách tải. Hành lạc đương cập kỳ”. Nghĩa là “Người ta chả mấy ai sống được trăm tuổi, vậy thì hãy mau mau đi tìm thú vui đi”.

Lệ cau mặt:

- Anh đừng nhắc đến tên lão Lân “xồm” ấy nữa. Ghê bỏ mẹ! Mà này, sao mãi không bắn lão ấy nhỉ? Ác giả ác báo.

Hoàng bĩu môi:

- Bây giờ sao muốn hắn chết nhanh thế. Có vậy mới dễ tiêu số tiền kia chứ gì? Thế hồi xưa bỏ anh sang với hắn, sao mà mặn nồng như vợ chồng Ngâu. Hắn ác gì với em nào.

- Anh đừng nói nữa. Chính anh đem tôi dâng cho lão ấy còn gì nữa.

Hoàng cười lấy lòng:

- Thôi mà em. Bỏ chuyện xưa đi. Chỉ biết bây giờ anh em mình lại có nhau.  “Đời ta gương vỡ lại lành” em nhỉ!

Hoàng nói rồi luồn tay xuống váy Lệ.

Có tiếng chuông điện thoại, Lệ ra cầm máy:

- Alô, tôi nghe đây... chú Cang đấy ư?

- Chị Lệ đấy à. Anh có nhà không?

- Có, chú gặp anh hay nói luôn với chị đi...

Lệ lắng nghe, nét mặt thay đổi liên tục.

- Thế à... Thế à! Sao chú biết! Thôi, chị chả ra chốn ấy đâu. Sợ lắm!

Lệ buông máy, nói với Hoàng bằng giọng buồn giả tạo:

- Anh à, sáng mai bắn anh Lân và thằng Hải rồi. Thằng Cang bảo có ra xem thì ra.

- Ai nói?

- Thằng Cang, cháu gọi ông Vân ở trại giam bằng cậu. Đang là cảnh sát bảo vệ của trại giam. Ông Vân là người  chuyên trói tử tù vào cột rồi khi tù bị bắn xong, ông ấy lại khâm liệm cho họ.

- Khiếp, sao lại có cái nghề ghê thế. Em buồn thật hay... hay giả vờ đấy?

- Cũng có nghĩ một tí. Thế còn anh? Đau lòng lắm à?

- Đau thì không, nhưng dù sao thì cũng là... cũng là...?

- Hừ, cũng là thoát đi một nỗi ám ảnh chứ gì. Này, em báo cho anh biết, với anh, lão Lân quá tử tế đấy. Lão ấy mà khai ra thì anh cũng vào kho lâu rồi. Thôi mai lão ấy chết, anh cũng nên có chút hương hoa oản quả, lên chùa cầu siêu cho lão ấy.

Hoàng bỗng cười sằng sặc:

- Em rót rượu cho anh... rót hai ly. Anh muốn uống với thằng Lân.

Lệ ngơ ngác nhưng rồi cũng rót rượu ra hai ly. Hoàng cầm hai ly rượu cụng vào nhau:

- Thôi Lân à, từ nay âm dương cách biệt. Mày cũng đừng oán tao. Đời nó là vậy. Tao hứa  bao giờ bốc mộ cho mày, tao sẽ xây cho mày một ngôi mộ to... thật to. Nào, uống đi!

Hoàng ngửa cổ uống cạn cả hai ly rượu. Hoàng lại với chai rót ra hai ly:

- Em uống với anh. Anh em mình mừng cho nó được lên thiên đàng.

- Này, uống ít thôi. Không khéo lại chết vì rượu đấy!

- Chết vì rượu và chết trên giường với đàn bà là hai cái chết may mắn đấy. Còn phải ra pháp trường để chết thì...kinh quá. Mà này, liệu thằng Lân và thằng Hải có biết là sáng mai bị tử hình không nhỉ?

- Có ma biết. Nào, thôi uống hết ly này rồi đi ngủ nhé.

Cả hai uống hết ly rượu rồi Hoàng lại rót ra uống nữa. Lệ đi vào phòng trong. Hoàng vội mở cặp da, lấy ra một viên thuốc Viagra màu xanh và uống vội...

                                                                              ***

Ông Thạc, Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế, đang chơi tennis ở một sân tại Hà Nội. Những người chơi cùng ông đều là cán bộ cao cấp cả. Mỗi khi ông Thạc thắng được một quả, ở ngoài lại có mấy đệ tử tung hô tán thưởng:

- Tuyệt chưa! Đã bảo coi chừng cú rơve của sếp mà.

- Sếp phải cho bên ấy “bài học nhớ đời”

- Đánh cho không còn “đường về quê mẹ”, sếp ơi!

- Hoan hô sếp. Cứ thế này, năm nay Bộ tổ chức giải tennis mở rộng xếp mình vô địch là cái chắc.

Ông Thạc chiến thắng. Bên đối phương sang bắt tay ông Thạc.

- Anh chơi giỏi quá. Tôi không nghĩ là ở tuổi anh còn di chuyển nhanh như vậy.

Ông Thạc ra ghế ngồi nghỉ. Người thì đưa khăn cho ông lau mồ hôi, người thì khúm núm cởi giày...

- Anh tháo giày cho thoáng chân. Hôm nay trời hơi oi.

Một phụ nữ tuy đã có tuổi nhưng lại có vẻ đẹp hấp dẫn, đặc biệt là đôi mắt cứ như cháy lên. Chị ta tên là Huyền, trước kia là diễn viên múa của đoàn văn công tỉnh, sau Lân đưa về công ty và hiến cho Thứ trưởng Thạc. Chị ta kéo ghế ngồi gần ông Thạc rồi rót nước từ trong chiếc phích nhỏ mang theo:

- Anh uống ngụm nước linh chi này cho khỏe. Linh chi cổ ngàn năm đấy.

Ông Thạc vừa nhấp được mấy ngụm thì có một thanh niên đi vào ghé tai ông thầm thì... Ông ngơ ngác rồi hỏi lại:

- Thật không?

- Thưa anh thật ạ. Danh sách những người bị thi hành án ngày mai, bọn phóng viên Báo An ninh thế giới có rồi.

- Đúng là bọn ma xó, cái gì chúng nó cũng biết. Hôm nọ việc ở Bộ mình kín như thế mà chúng nó cũng tăm được.

Tự nhiên, ông Thạc cười rạng rỡ và bảo Huyền:

- Em à, xem có nhà hàng nào hay, chúng ta kéo đến giải sầu đi.

- Thiếu gì chỗ hay, nhưng đối tượng là ai? Mục đích gì? Nếu chỉ là anh và em thì khác.

- Không, gọi cả mấy đứa kia đi. Cũng cần uống chén rượu để tiễn đưa linh hồn một con người.

- Ai vậy anh? - Người phụ nữ nũng nịu hỏi.

- Thằng Lân và cả thằng Hải nữa. Sáng mai chúng nó dựa cột rồi.

Người phụ nữ giật mình lộ vẻ hoảng hốt:

- Bắn à?

- Ừ, mà sao em tái mặt đi thế kia. Thương xót nó quá ư?

- Dạ... dạ không... Nhưng cũng thấy thế nào ấy!

- Mẹ kiếp, vì nó mà mình xuýt bật bãi kỳ bầu cử vừa rồi. Cũng may là ông bà ông vải linh thiêng phù hộ.

II

Trong phòng trực ban của quản giáo khu C. Kim đồng hồ chỉ 7giờ  tối.

***

Lân “xồm” đã ngồi dậy dựa lưng vào tường buồng giam, ngửa mặt nhìn lên trần nhà.

***

 “...Tôi sống hình như không có tuổi học trò bởi lẽ tôi phải lo kiếm sống quá sớm. Bố tôi mất đi khi tôi mới 15 tuổi. Và thế là trong gia đình, tôi trở thành người trụ cột. Tôi phải kiếm tiền bằng đủ thứ nghề: câu cá trộm, đi làm phụ xe cho một bác tài lái xe khách đường dài. Năm tôi 17 tuổi thì người ta bảo tôi đi bán thịt lợn. Và thế là tôi mua một phản thịt ở chợ thị xã.

Đúng là bán thịt lợn có kiếm ra tiền thật nhưng cũng rất vất vả. Đêm nào tôi cũng phải dậy từ 3 giờ sáng, cùng một thằng em họ mổ lợn. Khi gần sáng thì húp vội vàng bát cháo lòng rồi mang thịt ra chợ bán. Tôi vốn tính xởi lởi, mua bán dễ dàng, cho nên hàng lúc nào cũng đông người mua. Thường khi mặt trời đứng bóng là tôi bán hết thịt và về nhà. Tôi đưa hết tiền cho mẹ tôi để quản lý. Hôm nào lãi nhiều mẹ tôi vui lắm nét mặt rạng rỡ hẳn lên. Trong những ngày đó gương mặt của mẹ là niềm vui của tôi. Ăn cơm xong, tôi lăn ra phản ngủ một giấc. Và khi ngủ dậy lại phóng xe môkích đi mua lợn đem về chuẩn bị cho sáng hôm sau”.

 Tuổi thanh niên của tôi cứ thế trôi đi quanh phản thịt. Tôi không còn biết mơ ước, không thèm muốn gì cả. Niềm vui duy nhất của tôi là bán thịt hết sớm, đưa tiền cho mẹ đếm và nhìn thấy nụ cười mãn nguyện của người.

Nhưng nói đến tuổi thơ của tôi thì không thể không nhắc đến những kỷ niệm của tôi với cái hồ ông Hoàn, nằm ở phía đông nam thị xã. Ngày xưa xửa xừa xưa, hồ có tên là Cốc vì có nhiều chim cốc về bắt cá. Nhưng đến năm 1970 thì lại được bà con gọi là “hồ ông Hoàn”. Chuyện đổi tên này cũng có sự tích của nó. Hồi còn làm Chủ tịch tỉnh, ông Lê Quang Hoàn đã cho nạo vét, sửa sang lại hồ rồi cho trồng cây xung quanh, trong khi đó, nhiều người bảo lấp hồ đi để lấy đất xây nhà tập thể. Và cũng chỉ vì quyết tâm giữ lại hồ cho thị xã, ông đã đối đầu với khá nhiều cán bộ của UBND tỉnh và họ kéo bè kéo cánh “đánh”ông lên bờ xuống ruộng. Rồi ông bị kỷ luật, mất chức Chủ tịch. Cay đắng cho phận mình và giận thế đời đen bạc, lại cộng với chuyện gia đình không vui, ông Hoàn lấy một chiếc thuyền thúng chèo ra giữa hồ rồi dùng súng ngắn bắn vào đầu. Sau cái chết của ông, không còn ai dám nghĩ đến lấp hồ nữa và nhờ vậy, thị xã mới có một nơi được coi là phong cảnh sơn thủy hữu tình.

Cũng vì nhớ ơn ông giữ hồ cho thế hệ sau, người dân tự đổi tên  hồ Cốc thành “hồ ông Hoàn”. Hồ rộng chừng hơn năm chục hécta và ngày xưa là nguồn cung cấp cá theo chế độ tem phiếu cho cả thị xã. Để khai thác cá ở hồ, Phòng Nông nghiệp thị xã lập hẳn một đội canh nông để nuôi và bảo vệ. Trẻ con đứa nào câu trộm mà họ tóm được thì cầm chắc là bị bẻ cần, kèm theo vài cái bớp tai, vài cú đá đít. Tôi cũng đã nhiều lần bị họ bẻ cần câu và tên của tôi đưa vào danh sách những đưa trẻ hư cho đồn công an thị xã. Nhưng một lần tôi được bố cho đi theo lên Hà Nội chơi, tới thăm một ông nhà văn nhà ở ngay sát hồ Tây. Ông là nhà văn nhưng nghe nói vì dính vào một vụ việc nào đó mà từ đấy không ai dám in tác phẩm của ông nữa. Không đủ sống với đồng lương ít ỏi, ông phải kiếm thêm bằng cách câu cá trộm ở hồ Tây. Chỉ sau hai ngày ở với ông, tôi đã học được vô khối cách câu và các thủ đoạn lừa bảo vệ.

Thấy tôi mê câu và cũng là đứa “sát cá”, ông tặng cho tôi một chiếc máy câu Xanh Êchiên của Pháp, cộng với hơn một trăm mét cước và ba bộ lưỡi câu lục do tự tay ông làm bằng dây đàn Piano. Những bộ đồ câu đó đối với tôi thật quả là một gia tài. Trước đây, tôi chỉ đi câu bằng cần trúc với đủ loại cước lăng nhăng vì vậy chỉ bắt được những con cá bé, còn dính cá lớn, nó kéo đứt cước ngay. Bằng chiếc cần câu có máy và cách câu hiện đại tôi đã trở thành “con ma” câu cá trộm và Đội Canh nông không có cách nào bắt được tôi. Cá câu được không những chỉ để ăn, mang đi biếu thậm chí còn bán được. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, tôi đóng học phí, mua sách vở, may quần áo... hoàn toàn bằng tiền từ câu cá trộm.

Nhưng từ sau thập niên 90 chả hiểu vì lý do gì mà Đội Canh nông bị giải tán rồi hồ ông Hoàn không ai đầu tư thả cá nữa nhưng cá lưu vẫn còn và ngày càng hiếm. Theo thời gian, những bộ đồ câu của tôi ngày càng hiện đại. Chiếc máy Xanh Êchiên đã được thay thế bằng máy câu Nhật; chiếc cần câu trúc cũng được thay bằng cần Hàn Quốc có thể rút ra hay thu gọn lại. Và tất nhiên là tôi không còn phải đi câu để kiếm sống mà chỉ đi câu để giải trí theo đúng những nghĩa tốt đẹp nhất.

Cuộc đời của tôi cứ tưởng sẽ quẩn quanh phản thịt, nhưng đã đổi thay khi vào một buổi chiều, tôi mang cần câu ra hồ ông Hoàn câu cá...      

***

Lân mang cần ra hồ câu đi ven hồ và đến thẳng một nơi mà vẫn thường ngồi câu. Đó là một góc khuất nhất của hồ được và cũng là nơi sâu nhất. Mùa nước cạn thì ở chỗ này nước cũng còn phải gần mét rưỡi, còn vào dịp tháng Bảy, tháng Tám âm lịch, mực nước phải trên ba mét, vì vậy, chỉ người được mệnh danh là “thợ câu” như Lân mới dám câu ở đây. Trên bờ hồ là rặng bạch đàn đã có đến hơn ba chục năm tuổi. Vỏ cây nào cũng mốc thếch và loang lổ như nhưng bức tường vôi bị mưa nắng. Lân lấy cần trong túi câu ra, lắp máy câu, đo độ sâu, chỉnh phao, lắp bộ lưỡi câu lục vào rồi thả thính. Thính câu do Lân tự làm lấy. Đó là một thứ thức ăn tổng hợp gồm ngô, cám gạo được ủ cho lên men, thơm như rượu nếp cái. Những thứ đó lại được trộn với gạo rang tán mịn và có thêm một chút đậu tương rang hơi cháy. Hồ bây giờ ít cá cho nên từ lúc thả thính đến lúc câu được có khi phải mất hàng giờ. Cá to bao giờ cũng vào ăn muộn cho nên người câu giỏi trước hết phải là người có tính kiên trì và am hiểu tập tính ăn mồi của từng loại cá.

Thả thính xong, Lân để cần câu lên bờ, lấy chiếc mũ cối làm gối và gối đầu lên nằm ngả trên bãi cỏ, vắt chân chữ ngũ và hút thuốc lá phì phèo rồi khi điếu thuốc vừa hết thì cũng là lúc cơn buồn ngủ ập đến. Lân thiếp đi trong giấc ngủ nhẹ nhàng, thanh thản.

(Xem tiếp kỳ sau)

N.N.P