Những ngôi sao biển không về

19:00 | 21/03/2015

1,809 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đêm đó, nghe nói ngoài biển mực nhiều nên có bao nhiêu thanh niên trai tráng trong vùng đều rủ nhau ra biển. Rồi bão Linda đến rất nhanh, cuốn đi tất cả. Và dù 17 năm đã trôi qua, nhưng hễ nhắc về cơn bão số 5 ấy, người dân ở cửa biển Khánh Hội (Cà Mau) vẫn chưa thôi cơn ám ảnh về những trai biển đi mãi không về.

Năng lượng Mới số 403

Sinh ra từ lòng biển động

Xem lại bức ảnh tư liệu hàng ngàn người dân đổ xô ra biển, chờ nhận diện thi thể người thân sau khi có hung tin vào năm 1997, chúng ta không thể nào cầm được nước mắt. Thật khó hình dung được nỗi đau mà người dân ở xã Khánh Hội đã chịu đựng sau cơn bão Linda (cơn bão số 5), cơn bão đi xuyên qua các tỉnh miền Tây Nam Bộ, càn quét, gây ra mất mát, thiệt hại kinh hoàng trong lịch sử.

Khoảng 4.500 người chết và mất tích, làm hư hại hơn 200.000 căn nhà. Trong đó, cửa biển Khánh Hội chịu thiệt hại nặng nề nhất với hơn 500 người tử nạn. Họ là ngư dân sinh sống dọc theo tuyến sông Biện Nhị, kênh Chệt Tửng, Lung Lá, kênh Xáng Mới...

Bia tưởng niệm những người tử nạn trong cơn bão Linda

Theo lời kể của bà con xã Khánh Hội, trong buổi tối định mệnh ấy, nước biển không dâng nhưng gió nổi giận, quét sạch mọi thứ trên đường đi. Hàng trăm chiếc ghe bị bão gió đánh rách hết, không trở về. Hàng trăm người chết. Hàng nghìn người mất tích. Nhà cửa, thôn xóm tiêu điều, hoang tàn. Biết bao nhiêu người đàn bà trở thành “góa phụ” và bao nhiêu người đàn bà “vọng phu”, ngày đêm tưởng vọng người chồng bạc mệnh của đời mình.

So với ấp 3, ấp 4 thì ấp 7 có nhiều người chết hơn. Tại đây có hơn 110 hộ mất chồng, mất cha, mất anh... trở thành “làng góa phụ” của tỉnh cực Nam của Tổ quốc. Và cũng tại nơi đây, có người con được sinh ra từ lòng biển động mang tên “Bão Biển” như một ám ảnh, một gợi nhớ và một khắc sâu.

Khi hỏi đến chuyện gia đình đứa con gái của mình, bà Sáu Lanh, bà ngoại của Bão Biển vẫn chưa thôi xúc động và thở dài. Ngày anh Nguyễn Văn Út, chồng chị Nguyễn Thị Kiều Phương (con gái bà) gặp nạn trong cơn bão Linda, chị Phương chuẩn bị trở dạ sinh cu Biển.

Anh chết đi, để lại một mớ bĩ cực trên vai người vợ trẻ. Nỗi đau như vón lại, chị ngây dại nửa điên nửa tỉnh, đặt tên con là Nguyễn Bão Biển. Rồi nuôi con chừng 1 tuổi, để có tiền nuôi con, chị để Biển ở nhà cho ngoại và dì đi làm ăn xa. Rồi năm sau, chị Phương tái giá. Nhưng cuộc đời chị dường như chẳng có “thái lai” khi người chồng thứ 2 này lại là người rượu chè. Cuộc đời riêng chung lẫn lộn, mệt mỏi, vất vả, chị cũng không có thời gian để quan tâm tới đứa con đầu lòng của mình. Biển năm nay 17 tuổi, nghỉ học từ lớp 6; nghe bà ngoại kể vẫn còn ham chơi, nghịch ngợm và không ngoan lắm. Cả nhà đang chờ Biển đủ tuổi để cho đi làm.

Bà bảo cũng có đôi lần cho Bão Biển đi câu mực cùng người làng nhưng không cho đi khơi xa, chỉ cho đi gần gần thôi. “Lý do nói ra có phần chua chát nhưng nó phải sống để còn thờ cha, thờ mẹ. Chứ tui dù sao cũng chỉ là bà ngoại thôi”, bà Sáu Lanh bùi ngùi. Bà cũng kể rằng hằng năm gia đình cũng làm mâm để cúng anh Út nhưng cũng chỉ là cúng đại vào ngày 3 hoặc ngày 4-11 thôi vì biết anh chết chính xác ngày nào đâu mà nói. Cứ gần đến ngày giỗ của anh Út, hôm nào bà cũng khóc vì nhớ con dù đó là con rể.

Rồi như nhớ lại chuyện cũ, bà lại thở dài: “Hồi đó nghèo muốn chết, lại chưa có tin tức đầy đủ như bây giờ, đành nhắm mắt mà đi. Ngay bên ngoại và bên nội nhà tui, cũng hơn ba chục người chết”.

 Rồi bà kể về nhà ông Sáu Khoái, ông Ba Râu, rồi cánh nhà ông Năm Húa, nhà nào chết mấy người, những ai chết, bà nhớ vanh vách. Khi kể, bà rơi vào một nỗi niềm vô định nào đó. Và trong trũng mắt của người đàn bà luống tuổi ấy, dường như có những ngôi sao biển chưa bao giờ tắt.

Nằm lại biển cả

Đang loay hoay trước bia tưởng niệm những nạn nhân tử nạn trong cơn bão Linda đặt tại ấp 3, chúng tôi vô tình gặp ông Tám Triệu, nhà cạnh cửa biển Khánh Hội. Mặc dù hai vợ chồng ông đang chuẩn bị đi bắt vịt thả đồng nhưng khi có khách hỏi về tấm bia tưởng niệm, vẫn cố nán lại để kể chuyện cho chúng tôi nghe.

Ông cho biết đây chỉ là tấm bia tưởng niệm và thông tin thiệt hại ghi trên bia cũng rất khiêm tốn so với thực tế mà xứ nước hai mùa ròng rã như quê ông đã xảy ra. Chưa có trận bão nào chết chóc dữ như thế. Có một số người xác ít nhiều còn nguyên vẹn, được khâm liệm tử tế nhưng con số đó không nhiều. Đa số xác bị cá dữ rỉa hết thịt, khi dạt vào bờ cũng chỉ còn những bộ xương hoặc không còn nhân dạng.

Người dân đổ xô ra biển nhận diện thi thể người thân

Những đặc điểm nhận dạng như vết sẹo, quần áo, tóc tai… đều trở thành những thứ mông lung nhất khi mà thi thể bị ngâm ngoài biển lâu, trương và sình ra khiến cho xác bị biến dạng. Vậy cho nên, ngay cả dòng người đổ xô ra biển để nhận diện thi thể người thân của mình cũng không ai dám chắc chắn người mình nhận có đúng hay không.

Vợ chồng ông Tám Triệu cũng kể thêm: Ngày đó, xác chết dạt vào nhiều như đống lúa đến nỗi dân làng phải bó lại. Một số xác được người nhà đến nhận và đem chôn, số nhiều còn lại mấy ngày không có ai đến nhận, để sình quá thì dân làng chở ra biển hoặc mép sông chôn bằng trong những cái hố chôn tập thể. Những người chết, ngoài số ít dân địa phương, còn đa số là dân tứ xứ về đây tha hương cầu thực, chọn đời lênh đênh trên biển, chết không ai biết. Đó là chưa kể hàng ngàn người đến nay vẫn bặt vô âm tín.

Mấy anh em nhà ông Tám Triệu may mắn thoát tử nạn chung đó nhờ để tang ông bố. Ông nhớ lại: “Ông già chết trước khi bão về mấy hôm, mấy anh em vẫn đang buồn nên không đi ghe. Vậy mới còn sống”.

Ông Nguyễn Văn Đẹt, Trưởng ấp 7, trước là hội trưởng Hội Cựu chiến binh của ấp 7 cho biết cơn bão số 5 để lại tổn thất cũng như thiệt hại quá lớn cho Khánh Hội.

Trước đó, chưa từng có cơn bão nào có gió giật tới cấp 10 và dân vùng nước như quê ông cũng chưa từng gặp bão nên khi bão ập đến bất ngờ, chẳng trở tay kịp, cũng chẳng ai có kinh nghiệm để đối phó cả. Đại đa số mất xác, chỉ có số ít tìm lại được xác thôi.

Ngày 3-10 âm lịch hằng năm trở thành ngày giỗ chung của hơn 500 thanh niên tử nạn trong cơn bão số 5. Bão không phải là một ngọn gió mà rất nhiều ngọn gió. Bão đến và cuốn đi tất thảy. Cũng có nhiều đoàn sau khi nghe tin ở đây chịu nhiều thiệt hại do bão Linda đã đến cứu trợ nhưng cũng chỉ giúp được mấy ngày. Về cơ bản, Khánh Hội khánh kiệt, tiêu điều. Đó là chưa kể những nỗi đau lớn về tinh thần mà không cách nào khỏa lấp nổi. 

Biển Khánh Hội bây giờ có bờ kè bao bọc xung quanh. Đất Khánh Hội đã khởi sắc hơn từ vài năm trở lại đây. Bia tưởng niệm vẫn còn đó, 17 năm qua vẫn thao thức hai bờ mòn mỏi. Những mái nhà bị cơn bão quét đi, đã được xây lại nhưng đó sẽ vĩnh viễn là những mái nhà không còn nóc. Và nơi đó, trong một góc buồn bã, những người vợ, người mẹ, người con luôn hướng mắt mình về biển. Nơi có những ngôi sao biển cô đơn tràn đầy mắt nhớ vì đã không kịp nói lời tạm biệt.

Cốc Vũ

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps