Mối tình qua sóng phát thanh và 2.000 ngày chờ đợi

19:00 | 02/05/2015

1,206 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quen nhau qua sóng phát thanh, họ đã tìm cách liên lạc với nhau chỉ để chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Ấy vậy mà tình cảm bạn bè xuất phát bởi sự cảm thông, chia sẻ ấy lại gieo lên mầm tình yêu giữa hai con người xa lạ.

Xa cách nhau không chỉ về mặt địa lý mà còn cả hoàn cảnh, anh là một chàng trai tật nguyền sống bên triền đê sông Đà, chị là cô gái trẻ đang ở độ tuổi xuân sắc của vùng biển Nam Định, thế nhưng họ lại đến được với nhau và sống đầy hạnh phúc, như một câu chuyện cổ tích kì lạ về tình yêu...

Từ sóng phát thanh

Sinh ra trong một gia đình đông anh em, ngày mới lọt lòng, anh Chu Phạm Minh Tuấn (xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) cũng khỏe mạnh như bao đứa trẻ cùng trang lứa, vẫn thường vui chơi cùng bạn bè bên triền đê sông Đà. Vậy mà tai ương ập đến khi anh vào lớp 7, bỗng một ngày đầu gối của anh sưng lên một cách khác thường, bố mẹ anh nghĩ rằng đây là do bị nhiễm gió độc bình thường nên chỉ lấy thuốc nam về cho con đắp.

Đắp thuốc một thời gian dài không thấy thuyên giảm, gia đình mới đưa anh đi khám ở bệnh viện, bác sĩ kết luận anh bị viêm đa khớp, một căn bệnh hiếm gặp và nguy hiểm. Sau nhiều tháng điều trị tại bệnh viện, tốn kém nhiều tiền của nhưng căn bệnh quái ác vẫn không biến mất mà chân của anh ngày càng bị co quắp lại, cơ chân teo dần. Từ một cậu bé khỏe mạnh, thông minh lại hiếu động, nay Tuấn lại phải nằm một chỗ, sống nhờ sự chăm sóc của cha mẹ.

Ngôi nhà nhỏ của hai vợ chồng.

Thời gian đầu khi mới mắc bệnh, không thể lúc nào cũng có người túc trực bên cạnh, anh chỉ biết lê lết quanh nhà để giải khuây. Sau này khi được bố mẹ mua cho đôi nạng gỗ, anh có thể dùng để đi lại dễ dàng hơn để giúp bố mẹ công việc gia đình. Không đầu hàng trước nghịch cảnh, anh chẻ tre, vót nan đan rổ rá để phụ giúp một phần kinh tế trong gia đình. Nhưng căn bệnh quái ác này vẫn chưa dừng ở đó bởi cho tới khi chúng tôi gặp anh trong căn nhà nhỏ ấy, anh chỉ có thể nằm một chỗ, không thể di chuyển mà không có người giúp đỡ.

Theo như lời kể của Tuấn, đến năm 1983, tay trái của anh không còn có thể cử động được nữa, đó là khoảng thời gian suy sụp nhất đối với anh. Chấp nhận nằm một chỗ, mọi sinh hoạt hàng ngày phải nhờ người khác giúp đỡ, anh dường như đã mất hết hy vọng vào cuộc sống. Cho đến một ngày, vì thương con mà bố anh mua một chiếc đài radio để con trai có cái để bầu bạn hàng ngày. Cũng từ đó, chiếc đài nhỏ đã trở thành một người bạn không thể thiếu đối với anh.

Nghe đài từ mờ sáng đến tận tối khuya, nhờ đó mà dù nằm một chỗ nhưng anh vẫn nắm bắt được cuộc sống thay đổi từng ngày như bao người bình thường khác. Và cũng nhờ chiếc đài đó mà hai vợ chồng anh mới có thể quen nhau và viết lên câu chuyện tình cổ tích mà bao người ngưỡng mộ. Anh cho biết: "Ngày ấy khi nghe đài, mình rất thích chương trình thời sự và âm nhạc. Ngoài nghe nhạc, chương trình này còn có mục kết bạn bốn phương và mình đã quen Thư, vợ của mình bây giờ...".

Cho đến 304 bức thư tay

Thời điểm anh Tuấn bắt đầu viết những lá thư làm quen bằng bàn tay phải còn lại gửi đi khắp mọi miền Tổ quốc, đó là vào năm 1995. Chàng trai tàn tật nằm trên chiếc giường nhỏ, co đôi chân đã teo tóp của mình và kê lên đó một tấm bìa cứng, vừa dùng bàn tay phải nắn nón viết từng chữ lại vừa phải dùng cánh tay tì chặt cho giấy khỏi bị lệch. Trong những lá thư hồi âm, anh thấy ấn tượng nhất với thư của chị Đăng Anh Thư (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) bởi sự chân thành, cảm thông sâu sắc.

Qua một thời gian dài, những người bạn làm quen qua thư của anh ngày càng ít hồi âm. Duy chỉ có chị Thư vẫn đều đều gửi lại cho anh những bức thư đầy tình cảm. Có một điều đặc biệt, những bức thư mà chị Thư gửi đều viết rất dài, có khi dài đến cả chục trang giấy bởi những dòng cảm xúc của chị đối với anh dường như mãi không thể ngừng bút. Đáp lại những dòng tâm sự đầy cởi mở ấy, anh Tuấn cũng hồi đáp lại bằng những trang thư dài cả chục trang, dù với anh viết một chữ cũng đầy khó khăn.

Quen nhau bằng sự chân thành, cả hai đều sẵn sàng thổ lộ tất cả suy nghĩ, những câu chuyện về cuộc đời với người bạn mới quen. Chính anh Tuấn khi nhận được những bức thư hồi âm lần đầu tiên cũng không ngờ được rằng, một cô gái trẻ không quen biết lại không hề chê bai hoàn cảnh trớ trêu của anh mà dốc bầu tâm sự như vậy.

Gia đình anh Tuấn.

Trong suốt 6 năm trời, từ năm 1995 cho đến tận năm 2001, đã có 304 bức thư qua lại giữa hai người. Dài có, ngắn có nhưng nó đều mang những cảm xúc chân thực nhất. Chị Thư kể, chị thường viết thư cho anh sau một ngày làm việc vất vả, đó là khi trời đã về đêm. Còn anh Tuấn, mỗi bức thư anh đều phải bỏ cả một ngày trời để cặm cụi từng chữ, được mươi dòng lại nằm nghỉ giải lao bởi bàn tay tê cứng. Mỗi bức thư đều vất vả như vậy nhưng từng dòng đều mang theo sự hưng phấn, niềm vui và hạnh phúc.

Cái kết có hậu

Sau nhiều năm "nói chuyện" qua thư, lần đầu gặp mặt của hai người là vào năm 2000, khi mà một mình chị Thư vượt chặng đường dài từ Nam Định lên Hòa Bình để gặp người tri kỉ. Chị Thư kể, ngày ấy chị quyết tâm gặp được anh nên mang theo cả xe đạp rồi bắt xe khách lên huyện Kỳ Sơn. Khi đến nơi, chị đạp xe mò mẫm con đường dọc theo triền đê sông Đà để tìm nhà anh Tuấn. Khi gặp nhau lần đầu, không có sự ngỡ ngàng bởi họ đã biết và hiểu nhau quá rõ, chỉ có sự mừng vui pha chút buồn tủi.

Bởi lẽ tủi thân vì hoàn cảnh của mình, anh Tuấn chỉ dám giới thiệu chị Thư là người em kết nghĩa dù rằng khi gặp nhau, họ đã biết rằng phải đến với nhau. Trước đó, trong những bức thư, chị cũng đã đả động đến chuyện cùng anh xây dựng một mái ấm gia đình, một ước mơ mà chàng trai tật nguyền ấy luôn giấu kín trong tâm thức. Nhưng rồi, trước tình yêu chân thành của người con gái ấy, họ đã đến với nhau như con tim mách bảo.

Những bức thư mà chị Thư còn lưu giữ.

Khó khăn đầu tiên gặp phải khi họ đến với nhau chính là rào cản gia đình. Khi biết chị Thư là người yêu chứ không phải em kết nghĩa, gia đình anh vừa mừng vừa lo và cũng cảm thương cho người con gái ấy. Chính bố mẹ anh Tuấn cũng khuyên can, nói chuyện thẳng thắn với chị để có thể hiểu hết những khó khăn có thể gặp phải khi lấy một người như con trai của họ làm chồng. Còn gia đình chị thì phản đối kịch liệt và ngăn cản chuyện tình của hai người. Nhưng trước sự cấm cản ấy, chị quả quyết rằng: "Ý con đã quyết thì con sẽ chấp nhận".

Trong bức thư gửi cho gia đình vợ tương lai, anh Tuấn viết: "Bố mẹ à! Con thấy chuyện một người lành lặn lấy một người tật nguyền và có được hạnh phúc không phải là hiếm và con tin rằng chúng con cũng như vậy. Mong bố mẹ tác thành cho chúng con!". Biết rằng không ngăn cản được, cuối cùng gia đình hai bên cũng để họ đến được với nhau.

Đám cưới đặc biệt của hai người diễn ra vào cuối năm 2001, mọi thủ tục đều được làm rất đơn giản và trong đám rước dâu không có mặt chú rể. Anh Tuấn cho biết, ban đầu gia đình hai bên cũng định tổ chức tươm tất để cả hai không cảm thấy thiệt thòi nhưng rồi đôi vợ chồng trẻ lại chính là người muốn làm đơn giản, thế nên đám cưới diễn ra rất nhanh trong sự chúc phúc và ngưỡng mộ của bạn bè.Họ sống với nhau hạnh phúc và tình yêu ấy đã đơm hoa kết trái khi vào năm 2009, hai vợ chồng anh Tuấn có đứa con gái đầu lòng. Với anh chị, đó là một hạnh phúc vô bờ, minh chứng cho những gì anh đã nói, người tật nguyền cũng có thể được hưởng hạnh phúc.

Cho đến nay đã ngoài 50 tuổi, anh vẫn thường xuyên bầu bạn với chiếc radio ngày nào, căn bệnh quái ác vẫn khiến cơ thể anh đau nhức mỗi khi trái gió, trở trời. Nhưng người đàn ông bé nhỏ ấy vẫn không thôi hy vọng đến một ngày mai tươi sáng. Đứa con nhỏ, kết tinh từ tình yêu chân thành của hai người đang khôn lớn từng ngày.

Anh Tuấn tâm sự: "Giờ đây mọi việc đều nhờ cả vào ông bà và vợ, mình cũng yếu nên không giúp được gì. Vợ mình rất vất vả, ngoài đi làm ban ngày, tối về lại phải làm việc nhà, lo cho chồng, cho con nhưng chẳng bao giờ thấy cô ấy than vãn nửa lời. Mình cũng hy vọng ngày nào đó có thể mở một hàng may nhỏ để cô ấy không phải đi làm thuê, đỡ được phần nào vất vả".

Và mỗi ngày trôi qua, anh Tuấn lại nằm trên chiếc giường nhỏ ấy để theo dõi cuộc sống đang diễn ra, tối thì dạy cô con gái nhỏ học bài trong khi chị làm việc nhà. Tin chắc rằng dù có khó khăn, họ cũng sẽ vượt qua để khẳng định khát vọng được yêu, được sống hạnh phúc dù hoàn cảnh có khó khăn, cơ thể có tật nguyền thế nào đi chăng nữa.

 

Theo Cảnh sát toàn cầu

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps