Thủ tướng yêu cầu điều tra lại vụ ông Dũng "lò vôi"

13:41 | 13/10/2014

7,680 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 13/10, ông Huỳnh Uy Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam đã nhận được công văn số 7868/VPCP-V.I của Văn phòng Chính phủ về việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo yêu cầu xem xét, giải quyết và báo cáo Thủ tướng vụ việc liên quan đến đơn tố cáo ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. Thủ tướng chỉ đạo yêu cầu xem xét, giải quyết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ vụ việc liên quan đến đơn tố cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.

Trả lời phỏng vấn Phóng viên báo Năng Lượng Mới, ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại Nam đưa ra nhận định về Kết luận của Thanh tra Chính phủ ngày 29/7/2014 có điểm mà ông không “tâm phục, khẩu phục”, trong đó có biểu hiện đã vượt  thẩm quyền khi đưa ra Kết luận nội dung tố cáo ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương để báo cáo Thủ tướng. 

Vì sao Thủ tướng chấp nhận yêu cầu Phúc tra?

Ông Huỳnh Uy Dũng. 

Phóng viên: Thời gian qua báo chí có đưa tin ông có đơn tố cáo ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương có hành vi phạm pháp luật, vậy vụ việc này cơ quan có thẩm quyền giải quyết như thế nào?

Ông Huỳnh Uy Dũng: Ngày 04/7/2014 Thanh tra Chính phủ đã có kết luận số 1549/KL-TTCP kết luận nội dung tố cáo và ngày 29/7/2014 có Thông báo số 1751/TB-TTCP thông báo kết quả giải quyết tố cáo gửi cho tôi. Sau khi đọc kết luận nội dung tố cáo của Thanh tra Chính phủ tôi không đồng ý, nếu như không nói là còn thấy bất bình.

Tôi cũng hiểu được Luật Tố cáo không quy định Tổng Thanh tra Chính phủ có thẩm quyền giải quyết tố cáo.

Theo khoản 2 Điều 23 của Luật Tố cáo khi được Thủ tướng là người giải quyết tố cáo giao thì Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ có quyền đi xác minh nội dung tố cáo và kết luận nội dung xác minh để về báo cáo Thủ tướng.

Trên cơ sở kết quả xác minh nội dung tố cáo, Thủ tướng căn cứ vào đó để kết luận nội dung tố cáo và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật.

Tôi không hiểu vì lý do gì mà  Thanh tra Chính phủ lại tự cho mình quyền kết luận nội dung tố cáo và yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương xử lý các sai phạm và đề xuất hình thức xử lý đối với người tố cáo không có cơ sở. Theo Luật Tố cáo qui định, chỉ  người giải quyết tố cáo mới có quyền kết luận nội dung tố cáo và xử lý, chỉ đạo xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Như vậy, trong trường hợp cụ thể này, thì Thủ tướng mới là người ra quyết định xử lý.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã vượt quá thẩm quyền của một cơ quan tham mưu trong việc xác minh nội dung tố cáo, không phù hợp với Luật Tố cáo.

Tôi xin nhấn mạnh Tổng Thanh tra Chính phủ ra quyết định thành lập tổ xác minh nội dung tố cáo do đó trình tự, thủ tục phải tuân theo quy định của Luật Tố cáo. Đây không phải là cuộc thanh tra mà kết luận giống như khi đi tiến hành thanh tra.

Vậy ông có dự tính gì để đảm bảo cho việc giải quyết tố cáo được tuân thủ theo đúng quy định của Luật Tố cáo?

Tôi cũng đã có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ để tố cáo việc Thanh tra Chính phủ giải quyết tố cáo không đúng, không tuân thủ trình tự, thủ tục của Luật Tố cáo, kết luận vượt quá thẩm quyền hay nói cách khác Thanh tra Chính phủ đã làm thay Thủ tướng Chính phủ trong việc giải quyết tố cáo.

Ông có bình luận gì về kết luận giải quyết tố cáo của Thanh tra Chính phủ?

Thanh tra Chính phủ kết luận tôi tố cáo UBND tỉnh Bình Dương trong việc không phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500; không cho chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật; không phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu công nghiệp Sóng thần 3 là có cơ sở, nhưng Thanh tra Chính phủ cũng lại kết luận người chịu trách nhiệm các vi phạm trên là thuộc các cơ quan tham mưu và các vị nguyên Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thời kỳ trước; không thuộc trách nhiệm của ông Lê Thanh Cung.

 Mặt khác, sau khi có đơn tố cáo của tôi thì báo chí phỏng vấn ông Cung về nội dung tố cáo ông Cung không phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 cho Công ty Đại Nam, tôi thật bất ngờ khi ông Cung thừa nhận đã chỉ đạo các ngành chức năng là không xem xét giải quyết đối với các kiến nghị của Công ty Đại Nam.

Nội dung trả lời đã đăng công khai trên một số báo. Đồng thời, ông Cung còn có nhiều lời lẽ miệt thị, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự cá nhân tôi. Tôi đã lập vi bằng vụ việc trên để làm bằng chứng, cùng với đoạn băng ghi âm đoạn phỏng vấn trên thì đây là tình tiết mới của ông Cung vi phạm pháp luật mà ông Cung tự thú nhận sau khi bị tôi tố cáo. Do đó, tôi sẽ tố cáo tiếp.

Cụ thể ông sẽ tố cáo tiếp những gì?

Qua nghiên cứu kết luận nội dung tố cáo của Thanh tra Chính phủ, đối chiếu với các qui định pháp luật tôi phát hiện việc giải quyết tố cáo của Thanh tra Chính phủ không tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo qui định của Luật Tố cáo và có dấu hiệu biểu hiện sự bao che người bị tố cáo.

Vì sao Thủ tướng chấp nhận yêu cầu phúc tra?

Văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Vì sao ông lại tố cáo đích danh ông Lê Thanh Cung mà không là một cá nhân khác?

Là doanh nghiệp, tôi chỉ biết Chủ tịch UBND Tỉnh là người chịu trách nhiệm chính xử lý những vấn đề của tỉnh, do vậy tôi cho rằng ông Cung phải chịu trách nhiệm với những sai phạm gây ra thiệt hại cho Công ty Đại Nam. Bởi, ông Cung là Chủ tịch UBND Tỉnh, là người đứng đầu thì phải chịu trách nhiệm theo qui định tại Điều 126, 127 Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003 về các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp mình giải quyết.

Ông Cung không thể đứng ngoài cuộc, chính ông Cung đã chỉ đạo các ngành chức năng là không xem xét giải quyết đối với kiến nghị của Công ty Đại Nam, nhưng nay ông Cung lại đùn đẩy trách nhiệm thuộc về các cơ quan tham mưu và các vị nguyên Chủ tịch hoặc  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thời kỳ trước có sai phạm đối với Công ty Đại Nam. Trong khi đó, kết luận của Thanh tra Chính phủ đã không thể xác định ông Cung với trách nhiệm Chủ tịch UBND Tỉnh phải làm gì để khắc phục những sai phạm đối với Công ty Đại Nam, mà còn khẳng định rằng ông Cung không có liên quan gì đến tố cáo của tôi.

Nhưng trái lại, tôi là người tố cáo không những không được bảo vệ theo qui định của Luật Tố cáo mà ngược lại Kết luận của Thanh tra Chính phủ lại yêu cầu cơ quan chức năng phải xử lý người tố cáo đúng là không thoả đáng, là trái với qui định của pháp luật.

Dự án các khu chức năng tại KCN Sóng Thần 3 không được phê duyệt đã ảnh hưởng như thế nào đối với Công ty Đại Nam?

Do không thể được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đối với các khu chức năng tại KCN Sóng Thần 3 nên hơn 10 năm qua Công ty Đại Nam không thể thực hiện ý tưởng chính sách chăm lo nhà ở cho người lao động. Mặt khác, Chính phủ cũng đã có Nghị Quyết 78/NQ-CP về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) của tỉnh Bình Dương. Trong đó, UBND tỉnh Bình Dương phải điều chỉnh đất KCN Sóng Thần 3 là phải có đất dành cho nhà ở nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương vẫn nhất quyết chưa thực hiện cho Công ty Đại Nam về điều chỉnh trên.

Trong khi Công ty Đại Nam đã chấp hành nghiêm chỉnh và tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật và các nghĩa vụ với tỉnh, đã hoàn thiện hồ sơ dự án Sóng Thần 3 nhưng ông Cung không phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 gây nhiệt hại nghiệm trọng cho Công ty Đại Nam. Trong khi đó, Công ty Becamex IDC cũng nằm sát với khu đất của Công ty Đại Nam, cũng chưa được duyệt quy hoạch 1/500 nhưng lại được chính ông Cung, Chủ tịch UBND Tỉnh cho phép phân lô, bán nền và xây dựng như tại Thông báo số 72/TB-UBND ngày 15/4/2013 của UBND tỉnh Bình Dương. Do đó, doanh nghiệp chúng tôi chỉ mong được xử lý công bằng, bình đẳng trước pháp luật giữa các doanh nghiệp.

Ông đang thực thực hiện Chương trình “Trái Tim Hằng Hữu” mổ tim cho các trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh, ông có thể chia sẽ việc làm của ông về chương trình này?

Đây là niềm vui lớn nhất của tôi hiện nay. Tâm nguyện của tôi là dành hết lợi nhuận kinh doanh, những gì tôi làm được và có được trong hơn 30 năm qua ở  Bình Dương tôi sẽ thực hiện Chương trình “Trái Tim Hằng Hữu” mổ tim cho các trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh.

Hiện tại mỗi ngày có từ một đến hai cháu bị bệnh tim được cứu sống từ chương trình trên và tôi sẽ dành hết thời gian còn lại để thực hiện chương trình để có thêm nhiều trẻ em bị bệnh tim được cứu sống.

Xin cảm ơn ông!

 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: “Kết luận của Thanh tra Chính phủ là… vô lý!”

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM phân tích: “Kết luận, yêu cầu của Thanh tra Chính về đơn tố cáo của ông Dũng Lò vôi đối với ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương vừa vô lý, vừa không phù hợp với quy định pháp luật về tố cáo”.

Trao đổi với Phóng viên Năng Lượng Mới về Kết luận của Thanh tra Chính phủ về đơn tố cáo của ông Huỳnh Uy Dũng đối với Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM lập luận: “Theo quy định tại Điều 23 Luật Tố cáo thì Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ có thẩm quyền xác minh nội dung tố cáo, kết luận nội dung xác minh, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ tướng Chính phủ khi được giao”.

Vì sao Thủ tướng chấp nhận yêu cầu Phúc tra?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu.

 

Điều 24 Luật Tố cáo quy định rõ căn cứ vào nội dung tố cáo, văn bản giải trình của người bị tố cáo, kết quả xác minh nội dung tố cáo, tài liệu, chứng cứ có liên quan, người giải quyết tố cáo và trong vụ việc này là Thủ tướng Chính phủ. Văn phòng Chính phủ sẽ có kết luận bằng văn bản về nội dung tố cáo.

Kết luận nội dung tố cáo có các nội dung cơ bản như kết quả xác minh nội dung tố cáo; kết luận việc tố cáo đúng, đúng một phần hoặc sai. Xác định trách nhiệm của từng cá nhân về những nội dung tố cáo đúng hoặc đúng một phần; các biện pháp xử lý theo thẩm quyền; kiến nghị biện pháp xử lý với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền (nếu có).

Tuy nhiên, tại phần III của Kết luận số 1549/KL-TTCP ngày 04/7/2014 của Thanh tra Chính phủ về nội dung tố cáo đối với ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thì dường như Thanh tra Chính phủ đã làm thay vai trò của Thủ tướng Chính phủ về kết luận nội dung tố cáo.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ không còn đơn thuần là “đề xuất biện pháp giải quyết theo đúng quy định pháp luật” theo công văn chỉ đạo số 9329/VPCP –V.I ngày 05/11/2013 của Văn phòng Chính phủ về việc truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mà còn kết luận luôn nội dung tố cáo.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương thực hiện xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có thiếu sót, vi phạm trong việc phê duyệt quy hoạch 1/2000, quy hoạch 1/500...

Tại phần III của Kết luận số 1549/KL-TTCP, Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu “UBND tỉnh Bình Dương xem xét đề xuất hình thức xử lý đối với việc tố cáo những nội dung chưa đủ cơ sở theo quy định pháp luật về tố cáo”. Luật sư Nguyễn Văn Hậu phân tích: “Kết luận, yêu cầu này của Thanh tra Chính phủ vừa vô lý, vừa không phù hợp với quy định pháp luật về tố cáo”.

UBND tỉnh Bình Dương và chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan, cá nhân bị tố cáo; nhưng nay, Thanh tra Chính phủ lại giao UBND tỉnh Bình Dương đề xuất hình thức xử lý đối với những tố cáo có cơ sở và chưa đủ cơ sở đã thể hiện sự không công bằng, không khách quan trong việc giải quyết, xử lý tố cáo.

Theo quy định tại Điều 23 Luật Tố cáo và theo công văn chỉ đạo số 9329/VPCP–V.I ngày 05/11/2013 của Văn phòng Chính phủ thì Thanh tra Chính phủ chỉ là đơn vị đề xuất biện pháp giải quyết và xử lý để trình Thủ tướng. 

 

 

Hưng Long

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps