Nghị quyết 01 của TAND Tối cao không phải là đặc ân dành riêng cho Dương Chí Dũng 2

10:49 | 01/01/2014

21,744 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thông tin giới luật sư viện dẫn một nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao do Thẩm phán Trịnh Hồng Dương ký năm 2001 khiến không ít người “sốc nặng”. Bởi chiếu theo các quy định của Nghị quyết, Dương Chí Dũng hoàn toàn có cơ hội thoát án tử.

>> Giật mình: Dương Chí Dũng sẽ thoát án tử hình?

Trao đổi với PetroTimes, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Ủy viên Hội đồng Khen thưởng Kỷ luật (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Nghị quyết 01/2001 của Tòa án Tối cao về việc bồi thường thiệt hại đến nay vẫn có giá trị thực hiện. Do vậy, việc áp dụng theo Nghị quyết này đối với vụ án Dương chí Dũng cũng hoàn toàn hợp lý.

Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến nhận định sẽ có nhiều diễn biến mới tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Dương Chí Dũng

 

Luật sư Tiến phân tích: Tất nhiên, gia đình ông Dương Chí Dũng cũng như bản thân ông Dũng cần phải nhận thấy cái sai của mình và tích cực thực hiện việc bồi thường ngân sách đã tham ô của Nhà nước. Theo đó, căn cứ vào Nghị quyết 01/2001 của Tòa án Tối cao và Điểm b Khoản 1 của Điều 46 Bộ luật hình sự thì đương nhiên Dương Chí Dũng phải được giảm mức án tử hình của tội tham ô xuống mức chung thân.

Còn tội Cố ý làm trái qui định Nhà nước về quản lý kinh tế chỉ có mức án 18 năm tù. Do vậy, tổng hợp hình phạt của nhiều tội mà trong đó có tội có khung hình phạt cao nhất là chung thân thì mức hình phạt cao nhất cũng chỉ là chung thân.

Cụ thể nhất, trước phiên tòa phúc thẩm, gia đình Dương Chí Dũng cần tích cực khắc phục hậu quả tối đa, ít nhất là một nửa của số tiền 10 tỉ đồng Dương Chí Dũng đã tham ô ngân sách của Nhà nước. Như thế, Dương Chí Dũng mới có thể thoát án tử hình.

“Theo thông tin tôi được biết, các luật sư bào chữa cho bị cáo Dũng và Phúc cũng đã tính đến việc này để chuẩn bị cho phiên tòa phúc thẩm. Nhưng thực tế không phải ở bất cứ vụ án hình sự nào gia đình bị cáo cũng có thể nhanh chóng lo được một khoản tiền lớn đến 10 tỉ để bồi thường cho bị cáo trước khi xét xử phiên tòa phúc thẩm.

Ai cũng biết Dương Chí Dũng có rất nhiều tiền và nhiều tài sản, nhưng quá trình bỏ trốn truy nã ra nước ngoài cho đến nay thì chắc không còn nhiều, còn các bất động sản thì đang bị kê biên thì bán làm sao được? Do vậy, chỉ có cách là đi vay tiền để nộp tiền bồi thường toàn bộ sau khi các bất động sản được hủy bỏ kê biên sẽ bán đi trả nợ”, Luật sư Tiến nói.

Cựu chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng.

 

Chia sẻ thêm về “đại án” tham nhũng Vinalines, Luật sư Tiến cũng nhận định, vụ án Dương Chí Dũng cùng đồng bọn tham ô và cố ý làm trái qui định về quản lý kinh tế là một vụ án tham nhũng vào loại lớn nhất ở Việt Nam. Và hậu quả của nó làm cho công ty ngành hàng hải lâm vào tình trạng khó khăn. Do vậy, bản thân Dũng phải thành khẩn nhận lỗi của mình trước phiên tòa phúc thẩm thể hiện sự ăn năn hối lỗi về sai phạm của mình cùng với việc bồi thường toàn bộ số tiền Tòa sơ thẩm Hà Nội đã tuyên thì chiếu theo Nghị quyết nói trên Dương Chí Dũng có thể được Tòa án Tối cao hủy mức án tử hình.

Cũng theo vị Luật sư của Đoàn Luật sư TP Hà Nội này, đối với các bị cáo khác nếu biết nhận sai và nộp tiền bồi thường, khắc phục hậu quả đương nhiên cũng được giảm nhẹ mức hình phạt theo Điểm b Khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự. Còn nếu các bị cáo không nộp tiền bồi thường, không thể hiện thái độ ăn năn hối cải thì quyết định của Tòa án Tối cao sẽ khó có gì thay đổi so với mức án của Tòa sơ thẩm đã tuyên cho các bị cáo.

P.V

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps