“Thép” trên vùng biển Hoàng Sa

15:34 | 25/06/2014

3,138 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển Hoàng Sa và mang nhiều tàu, máy bay bảo vệ, khiến vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam như có bão. Chúng tôi đã cùng lực lượng làm nhiệm vụ thực thi pháp luật, bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đến vùng biển này. Tại đây, chúng tôi thấy chất “thép” ở mỗi người làm nhiệm vụ trên các con tàu luôn tỏa sáng.

Năng lượng Mới số 333

 

Bài 1: Vào vùng tâm “bão”

Trên thực địa, cứ mỗi lần tàu của Vùng Cảnh sát biển (CSB) 2 cơ động vào gần giàn khoan Hải Dương 981 để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền là các tàu Hải cảnh, Hải giám, Hải tuần… của Trung Quốc lợi dụng ưu thế số lượng, kích thước, tốc độ, đột ngột lao ra ngăn cản, sẵn sàng đâm va. Trên trời, máy bay quân sự, trinh sát lượn nhiều vòng ở các độ cao khác nhau đe dọa như sắp xảy ra chiến sự ác liệt. Trước những việc làm ngang ngược, phạm pháp của Trung Quốc, các cán bộ, chiến sĩ CSB Việt Nam vẫn bình tĩnh và chủ động đối phó bằng nhiều kỹ năng, phương pháp rất linh hoạt.

Tránh “voi” chẳng xấu mặt

Hơn 10 giờ, mặt biển nắng gay gắt. Nắng xuyên qua những con sóng bạc đầu khiến mặt biển lấp lánh những ánh vàng. Gần 10 tàu hải cảnh, hải giám bảo vệ mặt ngoài giàn khoan Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam nằm co cụm, thả trôi lững lờ. Thượng úy Vũ Trọng Huân, Thuyền trưởng tàu CSB 4032 lệnh cho ngành 5 (cơ điện) chuẩn bị 3 máy và yêu cầu các bộ phận về vị trí tác nghiệp, đưa tàu cơ động vào gần giàn khoan của Trung Quốc để tuyên truyền. Các chiến sĩ CSB mặc áo phao, mặt chăm chú nhìn về phía các mục tiêu trên biển quan sát, tai chú ý lắng nghe lệnh chỉ huy mặc cho chân đạp lên sàn tàu ở hành lang hai mạn trên đài chỉ huy và phía boong lái bỏng rát.

Không khí trên ca-bin chỉ huy đột nhiên lắng xuống, dồn nén gần một phút, tiếng Thiếu tá Hoàng Quốc Đạt, Hải đội trưởng 201 phá tan giây phút căng thẳng ấy bằng những khẩu lệnh liên tục trên loa nội bộ: “Máy giữa 800. Máy giữa 1.000. Đè trái 5 độ; 3 máy 1.200…” Khói từ hai bên mạn ở phía đuôi tàu tuôn ra ra đen đặc, tiếng turbine máy rít réo ro ro hòa theo gió và lẫn vào những đợt sóng bị chân vịt khuấy đảo tung bọt trắng xóa. Mũi tàu nhô cao lao chếch về phía trái giàn khoan, vẽ thành một đường cung trắng lấp lóa trên mặt biển xanh thẫm.

“Thép” trên vùng biển Hoàng Sa

Tàu Hải cảnh của Trung Quốc cản trợ lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam

Chốc chốc Trung úy Hồ Xuân Hợi, Phó thuyền trưởng lại thông báo khoảng cách giữa tàu CSB 4032 với giàn khoan mà Trung Quốc hạ đặt trái phép được định vị trên hải đồ điện tử: Khoảng cách 5.8. Khoảng cách 5.5. Khoảng cách 5.0… Tiếng Đạt gấp gáp, dồn dập trên loa. “Mở loa tuyên tuyền. Đóng các cửa sổ mạn. Phía sau và hai bên quan sát báo cáo”. “Hết lái trái”. “3 máy 1.200”…

Hơn 5 phút sau, khi tàu CSB 4032 cách giàn khoan hơn 4 hải lý và giảm dần tốc độ để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền thì những chiếc tàu hải cảnh của Trung Quốc ở xa nhằm chính mạn phải, trái của tàu CSB 4032 lao tới với tốc độ rất cao. Thiếu tá Hoàng Quốc Đạt lệnh: “Đè trái 5 độ”. “3 máy 1.000”. Tiếng loa phóng thanh công suất lớn của tàu CSB 4032 phát đi, chỉ rõ hành vi vi phạm Công ước Luật Biển Liên Hiệp Quốc năm 1982 của Trung Quốc tại vùng biển này; đồng thời yêu cầu các tàu Trung Quốc tránh xa tàu làm nhiệm vụ thực thi pháp luật của Việt Nam, tránh va chạm hàng hải đáng tiếc có thể xảy ra. Bất chấp những cảnh báo ấy, các tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng tốc độ, lao như tên trên mặt biển.

Thiếu tá Đạt tiếp tục lệnh cho ngành 5 tăng tốc độ máy lên 1.500 vòng/phút. Lập tức, các cuộn sóng phía sau tàu CSB 4032 ào ạt vồng lên nối tiếp nhau trắng xóa, như đại lộ trên mặt biển xanh thẫm, bỏ lại phía sau những tàu hải cảnh Trung Quốc hung hãn, hì hục húc sóng, cố bám đuôi vượt lên. Hoàng Quốc Đạt đi ra phía cửa ca-bin mạn phải quan sát. Anh nói với chúng tôi: “Tàu chạy nhanh, các đồng chí tác nghiệp hết sức cẩn trọng, tuyệt đối không được để mất an toàn”.

10 phút sau khi bu đến với tốc độ cao và nhận thấy không thể làm gì được chiếc tàu CSB 4032 dũng mãnh, tàu hải cảnh của Trung Quốc hậm hực từ từ giảm tốc và quay mũi cơ động về lại phía giàn khoan. Khi về đến ca-bin chỉ huy, Hoàng Quốc Đạt nói: Thái độ của các tàu Trung Quốc là rất hung hãn, cách tốt nhất là phải giữ được khoảng cách an toàn. Chúng tôi đang áp dụng triệt để phương châm “Tránh voi chẳng xấu mặt nào” mà các cụ xưa đã dạy. Quan sát thấy chúng tôi còn chưa hiểu hết ý định, Đạt phân tích: Các tàu Trung Quốc luôn cố tình tìm cớ, chủ động phun nước, đâm va, gây hại cho tàu Việt Nam. Do vậy, để triệt phá mưu mô này, chúng tôi luôn chủ động giữ khoảng cách an toàn với họ, kiên quyết không để họ áp sát và giở các trò khiêu khích.

Những đôi mắt xuyên đêm

Muốn giữ được khoảng cách với các tàu Trung Quốc hung hãn, cách tốt nhất phải nắm bắt được các hành động của chúng từ xa để phòng tránh. Ở trên các tàu của CSB, mặc dù các radar hàng hải có thể phát hiện đầy đủ các thông số của mục tiêu trong phạm vi cho phép để thuyền trưởng tiện chỉ huy tác nghiệp. Nhưng ở khoảng cách gần và cự ly ngắn, đặc biệt là khi có đông tàu đối phương áp sát, ngăn cản cùng một lúc ở cả hai bên mạn và phía sau thì những thông số mà trắc thủ radar cung cấp không thể nhanh bằng mắt thường. Do vậy, những đôi mắt tinh tường của các chiến sĩ CSB khi thực hiện nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển Hoàng Sa hiện nay là cực kỳ quan trọng.

“Thép” trên vùng biển Hoàng Sa

Trung úy chuyên nghiệp Trần Long Duy quan sát hành động của tàu Trung Quốc trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam

Trung úy QNCN Trần Long Duy là một trong những người có đôi mắt tinh tường nhất trong các nhân viên hàng hải tàu CSB 4032. Duy sinh năm 1976, là người Quảng Bình và có tới gần 20 năm kinh nghiệm tác nghiệp trên biển. Anh có khuôn mặt rất hiền, điển trai và dáng to cao như một vận động viên. Duy là người có khả năng phát hiện gần như chính xác kiểu loại, hành động của đối phương từ khoảng cách xa dưới 10km. Chỉ vào màn hình radar trên ca-bin chỉ huy, Duy phân tích: Những chấm hình thoi màu vàng dầy như gieo mạ và liên tục nhấp nháy này là tàu của Trung Quốc. Radar phát hiện được vị trí, tốc độ di chuyển của chúng chứ không phát hiện được kiểu loại và số hiệu. Dẫn chúng tôi ra hành lang của ca-bin, hướng về phía những tàu Trung Quốc trên mặt biển, xung quanh chiếc giàn khoan hạ đặt trái phép, chọn một chiếc, Duy thách đố chúng tôi: “Bằng mắt thường, đố các anh biết được con tàu kia di chuyển hay không?”.

Theo cánh tay của Duy chỉ, chúng tôi quan sát thấy một vật trắng sáng hình thù con tàu nổi trên mặt biển chứ không thấy dấu hiệu bất thường nào khác. Chúng tôi nói lên suy nghĩ của mình sau khi đã quan sát kỹ thì Duy bác bỏ. Duy cho rằng, con tàu hải cảnh đó đang di chuyển với tốc độ cầm chừng khoảng 5 hải lý/giờ. Duy phân tích: “Khi di chuyển trên mặt nước, khói của máy tàu bay lên, đồng thời nước ở mũi tàu rẽ sóng sang hai bên. Khói càng nhiều, sóng ở trước mũi tàu càng to thì chứng tỏ tàu di chuyển với tốc độ càng nhanh. Nếu không phát hiện được những dấu hiệu ấy có nghĩa là tàu đang đứng im, hoặc thả trôi. Tiếp đó, Duy cho biết, phát hiện và ước lượng độ cao, tốc độ của máy bay là khó nhất, bởi tốc độ của chúng rất nhanh. Nếu là trời nắng thì mắt hay bị lóa, rất khó ước lượng”.

Để có được các kỹ năng này, theo Duy, mỗi người phải trải qua một thời gian chịu khó học hỏi và đúc rút kinh nghiệm. Phải tìm đọc các tài liệu và ghi nhớ đặc trưng nổi bật về kiểu loại của các tàu Trung Quốc ở trong đầu. Ví dụ như tàu hộ vệ tên lửa thì có đặc trưng thế nào, tàu quét mìn, hải cảnh… thì hình thù ra sao… Hằng ngày phải dành chút ít thời gian luyện mắt bằng cách đứng im và tập trung thị lực vào một điểm nào đó vô hình trên biển từ gần cho đến xa dần, xa dần như người tập bắn súng. Theo Duy, để phát hiện mục tiêu trong đêm tối thì người quan sát phải có đôi tai cực thính để có thể nghe được tiếng máy tàu từ xa vọng lại. Quá trình quan sát phải kết hợp chặt chẽ với việc phân tích ánh đèn trên nóc các tàu và tín hiệu từ màn hình radar của tàu mình.

Thiếu tá Hoàng Quốc Đạt nói tiếp, đã thành quy luật, đêm tối là thời điểm thích hợp để kẻ xấu hành động. Ở vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, các tàu Trung Quốc cũng lợi dụng đêm tối để thực hiện việc đâm va, đẩy ủi, phun vòi rồng vào các tàu thực thi pháp luật của ta. Bởi đêm tối không thuận lợi cho việc quay phim, chụp ảnh làm bằng chứng tố cáo. Thế nên, việc tổ chức canh trực trong đêm tối là hết sức cẩn trọng. Phải phát hiện được mục tiêu có thể tấn công tàu ta từ xa để đối phó hiệu quả, ít nhất là cũng chủ động vòng tránh trước khi chúng bất ngờ lao tới thực hiện những hành động đê hèn.

Thiếu úy QNCN Nguyễn Thế Hồng, nhân viên hàng hải và là người có kỹ năng quan sát tốt nhất trên tàu CSB 2016 hiện nay cho biết: Mỗi cán bộ, chiến sĩ các ngành trên tàu trực 2 ca, tương đương với 8 giờ trong một ngày, chưa kể những lúc báo động xử lý tình huống tập trung. Điều đáng nói là việc xử lý tình huống diễn ra rất nhiều lần trong một ngày, không thành quy luật. Để hoàn thành nhiệm vụ quan sát trong mỗi ca trực, các nhân viên hàng hải thường thủ sẵn cho mình một cốc trà Thái Nguyên đặc quánh. Trà đặc giúp cho họ tỉnh táo và tập trung tư tưởng cao độ, có thể nhìn được xuyên màn đêm trên biển dày đặc, sẵn sàng đối phó với những ý đồ thâm độc của đối phương. Điều này lý giải vì sao trong nhu yếu phẩm trước khi đi biển của các chiến sĩ CSB không thể thiếu chè Thái Nguyên.

Kiên trì bám hiện trường, luôn giữ thế chủ động, phối hợp nhịp nhàng, kiên quyết không để bất ngờ, mắc mưu khiêu khích của đối phương là phương châm hành động được mỗi cán bộ, chiến sĩ CSB đang làm nhiệm vụ tại đây quán triệt sâu sắc. Họ đang ngày đêm đem sức khỏe, trình độ, kỹ năng, phương pháp thực thi nghiệp vụ được học, được huấn luyện và tự đúc rút từ thực tiễn hiện trường để đối phó với đối tượng có hành vi tham lam vô độ, cực kỳ thâm hiểm, sẵn sàng manh động bất cứ lúc nào. Với ý chí quyết tâm và tình yêu Tổ quốc, hơn một tháng qua, họ đã dũng cảm, mưu trí né tránh những hành vi khiêu khích đầy ác ý của các tàu Trung Quốc. Họ đã đáp ứng được niềm tin của nhân dân cả nước, cùng đông đảo kiều bào ta ở nước ngoài cũng như nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới trong việc bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở vùng biển đặc quyền kinh tế, thềm lục địa khu vực biển Hoàng Sa. 

Đồng đội trong “nhà thép”

Nhiều người gọi lực lượng CSB và kiểm ngư Việt Nam là lõi thép trong những “nhà thép” di động khi thực thi nhiệm vụ trên biển Hoàng Sa. Tiếp xúc với những chàng trai vạm vỡ quen ăn sóng, nói gió trong “nhà thép” ấy chúng tôi thấy họ đầy bản lĩnh. Hành động của họ góp phần làm tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

Buổi tối, sau bữa cơm, các cán bộ, chiến sĩ trên tàu CSB 4032 túa ra hành lang chật hẹp để uống trà và chuyện tếu. Sóng biển cao hơn 2m vỗ bùm bụp vào mạn, khiến tàu rung lắc, hết nghiêng phải lại nghiêng trái. Nhiều đồ đạc trên sàn tàu xô lệnh va đập loảng xoảng. Thượng úy Trần Văn Hùng, trợ lý pháp luật Vùng CSB 2 ngồi bệt xuống sàn tàu, với một chân ghì chặt khay đựng cốc, mồm liến thoắng: “Sau đợt công tác này, dứt khoát tôi sẽ đề nghị cấp trên tặng kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam” cho anh Thắng”.

Y sĩ Trần Xuân Thắng và Thiếu tá Hoàng Quốc Đạt, Hải đội trưởng 201 (Vùng CSB 2) thăm hỏi, động viên Đại úy Vũ Mạnh Hùng bị ốm trên tàu CSB 4032

Mọi người đều cười vang tán đồng ý kiến của Hùng. Thắng đứng dạng chân, một tay bám chắc vào tay vịn bằng i-nốc, tay kia cầm chén trà, phản đối. Mãi sau chúng tôi mới hiểu ẩn ý trong dự kiến “đề xuất’ kia của Hùng. Chẳng là do vợ chồng Thắng sinh được hai con gái nên anh em trên tàu mới nghĩ ra trò này. Trung úy chuyên nghiệp Trần Xuân Thắng là y sĩ trên tàu. Mọi người thường gọi Thắng với cái tên thân mật là “thần y Hơ-run”, nhân vật điển hình trong một bộ phim Hàn Quốc mà nhiều người Việt Nam rất yêu thích. Thắng là một trong những nhân tố góp phần làm cho tinh thần đoàn kết, thương yêu, cùng nhau vững tin chia sẻ khó khăn, hiểm nguy của mọi người trên con tàu nhỏ bé này tăng lên gấp bội.

Thắng cư trú ở Nha Trang và được tăng cường cho tàu CSB 4032 ra Hoàng Sa thực hiện nhiệm vụ. Ngoài công việc chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh và hướng dẫn mọi người trên tàu phòng dịch, Thắng còn chủ động tham gia vào chế biến thực phẩm, nấu ăn, vệ sinh cùng đồng đội. Điểm đặc biệt ở Thắng mà mọi người dễ cảm nhận được khi tiếp xúc là đức tính nhường nhịn, sự chân thành, cởi mở, gần gũi, trong lời nói và việc làm.

Trong những ngày thực hiện nhiệm vụ ở vùng biển này luôn luôn có sóng cao tới hơn 2m, tương đương cấp 5, cấp 6. Sóng to, gió lớn làm tàu lắc mạnh, nhiều đồng chí trên tàu bị say sóng, không ăn được, chỉ nằm một chỗ. Mặc dù rất mệt vì phải chống chọi với sóng dữ, song với trách nhiệm của mình, Thắng đã gắng gượng vượt qua, tận tình chăm sóc các cán bộ, chiến sĩ.

Trường hợp của Đại úy Vũ Mạnh Hùng là một ví dụ điển hình. Hùng bị viêm chân răng hàm bên phải và sốt cao mấy ngày liền. Sóng to, tàu lắc mạnh, khiến Hùng ăn xong lại nôn “mật xanh, mật vàng”. Sức khỏe của Hùng giảm sút nhanh chóng, có lúc huyết áp tụt xuống còn 90/60mmHg. Trước tình trạng ấy, Thắng thường xuyên túc trực bên Hùng để theo dõi. Thắng mang nước uống, thuốc, nấu cháo và tự tay cho Hùng ăn. Thắng dìu Hùng đi ra ngoài hành lang của tàu, đi vệ sinh… như chăm sóc người thân trong gia đình. Thắng thường xuyên cho Hùng uống sâm quý để tăng cường sức đề kháng. Thắng cho biết, sâm đó Thắng mua trước khi đi làm nhiệm vụ và chỉ sử dụng khi thật cần thiết. Không chỉ có Thắng mà ngay cả Thiếu tá Hoàng Quốc Đạt, Hải đội trưởng Hải đội 201 và nhiều đồng đội khác, mặc dù rất căng thẳng, mệt mỏi sau những lần đi ca, xử lý các tình huống để không bị mắc mưu khiêu khích của các tàu Trung Quốc, các anh vẫn tranh thủ thời gian đến tận giường, nơi Hùng nằm để động viên.

Cuối ngày thứ hai, sức khỏe của Hùng đã có chuyển biến tốt. Nằm trong phòng, dưới khoang tàu, khi nghe có tình huống gấp gáp phát trên loa, Hùng lao lên đài chỉ huy để cùng anh em phối hợp xử lý. Thắng đến phòng của Hùng để thăm khám cho Hùng nhưng chẳng thấy Hùng đâu, Thắng vội vàng chạy lên đài chỉ huy và thấy Hùng đang ở đó, Thắng cương quyết bắt Hùng quay về phòng nghỉ, chờ cho bệnh khỏi hẳn mới được lên tác nghiệp cùng đồng đội. Hùng hậm hực quay xuống cầu thang vì bắt buộc phải thực hiện mệnh lệnh của y sĩ Thắng. Hơn 3 ngày sau khi được Thắng chăm sóc đặc biệt, lại được đồng đội trên tàu luôn luôn thăm hỏi, động viên, Hùng đã khỏe hơn và tiếp tục bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ bình thường. Khi đã khỏi hẳn, Hùng chia vui với mọi người: “Khi ốm thế này tôi mới hiểu giá trị của tình đồng đội nơi đầu sóng ngọn gió”.

Tuy làm nhiệm vụ dài ngày ở nơi khó khăn, nhiều hiểm nguy luôn rình rập, nhưng những cán bộ, chiến sĩ trên tàu CSB 4032 vẫn lạc quan, yêu đời, sẵn sàng giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, xây dựng tinh thần đoàn kết. Đây chính là nguồn sức mạnh để họ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ.

(Xem tiếp kỳ sau)

Phóng sự của Mạnh Thắng