Quất Lâm - may sao còn lại ngôi đền…!

07:01 | 24/01/2015

5,721 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thị trấn Quất Lâm, huyện Giao Thủy (Nam Định) chính thức được thành lập vào ngày 14/11/2003 theo Nghị định số 137/2003 NĐ- CP của Chính phủ. Từ ngày được “nâng cấp” từ xã lên thị trấn. Đặc biệt, khi bãi biển của làng chài này trở thành bãi tắm, thành khu du lịch, Quất Lâm có thêm nhiều danh xưng mới, mà người tử tế nghe qua cảm thấy nóng mặt…

Năng lượng Mới số 393

Từ quê lên… thị trấn

Thị trấn Quất Lâm, trước đây là xã Giao Lâm, (một trong 9 xã ven biển của huyện Giao Thủy). Xã Giao Lâm được chia thành 14 xóm nhỏ đều lấy chữ đầu là Lâm, nên mới có các địa danh là: Lâm Hòa, Lâm Bình, Lâm Trung, Lâm Chính, Lâm Thượng, Lâm Hạ, Lâm Tân, Lâm Tiên, Lâm Thọ, Lâm Khang, Lâm Ninh, Lâm Sơn, Lâm Quý, Lâm Dũng.

Năm 1963 công trường quai đê lấn biển ở đây thắng lợi, đất Giao Lâm được mở rộng thêm 72,3ha. Xã có thêm hai làng mới là làng Cồn Tầu Trong và Cồn Tầu Ngoài cùng hai cánh đồng muối là Cồn Tầu Đông và Cồn Tầu Tây. Từ ngày đổi danh xưng từ xã thành thị trấn, các xóm trên cũng được cải thành “tổ dân phố” để cho có vẻ ra phố.

Đền thờ Triệu Quang Phục ở tổ dân phố Lâm Quý, thị trấn Quất Lâm

Còn nhớ, vào dịp tết Nguyên đán năm 2004, khắp thôn cùng, ngõ hẻm ở Quất Lâm nhan nhản các băng rôn, khẩu hiệu cùng một nội dung “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng thị trấn”. Người dân quê thì tự hào với câu khẩu hiệu này, du khách thập phương về đây thấy ngồ ngộ, đọc câu khẩu hiệu là hiểu ngay tâm trạng háo hức của người dân quê vừa qua một đêm bỗng dưng đang là người đánh cá, làm muối bỗng trở thành dân phố thị, dù rằng công việc của họ không hề thay đổi.

Có lẽ để cho “xứng” với cái danh “thị trấn”, lãnh đạo địa phương này không ngần ngại “đổi mới” bằng mọi cách. Việc đầu tiên là người ta phân lô bán nền từ các thửa ruộng nằm ở các trục đường chính. Hàng loạt cánh đồng được nhanh chóng lấp đầy. Nhà cửa bám mặt đường mọc lên nhan nhản, nhà nhiều tiền thì xây lầu, nhà ít tiền thì làm trệt, mấy tay “địa chủ” thời cò đất thì nghễu nghện ngôi nhà với trên nóc có “củ hành”, “củ tỏi”… Nhìn vào “dãy phố” mới mọc lên thấy rối mắt về sự hỗn tạp của nhiều kiểu kiến trúc lạ.

Thời xa xưa, khi lập làng, người ta đều trồng ở đầu làng cây đa. Mỗi cây đa ấy đều gắn với hoặc là tên bậc cao niên trực tiếp trồng hoặc là một địa danh. Người viết bài này có tuổi thơ chăn trâu, cắt cỏ ở đồng trên, xóm dưới, từng leo trèo ngọn đa bắt chim, hái quả. Bây giờ cuối đời trở lại mảnh đất này, gốc đa xưa chỉ còn là kỷ niệm, chỉ còn trong ký ức. Đầu làng tôi có cây đa, nghe kể được trồng từ thời ông cố tôi lúc ấy đang tuổi tráng niên. Cây đa ấy dân làng quen gọi là cây đa cổng Kiến Doanh, được coi là ranh giới giữa hai xóm Lâm Quý và Lâm Sơn.

Thời tôi còn bé, ba bốn đứa trẻ trâu đứng vòng quanh nắm tay nhau mà cũng không vòng hết chu vi thân cây. Gốc cây có bà bán nước, nơi tỏa bóng cho bác thợ cày, chị thợ cấy giải lao giữa buổi, giờ thay vào đó là một ngôi nhà mới. Làng trên, xóm dưới trước đây rợp bóng cây, hàng rào quanh nhà là bụi tre, khóm chuối, chiều hè khói từ mái bếp len lỏi trong tán cây lên đến tầm mắt chỉ còn những sợi mỏng mảnh.

Bây giờ đứng từ đầu làng nhìn thấu cuối làng, tìm bóng cây xanh quả là thật khó. Cái quyết tâm “đổi mới” triệt để đã bê tông hóa đến tận ngõ nhỏ, lối nhỏ. Xa quê lâu ngày về không còn nhận ra bóng làng, dáng xóm. Mất hết hàng cây che chắn, mới chỉ bão gió sơ sơ thôi không thiếu gì nhà tốc mái, xiêu vẹo.

Phần lớn dân cư ở Quất Lâm làm nghề sản xuất muối và nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Ở các xóm phía trong (xa biển) thì bà con trồng mầu, trồng lúa. Giờ thì ruộng vườn thu hẹp, nhường đất cho việc “đô thị hóa”, các cụ già ngồi tựa cửa để nhớ về một thời làm ra hạt đậu, củ khoai. Đám thanh niên ở các thôn xóm này hầu hết rời quê đi làm ăn xa. Gọi “đi làm ăn” cho oai cứ thực ra là họ đi làm thuê đủ nghề, người thì tìm đến các thành phố, các khu công nghiệp làm thợ xây, người thì lên rừng làm nương rẫy ở các “đồn điền”, trang trại cho các đại gia…Đã có không ít sự “ly tán” tạm thời tìm kế mưu sinh của các gia đình, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ trở thành sự ly tán vĩnh viễn.

Thêm “nhiều nghề” mới!

Một làng chài heo hút ven biển đỏ quạch phù sa, bỗng dưng trở thành khu du lịch, với bãi tắm “nổi tiếng”. Đến nay, tại khu du lịch này đã có đến trên “bốn chục” nhà nghỉ, khách sạn, với gần 900 phòng nghỉ. Đấy là chưa kể ở sát mép nước có tới 110 ki-ốt, mỗi ki-ốt này đều có 3-4 buồng nghỉ, gọi là “buồng” vì không đủ tiêu chuẩn là “phòng” như khách sạn. Các ki-ốt này danh nghĩa là làm dịch vụ cho thuê phao, thuê quần áo tắm và dịch vụ ăn uống, nhưng thực chất đấy là những ổ chứa gái mại dâm.

Theo thống kê, số lượng khách du lịch đến Quất Lâm bình quân hằng năm khoảng 130.000 lượt người, doanh thu từ các dịch vụ du lịch bình quân ước đạt 30 tỉ đồng/năm. Người viết bài này đã nghe khách du lịch kháo nhau, về Nam Định mà không xuống Quất Lâm thì coi như chưa về Nam Định; đi du lịch biển mà không đến Quất Lâm, thì coi như mới “tắm biển nửa người”. Về đấy là về với “thiên đường sung sướng”. Nói như cánh đàn ông đã từng đến “ăn vụng” ở khu du lịch này, cái danh xưng Quất Lâm biến dạng thành “Quất luôn”!

Bức đại tự được dân buôn đồ cổ trả giá mấy chục triệu

Du lịch, dịch vụ của làng chài trở thành ngành nghề có thu nhập chủ lực. Nói theo kiểu “vĩ mô” GDP của Quất Lâm chủ yếu từ du lịch. Vậy mà những người đang làm du lịch ở Quất Lâm đa phần chưa được đào tạo, chưa có kỹ năng cần và đủ cho ngành nghề này (trừ một số cơ sở kinh doanh của một vài doanh nghiệp Du lịch tại đây). Vậy nhân lực du lịch ở Quất Lâm làm gì, sản phẩm du lịch ở Quất Lâm là gì…? Những câu hỏi này không khó, không mất nhiều thời gian tìm hiểu, chỉ chịu khó quan sát là biết ngay.

Các chủ ki-ốt, đa phần là người bản xứ, họ chính là những người hôm qua đang làm muối, đang nuôi trồng thủy sản hoặc là dân chài làm nghề khai thác hải sản trên biển. Có ki-ốt cả hai vợ chồng cùng trông coi; có ki-ốt, hoặc là vợ hoặc là chồng làm chủ. Ki-ốt nào cũng có 5-7 nhân viên nữ phục vụ. Xin nói ngay, những nữ nhân viên này đều là những cô gái trẻ, ưa nhìn và đặc biệt là không phải người bản xứ. Họ từ các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An… đến.

Tiếng là nhân viên phục vụ, nhưng nhìn cách ăn mặc, trang điểm thì đích thị không phải là những người “bưng bê”, là người “chạy bàn”. Nói trắng phớ ra, đấy chính là gái được chủ nuôi để sẵn sàng phục vụ “tại chỗ” khi khách có nhu cầu, hoặc là “nguồn cung” cho các khách sạn ở phía trong khi có “tín hiệu”. Tóm lại, các ki-ốt với danh nghĩa “dịch vụ ăn uống”, “dịch vụ cho thuê phao, thuê quần áo tắm” chỉ là trá hình, đích thị cái tổ “nhền nhện”, gọi cho chính xác đấy là “ổ chứa”. Và chính những người dân quê kiểng ngày nào, nay có thêm nghề mới, đấy là “chủ chứa”, là “má mì” chăn dắt gái.

Đúng là du lịch đã mang lại nguồn thu đáng kể cho một vùng quê mà bấy lâu nay những người dân quê chỉ biết tiêu tiền lẻ, tiêu tiền có mệnh giá thấp. Mới chỉ có mấy năm mà xã nghèo heo hút nơi cuối huyện khi xưa đã lột xác sầm uất hẳn lên. Trong câu chuyện về làm ăn, làm giàu của người dân đã nhắc đến tỷ phú này, tỷ phú nọ.  Song,  mặt trái của nó như một “cơn lốc” đã và đang tàn phá những giá trị văn hóa, làm suy đồi đạo đức một bộ phận giới trẻ ở địa phương.

Các tệ nạn như mại dâm, xì ke, ma túy len lỏi đến từng mái nhà bình yên của người dân quê. Nhiều gia đình có tiếng là gia phong, nề nếp từ bao đời, nay mang đại họa vì có đứa con nghiện ngập ma túy hoặc có con “nổi tiếng” vì “đầu trộm, đuôi cướp”. Có gia đình, đời ông, đời cha là cán bộ, đảng viên, đến đời con là trùm cờ bạc có tiếng vướng vòng lao lý. Lại có gia đình cả vợ chồng đều là “chân rết” của đường dây buôn bán ma túy, cả chục năm nay “cư trú” trong tù; có mái nhà cả cha con đều trở thành con nghiện của thứ chết trắng…

Các bản viết cổ (nghi là sắc phong của vua) đã bị hư hỏng khá nhiều

Tôi hỏi, những chuyện trên chính quyền, đoàn thể địa phương có biết không, các cụ cao niên bảo, không biết mới là lạ. Họ biết cả, thậm chí còn biết nhiều, biết cặn kẽ hơn người dân. Hỏi, tại sao không dẹp đi; lại được nghe trả lời, dẹp sao được, bởi không hiếm gì ki-ốt là của các “quan xã” cho thuê, không ít nhà hàng, nhà nghỉ là của quan chức cao hơn hoặc là có cổ phần trong đó, dẹp thì họ “chết đói”, mất nguồn thu.

May thay còn người tâm huyết

Ở xóm Lâm Quý (tôi quen gọi là xóm), bây giờ họ gọi là tổ dân phố Lâm Quý, có ngôi Đền thờ Đức thánh Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục) vừa mới được trùng tu. Đầu tháng vừa rồi tôi có việc ghé về đây, việc trùng tu đã cơ bản hoàn thành, nghe các cụ trong ban kiến thiết nói, số tiền xấp xỉ 400 triệu.

Các cụ cao niên đang phân công nhau, người đi Hà Nội, người đi Nam Định, Hải Phòng… tìm những người con xa quê làm ăn phát đạt xin tài trợ; người đi các xóm gửi giấy mời đến các hộ dân mừng ngày khánh thành việc trùng tu và tổ chức lễ Thánh. Tôi hỏi, lãnh đạo và các ban, ngành của thị trấn đâu không đứng ra tổ chức, mà các cụ phải lọ mọ. Các cụ cho hay, mấy ông chính quyền người ta giữ ý, họ bảo đấy là việc “nhạy cảm”, liên quan đến vấn đề “tâm linh”, chính quyền mà “dính” vào là mang tiếng lắm.

Lại hỏi, vậy các cụ lấy đâu ra tiền mà làm, việc trùng tu có được chính quyền chấp thuận không? Các cụ bảo, trước khi trùng tu chúng tôi đã có đơn thưa, được các ông ấy đồng ý mới dám làm; còn tiền thì cứ làm đã, thiếu đâu chạy đấy, trước mắt lo tiền mua vật liệu, còn tiền công thợ trả sau, được cái lo việc sửa sang nơi thờ Thánh, nên các kíp thợ cũng thông cảm chẳng ai nỡ đòi gắt…

Bãi biển Khu du lịch Quất Lâm

Nghe kể, Đền thờ Triệu Quang Phục, một võ tướng của triều vua Lý Nam Đế đã đứng lên đánh tan quân xâm lược nhà Lương, giành lại độc lập cho dân tộc thời kỳ Bắc thuộc. Ông là người có nhiều công lao với đất nước, vì vậy sau khi mất đã có nhiều nơi lập đền thờ. Tại mảnh đất này xưa kia các vị thủy tổ về đây quai đê lấn biển, tạo làng lập ấp đã tìm đến cửa biển Đại Nha (nay là thôn Độc Bộ, xã Yên Nhân, huyện Ý Yên) xin rước chân nhang cùng bài vị của Ngài về thờ suy tôn làm thành hoàng làng.

Những năm chiến tranh chống Mỹ, ngôi đền là kho lương thực của địa phương. Đã có một thời của những năm 60 của thế kỷ trước, ngôi đền này cũng đã bị nằm trong “sổ đen” của việc “bài trừ mê tín dị đoan” của chính quyền lúc bấy giờ. May sao nhờ sự quyết liệt của các bô lão, ngôi đền đã không bị “tàn sát” như Đền Bà (giờ được khôi phục lại là Chùa Phúc Lâm) ở ngay xóm dưới.

Ngôi đền này trước kia làm bằng gỗ, qua thời gian đã hư hỏng, đời này kế tiếp đời khác tập trung tu bổ, sửa sang. Mãi đến năm 1946, Chánh tổng Khản, đã tổ chức bán Hương hào chức vị. Năm ấy được mùa cá, nhiều nhà giàu đã đổ tiền ra để mua chức vị. Số tiền thu được kha khá, Chánh tổng Khản đã dùng để trùng tu lại ngôi đền. Tòa tiền đường được phục dựng gồm 3 gian xây cuốn gắn ngói nam, hai đầu hồi xây bít đốc.

Tòa lâu gác chính giữa xây cao hơn. Tòa cung cấm được xây theo kiểu cổ đẳng uốn vòm hai lớp mái, công trình gồm 2 gian: gian ngoài thờ cộng đồng, gian trong là nơi thờ Đức thánh Triệu Việt Vương. Ngăn cách gian ngoài với gian trong là 3 khuông cửa gỗ. Đồ thờ cổ còn khá nguyên vẹn, các bậc cao niên cho hay, do không có người trông nom, bảo quản, cách đây mấy năm kẻ trộm cạy cửa đền vào lấy mất đôi lục bình cổ; gần đây có mấy tay buôn đồ cổ từ tận Quảng Ninh đã vào đánh tiếng mua bức đại tự thờ trong đền với giá mấy chục triệu. May là các bậc lão thành kiên quyết giữ mới còn.

Trước đây trong khuôn viên ngôi đền có 5 cây thị hàng trăm tuổi, nhưng từ khi đất của đền được cắt bớt chia cho 4 hộ dân, thì những cây thị kia nghiễm nhiên là của các hộ dân ấy, đã có 3 cây đã bị “biến mất”, nghe đâu một cây do bị sâu bệnh chết, hai cây kia bị đốn hạ đóng bàn học cho học sinh.

Mới đây cánh buôn cây cảnh, cây cổ đã mon men đánh tiếng trả đến tiền “chục triệu”, mấy nhà kia không dám bán, vì dù sao họ cũng hiểu nguồn gốc cây thị ấy là của đất Thánh. Nhưng, lại phải nói câu nhưng nếu không có cơ quan chức năng ra tay bảo quản, thì đời này không dám bán, ai chắc được đời con cháu họ không bán!

Tôi không biết chữ Nho, nhưng khi được xem mấy bản giấy cổ, hầu hết đã mục nát, hiện đang được lưu giữ tại đền, tôi thấy giống như các đạo sắc phong của các triều vua. Tôi nói với các bậc cao niên, đây chính là những chứng cứ quan trọng phải giữ gìn, bảo quản và nhanh chóng tìm các vị túc nho để “giải mã” các bản viết này. Nhân đây, tôi cũng đề nghị ngành văn hóa huyện Giao Thủy và tỉnh Nam Định sớm về Quất Lâm, về với ngôi đền này để xác minh, thẩm định đánh về giá trị của các bản viết cổ, đánh giá đúng lịch sử của ngôi đền.

Chưa biết rồi đây kết quả thẩm định của các cơ quan chức năng về ngôi đền này như thế nào. Nhưng tôi, người viết bài này và nhiều người dân ở Quất Lâm trân trọng tấm lòng, trân trọng trách nhiệm của các bậc cao niên suốt trong thời gian qua đã tâm huyết giữ gìn, bảo quản và tôn tạo để có ngôi đền, nơi được coi linh thiêng, là niềm tự hào, là di sản văn hóa ở vùng quê này được như hôm nay. May sao trong cơn lốc “đô thị hóa” còn lại ngôi đền, còn có những bậc lão thành tâm huyết quyết tâm giữ gìn di sản của cha ông.

Phóng sự của Quy Lâm Quế
 

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps