Tản mạn từ đầu nguồn sông Đà

08:44 | 28/02/2015

4,465 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thế là sau 30 năm, 10 tháng, nay tôi mới lại có dịp quay trở lại thác Kẻng Mỏ - nơi đầu nguồn sông Đà về phía lãnh thổ Việt Nam.

Năng lượng Mới số 400

1. Đang mùa nước cạn,  thác Kẻng Mỏ bây giờ chỉ còn là một dòng nước hiền lành chảy hơi xiết  qua những ghềnh đá mọc lên lởm chởm giữa sông.

Đứng ở cột mốc 18, quay mặt về phía bắc thì bên trái là xã Mù Cả, phía bên phải là dòng suối Nậm Là chảy từ Trung Quốc sang. Bằng mắt thường cũng nhìn thấy rõ cột mốc ở phía bên kia biên giới. Nếu như cột mốc phía bên ta làm bằng đá hoa cương, nom bề thế, vững trãi và trang nghiêm thì cột mốc bên Trung Quốc chỉ là một trụ bê tông cao chừng hơn 1m, mỗi cạnh khoảng 20cm và không có một dòng chữ nào cả.

Phóng viên Báo Năng lượng Mới tác nghiệp ở đầu nguồn sông Đà

Dòng suối Nậm Là chính là đường phân định biên giới với Trung Quốc ở xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Nếu như nước sông Đà trong xanh thì nước từ suối Nậm Là lại đục lờ lờ.

Anh em biên phòng ở trạm Kẻng Mỏ bảo tôi rằng: Chẳng hiểu phía bên kia họ có nhà máy gì xả nước thải ra suối mà nom dòng nước lúc nào cũng bẩn và vẩn đục, nhiều khi thấy cả cá chết.

Nhìn dòng sông Đà đang chảy về xuôi và khung cảnh hoang sơ của những cánh rừng nguyên sinh, tôi bỗng thấy xúc động lạ thường. Hơn 30 năm trước vào dịp tháng 4-1984, tôi đã đến được nơi này sau quãng đường đi bộ dài đằng đẵng hàng trăm cây số.

Ngày ấy, với một chiếc balô, một khẩu AK với 30 viên đạn, vài cân lương khô cùng 2 chiến sĩ công an dẫn đường, tôi đã có một chuyến đi vô tiền khoáng hậu.

Từ huyện Mường Tè, tôi đi ngược về phía tây, qua xã Tà Tổng, Nậm Vì, Mường Nhé, Chung Chải, qua Đồn biên phòng Leng Su Sìn lừng danh trong những năm kháng chiến chống Mỹ, với tên tuổi của Liệt sĩ Trần Văn Thọ Anh hùng Lực lượng Vũ trang. Rồi từ Leng Su Sìn tôi đi lên xã Sín Thầu và đến được tận cột mốc ngã ba biên giới. Từ Sín Thầu tôi đi ngược sang phía đông, qua các xã Mù Cả, đi về Đồn Biên phòng Pác Ma, rồi từ Đồn Biên phòng Pác Ma đi thuyền ngược lên thác Kẻng Mỏ. Và rồi từ Kẻng Mỏ lại đóng bè trôi theo dòng sông Đà về đến tận thác Pô Lếch ở Mường Tè. Vừa đi đường vừa nghỉ tại các bản, các đồn biên phòng để làm việc.

Chuyến đi ấy kéo dài đúng 1 tháng 10 ngày và chặng đường mà tôi phải cuốc bộ khoảng hơn 400km.

Ngày ấy, thác Kẻng Mỏ là một trong những điểm nóng của huyện Mường Tè, bởi không có mấy ngày là lính thám báo của Trung Quốc không mò sang gây chuyện. Đồn Biên phòng Pác Ma do Đại úy Khoàng Phu Cà là đồn trưởng, làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương của một vùng rộng lớn gồm các xã Mù Cả, Ka Lăng, Thu Lũm, Pa Vệ Sử, Pa Ủ. Diện tích của các xã ấy nếu cộng lại thì cũng phải bằng 2 lần tỉnh Bắc Ninh.

Cũng phải nói thêm rằng, vào thập niên 80 của thế kỷ trước, huyện Mường Tè là huyện có diện tích lớn nhất Việt Nam và khổ cực nhất Việt Nam. Bây giờ người ta không thể nào hình dung ra được huyện Mường Tè thời ấy có diện tích gấp hơn 8 lần tỉnh Thái Bình là như thế nào. Đi từ đầu huyện là xã Mường Mô vào đến cuối huyện là xã Sín Thầu ở góc ngã ba biên giới thì chặng đường dài hơn từ Hà Nội vào đến… Thanh Hóa.

Ngày đó bộ đội, công an và các cơ quan dân chính ở vùng ngã ba biên giới gồm các xã Mường Nhé, Chung Chải, Sín Thầu được tiếp tế bằng máy bay trực thăng. Hằng năm, cứ vào dịp tháng 3, tháng 4 là bộ đội không quân phải lập một “cầu hàng không” chở các loại vật dụng cần thiết cũng như vũ khí, súng đạn cho các lực lượng vũ trang ở vùng ngã ba biên giới. Và không chỉ có vũ khí, mà thuốc men, dầu hỏa, muối, sách vở cho học sinh… tất cả cũng đều được chở bằng máy bay.

Thế mới có chuyện rằng, bà con ở mấy xã quanh sân bay nhiều người đã được "cưỡi" trực thăng lên giời. Giá "vé" của một chuyến bay khoảng 10 phút là một ống bương mật ong. Mỗi ống bương dài khoảng 60cm, đường kính có dễ đến 10cm, nghĩa là khoảng hơn chục lít. Ấy là chưa kể hồi đó việc trồng cây thuốc phiện vẫn còn được phép, với một danh từ mỹ miều “cây đặc sản A” cho nên mật ong hoa thuốc phiện vào tháng 3, tháng 4 thì chất lượng tuyệt hảo. Tôi không thể nào quên được khi hỏi một cô gái, làm thế nào để biết được mật ong thật, mật ong giả, thì cô bảo, lấy mật ong giặt quần áo, nếu mật tốt thì áo bạc ngay. Nghe chuyện thật như đùa nhưng sự thực vùng ngã ba biên giới ngày ấy là như vậy. Xà phòng không có, người ta lấy mật ong thay… xà phòng. Ở các xã vùng ngã ba biên giới, vào mùa lấy mật, mỗi gia đình có vài ba trăm lít mật là chuyện… vặt! Mang về huyện bán thì không được, vì phải cuốc bộ gần… 200km, ăn thì chẳng hết, cho nên đành đem… giặt quần áo. Người dân tộc có những cách thử "đồ thật, đồ giả" rất thực tế. Mật ong thì thử bằng… giặt quần áo, còn thử mật gấu lại… hơi khác tí. Ấy là… lấy sống dao hoặc lấy… chày… ghè vào sống chân cho sưng lên. Rồi lấy rượu mật gấu xoa vào… Nếu là mật gấu thật, chỉ qua một đêm, vết bầm tím sẽ hết?!

Vùng ngã ba biên giới ngày ấy hoang sơ vô cùng. Đi trên  đường mòn bám cheo leo sườn núi, nhìn xuống thung lũng thấy hươu, nai tung tăng ăn cỏ. Rồi những con đường voi đi đầy bãi phân voi to như cái thúng úp ở dọc đường; những tổ ong to hơn cả thùng phi 200 lít và những con suối Mo Phí, Pác Ma cá nhiều đến mức người dân thích ăn lúc nào chỉ việc mang chài ra suối thì kiếm được 5-6kg ngay. Voi từ khu rừng cấm Mường Nhé vượt sông Đà, sang xã Mường Mô, quật đổ cột điện, xông vào lán trại của công nhân làm đường phá phách. Còn hổ thì nhảy cả vào chuồng bò của Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, cắn chết bò rồi tha cả con bò leo qua hàng rào… Ở Leng Su Sìn, có một nơi gọi là bãi Voi, rồi suối Voi… Thuở ấy, vào mùa sinh sản, voi kéo về từng đàn từng lũ, uống nước khoáng chảy ra từ một mó đá. Mà đâu chỉ có voi mà hươu, nai, hổ báo cũng đều cần thứ nước đó. Cán bộ kiểm lâm, cứ đến mùa lại dựng chòi trên cây cao, đếm số lượng thú rồi báo cáo.

Nơi phân thủy Việt Nam - Trung Quốc trên sông Đà

Bây giờ thì hết cả rồi. Duy có thứ còn sót lại là đám lợn rừng

Người dân được đi máy bay trực thăng, được nhìn thấy ôtô ở huyện nhưng họ dứt khoát không tin  cái xe chỉ có 2 bánh là xe đạp lại đi mà không đổ.

Khi mới mở được đường ôtô vào huyện năm 1982, người Mông ở xã Tà Tổng xuống xem… Và khi về, họ bảo rằng: "Tao đã thấy cái “xe cái”, ngủ với cái “xe đực”, đẻ ra thằng… “xe con”?". Hóa ra, chiếc xe "cái" là xe xi-téc chở xăng, xe "đực" là xe Giải phóng, còn xe "con" là xe U-oát.

Ngày ấy, huyện lỵ Mường Tè chỉ có mỗi ngôi nhà ủy ban là được lợp ngói, còn tất cả là tranh tre, nứa lá. Cả huyện không có chợ, không có bất cứ một cửa hàng, cửa hiệu gì ngoài một cửa hàng mậu dịch của huyện. Người dân từ các xã được cấp phát muối và dầu hỏa.

Chuyến đi ấy, tôi là nhà báo đầu tiên từ dưới xuôi đến được ngã ba biên giới và mãi 19 năm sau có một nhà báo thứ hai đến được vùng ngã ba biên giới, đó là anh Huy Minh - phóng viên Báo Gia đình & Xã hội, hiện công tác tại Báo Lao động. Và tiếp theo là Đỗ Doãn Hoàng. Nhưng cả Huy Minh và Đỗ Doãn Hoàng đều bớt được một nửa chặng đường đi bộ, bởi lúc ấy xe ôm đã có thể đến được Mường Nhé.

Còn đến ngày hôm nay, đường ôtô đã lên đến tận ngã ba biên giới, đã đến được tất cả các xã vùng biên của huyện Mường Tè và điện lưới quốc gia đã đến được Ka Lăng, Thu Lũm, Mù Cả. Cư dân bây giờ đông đúc lắm và sầm uất cũng không kém gì dưới xuôi (năm 1984, mật độ dân số của Mường Tè là 4 người/km2, đến bây giờ chắc phải gấp cả trăm lần).

2. Chuyến đi này lên vùng đầu nguồn sông Đà, chúng tôi mang theo một số lượng hàng và tiền mặt trị giá hơn 500 triệu đồng do các đơn vị trong và ngoài Tập đoàn ủng hộ là: Công đoàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP); Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling); Tổng Công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (PETROSETCO); Công ty CP Du lịch Đại Nam; Tập đoàn Vingroup. Số hàng và tiền này được trao cho các gia đình chính sách và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các xã đầu nguồn sông Đà như Thu Lũm, Ka Lăng, Mù Cả và một số chiến sĩ Công an huyện Ka Lăng, Mường Tè.

Ông Khoàng Phu Cà và nhà báo Xuân Ba

Với một địa bàn đặc biệt khó khăn như ở vùng đầu nguồn sông Đà, số tiền này chẳng đáng là bao. Nhưng mỗi gói quà là mang hơi lửa của những người tìm dầu đến với bà con, làm ấm thêm mỗi tấm lòng. Và thật xúc động, vui mừng khi thấy ở xã Ka Lăng có một ngôi nhà được xây dựng bằng tiền của cán bộ, công nhân viên của PVEP cho thầy, cô giáo của Trường tiểu học Ka Lăng. Người dân ở đây vẫn còn khó khăn lắm, số hộ nghèo vẫn chiếm hơn 70% và người dân vẫn sống chủ yếu là tự cung tự cấp. Khó là thế nhưng nếu như so với cách đây mấy chục năm thì thật là một trời một vực và nếu như không phải là người từng chứng kiến cảnh sống du canh du cư của bà con người La Hủ, người Mảng, người Si La ở vùng đầu nguồn sông Đà hơn ba chục năm trước thì không thể nào hiểu được ý nghĩa của sự đổi mới ngày hôm nay.

Thậm chí, đến như Đồn Biên phòng Ka Lăng, bộ đội bây giờ cũng đã có nước nóng để tắm. Ngẫm lại ngày trước, tôi đến Đồn Biên phòng Pác Ma, khi làm việc với Đồn trưởng Khoàng Phu Cà phải ngồi trong màn bởi vì ruồi vàng nhiều quá. Trời rét căm căm, nhưng chúng tôi phải ra tắm ở ngoài sông Đà.

Đồn trưởng Khoàng Phu Cà ngày ấy bây giờ đã gần 70 tuổi. Anh em ở Đồn biên phòng Mù Cả đã đón ông sang Đồn Biên phòng Ka Lăng để cho tôi và ông gặp nhau. Người đồn trưởng biên phòng ngày xưa bây giờ đã là một ông già hom hem nhưng vẫn cực kỳ minh mẫn và vẫn là một cánh tay đắc lực cho Đồn Biên phòng Mù Cả và là người có tiếng nói rất uy tín ở vùng đầu nguồn sông Đà này.

Ông Khoàng Phu Cà là người ở bản Xi Nế, xã Mù Cả. Xã Mù Cả ngày xưa là nơi đầu tiên có một người thầy giáo vùng xuôi được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động là Nguyễn Văn Bôn và cũng là xã đầu tiên xóa được nạn mù chữ.

Ông Khoàng Phu Cà nguyên là nhân viên của Đội Chiếu bóng Bộ Tư lệnh Công an vũ trang. Rồi ông được cử đi học ở Trường Biên phòng Sơn Tây. Ông là người có biệt tài bắn súng ngắn. Khẩu súng ngắn K54 trong tay ông chỉ là một thứ đồ chơi ưa thích. Ông bắn súng ngắn bằng tay trái và tay phải như nhau, thậm chí là hai tay hai súng ông vẫn bắn trúng mục tiêu to như cái bát ở cự ly 20m. Ông hay biểu diễn bắn súng ngắn là quay lưng về phía mục tiêu… và khi quay ngoắt lại là bắn ngay.

Tôi không thể nào quên được hôm đưa tôi lên thác Kẻng Mỏ, trên đường đi thấy một con rắn ráo dài cỡ khoảng 1,5m đang quấn đuôi vào một cành cây và thả xuống đung đưa theo gió, vậy mà với khoảng cách 15m, ông rút súng ngắn và hầu như không cần ngắm, ông bắn một phát trúng đầu con rắn.

Vì tài bắn súng ngắn của ông nên Bộ Tư lệnh Công an vũ trang ngày đó, (nay là Bộ Tư lệnh Biên phòng) đã đưa ông vào đội bắn súng ngắn để đi thi đấu tại Liên Xô. Nhưng vì ông không chịu được cách huấn luyện rất bài bản của các huấn luyện viên nên đã bỏ về.

Không chỉ có tài bắn súng ngắn mà ông còn có tài bắt cá ở sông Đà.

Ông đã từng câu được những con cá lăng nặng tới 42kg và năm 1983, số lượng cá ông câu hoặc đánh bắt ở sông Đà là 487kg. Ông có thể suốt ngày nhi nhúp dưới sông Đà để bắt cá, nên người ta gọi ông là "nhù phếnh" - nghĩa là con trâu nước.

 Vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, người ta bảo huyện Mường Tè, vùng ngã ba biên giới và vùng đầu nguồn sông Đà có ba “con cọp” mà phía Trung Quốc rất ớn, thậm chí nể phục đó là: Đồn trưởng Đồn Biên phòng 314 A Pa Chải - Đại úy Tô Minh Điến; Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu - Pờ Xì Tài và Đồn trưởng Đồn Biên phòng 311 Pác Ma - Đại úy Khoàng Phu Cà.

Nghe anh em Đồn Biên phòng Mù Cả nói rằng, người con trai lớn ông Cà cũng là chiến sĩ biên phòng và cũng có biệt tài bắn súng. Anh bắn súng ngắn, súng AK giỏi đến mức, mỗi lần thi bắn súng thì người ta điền sẵn tên anh vào chức vô địch.

Bây giờ tuổi đã gần 70, nhưng có việc lớn, việc bé gì trong công tác vận động quần chúng giữ gìn, bảo vệ biên cương Tổ quốc thì ông Cà vẫn xắn tay áo cùng với anh em biên phòng đi vận động nhân dân.

3. Ngày ấy, sông Đà cuồn cuộn chảy, hùng vĩ và hoang sơ. Từ thác Kẻng Mỏ đi về tới huyện Mường Tè có hàng chục con thác lớn, trong đó hãi hùng nhất là thác Kẻng Mỏ, thác Pác Ma; thác Non Đen, thác Kẻng Mấn; thác So Khá thác Nậm Luồng và thác Pô Lếch. Thác Kẻng Mỏ tiếng Quan Hỏa dịch ra có nghĩa “mất chảo”. Sở dĩ có cái tên này là vì dân buôn Trung Quốc ngày xưa mang hàng sang Việt Nam bán, đi qua sông Đà, đến thác Kẻng Mỏ hay bị mất chảo gang nên từ đó mới có tên là Kẻng Mỏ.

Còn người Hà Nhì ở vùng Ka Lăng, Thu Lũm, Mù Cả thì lại có biệt danh là "kha tu điếng", nghĩa là “chân mắt cân”. Sở dĩ họ gọi là "kha tu điếng" bởi lẽ người dân bị ruồi vàng đốt nhiều quá, cho nên bắp chân cứ có lốm đốm đen giống như cái cân ngày xưa mà cán cân được nạm đồng hoặc thép màu đen.

Đoàn công tác xã hội Báo Năng lượng Mới tại Đồn Biên phòng Ka Lăng

Nhiều chỗ thác ghềnh nghe dòng nước réo ào ào mà cũng thấy khiếp.

Nhưng từ khi có Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Sơn La, rồi bây giờ là Thủy điện Lai Châu thì dòng sông Đà - phần trên lãnh thổ Việt Nam tính từ thị xã Hòa Bình ngược lên đến huyện Mường Tè - chỉ còn là một cái ao trải dài hàng trăm cây số. Ghềnh thác đã biến mất và thay vào đó là mặt nước lặng lờ bất động, nhiều đoạn nước có váng và rều rác trôi lềnh bềnh thấy buồn làm sao. Thôi thì vì lợi ích của dòng sông Đà mang lại cho nền kinh tế quốc dân cực kỳ to lớn và từ khi có hồ thủy điện Hòa Bình, hồ thủy điện Sơn La rồi hồ thủy điện Lai Châu thì có không biết bao nhiêu người dân đã được đổi đời. Nhưng sông Đà bây giờ không còn là con sông Đà thời cụ Nguyễn Tuân đã viết nên thiên tùy bút nổi tiếng “Người lái đò trên sông Đà”.

Quả thật sông Đà bây giờ nhiều đoạn nhìn tẻ ngắt, vô duyên. Vẫn biết là ở đời cái gì cũng phải trả giá, có được nguồn điện tới gần 5.000MW; nguồn thủy hải sản to lớn thì phải trả giá bằng việc biến mất một dòng sông. Không hiểu trên sông Đà bây giờ nếu tính cả phần lãnh thổ Trung Quốc thì còn có bao nhiêu nhà máy thủy điện, phía ta có 3 nhà máy, phía Trung Quốc nghe đâu có 2 nhà máy. Và quả thực nếu như không xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, không biến hơn 500km dòng sông thành 3 hồ thủy điện lớn thì chỉ riêng việc Trung Quốc chặn dòng phía trên, sông Đà cũng đủ biến mất và lượng nước sông Đà về Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào họ.

Từ ngày sông Đà bị chặn lại ở Hòa Bình, rồi ở Sơn La, thì chuyện lũ lụt ở Đồng bằng sông Hồng hầu như không còn nữa.

Vẫn biết việc chặn con sông hung dữ để thành nguồn điện là cần thiết. Nhưng sao vẫn cứ thấy tiếc, thấy nhớ dòng sông cuồn cuộn nước và lô nhô ghềnh thác. Vẫn thấy nhớ âm thanh của dòng nước thúc vào ghềnh đá, reo ào ào…

Có lẽ phải đổi tên cho dòng sông Đà thôi!

Ghi chép của Nguyễn Như Phong