Trường Sa - phong ba, đằng ngà (Bài 2)

07:00 | 11/12/2014

1,574 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chúng tôi gọi lá cờ Tổ quốc ở Trường Sa là cờ mặn. Mặn muối biển, mặn mồ hôi, mặn nước mắt, mặn cả máu bao thế hệ giữ biển. Cờ Tổ quốc ở Trường Sa đỏ rực, đỏ cháy lên khác hẳn ở mọi miền quê khác. Ngay cả những lá cờ bạc màu, rách nát vẫn sáng lên trong mắt mỗi người bao điều mới mẻ, như một nhà thơ đã viết: “Giữa đảo xa lá cờ bạc nắng gió/ Bỗng trong tôi mắt lệ dâng trào”…

>> Trường Sa - phong ba, đằng ngà (Bài 1)

Năng lượng Mới số 381

Bài 2: “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất đảo”

Lá cờ đầu tiên trong nắng gió Trường Sa

Những lá cờ Tổ quốc lần đầu được kéo lên trong nắng gió Trường Sa là khi nào?

Câu trả lời: Năm 1975, từ ngày 14/4 đến ngày 29/4!

Thiếu tướng Mai Năng, người chỉ huy đơn vị đánh trận mở màn giải phóng Trường Sa trên đảo Song Tử Tây còn nhớ mãi hình ảnh lá cờ… đuổi giặc. Đảo Song Tử Tây là kiên cố nhất nên quân đội Sài Gòn đã gọi tàu và trực thăng ở Vũng Tàu ra chi viện nhưng khi nhìn lá cờ của quân giải phóng tung bay trên đảo, địch đã tự quay tàu bỏ đi.

Một nhân chứng được chứng kiến cảnh thượng cờ Tổ quốc ở Trường Sa vào tháng 5/1975 là nhà báo Nguyễn Khắc Xuể, rưng rưng: “Hình ảnh lá cờ là biểu tượng khẳng định chủ quyền. Ý thức rất rõ điều này, Đại tá Hoàng Hữu Thái, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân khi giao nhiệm vụ cho tôi cứ dặn đi dặn lại, nhớ chụp cho được những hình ảnh cờ Tổ quốc ở Trường Sa”. Trong số hàng trăm bức ảnh chụp được ngày ấy, ông Xuể quý nhất bức ảnh phân đội đang cơ động huấn luyện trên đảo Song Tử Tây, phía sau là cột mốc chủ quyền có lá cờ đỏ sao vàng phần phật tung bay dưới nắng gió chói chang đầu tháng 5/1975.

Lá cờ Tổ quốc bằng gốm tại Trường Sa

Trong thiên ký sự “Sóng gió trên những đảo tiền tiêu” viết năm 1976, nhà báo Nguyễn Thắng kể, thiếu rau, thiếu gạo, thiếu thịt bộ đội Trường Sa không sợ. Chỉ sợ nhất Trường Sa thiếu bóng cờ. Một chiến sĩ kể: Những ngày đầu, cờ treo cứ 5 ngày đã bạc màu, 7 ngày lá rách. Có khi gió lốc lớn, cờ treo 2 ngày đã rách. Anh em nghĩ cách làm cờ bằng vải bạt quét sơn đỏ nhưng cũng chỉ non một tháng là rách. Cuối cùng, đảo có sáng kiến dùng tôn quét sơn đỏ vẽ sao vàng!

Thời thiếu thốn rồi cũng qua. Về sau, mỗi chuyến hàng tiếp tế ra đảo, bao giờ cũng phải có rất nhiều hòm cờ. Tháng 5/1988, nhà báo Nguyễn Viết Thái ra Trường Sa đã chụp được một bức ảnh ấn tượng: Nhà cao cẳng trên đảo Đá Lát. Cờ Tổ quốc được sơn lên mái tôn như khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên đảo này. Sau này, trên các đảo chìm, những thế hệ nhà hiện đại hơn được xây dựng và cờ Tổ quốc cũng được “hóa thân” vào từng ngôi nhà. Ngoài thiết kế cột cờ trên nóc nhà, cờ Tổ quốc còn được thiết kế chất liệu gạch men, đặt ở vị trí trang trọng nhất nhìn ra cầu tàu.

Cờ mặn

“Khi thủy triều cạn nước/ Đảo hiện hình Thuyền Chài/ Chỉ có nắng và gió/ Với đảo và con trai…”. Đó là những câu thơ của Đại tá Nguyễn Kiều Kinh, Trưởng phòng Chính sách Quân chủng Hải quân viết từ thời còn là khung trưởng đi xây đảo năm 1988. Cuối năm ấy, đảo xây xong thì tàu mắc cạn trên bãi san hô hai tháng, được tàu Liên Xô từ Cam Ranh ra cứu hộ. Về tới dọc đường, tàu ta bị thủng, chìm giữa biển khơi. Mấy chục người lính lênh đênh giữa biển khơi tưởng chết trong đêm tối mịt mù. Khung trưởng Kiều Kinh là người rời tàu sau cùng sau khi buộc tập tài liệu và quấn lá cờ Tổ quốc vào người. Sau này, nhật ký của các thủy thủ Liên Xô ghi lại những dòng rất ngạc nhiên khi vớt được Kiều Kinh, áo quần anh bay hết, nhưng lá cờ Tổ quốc và tập tài liệu quấn bên người thì còn nguyên vẹn.

“Chuyện đó là bình thường. Không thấm gì so với bao đồng đội tôi đã hy sinh để giữ cờ, giữ đảo!” - Đại tá Kiều Kinh ứa nước mắt kể tiếp với chúng tôi về các liệt sĩ “ôm cờ vào lòng biển”. Một trong những hình ảnh tiêu biểu nhất là Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ, Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, hy sinh năm 1988. Khi quân Trung Quốc xông vào cướp cờ, không sợ hy sinh, Trần Văn Phương lao vào giằng giật lại lá cờ Tổ quốc. Tính mạng một chiến sĩ bị uy hiếp, anh không ngần ngại xông vào cứu đồng đội và trúng đạn để lại câu nói bất hủ trước lúc hy sinh: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân Anh hùng!”.

Những lá cờ các anh mang theo vào lòng biển mãi đỏ thắm, màu đỏ day dứt những người đang sống. Đúng như nhà báo Lê Đức Dục khi đi qua vùng biển Gạc Ma đã viết trong sổ lưu bút đảo Cô Lin:

“Trong 64 chiến sĩ ngã xuống ngày 14/3/1988 có hai ngừoi bạn của tôi: Hoàng Ánh Đông và Tống Sỹ Bái (Đông Hà, Quảng Trị).

Máu các bạn bè đã hòa vào biển Cô Lin Trường Sa

Máu các bạn đã thắm vào màu cờ Tổ quốc

Máu các bạn có trong màu đỏ bình minh, để mỗi sớm mai nhìn về phía mặt trời, tôi sẽ nhớ các bạn, nhớ Trường Sa, nhớ Cô Lin…”.

Những buổi chào cờ và lời thề giữ đảo

Mùa hè năm 1988, Trường Sa đón một sự kiện đặc biệt. Lần đầu tiên có một Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Lê Đức Anh, ra thăm, làm việc. Chiều 7/5/1988, nhân kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, cũng đúng dịp lễ kỷ niệm 33 năm thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam Anh hùng, một lễ mít tinh trang trọng được tổ chức trên đảo Trường Sa Lớn. Trước hàng quân mặt đen sạm nắng gió đứng hiên ngang, giữa Trường Sa lồng lộng nắng gió, Đại tướng đọc lời thề: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của Tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa trước đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.

Mùa hè năm ngoái, lần đầu tiên, nhân tuần lễ Biển đảo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam đã truyền hình trực tiếp lễ chào cờ ở Trường Sa cùng lúc với lễ thượng cờ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội.

Buổi chào cờ đầu tuần trên đảo Thuyền Chài tháng 5/1988

Sự kiện ấy gợi cho chúng tôi nhớ một buổi chào cờ khác. Trong kho tư liệu ở Bảo tàng Hải quân hiện còn lưu giữ một bức ảnh mà nhiều người khi nhìn sẽ thấy xúc động: Bức ảnh buổi chào cờ đầu tuần trên đảo Thuyền Chài tháng 5/1988. Đô đốc, Tư lệnh Giáp Văn Cương, người lính già đầu bạc đã trang nghiêm đứng trên pông-tông (khi đó đảo chưa dựng nhà xong) bên những chàng lính trẻ măng, giơ tay chào lá cờ Tổ quốc phần phật bay trong gió biển. Ít ai biết rằng ông đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo và chỉ còn 1/3 dạ dày sau ca mổ năm 1980 mà vẫn lặn lội ra đảo. Sau lễ chào cờ ấy, ông đã có buổi nói chuyện thân tình với bộ đội cùng một quyết định mà chính ông cũng cho rằng “tàn nhẫn”: Tuyên bố cắt phép của lính.

Lời ông nói được nhà thơ Trần Đăng Khoa, khi đó là lính đảo gần đây kể lại: “Tớ đâu có muốn đày đọa các cậu. Giá trị gì mấy cái hòn đá cỗi cằn này mà phải gìn giữ? Nhưng đây là Tổ quốc của mình, là máu thịt của mình. Chúng ta giữ gìn, có phải giữ mấy hòn đá hoang dại này đâu mà là giữ biển đấy chứ. Mất đảo là mất biển, mà biển lại bao bọc suốt từ Bắc đến Nam. Tất cả kẻ thù đánh ta đều đi từ đường biển. Pháp cũng vào ta từ biển. Mỹ cũng thế. Ô Mã Nhi xưa cũng tấn công ta qua cửa biển Bạch Đằng. Thế thì chúng ta phải giữ đảo, giữ biển thôi. Khổ mấy cũng phải giữ. Có chết cũng phải giữ. Thế nên chúng mày mới phải chịu cảnh đọa đầy thế này. Tao già rồi, ngoài 70 rồi, lẽ ra phải được ở nhà an thú tuổi già chứ, vậy mà rồi tao vẫn phải lọ mọ lặn lội sóng gió ra đây với chúng mày. Vẫn phải làm Tư lệnh.

Tất nhiên tớ biết, các cậu khổ hơn Tư lệnh nhiều. Vì Tư lệnh còn được ở đất liền. Hay là các cậu vào đất liền, làm Tư lệnh thay tớ, để tớ giữ đảo cho. Ở đây có cậu nào làm được Tư lệnh không? Xung phong nào? Mạnh dạn lên chứ! Cậu nào làm được Tư Lệnh, tớ sẽ báo cáo quân chủng, báo cáo Bộ Chính trị cho thay ngay Giáp Văn Cương? Còn việc về phép của các cậu, tớ có tiếc gì đâu. Nhưng Bộ Tư lệnh nghèo quá. Đất nước nghèo quá. Còn hàng triệu bà mẹ liệt sĩ thiếu ăn, hàng triệu trẻ con không có trường học. Đưa một cậu về phép, Bộ Tư lệnh phải xuất 20 tấn dầu cả tàu ra tàu về, rồi tàu lại ra. Mà dầu thì cả nước không có, phải mua của nước ngoài, mua rất đắt. Mỗi đứa bớt một lần về phép thì một trăm bà mẹ liệt sĩ có được đến mấy tháng ăn. Mà hàng triệu bà mẹ liệt sĩ còn đứt bữa. Thế rồi ông khóc. Lính cũng khóc. Thôi, chúng con hiểu rồi. Bố đừng nói nữa, chúng con thương bố lắm!”.

Cờ đất liền ra đảo, cờ đảo nối đất liền

Biết chúng tôi ra Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 311 Ka Lăng, Mường Tè, Lai Châu đã viết lời hứa giữ gìn biên cương cùng lá cờ nhờ chúng tôi chuyển tới đồng đội ở Trường Sa. Cùng dịp này, Đồn Biên phòng 317 A Pa Chải (Mường Nhé, Điện Biên) - cực Tây Tổ quốc, nơi mặt trời lặn sau cùng trên lãnh thổ Việt Nam cũng gửi tặng lá cờ ra đảo Tiên Nữ, cực đông của Tổ quốc, nơi đón bình minh đầu tiên. Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đồn trưởng đã cử một chiến sĩ đi xe máy gần 300km ra thành phố Điện Biên Phủ để mang cờ gửi về Hà Nội để nhờ chúng tôi chuyển ra đảo. Cách đó hơn 200km, bên kia dòng sông Đà hùng vĩ, Thượng tá Nguyễn Tiến Ngọc, Đồn trưởng Đồn BP 311 cũng cử cán bộ chạy xe máy hơn 80km về huyện lỵ Mường Tè để gửi cờ về Hà Nội. Hai đồn biên phòng đều dặn chúng tôi: “Các đồng chí hãy xin anh em ngoài ấy một lá cờ như vậy để mang về cho đơn vị chúng tôi nhé. Chúng tôi sẽ trang trọng treo ở phòng truyền thống!”.

Đã có nhiều địa phương trao tặng cờ cho Trường Sa như Tỉnh đoàn Khánh Hòa có lần tặng 3.000 lá cờ Tổ quốc. Một cựu tù chính trị ngày đêm thầm lặng tự tay may cờ tặng Hoàng Sa, Trường Sa…

Lớp cha trước, lớp con sau

Trở lại Trường Sa, một trong những người tôi rất muốn tìm gặp lại có Trung tá Nguyễn Văn Cần. 5 năm trước, tôi gặp anh trên đảo An Bang, khi anh là Chính trị viên phó của đảo. Đêm, đoàn khách ngủ lại đảo, tôi được anh nhường cho ngủ lại tại chính phòng làm việc của anh và anh bảo “sẽ ngủ phòng khác”. Nửa đêm, hết giờ điện máy nổ, nóng và khó ngủ. Tôi trở dậy thì gặp anh đang ngồi thắp nến soạn thông báo thời sự cho bộ đội. Lúc ấy tôi mới biết, anh đâu còn chỗ khác mà ngủ. Anh đã nhường giường cho khách và ngồi thức đêm để làm việc. Ấn tượng thứ hai, anh là người duy nhất trên huyện đảo có hai cha con cùng đang công tác ở Trường Sa. Năm đó, con trai anh, binh nhì Nguyễn Văn Khánh mới vừa nhập ngũ ra đảo, là chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn. Hai cha con cũng vừa trải qua một cái tết cùng đón xuân trên đảo. Đêm Giao Thừa, từ đảo khác, cậu con trai gọi điện chúc tết cha và “nhắc” cha nhớ gọi điện về Quảng Bình chúc tết, động viên mẹ.

Hai cha con Thượng tá Trần Quang Oanh - binh nhất Trần Quang Trường trên đảo Trường Sa Lớn

Gặp lại anh sau 5 năm, vẫn là hình ảnh người cán bộ cần mẫn. Được giao nhiệm vụ phụ trách cấp phát quà cho từng đảo, đêm nào anh cũng dậy sớm từ 3-4 giờ sáng soạn quà. Hơi ngỡ ngàng khi nghe anh thông báo: “Tháng 10 này nghỉ hưu!”. Cây khô xuống nước cũng khô/ Người nghèo đi đến nơi mô cũng nghèo. Đã 32 năm quân ngũ nhưng gia cảnh anh Cần chưa hết khó khăn. Anh nhập ngũ năm 1982, xung phong ra Trường Sa ngay sau sự kiện 14/3/1988. Mấy chục năm ở Đoàn Trường Sa, anh đã đi nhiều tăng, kinh qua 6 đảo nhưng đường binh nghiệp của anh khá long đong. Có lúc, anh bị chậm quân hàm, đeo đại úy tới 12 năm trời. Từ cán bộ quân sự chuyển loại chính trị, anh đã hơn 10 năm làm trợ lý và quân hàm cũng chỉ kịch trần lên trung tá rồi chờ nghỉ hưu. So với anh em đồng đội, anh cũng nhiều thiệt thòi hơn khi chưa chuyển được vợ con vào Cam Ranh, chưa được hưởng chế độ chính sách nhà đất.

Ấy vậy mà anh rất vui vẻ khi nói về công việc: “Cháu Khánh nhà tôi sau khi hoàn thành nghĩa vụ đã thi đỗ vào Học viện Biên phòng chú ạ. Tới tôi nghỉ thì cháu cũng thành sĩ quan rồi! Mình thế là may mắn hơn biết bao đồng đội”.

Anh Cần nói rồi ngậm ngùi kể bao nhiêu anh em cùng quê Quảng Bình hy sinh năm 1988, vợ con khổ đủ đường. Nhưng qua lời kể của anh, vẫn có sự tiếp nối của con những người ngã xuống. Trần Thị Thủy, con gái Anh hùng LLVT nhân dân Trần Văn Phương (quê Quảng Trạch, Quảng Bình) sau khi tốt nghiệp đại học đã tình nguyện viết đơn xin ra Trường Sa công tác và nhận  nhiệm vụ tại Lữ đoàn 146. Thủy nay đã lấy chồng, một người lính tàu HQ633, vùng 4 Hải quân. Cháu ngoại người anh hùng được đặt cái tên như một ước vọng Nguyễn Trần Navy. Navy nghĩa là “hải quân”!

Trên đảo Trường Sa Lớn, chúng tôi lại chứng kiến câu chuyện hai cha con đều ở một phân đội chiến đấu. Cha là Trung tá Trần Quang Oanh (Cụm trưởng Cụm chiến đấu số 3) và con là Binh nhất Trần Quang Trường. Sinh năm 1966, quê ở xã Tiến Thọ, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan lục quân 3, anh Oanh được phân công về công tác tại Quân khu 2. Năm 1990, anh chuyển về Vùng 4 Hải quân công tác và gắn bó với biển đảo từ đó. Đến nay, anh đã trải qua 4 đảo. Con trai anh, Trần Quang Trường đã tốt nghiệp Khoa Xây dựng của Đại học Nha Trang, đang thử việc ở công ty thì có lệnh gọi nhập ngũ, được biên chế về Vùng 4 Hải quân và tình cờ, hai cha con lại được biên chế cùng đơn vị. Trường tâm sự với chúng tôi: “Nhà em ở khu bộ đội, bố và các chú ai cũng đi Trường Sa. Ở xóm, đã có một bạn cũng ra làm nhiệm vụ ở Trường Sa rồi về đi học tiếp. Em nghĩ ra Trường Sa là một thử thách, một cơ hội để trưởng thành”.

Hai cha con Đại úy Vũ Đức Vinh hội ngộ trên đảo Sinh Tồn Đông

Nói vậy, nhưng nguyện vọng cháy bỏng nhất của hai cha con vẫn là làm sao được gắn bó với biển đảo, với Trường Sa. Mà đến cuối năm nay, Trường sẽ hết hạn nghĩa vụ quân sự. Yêu biển đảo đó nhưng việc làm luôn là một dấu hỏi lớn đối với cha con người lính. Tuy nhiên, hỏi có chịu đi xa không, biển đảo ngày càng vất vả, có ngại không? Trường trả lời: Không ngại gì cả.

Trở về đất liền, tình cờ trong một cuộc gặp Đại tá Võ Hồng Khanh, Giám đốc Công ty Xây dựng Công trình Tân Cảng (Quân chủng Hải quân), chúng tôi đã mang câu chuyện cha con người lính trên tâm sự với anh Khanh. Vốn là cựu sĩ quan của Lữ đoàn Công binh Hải quân 83 đi xây Trường Sa cách đây hơn 20 năm, anh Khanh thấu hiểu, thấm thía những gian khó, hy sinh của người lính hải quân. Anh nói:

- Biển đảo luôn rất cần những người nguyện trọn đời cống hiến như thế.

Dứt lời, anh Khanh yêu cầu chúng tôi gọi điện kết nối ngay với Thượng tá Trần Quang Oanh. Anh hứa sẽ giúp Trường sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự có thể về làm việc tại công ty theo đúng chuyên ngành của một kỹ sư xây dựng.

Vẫn là những cuộc hành trình tiếp nối. Thách thức của biển. “Bão tố dập dờn chăng lưới, bủa vây” không làm lớp lớp cha con nản lòng. Trên đảo Sinh Tồn Đông, có một cuộc hội ngộ cảm động giữa hai cha con, hai đại úy - bố Vũ Đức Ngang, người lính chiến trường năm xưa và con Vũ Đức Vinh, Chính trị viên phó đảo. Chất thép của người cha thể hiện trong từng câu nói. Cứ tưởng ông động viên, an ủi, ai dè ông thủng thẳng: “Chúng mày khổ thế này ăn thua gì so với bọn tao trên chốt? Sướng chán. Nếu Tổ quốc cần, tao lại ra với bọn mày, vẫn dư sức!”. Ông nói thế, nhưng sao giấu được cậu con trai “tinh quái” đã dặn ngay một nữ phóng viên theo dõi thái độ của ông bố khi về tàu. Khi con tàu quay mũi, cô gái gọi điện cho Vinh thông báo tình hình: “Bác nói với bọn em “tụi nó vất vả quá” rồi ra boong lấy khăn lau nước mắt anh ạ!”.

(Xem tiếp kỳ sau)

Ghi chéo của Nguyễn Minh - Trường Giang