TP HCM chiến đấu với nỗi kinh hoàng "nghiện hút"

07:08 | 02/12/2014

2,934 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Người nghiện vẫn lượn lờ công khai tiêm chích tại các công viên, bến xe, gầm cầu, khu dân cư. Việc này khiến nhiều người dân Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng lo sợ nhưng cơ quan chức năng lại “bó tay” vì rào cản thủ tục đưa họ đi cai nghiện. Chính người nghiện cũng là nguyên nhân gây ra nhiều vụ cướp giật, giết người kinh hoàng trong thời gian gần đây.

Năng lượng Mới số 378

Nỗi kinh hoàng nơi công cộng

Ngày 31/10/2014, tại buổi họp giao ban báo chí định kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy và Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) tổ chức, lãnh đạo Công an TP HCM báo cáo tính đến tháng 10/2014, trên địa bàn TP HCM có 19.213 người nghiện ma túy (tăng 33,55% so với cuối năm 2013), trong đó độ tuổi từ 18 trở lên chiếm 96,8%. Số có hộ khẩu từ các tỉnh, thành phố khác hoặc tại TP HCM nhưng vắng mặt thường xuyên hoặc không có nơi cư trú nhất định chiếm hơn 60%; không có việc làm hoặc công việc không ổn định chiếm 75,5%. Số tái nghiện, cai nghiện từ 2 lần trở lên là 29,19% trong tổng số người nghiện ma túy.

Việc nhiều người dân bị người nghiện ở công viên 23/9 (Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM) xin đểu, dùng kim tiêm uy hiếp để có tiền mua thuốc đã tồn tại trong suốt thời gian dài. Nhiều người nghiện xem đây là nơi kiếm tiền, chích, nơi phê thuốc và là chốn cư ngụ. Cơ quan chức năng vẫn chưa có hành động quyết liệt nào để ngăn chặn các con nghiện. Với số lượng lên đến hàng chục người, những người nghiện tại công viên là nỗi ám ảnh của người dân và khách du lịch, những nạn nhân bị xin đểu.

Bốn con nghiện đang chờ người qua lại để xin đểu

Chúng tôi có mặt tại công viên 23/9 nhiều lần. Vừa ngồi vào ghế đá, một người đàn ông gầy nhẳng, ốm yếu với cánh tay toàn hình xăm và vết bỏng do tàn thuốc để lại đặt ngay chai nước ngọt vào lòng chúng tôi và nói: “Mua cho anh chai nước đi em. Có 20 ngàn thôi, anh thèm thuốc sáng giờ mà chưa đủ tiền mua. Em biết đấy, mấy thằng nghiện như anh sẵn sàng đâm chém, chích để có tiền. Không mua  em không biết hậu quả thế nào đâu”. Vừa nói, gã không quên liếc xéo về hai kẻ đang phê thuốc gần đó.

Với lời lẽ đe dọa như thế, người đàn ông này tiếp tục bán nước cho nhiều người khác. 10 phút, gã đã bán được hơn 20 chai nước, gã đếm thấy đủ tiền, gã vứt cái thùng đựng nước vào một góc và chạy xiêu vẹo đi “mua hàng”.

Cách đó không xa, một du khách khác vừa đi ngang qua hai gã đang ngồi ăn cơm gọi lại: “Em ơi lại anh bảo cái này”. Du khách này bước tới thì hai gã nói: “Cho anh ít tiền mua điếu thuốc hút đi, 10.000 đồng được rồi”.

Ở đây cánh tài xế taxi, xe ôm và người buôn bán đều là nạn nhân của việc xin đểu. Anh Hoàng, một lái taxi cho hay: “Chúng tôi đậu xe ở đây đều phải cho tụi nghiện này ít chục ngàn mỗi ngày. Cho tiền mà mặt phải cười chứ không thì đừng có mong mà đứng ở đây đợi khách, chúng thường xuyên ở đây, chỉ dời khỏi đây khi mua thuốc”. Những người buôn bán vỉa hè tại đây thường xuyên phải “quyên góp” mỗi khi con nghiện lên cơn mà không có tiền. “Muốn yên ổn buôn bán, mỗi ngày tôi phải đưa cho chúng 30.000 đồng đó chú. Tưởng vỉa hè là muốn làm gì thì làm sao. May mà bọn bảo kê thấy chúng tôi nghèo chưa sờ tới chứ chắc cũng dẹp luôn chứ buôn bán gì”.

Với chiêu bài dùng số đông, thân hình gớm ghiếc và dùng cả kim tiêm, người nghiện trong công viên kiếm được khá nhiều tiền từ du khách và những người buôn bán để có tiền mua thuốc chích hút.

Xin đểu xong, một người nghiện vội vã rời công viên đi vào những con hẻm trên đường Phạm Ngũ Lão. Và trở lại khi trong tay cầm một bịch nhỏ màu đen. Thấy anh này trở về, bốn người nghiện khác vây quanh để chia nhau những bơm tiêm. Những người nghiện không cần tìm nơi kín đáo để tiêm chích mà họ sử dụng ngay trên lối đi trong công viên. Cách đó khoảng 10m là hai bảo vệ công viên ngồi trò chuyện rôm rả và không có phản ứng gì. Dường như họ “vô tâm” với những cảnh này.

Nhiều người đi ngang qua tò mò nhìn ngó thì bị người nghiện ném cho những ánh mắt hình viên đạn đe dọa khiến họ phải nhanh chân bước đi. Tiêm xong, cả 5 người tìm nơi hưởng thụ cơn phê thuốc. Chúng chọn ghế đá trong công viên và nằm ngủ một cách ngon lành. Hết cơn phê, người nghiện lại dùng số tiền còn lại mua thức ăn và rượu bày biện ngay trong công viên để nhậu.

Kim tiêm sử dụng xong, người nghiện vứt xuống hồ sen gần đó hoặc một bồn hoa, gốc cây nào đó trong công viên. Những kim tiêm này trở thành mối đe dọa rình rập du khách nếu không cẩn thận.

Tại bến xe An Sương (huyện Hóc Môn, TP HCM) tình trạng xin đểu xảy ra tương tự. Người nghiện tiêm chích ngay con lươn trên Quốc lộ 22 trước hàng ngàn ánh mắt của người dân. Việc mua bán ở đây xảy ra công khai nhưng con nghiện rất tinh vi, nhiều lần bị lực lượng chức năng khám người mà không tìm thấy được tang vật. Nhưng vắng bóng lực lượng chức năng, việc mua bán lại diễn ra bình thường. Gần đây do có sự kiểm tra thường xuyên của lực lượng chức năng, người nghiện di chuyển từ bến xe An Sương ra tụ tập dưới chân cầu vượt An Sương tiếp tục hành động khiến nhiều người đi đường lo sợ.

Cướp giật táo tợn

Cũng tại cuộc họp báo vào cuối tháng 10/2014, lãnh đạo Công an TP HCM đưa ra thống kê, từ đầu năm đến nay cho thấy thực trạng người nghiện phạm tội chiếm trên 20% (trong đó cướp giật tài sản chiếm quá nửa). Đáng chú ý xảy ra một số vụ giết người do đối tượng nghiện ma túy tổng hợp, có dấu hiệu loạn thần gây ra.

Nhiều vụ cướp giật xảy ra. Thủ đoạn của con nghiện là dùng kim tiêm dính máu đe dọa nạn nhân. Vào lúc 20 giờ ngày 27/10, chị Trần Thị Lam Giang (30 tuổi, cán bộ Trường cao đẳng Nghề Du lịch Sài Gòn) đang chạy xe về nhà trên đường Kinh Dương Vương (quận 6, TP HCM), chị Giang thấy một người đàn ông chừng ngoài 40 tuổi, ăn mặc lịch sự đi xe Air Blade biển số 67 từ phía sau vọt lên. Anh ta đi song song với chị một đoạn ngắn rồi quay sang hỏi: “Về Long An đi đường nào hả em?”. Thấy cô gái không trả lời mà rồ ga chạy nhanh hơn, người đàn ông đuổi theo, hỏi tiếp: “Hướng về An Lạc đi thẳng hả em?”.

Ông Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Trung tâm cai nghiện Thanh Đa

Vì thấy người lạ, khả nghi chị Giang không trả lời mà chỉ gật đầu. Nhưng bất ngờ hắn áp sát vào xe chị Giang khiến chị suýt té. Định la lên thì có hai thanh niên khác trờ tới chĩa kim tiêm vào hông chị và nói: “Có bao nhiêu móc hết ra. La lên là tao tiêm cho một mũi giờ. Mày muốn bị nhiễm HIV như tao không?”. Chị Giang vội móc sạch túi đưa cho chúng tất cả hơn 2 triệu đồng. Chị chưa kịp hoàn hồn, bọn chúng đã rồ ga chạy thẳng về hướng Quốc lộ 1A. Một số người dân chứng kiến vụ việc nhưng đành bó tay vì sự táo tợn của con nghiện.

Là con nghiện lâu năm, vào chiều ngày 6/11 đối tượng Huỳnh Thanh Sang (SN 1988, ngụ quận 10) bị công an bắt quả tang đang thực hiện hành vi cướp giật điện thoại của người đi đường. Trước đó vào khoảng 13 giờ cùng ngày, anh Võ Phước Triệu (SN 1996, quê Đồng Tháp) dừng xe đạp bên đường 3/2 để nghe điện thoại. Bất ngờ Sang chạy xe máy áp sát giật điện thoại nhưng không thành. Lực lượng trinh sát phát hiện truy đuổi và tóm gọn Sang. Sang từng thụ án tù vì tội cướp giật vào năm 2005.

Mới đây, anh Thành - một bạn đọc của báo - sau khi rút tiền ở cây ATM tại ngã tư Thủ Đức vào khoảng 22 giờ ngày 11/11 ra xe chạy được một đoạn thì bị con nghiện đón đường, chặn đầu xe, giả vờ nói anh Thành gây tai nạn giao thông mà bỏ chạy. Khi anh Thành dừng lại để thanh minh thì tên nghiện dùng mũ bảo hiểm đánh tới tấp vào đầu anh Thành khiến làm anh không kịp trở tay. May mà có người dân can thiệp kịp thời nên tên nghiện không lấy được gì của anh.

Trong buổi họp báo gần đây, chính ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP HCM  cũng xác nhận ông từng bị người nghiện xin “đểu”. “Hôm đó tôi có công chuyện xuống quận 2. Định xuống thăm một cây cầu nhưng ngồi trên ôtô thấy một thanh niên cởi trần, xăm trổ đầy người, tay cầm ống tiêm gõ vào cửa xe. Hãi quá tôi ngồi im và bảo tài xế chạy luôn”, ông Quân kể trong cuộc họp báo mới nhất.

Ở nhiều khu dân cư, con nghiện thường xuyên phá khóa trộm xe máy và đồ dùng có giá trị khiến người dân lo sợ mỗi khi bước ra khỏi nhà. Tại hẻm số 467, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh, con nghiện từ bến xe chạy vào tiêm chích vứt đầy hẻm. Bà Lệ, một người dân cho biết: “Sáng hôm nào tôi cũng phải dậy sớm nhặt kim tiêm, có hôm nhặt được 30 kim tiêm đem vứt vào sọt rác. Nhặt kim tiêm sợ lắm nhưng không nhặt thì trẻ em nó không biết hoặc không cẩn thận dẫm chân vào thì càng khổ. Khu nhà tôi, có cái sọt rác, đôi dép cũng phải mang vào trong nhà. Để ở ngoài là chúng lấy luôn. Nói chung bất cứ cái gì bán được chúng đều trộm mà bán lấy tiền mua thuốc”.

Không chỉ dừng lại ở việc cướp giật, xin đểu. Gần đây người nghiện sau khi phê thuốc không kiềm chế được thần kinh đã gây ra nhiều vụ án giết người nghiêm trọng, thậm chí giết cả người thân của mình. Điển hình như vụ án do Phạm Duy Quý (SN 1993) sử dụng ma túy và dùng dao chém chết 4 người thân trong gia đình vào ngày 1/8/2014 tại nhà ở xã Phượng Hoàng, Thanh Hà, Hải Dương. Hay vụ án MC Nguyễn Hữu Chính (SN 1980) ngáo đá nghĩ bạn gái là con trăn khổng lồ nên dùng dao chém đến chết vào tháng 12/2013 tại Hà Nội. Mới đây nhất, Đặng Văn Tuấn sau khi sử dụng ma túy đá xảy ra mâu thuẫn giết người yêu (vừa là em dâu) rồi chặt xác phi tang.

Trước đây, TP HCM từng đưa ra phương án cai nghiện tập trung nhưng không thành vì bị phản đối vi phạm nhân quyền khi đưa người nghiện vào các trung tâm như “đi tù”. Tuy nhiên, trước những thảm án kinh hoàng liên quan tới người nghiện, buộc chính quyền TP HCM phải cân nhắc trước việc nên đặt nhân quyền của 19.213 con nghiện lên trên hay tình trạng an ninh, sự an toàn tính mạng tài sản của 9 triệu dân lên trên hết. Sắp tới, thành phố sẽ thí điểm tại Trung tâm cai nghiện Thanh Đa và quận 8.

Sẵn sàng giúp người nghiện đi cai

Với tình trạng con nghiện lộng hành gây nhiều hoang mang cho đời sống người dân. Dù số lượng con nghiện tăng nhanh nhưng do bất cập trong quy trình hoàn thành thủ tục nên trong năm 2014 chỉ có 200/200.000 người nghiện được đưa vào các trung tâm cai nghiện tập trung, con số này ở TP HCM là 45 người. Vì tính chất cần thiết, cấp bách đối với người nghiện, TP HCM mạnh dạn đề xuất phương án cai nghiệp tập trung trước Quốc hội và được chấp nhận. Tuy nhiên, phương án này được các trung tâm cai nghiện chuẩn bị từ hai năm trước.

Trao đổi với chúng tôi về việc áp dụng văn bản xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, ông Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Trung tâm Cai nghiện Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP HCM) bày tỏ: “Ngay từ khi luật xử lý vi phạm hành chính được thông qua, tôi đã nhiều lần kiến nghị với thành phố không nên áp dụng việc xử phạt hành chính với con nghiện và cai nghiện tại gia đình, cộng đồng mà cần đưa vào cai nghiện tập trung mới có hiệu quả”. Ông Khánh Duy giải thích, người nghiện thường xuất phát từ cuộc sống gia đình, cộng đồng mà ra giờ lại đưa cho gia đình, cộng đồng quản lý cắt cơn giải độc là chuyện không thể được.

Một số hoạt động của học viên tại Trung tâm cai nghiện Thanh Đa

Về lộ trình hoàn thành thủ tục đưa người nghiện đi cai nghiện gặp rất nhiều trở ngại và kéo dài nhiều ngày. “Ở công an điều tra xong, chuyển sang y tế rồi chuyển cho tòa án nhân dân cấp quận, huyện tuyên án thì mới đưa đi cai nghiện. Trong thời gian tạm giam tại công an con nghiện dứt thuốc là kết quả xét nghiệm sẽ âm tính khi đưa đến y tế và khi đó thủ tục sẽ vướng. Nếu y tế không kết luận được có nghiện hay không thì làm sao tòa án dám tuyên. Vì thế cần hoàn thành nhanh thủ tục. Các bên cùng ngồi lại với nhau xử lý ngay trong ngày thì mới có hiệu quả” - ông Khánh Duy nói.

Người nghiện cần được đưa đến các trung tâm cai nghiện tập trung cho điều trị thuốc cắt cơn giải độc trước một thời gian. Khi người nghiện không còn nhớ thuốc thì mới đưa về cho gia đình và cộng đồng quản lý tránh tái nghiện. Đối với những người cai nghiện tại nhà rất nhiều trường hợp vẫn chơi ma túy khi sắp đến ngày tái khám, nhận thuốc methadone một ngày thì dừng thuốc nên thường xét nghiệm cho âm tính. Điều này lầm tưởng người nghiện thực hiện tốt việc cai nghiện nhưng trên thực tế không hiệu quả.

Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, ngày 7/11, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ Trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND TP HCM, Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa (quận Bình Thạnh) để kiểm tra công tác phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm trên địa bàn TP HCM. Đoàn đã trực tiếp gặp gỡ những người làm công tác cai nghiện tại cộng đồng ở Thanh Đa để lắng nghe những vướng mắc trong quá trình thực tiễn họ gặp phải.

Trung tâm cai nghiện Thanh Đa do cựu thành viên điệp báo A10, Nguyễn Hữu Khánh Duy làm giám đốc hiện nay đang là trung tâm cai nghiện lớn nhất, hiện đại nhất với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp tại TP HCM. Hoạt động từ năm 1999, trung tâm đã cai nghiện cho hơn 10.000 lượt người.

Ông Khánh Duy cho biết: “Dù chưa có văn bản chính thức nhưng năm 2012 thành phố đã có chỉ đạo lên phương án điều trị tập trung bắt buộc. Thành phố yêu cầu chúng tôi lập bảng giá điều trị thấp nhất có thể vì đa số người nghiện có hoàn cảnh rất khó khăn. Hiện chúng tôi đang thực hiện điều đó. Sau khi tính toán chúng tôi đưa ra bảng giá hồi tháng 11/2012 là 2.675.000 đồng cho 15 ngày cắt cơn giải độc. Số tiền này tính trượt giá thì nay là khoảng hơn 3 triệu nhưng tôi nghe thành phố dự tính là 4 triệu”.

Cũng nằm trong dự tính từ năm 2012, Trung tâm Thanh Đa chuẩn bị đội ngũ nhân viên sẵn sàng cho chỉ đạo của thành phố là 147 người, với đa số có trình độ đại học trở lên. Số nhân viên này hiện đang đáp ứng đủ 2 học viên/1 nhân viên. Có 4 phòng cắt cơn giải độc từ những ngày đầu.

Trong trung tâm có nhiều hoạt động giải trí như bida, bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền... cho các học viên sử dụng miễn phí. Ngoài ra còn có phòng tập thể hình, khu hồ bơi, phòng chiếu phim 3D, karaoke phục vụ nhu cầu giải trí, rèn luyện sức khỏe cho các học viên. Chính những hoạt động thế này giúp người nghiện quên đi cảm giác thèm thuốc.

Những lớp dạy nghề như cơ khí, lớp ngoại ngữ, hội họa, thanh nhạc, mỹ thuật... đào tạo cho học viên có được một nghề khi về tái hòa nhập với cộng đồng. “Con nghiện ở đây từ 6 tháng đến 2 năm, nếu không tạo cho họ một nghề nghiệp sau này ra ngoài thì lấy gì sống. Nếu không có nghề họ trở lại làm người xấu và tái nghiện thì càng nguy hiểm. Chính vì thế trung tâm chúng tôi luôn luôn mở lớp học nghề cho học viên theo nhu cầu mà học viên mong muốn” - ông Khánh Duy nói.

Với đề án hiện tại, nhanh chóng hoàn thành thủ tục đưa người nghiện đi cai bắt buộc được ông Khánh Duy hoan nghênh. Cứ cho người nghiện đi cắt cơn giải độc trước, thủ tục có thể hoàn thành sau. “Nếu thành phố triển khai, trung tâm chúng tôi sẵn sàng đón nhiều người nghiện vào. Hiện nay ngoài việc điều trị bằng thuốc chúng tôi luôn chú trọng vào điều trị bằng tâm lý, giúp người nghiện lấy lại được niềm tin từ cuộc sống, giúp họ yêu đời hơn” ông khánh Duy cho hay…

Phóng sự của Hoàng Phúc Lộc