Khi kho tàng sáng chế quốc gia bị “gặm nhấm”

08:56 | 23/10/2014

3,049 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Toàn bộ kho tàng dữ liệu quốc gia về các sáng chế khoa học của Việt Nam từ năm 1984 đến 2010 có số lượng lên tới 550.000 trang mô tả. Đó là vốn quý của quốc gia, là một “kho vàng” thực sự. Thế nhưng, quá trình xây dựng kho vàng ấy lại tiềm ẩn những điều khuất tất, bất ổn khiến kho vàng bị “gặm nhấm” và nguồn lực trí tuệ quốc gia bị lãng phí nghiêm trọng bởi những động cơ tiêu cực và việc làm thiếu minh bạch ở Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ)...

Năng lượng Mới số 367

Từ mục tiêu xây một kho tàng quý giá

Kỹ sư Vũ Hồng Khánh, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Khánh Hòa, Hải Phòng là một nhà khoa học nổi tiếng với nhiều sáng chế như máy nghiền tôm, cá để làm mắm, máy sản xuất vành xe đạp tự động, máy sản xuất tinh bột sắn. Gần đây, ông còn có thêm hai sáng chế “khủng” là máy điều chế hydro từ nước và máy tái chế rác thải thành nhiên liệu sinh học vô cùng hữu dụng, đã được cấp bằng sáng chế độc quyền. Đây là một phát minh bạc tỉ nhưng chưa  bán được cho ai. Gần đây nữa, công trình lò đốt rác của ông nông dân người Thái Bình Bùi Khắc Kiên lại gây xôn xao dư luận. Người thì bảo đây là công trình đẳng cấp thế giới, người lại bảo vô lý, không khả thi. Tác giả thì khẳng định công trình có giá trị như đinh đóng cột và sẵn sàng đối chất với bất kỳ nhà khoa học nào. Còn Bộ Khoa học và Công nghệ thì cũng không thể nào đưa ra được quyết định rõ ràng về sự việc.

Lẽ ra, những sản phẩm của các nhà khoa học như ông Khánh, ông Kiên sẽ được khách hàng trong nước và quốc tế biết đến nhiều hơn, rõ hơn, xác thực tính khả thi hiệu quả hơn cũng như có thể bán được sản phẩm nếu như nó được số hóa, cập nhật  vào kho tàng dữ liệu quốc gia về sáng chế và hòa mạng Internet, cùng kho tàng sáng chế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO). Thế nhưng, điều đó là không thể, cho dù Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã được Nhà nước đầu tư dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về sáng chế và trung tâm tra cứu” với tổng đầu tư hơn 7 tỉ đồng, đã hoàn thành từ năm 2010. Cũng cùng thời gian này, WIPO đã tài trợ số tiền 115.000USD (hơn 2,2 tỉ đồng) để số hóa toàn bộ kho tư liệu sáng chế Việt Nam. Thế nhưng, một điều kỳ quặc là cả hai dự án này đến nay đều không đạt được mục tiêu đề ra cũng như không được công bố rõ ràng kết quả nghiên cứu. Hơn thế, kho vàng này còn có dấu hiệu bị “gặm nhấm”.

Khi kho tàng sáng chế quốc gia bị “gặm nhấm”

Một hoạt động của tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới với các nhà khoa học Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam

Ý tưởng thành lập một kho dữ liệu số hóa về toàn bộ các sáng chế của Việt Nam từ trước đến nay đã là niềm ao ước từ lâu của các nhà khoa học. Người ta vẫn thường nói về xu thế hội nhập quốc tế, về việc khoa học công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp nhưng điều đó thật khó khả thi khi mà biết bao công trình, sáng chế của Việt Nam vẫn chỉ nằm trong nhà kho của Cục Sở hữu trí tuệ, trong những ngôi nhà thâm trầm, cũ kỹ, vẫn chỉ là những bản mô tả giấy phủ bụi thời gian. Nếu nó được số hóa, được đưa lên mạng, để mọi nhà khoa học, doanh nghiệp, khách hàng đều có thể tra cứu, nghiên cứu thì kho tàng ấy có thể sản sinh giá trị gia tăng, mới có thể trở thành sản phẩm hàng hóa. Từ mục tiêu đẹp đẽ đó, năm 2008, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam trình tờ trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về sáng chế và trung tâm tra cứu với tổng mức đầu tư khái toán khoảng 7 tỉ đồng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khi đó là ông Nguyễn Quân (nay là Bộ trưởng) đã phê duyệt ngay. Theo Quyết định số 1927/QĐ-BKHCN ngày 8-9-2008 của Bộ, mức đầu tư 7 tỉ đồng được lấy từ nguồn vốn thu phí, lệ phí được để lại của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Ban quản lý dự án được thành lập do ông Phạm Phi Anh, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ làm Trưởng ban. Ông Phạm Mạnh Hào, Chánh văn phòng Cục được giao làm Phó trưởng ban. Thời gian thực hiện dự án trong năm 2009-2010.

Cùng thời điểm này, ngày 22-1-2009, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chính thức đề xuất dự án số hóa tư liệu sáng chế của Việt Nam với WIPO để WIPO tài trợ kinh phí thực hiện dự án này và sau đó đã được WIPO chấp thuận. Tháng 4-2010, đoàn công tác của WIPO đã đến Hà Nội làm việc tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam để nghe báo cáo về việc thực hiện dự án và giải ngân số tiền đã cam kết tài trợ dự án. Đến cuối năm 2010, cả hai dự án được hoàn thành.

Đến thực tế “đẽo cày giữa đường”...

Như vậy, với tổng số tiền đầu tư lên tới hơn 9 tỉ đồng, lẽ ra các nhà khoa học Việt Nam đã có một kho tàng tư liệu sáng chế hoàn hảo, đáp ứng tốt mục tiêu nghiên cứu và ứng dụng mà theo quyết định của Bộ Khoa học và Công nghệ, dự án sẽ cho ra đời 3 cấu phần chính gồm: Cơ sở dữ liệu quốc gia về sáng chế (số hóa), trung tâm tra cứu (gồm hạ tầng công nghệ thông tin và phần mềm tra cứu), cơ sở sản xuất công báo sở hữu công nghiệp dạng đĩa quang.

Thế nhưng, tiền rót nhiều gấp hơn 3 lần quốc tế mà dự án vẫn không đạt mục tiêu như mong muốn. Kế hoạch đề ra dự án hoàn thành năm 2010 nhưng thực tế phải đến tháng 12-2012 dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về sáng chế mới được đưa vào sử dụng. Còn dự án số hóa sáng chế theo tài trợ của WIPO thì theo chính báo cáo của lãnh đạo Cục với đoàn thanh tra vào tháng 1-2013 là “đã nghiệm thu nhưng sản phẩm chưa đủ, đạt để đưa vào sử dụng”.

Khi kho tàng sáng chế quốc gia bị “gặm nhấm”

Trên trang web của Cục Sở hữu trí tuệ ngày 11-10-2014, kho dữ liệu sáng chế quốc gia vẫn chỉ là phiên bản thử nghiệm chưa được hoàn thiện dù dự án đã được nghiệm thu cách đây 3 năm

Gọi là “cơ sở dữ liệu quốc gia”, “trung tâm tra cứu” nhưng trên thực tế suốt 4 năm qua, các dữ liệu sáng chế vẫn chỉ được tích hợp nguồn tư liệu sáng chế từ năm 1984 đến 2010. Toàn bộ các sáng chế mới của Việt Nam từ năm 2010 đến nay vẫn không được tích hợp khiến cho hàng trăm nghìn công trình nghiên cứu vẫn  ngủ yên trong tủ kính, không được đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như quốc tế, chẳng khác nào đã xây được kho nhưng lúa vẫn để ngoài trời, không được mang vào kho cất trữ để chế biến, sử dụng.

 Không dừng ở đó, một số cán bộ, nhân viên còn phát hiện thêm dấu hiệu tiêu cực, rút ruột ngân sách Nhà nước từ hai dự án số hóa này. Bà Nguyễn Thị Kim Loan, cán bộ tài chính của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam là một trong những người đầu tiên phát hiện ra những bất cập và đặt câu hỏi nghi ngờ về sự chồng chéo giữa dự án số hóa do WIPO tài trợ và dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về sáng chế từ nguồn ngân sách Nhà nước. Tại một lá đơn kiến nghị và một lần phát biểu trực tiếp trước hội nghị, bà Loan đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân chỉ đạo làm rõ nghi vấn về sự chồng chéo giữa hai dự án. Tuy nhiên, kiến nghị này không được xử lý.

Ngày 20-5-2014, một chuyên viên công tác tại Trung tâm Thông tin Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục có đơn gửi trực tiếp Bộ trưởng Nguyễn Quân phản ánh thêm nhiều bất cập của hai dự án. Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về sáng chế sau 4 năm kết quả thể hiện tại trang web của Cục Sở hữu trí tuệ mới chỉ là phiên bản thử nghiệm với số liệu cập nhật đến năm 2010. Phần mềm còn hiển thị nội dung “phiên bản thử nghiệm” “không đảm bảo toàn bộ nội dung là chính xác so với bản gốc”. Hai dự án đều có chung một kết quả là số hóa kho tư liệu sáng chế của Việt Nam từ năm 1984 đến 2010, cả hai dự án đều do nhà thầu là Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật tin học và truyền thông (ISE) thực hiện. Đơn thư kiến nghị Bộ trưởng Nguyễn Quân chỉ đạo làm rõ có sự thất thoát tài sản Nhà nước trong việc lồng ghép hai dự án này không? Tuy nhiên, cũng như kiến nghị của bà Loan, kiến nghị này đã không được xem xét, làm rõ.

Những bằng chứng xung quanh các nghi vấn

Để làm rõ hơn những thông tin liên quan đến dấu hiệu tiêu cực tại hai dự án số hóa kho dữ liệu sáng chế, chúng tôi đã làm việc với nhiều cán bộ liên quan và lãnh đạo cơ quan chức năng của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Mạnh Hào, Chánh văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Phó trưởng ban chỉ đạo dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về sáng chế và trung tâm tra cứu khẳng định: Ông không biết gì về dự án số hóa tư liệu sáng chế do WIPO tài trợ vì ông chỉ tham gia dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về sáng chế. Ông Hào cũng cho rằng, hai dự án có hai mục tiêu khác nhau nên không có sự trùng lặp, chồng chéo như đơn thư phản ánh. Ông Hào cũng cho hay ông không biết kết quả của dự án của WIPO ra sao cũng như công ty nào là đơn vị trúng thầu dự án này.

Tuy nhiên, thực tế những gì phóng viên xác minh hoàn toàn trái ngược với điều ông Phạm Mạnh Hào trả lời báo chí. Theo hồ sơ chúng tôi thu thập được, ngày 25-9-2009, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam Phạm Phi Anh đã có thư chính thức gửi WIPO về việc lựa chọn Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật tin học và Truyền thông (ISE) là nhà thầu thực hiện dự án. Thư còn nêu rõ chính ông Phạm Mạnh Hào được giao  phụ trách nhóm đánh giá 3 hồ sơ thầu cho phía WIPO xem xét là đối tác thực hiện dự án số hóa tư liệu sáng chế bằng tiền của WIPO tài trợ. Đồng thời, ông Phạm Mạnh Hào còn thay mặt Giám đốc dự án số hóa do WIPO tài trợ Phạm Phi Anh tiếp và làm việc với đoàn công tác của WIPO để giải ngân số tiền đã cam kết tài trợ cho dự án. Ngày 26-12-2010, ông Hào thay mặt bên A ký nghiệm thu khối lượng hoàn thành gói thầu số hóa tư liệu sáng chế với Công ty ISE. Những thông tin trên khiến chúng tôi đặt câu hỏi, vì lý do gì ông Phạm Mạnh Hào lại gian dối khi trao đổi với phóng viên về việc mình không biết gì về dự án WIPO tài trợ?

Khi kho tàng sáng chế quốc gia bị “gặm nhấm”

Bức thư nêu rõ, chính ông Phạm Mạnh Hào được giao phụ trách nhóm đánh giá 3 hồ sơ thầu cho phía WIPO

Cũng liên quan tới hai dự án, theo hồ sơ chúng tôi thu thập được, còn thể hiện sự vênh nhau giữa các số liệu. Cả hai dự án đều có chung một nội dung là số hóa nguồn tư liệu kho sáng chế của Việt Nam từ năm 1984 đến 2010, với số lượng đều là 8.800 sáng chế nhưng tại dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về sáng chế có tổng mức đầu tư hơn 7 tỉ đồng (được nghiệm thu vào  ngày 25-8-2009), số lượng trang tài liệu đã quét và xử lý là 417.925 trang. Trong khi đó, tại dự án số hóa kho tư liệu sáng chế do WIPO tài trợ (được chính ông Hào báo cáo với WIPO để giải ngân vào tháng 4-2010) thì số trang được số hóa và giải ngân là 550.000 trang.

Còn theo thông tin tại biên bản bàn giao tài liệu số hóa gồm một đĩa cứng chữa 8.800 sáng chế được số hóa mà ông Trần Lê Hồng, Giám đốc Trung tâm thông tin tiếp nhận khi kết thúc dự án, số lượng trang mô tả sáng chế không vượt quá 315.000 trang, thấp hơn 235.000 trang so với khối lượng WIPO đã thanh toán và thấp hơn 132.075 trang so với khối lượng gói thầu số hóa do ngân sách Nhà nước đã thanh toán cho ISE là 417.925 trang. Theo hợp đồng kinh tế ký với ISE thì chi phí cho việc số hóa kho dữ liệu quốc gia về sáng chế gần 1,5 tỉ đồng. Còn kinh phí được giải ngân của WIPO là 115.000USD (hơn 2,4 tỉ đồng). Chỉ riêng những con số trên nhân với đơn giá số hóa mỗi trang dữ liệu đã cho thấy số tiền bị “rút ruột” của mỗi dự án lên tới hàng trăm triệu đồng (chưa bàn đến việc hai dự án có trùng nhau hay không?). Đây là một vấn đề cho thấy dấu hiệu tiêu cực cần được xác minh, làm rõ.

Về việc có hay không sự trùng lặp giữa hai dự án, làm việc với phóng viên, ông Lê Hùng Dũng, Giám đốc ISE thừa nhận, công ty là đơn vị trúng thầu cả hai dự án. Ông Dũng cho biết, hai dự án có thể có hai mục tiêu khác nhau song các điểm chung mà ông Dũng thừa nhận khi trao đổi với phóng viên là cả hai dự án đều có chung công việc số hóa nguồn thông tin kho sáng chế của Việt Nam từ năm 1984 đến 2010. Quá trình thực hiện hai dự án có thể khác nhau về mức độ yêu cầu chất lượng file được số hóa, đuôi file, chất lượng hình ảnh, giải nén... nhưng đều có chung các khâu công việc như: Thống kê, phân loại và vệ sinh tài liệu, scan, quét và xử lý ảnh, photo tài liệu...

Khi kho tàng sáng chế quốc gia bị “gặm nhấm”

Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam

Qua những thông tin trên đủ cho thấy, dấu hiệu trùng lặp giữa hai dự án, gây lãng phí nguồn ngân sách Nhà nước là có cơ sở. Lẽ ra, với tư cách đại diện cho chủ đầu tư, các ông Phạm Mạnh Hào, Phạm Phi Anh phải rà soát, xây dựng các gói thầu sao cho khách quan, khoa học, kế thừa được các phần công việc trùng lặp hoặc đã hoàn thành của một trong hai dự án để tiết kiệm ngân sách Nhà nước. Thế nhưng, dường như đã có một sự thỏa thuận ngầm, nhắm mắt làm ngơ nào đó để sự nhập nhèm, chồng chéo giữa hai dự án là kẽ hở để “ăn không” một khoản chi phí khá lớn?

Một điều đáng buồn nữa là tất cả những nội dung trên đã được cán bộ Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam trực tiếp phản ánh với lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Chánh thanh tra Bộ. Song ông Chánh thanh tra đã viện dẫn nội dung đơn chỉ là đơn kiến nghị, không phải là đơn tố cáo để né tránh làm rõ dấu hiệu tiêu cực, lãng phí của hai dự án. Tại buổi làm việc với báo chí ngày 7-10-2014, ông Trần Minh Dũng, Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ lại nhắc đi nhắc lại điệp khúc “nếu có đơn kiến nghị từ Cục thì mới vào thanh tra”, “cái đó phải hỏi Bộ trưởng chứ, tôi chỉ là cấp tham mưu”, “nếu báo chí nêu rõ bằng chứng, tôi sẽ vào cuộc ngay”.

Thiết nghĩ với những thông tin nêu trên, đã đủ cơ sở để lãnh đạo và Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ vào cuộc, làm rõ việc kho vàng dữ liệu sáng chế quốc gia đã và đang bị “gặm nhấm”!

Công Hoàng


 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps