"Thép" trên vùng biển Hoàng Sa (Bài cuối)

16:10 | 27/06/2014

1,638 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tuy thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện có nhiều khó khăn, phải liên tục cơ động, kìm nén trước sự khiêu khích, manh động, liều lĩnh của tàu Trung Quốc, song các chiến sĩ Cảnh sát biển (CSB) luôn biết tạo ra sự cân bằng tâm lý để bám biển thực hiện nhiệm vụ dài ngày. Họ lạc quan, yêu đời tin tưởng và thực hiện đúng chủ trương, đối sách của Đảng, Nhà nước trên biển.

Năng lượng Mới số 334

>> Thép trên vùng biển Hoàng Sa (Bài 1)

Bài cuối: Vững trên đỉnh sóng

“Ngư phủ” săn “tàu ngầm”

Đêm tối trên vùng biển Hoàng Sa, tại vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép không yên bình. Đèn trên các tàu Trung Quốc sáng trưng, vẽ thành một hình cánh cung dài hơn 10 hải lý bọc kín phía nam đông nam giàn khoan Hải Dương 981. Chốc chốc, vài chiếc tàu hải cảnh lại rọi đèn pha công suất lớn ra xung quanh, ánh sáng quét trên mặt biển vài hải lý soi mói. Sau một ngày luồn lách, vòng tránh để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, các tàu của kiểm ngư và CSB Việt Nam tạm rút về vị trí quy định, giữ khoảng cách an toàn, thả trôi nghỉ ngơi. Lúc này, nhiều người canh trực đêm về phòng ngủ lấy sức. Số còn lại kéo nhau hát karaoke, đọc sách hoặc xem phim… tuy nhiên, vớt mực, câu cá vẫn là trò được nhiều người hưởng ứng nhất.

Thượng úy Trần Văn Hùng, Trợ lý pháp luật vùng CSB 2 mặc áo phao, ra hành lang chuẩn bị đồ nghề đi săn “tàu ngầm”, một cái tên gọi tếu của thú vớt mực mà cách CSB hay gọi. Công cụ săn “tàu ngầm” của họ khá đơn giản, chỉ bao gồm một chiếc đèn công suất 300W, một cây gậy và chiếc vợt cán tre dài 5-6m. Hùng cẩn thận buộc bóng đèn có chiếc chao làm bằng chậu nhôm bị hỏng vào đầu gậy rồi vươn ra ngoài mạn tàu. Đầu gậy phía trong được Hùng cố định chắc chắn vào bích neo to tướng. Hùng rải dây và đi cắm điện. Trong lúc ngồi hóng gió biển và đợi “tàu ngầm” xuất hiện, Hùng nói: “Vớt mực, câu cá trên biển là cả một nghệ thuật đấy các anh ạ. Không phải ai cũng làm được đâu. Em phải tập mãi mới được, lát nữa các anh sẽ thấy”.

Vài phút sau, mọi người lục tục kéo ra hành lang mặt boong tàu. Cuộc thi săn “tàu ngầm” giữa hai đội lập tức được triển khai. Thể lệ nhanh chóng được thông qua. Mỗi đội có 3 người, đứng ở hai bên của đèn. Trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Ngọc Hòa được bầu là trọng tài. Hòa quy định:

- Mỗi người được vớt mực trong thời gian 15 phút. Sau 45 phút, bên nào vớt được nhiều sẽ thắng cuộc, bên thua sẽ phải chế biến mực chiêu đãi cả tàu ăn đêm. Bên nào đưa vợt vượt qua danh giới trục đèn là phạm quy.

Thiếu úy chuyên nghiệp Nguyễn Kim Kiên, nhân viên hàng hải và Thiếu úy Đinh Văn Tiệp, nhân viên cơ điện là hai đối thủ xứng tầm đầu tiên mở màn cuộc thi. Mọi người ùa ra dọc lan can cổ vũ cho 2 “ngư phủ”. Hai cây vợt chĩa xuống mặt nước, sẵn sàng. Lát sau, vài con mực màu trắng đục lao vào, ngoi lên đớp ánh sáng nhanh như tên bắn.

- Kìa, kìa… nó vào đấy, nổi đấy, vớt đi… mọi người cổ vũ.

Nhằm con to nhất, Kiên đưa và hạ vợt chụp xuống, kéo mạnh lên trên.

- Ố...i… ôi… kìa trượt… trượt... à, được rồi! Chúng tôi nín thở theo dõi hành động của “ngư phủ” Kiên rồi ồ lên sung sướng như chính mình săn được mực.

Chú mực kêu khịt khịt, phun nước phì phì quẫy đạp trong vợt. Kiên cười tít mắt và ước lượng: “Con này phải hơn 1kg chứ chẳng chơi đâu, bên ấy chuẩn bị dao thớt đi là vừa”. Tiệp đáp trả ngay “chờ đấy, lát nữa sẽ vớt con to hơn, đừng tự tin quá nhé!”.

Chúng tôi ra xem con mực Kiên vừa thả. Nó phì phò thở dưới lớp da óng ánh nhiều màu sắc bắt mắt. Chú ta khua khua, vươn những chiếc râu về phía trước. Từ miệng của mực phun ra thứ nước đen thẫm, đậm đặc, nhưng không sánh như mực tàu của ông đồ. Kết thúc lần thi thứ nhất, Kiên là người thắng cuộc với 2 con mực to tướng còn Tiệp chỉ được 1 con.

Sau 45 phút, trọng tại Hòa kiểm đếm và ước lượng số mực của hai bên và quyết định đội Kiên thắng cuộc. Trong lúc chờ mọi người chế biến, tôi săng sái cầm vợt săn “tàu ngầm”. Hì hục mãi tôi cũng săn được một con. Hùng nhanh tay giúp tôi kéo vợt lên khỏi mặt nước, nhưng hí hửng của tôi nhanh chóng tụt xuống đáy vì con mực vớt được to đúng bằng… ngón chân cái. Hùng bảo, con này bị mù mắt.

Cán bộ, chiến sĩ trên Tàu CSB 4032 thường xuyên theo dõi, xác định vị trí của các tàu Trung Quốc trên hải đồ

Gần 22 giờ, trên con tàu bồng bềnh, chiếc bếp từ bật hết cỡ, nước me chua trong nồi sôi ùng ục, thơm dịu làm tôi ứa nước miếng. Những lát mực trắng phau đã tẩm ướp sẵn được thả vào nồi dần chuyển sang màu đỏ nhạt. Loại mực này ăn giòn sần sật, nhưng không ngọt như mực Nghệ, mực Thanh, mực Quảng ở ngoài Bắc.

Lúc này Kiên mới bật mí về cách vớt mực. Thường sóng nhỏ thì mực vào nhiều, sóng to thì vào rất ít. Đèn càng sáng, mực lao vào càng nhiều. Mực vào nhanh mà đi cũng nhanh, do đó người vớt phải chớp thời cơ, chọn thời điểm thích hợp. Vợt càng vục sâu thì càng nặng, mực dễ chạy ra ngoài. Cách tốt nhất là phải chọn thời điểm hớt ở độ sâu khoảng dưới 20cm là vừa. Kiên kể, có hôm vớt được chú mực nặng 3,5kg cả tàu ăn không hết. Cuối cùng Kiên cảnh báo:

- Lần đầu ăn loại này nguy hiểm lắm, bụng sẽ sôi ùng ục như dưa khú trong vại gặp nắng ấy.

Chúng tôi không tin lời Kiên, bởi cũng nhiều lần được thưởng thức hải sản, nên không sợ. Nhưng cảnh báo của Kiên quả là đúng, đêm ấy tất cả chúng tôi phải nhờ đến những viên bécberin của y sĩ Trần Xuân Thắng mới khiến cái bụng dịu lại.

Bạn tri kỷ trên tàu

Ngoài thời gian thực hiện nhiệm vụ, sinh hoạt tập trung, trong con tàu chật hẹp, mỗi cán bộ, chiến sĩ lựa chọn cho mình một cách giải trí riêng. Một số tập trung thi đấu cờ tướng ở khoang máy. Số khác tập trung xem phim tại Câu lạc bộ chiến sĩ. Có người lại nghiện sách.

Chúng tôi đang say sưa với những bức ảnh và clip vừa thực hiện được khi cùng tàu CSB 4032 tiến vào gần khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép để tuyên truyền thì Thượng úy Nguyễn Mạnh Trường, Chính trị viên tăng cường xuất hiện ở cửa phòng Câu lạc bộ chiến sĩ với cuốn sách khá dày trên tay. Có thể nói, Trường là người say mê đọc sách nhất trong số các cán bộ, chiến sĩ trên tàu CSB 4032. Trường tốt nghiệp khoa Hàng hải - Học viện Hải Quân, nhưng do yêu cầu nhiệm vụ, Trường được tổ chức cử đi học chuyển loại chính trị và sau đó bổ nhiệm làm chính trị viên tàu. Trong hành trang ra biển của Trường có khá nhiều sách văn học của các nhà văn nổi tiếng. Cầm cuốn tiểu thuyết “Hai nhà” của tác giả Lê Lựu trên tay, Trường ngồi vào ghế và nói với chúng tôi:

- Các anh đọc cuốn này, hay lắm. Rất nhiều kịch tính!

Mở cuốn sách Trường đưa, lướt vài chữ ở trang mở đầu đã thấy cách đặt vấn đề của tác giả rất ấn tượng và lôi cuốn. Trường nhìn tôi kề cà triết lý:

- Tận dụng thời gian đọc sách có cái thú riêng của nó. Ngẫm ra, sách là người bạn tri kỷ nhất các anh ạ. Nó cho ta biết khóc, biết cười, biết hạnh phúc, biết đau khổ. Nó cho người đọc bao nhiêu là kiến thức, hiểu biết về cái sự đời trăm phương nghìn ngả mà chẳng mảy may đòi hỏi gì. Còn trên thực tế, bạn bè phản nhau bằng nhiều thủ đoạn không thương tiếc, miễn là đạt được lợi ích. Đấy, các bác cứ ngẫm về hành động của anh bạn hàng xóm “môi hở, răng lạnh” của chúng ta mà xem. Tôi dám chắc là tới đây, tình hữu nghị, tình đồng chí, anh em, đối tác… được vun đắp từ xưa đến nay sẽ bị mai một đáng kể cho mà xem.

Điều Trường nói không có gì mới, nhưng tôi hơi bất ngờ về cách ví von hài ước và... già trước tuổi của một chính trị viên tàu.

Khác với Trường, Thiếu tá Hoàng Quốc Đạt lại có cách giải trí riêng. Trong căn phòng chật hẹp, Hải đội trưởng Hoàng Quốc Đạt mải mê xem bộ phim hình sự “Bí mật Tam Giác Vàng” nói về công việc phá đường dây vận chuyển ma túy từ nước ngoài về Việt Nam. Anh cho tiếng khá to và chẳng hề để ý đến xung quanh. Đôi lúc chúng tôi thấy Đạt cười một mình. Có khi tức khí cáu gắt, quát um, khiến mấy chiến sĩ mắt tròn, mắt dẹt, chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra. Có lần, Thiếu úy chuyên nghiệp Nguyễn Thế Trường, Trắc thủ radar của tàu đang chế biến thực phẩm ở gần đó nghe Đạt quát tưởng có chuyện gì cần kíp lắm anh vội vàng bỏ dao thớt chạy vào hỏi. Thiếu tá Hoàng Quốc Đạt dừng xem và hỏi lại Trường: “Cậu bảo gì cơ, đã đến giờ ăn rồi à!”. Nghe thế, Trường không trả lời mà tủm tỉm cười quay ra nói với chúng tôi: “Xem phim kiểu ông Đạt có ngày tẩu hỏa nhập ma mất thôi các bác ạ”.

Tàu hải cảnh của Trung Quốc ngăn cản Tàu CSB 4032 thực thi nhiệm vụ

Chia khó với hậu phương

Đêm tối mặt biển đen thẫm, bầu trời cao vời vợi và đầy sao. Trăng hạ tuần cong như lưỡi liềm thả luồng sáng lành lạnh xuống mặt biển óng ánh. Gió nhè nhẹ đẩy hơi nước mặn mỏng manh lảng bảng đậu trên ngọn sóng. Thỉnh thoảng, vài chú cá chuồn hứng chí vọt lên khỏi mặt nước đùa giỡn với ánh trăng. Con tàu CSB 2016 trườn đi trong tiếng máy rì rì đều đều, đè lên những lớp sóng nối tiếp nhau. Trong hành lang chật hẹp của con tàu, chúng tôi cùng một vài cán bộ Cảnh sát biển ngồi nhấm nháp chén trà đặc quánh.

Đại úy Phan Nhân Hậu, Chính trị viên phó Hải đội 201 (Vùng CSB 2) quê ở Hà Tĩnh và từng tốt nghiệp Đại học Hàng hải TP Hồ Chí Minh kể với chúng tôi đôi nét về tình đồng đội trên tàu. Hậu có nước da trắng như con gái và chiếc răng khểnh duyên đến lạ. Nếu lần đầu gặp ở đất liền sẽ chẳng nghĩ Hậu là người từng lăn lộn nhiều năm với vùng biển Hoàng Sa. Chợt nhớ ra việc chưa kịp làm, Phan Nhân Hậu hướng mặt về phía Thượng úy Nguyễn Quốc Huy, Chính trị viên tàu CSB 2016 (Vùng CSB 2) hỏi: “Cô ấy đã đỡ chưa?”

Huy quay mặt ra cửa mạn tàu, tránh cái nhìn của Hậu, thong thả trả lời:

- Hôm về bờ một ngày, công việc túi bụi, em có gọi điện nắm qua tình hình. Đầu tháng 6 này vợ em sẽ ra Bệnh viện U bướu Trung ương kiểm tra lại anh ạ!

Chính trị viên Huy quê ở An Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình). Huy nhỏ nhắn, nước da đặc trưng người vùng biển. Từ lúc lên tàu chúng tôi thấy Huy liên tục đôn đốc, kiểm tra các bộ phận, lo chỗ nghỉ cho các phóng viên. Anh di chuyển trong hành lang chật hẹp thoăn thoắt như chú sóc. Sau này tìm hiểu chúng tôi được biết, Huy chính là người đứng ở trên nóc ca-bin, ôm camera ghi lại gần như toàn cảnh hình ảnh tàu Hải cảnh 46001 của Trung Quốc cố tình đâm va khiến tàu CSB 2016 bị thủng 4 lỗ ở mạn phải vào ngày 1-6 vừa qua.

Huy khẽ thổ lộ với chúng tôi, trên con tàu nhỏ bé giữa biển khơi, anh em không giấu được nhau chuyện gì. Mọi người coi nhau như trong một nhà. Tếu táo trêu đùa, tức đến tím mặt, nhưng không giận quá được một ngày. Tiếp đó, Huy tâm sự:

- Là Chính trị viên nên chuyện gia đình nói ra trước tập thể không tiện lắm cho việc quản lý, chỉ huy. Người nào không hiểu cho rằng tôi lợi dụng. Thế nhưng, không hiểu sao anh em trên tàu vẫn biết.

Sau những lời như thế, Huy tiếp tục kể. Vào tháng 10-2013, sau khi mổ sinh cháu thứ hai chưa đầy tháng, vợ Huy liên tục đau bụng. Đi khám qua nhiều bệnh viện không tìm ra nguyên nhân. Chỉ khi đến Bệnh viện U bướu Trung ương ngoài Hà Nội, qua các xét nghiệm, bác sĩ ở đây kết luận vợ Huy bị ung thư buồng trứng giai đoạn 2. Sau khi mổ, cắt bỏ buồng trứng, vợ Huy tiếp tục được chỉ định trị xạ 6 mũi hóa chất. Cũng từ khi ấy, cậu con trai bé bỏng của Huy không được ăn sữa mẹ nữa. Vợ nằm viện, Huy công tác liên miên ngoài biển, hai đứa con trai giao cả cho ông bà nội gần 60 tuổi chăm sóc. Dù khó khăn, song cả gia đình, đặc biệt là bố của Huy, một thương binh thời chống Mỹ vẫn động viên con yên tâm bám biển, đoàn kết cùng anh em thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Tính đến nay, kinh phí đi lại, điều trị, bồi dưỡng sức khỏe của vợ Huy tốn khoảng 200 triệu đồng rồi. “Cũng may có bảo hiểm y tế nên đỡ phần nào chi phí các anh ạ. Đáng mừng là cu tí nhà em rất khỏe, ăn tợn và kháu khỉnh lắm”, mặt  Huy tươi hơn, ánh mắt lấp lánh khi nhắc đến cậu con trai của mình.

Nghe hết câu chuyện Huy kể, Phan Nhân Hậu to nhỏ thêm với chúng tôi:

- Trong hải đội, trường hợp khó khăn như Huy cũng có vài người. Anh em biết chuyện đều quan tâm động viên và chia sẻ. Ở bờ, Thiếu tá Kiều Khánh Dũng, Chính trị viên Hải đội luôn gọi điện đến các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt để nắm tình hình. Cử người đến tận nơi thăm hỏi, tặng quà, động viên, chăm sóc những người thân của cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ngoài Hoàng Sa không may bị bệnh hiểm nghèo như chính người thân. Khi có thông tin mới là thông báo cho các đồng chí làm nhiệm vụ trên biển ngay. Do vậy, lực lượng đi biển làm nhiệm vụ rất yên tâm đã có chỗ dựa tinh thần vững chắc.

Những chú mực to mà các “ngư phủ” tàu CSB 4032 vớt được trong một buổi tối trên vùng biển Hoàng Sa

Tàu CSB 2016 vào bờ để sửa chữa “vết thương” và tiếp tục ra Hoàng Sa thực hiện nhiệm vụ đấu tranh với những hành vi phạm pháp của Trung Quốc. Chính trị viên Huy và nhiều đồng đội trên tàu cũng chẳng có thời gian về thăm nhà, chia sẻ chút tình cảm với con nhỏ, với vợ đang bị bệnh. Họ yên tâm và hiên ngang cùng con tàu thân yêu vượt sóng gió ra biển. Họ tin tưởng vững chắc vào sự chăm sóc tận tình của đồng đội ở phía sau. Những nghĩa cử, tình cảm thân ái đó đâu phải quân đội nào, lực lượng nào cũng có được.

Những ngày cùng cán bộ, chiến sĩ tàu CSB 4032 làm nhiệm vụ trên vùng biển Hoàng Sa, chúng tôi ngẫm ra được nhiều điều về cuộc sống, sinh hoạt, học tập cũng như những tâm tư tình cảm và nguyện vọng của họ. Trong công việc họ linh hoạt, kiên quyết và rất dũng mãnh. Trong cuộc sống đời thường họ tếu táo, vui vẻ, yêu đời. Họ luôn biết tìm biện pháp giảm căng thẳng tâm lý, chế ngự sự buồn nản để thực hiện tốt nhiệm vụ. Chúng tôi nhớ mãi lời Thiếu úy Trần Kim Ba, Nhân viên hàng hài của tàu CSB 4032 trong chuyến đi này: “Đây là công việc lâu dài, rất dai dẳng. Do vậy phải kiên trì anh ạ. Nóng vội là hỏng việc ngay lập tức”. Chúng tôi hiểu, để có được sự tập trung cao độ khi làm nhiệm vụ, mỗi cán bộ, chiến sĩ ở đây phải gạt bỏ mọi lo toan tính toán. Cách làm của họ có thể ví như những người thợ luyện thép ở trong lò mà chúng ta vẫn thường thấy.

Phóng sự của Mạnh Thắng