Lên Biển Bắc xem khai thác dầu

12:56 | 01/04/2015

2,911 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giàn khai thác dầu Prirazlomnaya của Gazprom Neft tên đầy đủ là Giàn khai thác dầu trên băng Prirazlomnaya. Hiện nay Prirazlomnaya là giàn khai thác dầu duy nhất tại vùng biển Bắc Cực của Nga.

Năng lượng Mới số 409

Du hành Biển Bắc

Prirazlomnaya nằm ở khu vực biển Pechora, cách bờ biển Varandey 55km. Giàn Prirazlomnaya được lắp đặt để phát triển mỏ và thực hiện các hoạt động công nghệ phục vụ khoan giếng, khai thác, tàng trữ, chuyển dầu xuống tàu chở dầu, đồng thời phát điện phục vụ sản xuất và đời sống trên giàn.

Prirazlomnaya thực chất là một tổ hợp công nghiệp tại đây, nơi lần đầu tiên trên thế giới dầu khí được khai thác ở thềm lục địa Biển Bắc trong điều kiện hết sức phức tạp của vùng cực Bắc băng giá trong khi phải đáp ứng những điều kiện an toàn nghiệt ngã và phải trụ vững dưới áp lực của băng tảng Bắc Cực.

Giàn khai thác Prirazlomnaya và tàu phá băng phục vụ giàn

Đoàn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) lên đường tới Pechora giữa lúc mùa đông nước Nga đang trong kỳ băng giá khắc nghiệt nhất trong năm, tháng 3/2015. Mỗi người một tâm trạng. Đối với anh Nguyễn Vũ Trường Sơn (Phó tổng giám đốc Petrovietnam), người đã từng 15 năm sống ngoài giàn khoan trên biển thì háo hức như về quê, về với anh em đồng đội thân thiết của mình vậy. Với các anh kỹ thuật thì cũng là một chuyến công tác như bao chuyến các anh vẫn làm nhiệm vụ của mình. Còn với phụ nữ chúng tôi thì phấn khởi xen lẫn lo lắng. Phấn khởi bởi không phải ai cũng có được cơ hội lên tận vùng cực Bắc của trái đất, lo vì sợ lạnh, không biết có chịu nổi không. Trước khi đi, các bạn Nga đã báo trước cho đoàn tình hình và điều kiện thời tiết nơi đó nhiệt độ thấp lắm, lạnh nhất có thể xuống tới -450C, gió Bắc Cực thì thật là khủng khiếp có thể lên đến cấp 7, cấp 8 bất cứ lúc nào, không khí loãng và áp suất thấp có thể gây hội chứng khó thở, chảy máu cam, thắt ruột… Thôi cứ đi, đến đâu hay đến đó, được đi là may rồi.

Đêm phương Bắc vắng lặng, 4 giờ sáng cả đoàn được các bạn Nga đón lên chiếc Yak-40. Từ Moskva bay lên Bắc Cực là gần 2.000km, vì Yak-40 là loại máy bay nhỏ nên phải xuống giữa đường để tiếp dầu. Điểm đến của chúng tôi là làng Varandey - nơi được sử dụng như cảng dầu khí - nằm bên bờ biển Pechora thuộc Khu tự trị Nhenhetxky.

Từ cửa sổ máy bay nhìn ra là một màu trắng mêng mông bất tận, tuyết phủ trắng xóa dường như không thấy chân trời, điểm giữa cánh đồng băng bất tận là những hàng bạch dương không còn lá, cây cành lưa thưa xếp thành hàng.

Đường băng hạ cánh của máy bay dài dằng dặc, tuyết phủ dầy trắng xóa, có đúng một bóng ai đó tròn như cục bông. Xa lắm sau hàng bạch dương không lá thấp thoáng mái nhà tuyết phủ trắng như đội mũ bông trắng dày cộp, cột ăng-ten mỏng manh… Chút khói bếp lẫn trong màu xám của đất trời khiến lòng ấm áp đôi chút. Máy bay tiến vào khu vực cảng, khi đó mới nhìn rõ xung quanh các công trình nhà, xưởng, cần cẩu, ăng-ten, radar và rất nhiều máy bay. Đây là cảng dầu khí Prirazlomnaya, trạm trung chuyển nhân công, thiết bị, hàng hóa phục vụ giàn khai thác dầu trên băng Prirazlomnaya. Người Nga đã bắt đầu các cuộc thám hiểm tìm kiến dầu khí ở chính nơi đây từ những năm 70 của thế kỷ trước.

Khu vực này được cách ly bởi tầm quan trọng đặc biệt của dự án. Chắc chắn chúng tôi là những người Việt Nam đầu tiên được đến đây bởi sự tin tưởng đặc biệt mà các bạn Gazprom đã dành cho Petrovietnam. Tôi biết, để bố trí được chuyến đi thực tế này cho chúng tôi các đồng nghiệp Nga đã bỏ ra rất nhiều công sức, chứ không chỉ hy sinh ngày nghỉ lễ 8-3 bên người thân, gia đình trong ngôi nhà ấm cúng. Ra khỏi máy bay, gió xiên ngang, tuyết cao trên đầu người, trời vẫn sáng nhưng nhìn ra xa phía biển như thấy chân trời ngay gần trước mặt. Khác với biển Việt Nam, biển Bắc Cực màu tối sẫm như đang có giông, không biết có phải biển ngày nào cũng màu đó không, ở đây mặt trời chỉ hiện diện 20 phút trong 24 giờ của một ngày. Không sao, cả đoàn đã trang bị cho nhau đến tận “răng”, áo lông, mũ, giày ủng, tấm dán ấm của Nhật… Chạy nhanh vào trạm, ngẩng lên thấy ai cũng nhìn mình, 7, 8 anh Nga cao to sừng sững. Hơi sợ nên chúng tôi chào thật to, ồ… chắc không giống ai ở phương Bắc này, nhưng cũng nói tiếng Nga như các anh, thế là vui rồi. Nước, trà, bánh trái đầy đủ quá, người Nga vốn có tiếng là dân tộc hiếu khách.

Giàn khoan trên băng

Đón tiếp đoàn Petrovietnam tại trạm Varandey là anh Ghenady Lyubin, Tổng giám đốc Gazprom Neft Shelf. Anh và các đồng nghiệp Nga ở đây hết sức nhiệt tình giới thiệu cho chúng tôi về mảnh đất Varandey tận cùng của quả đất, nơi đất liền tiếp giáp với biển, ra khỏi đây bạn phải làm thủ tục xuất cảnh, không chỉ với người nước ngoài mà công dân Nga cũng phải có hộ chiếu ra nước ngoài mới được làm thủ tục lên trực thăng ra giàn. Sân bay Varandey không có các chuyến bay định kỳ, chỉ những chuyến bay công vụ, từ Arkhanghelsk về đây mất hơn hai giờ bay.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm trên giàn

Ngày xửa ngày xưa Varandey là trại nuôi hươu, từ đầu những năm 70 nơi đây thành trạm phục vụ các cuộc thử nghiệm dầu khí, hàng nghìn người đã từng sống ở đây nhưng do biển lấn nên người dân đã di chuyển ra sống cách đó 50, 60km, hiện chỉ còn dân dầu khí làm việc. Cũng phải có đến 2.000 người của các công ty dầu khí đang làm việc tại khu vực này, trong điều kiện thời tiết hết sức khắc nghiệt của Bắc Cực, nước, thực phẩm đều vận chuyển bằng tàu biển từ Murmansk về đây.

Chúng tôi đã phải chờ tới 4 tiếng để thời tiết có thể cho phép trực thăng cất cánh. Các bạn Nga cho biết, thời tiết ở đây thay đổi liên tục, dòng chảy rất mạnh và đổi chiều 4 lần trong  ngày. Ngày hôm qua vừa có bão tuyết. Những tưởng băng Bắc Cực là những khối băng khổng lồ trắng toát, lung linh ánh bạc. Nhưng đang cuối đông, từ trên trực thăng nhìn xuống băng đã tan, những dải băng mỏng dập dềnh trên sóng nằm rải rác theo dòng hải lưu. Đi được nửa đường ra giàn từ trên cao nhìn xuống, băng trắng xóa vỡ ra từng tảng trôi dày đặc. Trong thời gian bay 30 phút từ Varandey ra giàn, nhiều lần tôi chẳng thấy gì xung quanh mình nữa, bởi mây mù bao phủ dày đặc, không ai nói với ai câu nào, chắc tâm trạng cũng giống nhau.

Anh Ghenady cho biết, biển Pechora chịu ảnh hưởng của dòng chảy ấm của dòng North Cape từ Gulf Stream chảy từ phía tây nam sang phía bắc mang theo nước biển từ bờ đông Novaya Zemlya khiến không thể hình thành các khối băng được. Những băng tảng di chuyển, vào mùa cuối đông tụ thành núi băng bám vào chân giàn là khó khăn cực kỳ lớn về mặt kỹ thuật.

Từ trên cao nhìn xuống Giàn Prirazlomnaya giống như một ốc đảo đỏ rực giữa băng tuyết trắng.

Đón chúng tôi tại điểm đỗ trực thăng là anh Aleksander Vaxilev, Giàn trưởng giàn Prirazlomnaya, trẻ và rất đẹp trai. Chúng tôi được đưa về phòng riêng để thay từ quần áo đi bay biển sang quần áo bảo hộ dùng trên giàn. Đối với chúng tôi, nhất là nữ với chiều cao quá khiêm tốn thì có thể nói khó có bộ nào vừa. Quần áo bay trực thăng biển bằng cao su, cách nước, cách nhiệt có tác dụng như cái phao đỡ trên mặt nước phòng khi máy bay phải hạ xuống nước giúp cho người mặc có thể tồn tại trong điều kiện nước băng giá trong vòng 3 giờ đồng hồ. Quần áo trên giàn chống cháy dày, to, nặng, gồm cả quần áo ấm, quần phao, áo phao, mũ, kính bảo hiểm, giày. Tất cả đều là hàng nhập khẩu và rất đẹp.

Anh Aleksander cho biết giàn Prirazlomnaya được đặt trên đáy biển độ sâu 20m, trọng lượng 117 nghìn tấn, phía dưới là dòng chảy rất mạnh và thường xuyên đổi chiều, tốc độ băng trôi lên tới 0,5km/giờ. Băng ở biển Pechora có thể dày đến 1,5m. Chân đế của giàn được thiết kế bằng công nghệ mới nhằm bảo đảm giàn chống đỡ với tác động của lực gió, sóng và băng có thể gây áp lực lên giàn tới cả chục nghìn tấn. Phần chân đế bao gồm hai lớp thép, gia cố bê-tông dày 3m. Phần tiếp xúc với băng sử dụng thép tấm ép nhiều lớp, phía trên chân đế là vật liệu chống sóng.

Hiện có 36 giếng, trong đó 19 giếng khai thác, 16 giếng bơm ép, 1 giếng bơm nước thải. Giàn được đưa vào khai thác từ tháng 12-2013, năm 2014 khai thác 300.000 tấn, theo kế hoạch hằng năm sẽ đưa vào bờ 5 triệu tấn dầu. Dầu khai thác được đưa vào các bể chứa dầu thô có công suất tối đa 855 nghìn thùng đảm bảo chứa số dầu thô khai thác được trong vòng 6 ngày, sau đó dầu thô được đưa xuống tàu và ra cảng xuất ở Rotterdam (Hà Lan). Trên Giàn Prirazlomnaya có 12 bể chứa dầu thô riêng biệt được thiết kế thông minh.Trong mỗi bể chứa luôn luôn đầy nước nhưng cách biệt với dầu để phòng tránh bất kỳ khả năng cháy nổ nào.

Tham quan giàn Prirazlomnaya

Mikhail Ulyanov và Kirill Lavrov là hai tàu phá băng ice-breaker riêng cho Prirazlomnaya, đóng ở Saint Peterburg, làm nhiệm vụ ngày đêm vận chuyển dầu thô từ giàn Prirazlomnaya. Ngoài hai tàu này, Prirazlomnaya còn 3 con tàu ice-breaker đa chức năng thực hiện chu trình cung cấp vận chuyển hàng hóa, thiết bị, con người, mang nhu yếu phẩm cần thiết từ Murmansk đến cho hơn 200 con người làm việc trên giàn. Ngoài ra các tàu này còn đảm bảo an toàn về công nghệ, môi trường cho giàn Prirazlomnaya trong điều kiện băng giá khắc nghiệt. Trong trường hợp cần thiết các tàu này làm chức năng cứu hộ, khắc phục sự cố. Anh Ghenady cho biết, năm 2014 việc đưa dầu thô xuống tàu đã được tự động hóa hoàn toàn và các tàu chở dầu đã hoạt động tốt trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt của Bắc Cực khẳng định tính an toàn và hiệu quả, nhất là đáp ứng được áp lực khi sản lượng khai thác dầu tăng.

Trên Giàn Prirazlomnaya đông nhất là thợ khoan, tới 60 người, 40 người vận hành các thiết bị khác nhau, ngoài ra là nhân viên thông tin liên lạc, máy phát điện… Họ làm việc theo ca từ 2 tuần đến 1 tháng trên giàn sau đó đổi ca. Thông tin liên lạc trên giàn sử dụng vệ tinh Sputnik, trực 24/24 giờ trong ngày.

Vì trong đoàn Petrovietnam có hai phụ nữ nên các bạn Nga cũng cho hai chị Tatyana và Ekaterina ra giúp chúng tôi, hai người phụ nữ thuần Nga, tươi cười, phúc hậu. Tôi hỏi: “Chị ở đây bao lâu rồi?”. Chị người Nga trả lời thân thiết: “1 tuần rồi và cũng như mọi người thợ nam khác chúng tôi sẽ ở lại đây 1 tháng”. Tôi hỏi tiếp: “Vậy con cái đi học thế nào?”. Chị mỉm cười: “Vẫn đi học bình thường”. Nhưng rõ ràng có bàn tay phụ nữ có khác, trong phòng ở ngăn nắp và hết sức sạch sẽ, có tivi, giường ngủ, giá sách, tủ quần áo, nhà vệ sinh vô cùng sạch và có cả vách ngăn phòng tắm riêng, cửa số thoáng cạnh bàn làm việc nhìn ra “sân băng”.

Anh Ghenady đưa đoàn Petrovietnam đi thăm mọi nơi trên giàn, anh Trường Sơn thích lắm, ở mãi giàn offshore Việt Nam, đã từng làm thợ khoan, đã từng chứng kiến giây phút dầu phun lên từ giếng khoan trong niềm hân hoan và lần này được ra giàn khai thác dầu duy nhất ở Bắc Cực để được nhìn tận mắt, vẫn luôn là ước mơ của anh, ước mơ của người “thợ khoan” được tìm thấy dầu ở nơi khó khăn nhất, xa xôi nhất hành tinh, ước mơ đem dầu về phục vụ đất nước mình, Tổ quốc mình. Khi thăm phòng vận hành của giàn, anh Sơn hỏi rất nhiều, anh Ghenady cũng giảng giải tỉ mỉ từng công việc ở đây. Hệ thống máy tính điều khiển của giàn gọn gàng, cán bộ ngồi làm việc tập trung nghiêm túc, chỉ khẽ gật đầu chào khách và rõ ràng không bị phân tán bởi đám đông chúng tôi đang xúm quanh, hỏi hết câu này sang câu khác.

Nhìn hướng tương lai

Rời Prirazlomnaya lên trực thăng ra về, thấy quyến luyến, thân thiết và trên hết là cảm phục. Tồn tại giữa đại dương băng đã khó, xây dựng, vận hành và làm ra của cải cho mình từ Bắc Băng dương thì quả sức người là vô hạn. Cảm phục những người Nga cao, đẹp và dũng cảm sẵn sàng ra biển, sống, làm việc bất chấp gió, bão, tuyết, băng. Về Moskva gặp các đồng nghiệp ở Gazprom, Gazpromviet (liên doanh giữa Petrovietnam và Gazprom ở Liên bang Nga) tôi mới biết nhiều anh đã từng phục vụ ở các dự án thuộc Bắc cực. Về Việt Nam lại gặp bác Vovk Vladimir Stepanovich, nguyên Tổng giám đốc Vietsovpetro từ 1988-1991, biết thêm rằng bác là người tham gia công trình Prirazlomnaya từ những ngày đầu tiên. Ôi Việt Nam - Liên bang Nga - quả là mối nhân duyên. Khi mời các bạn Việt Nam đến Prirazlomnaya, Pechora những ngày này, các bạn Nga muốn chỉ ra cho thế giới rằng, những người Âu Mỹ to lớn họ ở đâu khi những bạn Việt Nam bé nhỏ chẳng quản ngại gió rét, chẳng sợ băng giá lại ở đây giữa Bắc Cực này.

Tiềm năng dầu khí ở Bắc Cực từ lâu đã là mối quan tâm lớn của lãnh đạo Petrovietnam. Với chiến lược đầu tư ra nước ngoài nhằm gia tăng trữ lượng, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, Petrovietnam đang nghiên cứu nhiều cơ hội dầu khí ở thềm lục địa Liên bang Nga trong đó có biển Pechora với các đối tác truyền thống Liên bang Nga như Gazprom, Rosneft. Với kinh nghiệm ở thềm lục địa Việt Nam, ở Vietsovpetro, với lòng nhiệt tình và say mê, với tsự hỗ trợ nhiệt tình của các bạn Nga chắc chắn những người anh em kỹ thuật hàng đầu của Petrovietnam sẽ thành công ở biển băng Bắc Cực.

TIỀM NĂNG DẦU KHÍ TẠI BẮC CỰC

Bắc Cực (Arctic) nằm ở phần cực Bắc của trái đất, bao gồm Bắc Băng Dương và một số vùng thuộc Canada, Nga, Hoa Kỳ (Alaska), Đan Mạch (Greenland), Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Iceland. Bắc Băng Dương rất rộng lớn, đóng băng quanh năm và được bao quanh bởi đất đóng băng, không có cây cối. Khu vực này có thể được xác định là phía bắc của vòng Bắc Cực (66°33’N). Theo vòng Bắc Cực, tại vĩ độ phía trên, mặt trời không lặn vào mùa hè và không mọc vào mùa đông. Như vậy tại Bắc Cực, mặt trời chỉ mọc và lặn một lần trong một năm, trung bình có 6 tháng trời sáng hoàn toàn và 6 tháng trời tối hoàn toàn.

Người ta đã tìm thấy ở Bắc Cực nhiều triển vọng dầu và khí nhất, hơn bất kỳ đâu trên thế giới, 22% trữ lượng dầu và khí thiên nhiên chưa phát hiện của thế giới trong đó khí chiếm 30% trữ lượng toàn cầu và dầu 13%. Theo đánh giá của USGS tổng trữ lượng dầu và khí thiên nhiên lên tới 412 tỉ thùng dầu quy đổi, khí và khí hóa lỏng chiếm 78%. Theo Cơ quan tài nguyên Liên bang Nga, Nga chiếm 13% trữ lượng thăm dò về dầu và 36% khí, trong đó phần lớn nằm ở khu vực Timan - Pechora (bao gồm biển Pechora) và Baren - Karsk, riêng vùng Timan-Pechora chiếm ¼ trữ lượng này. Ngoài ra một phần tài nguyên dầu và khí nằm ở Kaliningrad và Biển Baltic.

Đã có những phát hiện dầu và khí lớn ở Bắc Cực trong đó 61 mỏ dầu và khí thiên nhiên Arctic lớn đã được phát hiện ở lãnh thổ thuộc Liên bang Nga, Alaska, Tây Bắc Canada và Na Uy. 43 trong số 61 mỏ nằm trên lãnh thổ Liên bang Nga, 35 mỏ lớn (33 mỏ khí và 2 mỏ dầu) nằm ở bồn trũng Tây Sibery, 13 mỏ ở Timan-Pechora (trong đó 8 mỏ lớn), 2 mỏ ở Nam Barents và 1 ở Ludlov Saddle.

Gazprom Neft

Gazprom Neft là công ty dầu thuộc Gazprom có trữ lượng trên 1,2 tỉ tấn dầu quy đổi, sản lượng khai thác hàng năm 60 triệu tấn. 70% dầu khai thác được đưa vào 5 nhà máy lọc dầu của Gazprom trong đó lớn nhất là nhà máy lọc dầu ở Omsk và Moskva. Gazprom neft có 70 công ty khai thác, lọc hóa dầu và thương mại ở Nga và nước ngoài.

Mỏ Prirazlomnoe của Gazprom neft có trữ lượng có thể khai thác là 72 triệu tấn, được phát hiện năm 1989, tháng 5/2013 Giàn Prirazlomnaya được đưa vào khai thác công nghiệp. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Dmitry Mevedev đã đến thăm giàn Prirazlomnaya.


Phóng sự của Hồ Tú Mai