Kết cục của gã Việt kiều Mỹ thuê sát thủ về nước giết họ hàng

14:40 | 17/04/2014

28,471 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
13/3/2014, (chậm khoảng 3 tháng so với dự định), Tòa án Seattle đã tuyên bản án 14 năm tù giam và 5 năm quản chế, tịch thu 10.000 USD tiền mặt, đối với Việt kiều Mỹ Nguyễn Văn Long với 2 tội danh: Âm mưu giết người ở nước ngoài và xúi giục người khác phạm tội. Đây là sự kết thúc của vụ án thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, bởi lần đầu tiên, Bộ Công an Việt Nam, Cơ quan Điều tra An ninh Nội địa (HIS) và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã cùng sát cánh trong một chuyên án lớn… với những tình tiết nghẹt thở như một bộ phim hình sự.

Đặc biệt nguy hiểm

"Bị cáo đã phạm phải 2 tội danh rất nghiêm trọng… Bị cáo không thể chối rằng đây đơn thuần chỉ là những lời khoác lác", thẩm phán Robert S.Lasnik bác bỏ lời chối tội của Nguyễn Văn Long tại phiên tòa .

Theo những chứng cứ tại phiên xử, tháng 3/2012, Nguyễn Văn Long đã thuê một sát thủ để sát hại những người thân của mình tại Việt Nam (sát thủ này là đặc tình của Cơ quan Điều tra An ninh Nội địa Mỹ (HIS).

Những người Long cần "xử" chính là người cháu ruột và 7 người thân trong gia đình của vợ y. Long sẵn sàng bỏ ra hàng chục ngàn USD để trả cho vụ giết người này, thậm chí còn thưởng thêm, với điều kiện "chỉ trả tiền khi các mục tiêu đã thực sự bị sát hại".


Lý do Nguyễn Văn Long quyết định ra tay sát hại người cháu ruột (em của chị gái) là bởi y có gửi cho anh này 100.000 USD, với lời dặn rằng chỉ cho người cháu được tiêu phần lãi ngân hàng. Nhưng Long đã phát điên lên khi biết rằng ông cháu đã tiêu mất gần nửa số tiền trên. "Nhân tiện" đã nhờ sát thủ, Long thuê luôn để "giải quyết" anh trai vợ và cả gia đình chị vợ.

Aaron Wilson, đặc vụ của HIS trong vai sát thủ, hỏi Long có phải mục đích của việc ám sát là cho nạn nhân "đi ngủ với cá", đề cập đến việc giết mục tiêu. "Giết chết nó", Long trả lời. Long cũng cho biết mình không những có cả ảnh và địa chỉ của nạn nhân, mà có cả người chỉ điểm để dẫn sát thủ tới nhà nạn nhân để nhận diện.

Đặc vụ Aaron Wilson hỏi Long muốn làm gì với các thi thể của nạn nhân. Long nhấn mạnh xác nạn nhân phải được tìm thấy, hoặc vụ sát nhân phải "xuất hiện trên mặt báo". Long cũng chủ động đề xuất nhiều phương án giết người, bao gồm việc dùng súng và bom xăng.

 

Đại tá Nguyễn Tri Phương - Phó Cục trưởng C45B: “Sự thành công của chuyên án 512G là một dấu ấn đáng nhớ trong sự hợp tác giữa 2 cơ quan điều tra Mỹ và Việt Nam”.

 

Đặc vụ Wilson thông báo với Long giá cả cho mỗi phi vụ giết người không tìm thấy xác là 6.000 USD. Nếu muốn nạn nhân bị giết mà xác vẫn có thể tìm thấy, hoặc nạn nhân bị giết nơi công cộng, giá là 7.000 USD. Kết thúc buổi nói chuyện, Long đồng ý với cái giá là 5.500 USD cho mỗi phi vụ.

Trong hồ sơ của tòa, lý lịch tư pháp của Nguyễn Văn Long cũng là một bằng chứng chống lại hắn. Long bắt đầu chuyển sang buôn bán cần sa sau khi làm nhiều nghề nhưng không kiếm được nhiều tiền.

Tham gia vào một trong những băng đảng lớn nhất Washington có tên là "BC Bd", Long và "đối tác" Nghĩa "Neal", cùng các "cộng sự" người Việt và Đông Ấn đã thực hiện hành vi rửa tiền và vận chuyển cần sa từ Canada vào Mỹ.

Năm 2004, cơ quan chức năng đã đánh sập đường dây của Nguyễn Văn Long, khoảng 1,3 tấn cần sa cùng 1,8 triệu USD bị thu giữ.

Việc kinh doanh phi pháp này đã giúp Nguyễn Văn Long và đồng bọn "tậu được vô số bất động sản, xe cộ đắt tiền và hàng triệu USD tiền mặt từ việc tuồn hàng trăm ký cần sa vào nước Mỹ", bản án của tòa ghi nhận.

Chối tội và bào chữa

Luật sư của Long tại phiên tòa đã cố gắng biện giải cho hành vi phạm tội của thân chủ, cho rằng có vấn đề về "lỗi dịch thuật".

Long cho rằng mình "chỉ nói cho hả miệng" và "bốc phét" với những người bạn thân gốc Việt. Long cho biết kiểu nói chuyện "chém gió" này phổ biến trong văn hóa Việt Nam. Trong một lá thư gửi tòa, Long cho rằng mình chỉ lỡ miệng mà thôi.

 

Hồ sơ chuyên án 512G của Bộ Công an Việt Nam.

 

Luật sư bào chữa cũng cung cấp cho tòa nhiều chứng cứ, trong đó có những bức thư của người thân Nguyễn Văn Long, những người suýt trở thành nạn nhân.

Mặc dù những thân nhân này thể hiện thái độ hợp tác trong việc cung cấp chứng cứ và thảo luận cởi mở về thái độ bạo lực và cục cằn của Nguyễn Văn Long, họ vẫn không kết tội thủ phạm.

…Từng tiếp xúc trực tiếp với những người thân của Nguyễn Văn Long tại Việt Nam, PV thấu hiểu sự sợ hãi, tức giận pha lẫn xót xa, thậm chí thương cảm của những người suýt trở thành nạn nhân của một tội ác nghiêm trọng.

Cách đây chừng 1 năm, khoảng 11 giờ trưa, 2 vị khách lạ mặt bước vào quán. Sau khi ngồi ăn hết 2 tô hủ tiếu, họ lên xe đi. Chỉ ít phút sau, 2 người lạ mặt quay trở  lại.

Người khách ngồi sau bước xuống xe, tiếp cận ông P.V.L để hỏi đường. Ông chủ quán vừa kịp cất lời thì vị khách lạ mặt vung dao lên. Cú đâm sát thủ găm thẳng vào cổ ông P.V.L. Ôm cổ chạy vào trong nhà, ông L. không kịp tri hô. Hai sát thủ nhảy lên xe biến mất. Lúc đó là 11 giờ 30 phút. Đứa con nhỏ của ông L. ngơ ngác chứng kiến cảnh bố mình bị đâm ngay trước mặt, hoảng loạn la hét…

 

Ông trùm Nguyễn Văn Long đã từng ngồi tù 5 năm do điều hành một đường dây đưa cần sa từ Canada vào Mỹ (ảnh trái). Nguyễn Văn Long bị nhận dạng sau khi tiếp xúc với các sát thủ do đặc vụ FBI “vào vai” (ảnh do HIS cung cấp trước tòa).

 

Đó là câu chuyện mà bà H.T.K.C., vợ của ông L. kể lại cho chúng tôi. Có lẽ, trong cái gia đình nhỏ này, bà K.C. là người duy nhất vẫn giữ được sự bình tĩnh.

"Sau khi đưa chồng đi bệnh viện nối lại mạch máu, gia đình vẫn bàng hoàng không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Chúng tôi vẫn nghĩ là chúng nó có thù hằn với ai, rồi đâm nhầm người. Ngay cả chồng tôi cũng nghĩ là chúng nó định cướp, nhưng thấy mình chạy vào nhà nên bỏ chạy".

"Gia đình tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện thằng Long lại tính thuê người định giết người anh cọc chèo của nó, vì chẳng có lý do gì cả, chẳng có xích mích gì cả. Nếu có, thì chắc chỉ có một chút khúc mắc nhỏ liên quan đến việc theo đạo trong gia đình thôi".

Anh Đ.N.H., một người anh cọc chèo khác của Long, cho biết, đến bây giờ gia đình anh vẫn không tin đó là sự thực. Ngay cả khi biết Long đã khai nhận trong phiên tòa sơ thẩm ở Seattle rằng có ý định giết vợ chồng mình, và ngay cả khi nhân viên HIS gặp anh để thông báo vụ việc đã diễn ra như vậy, anh Đ.N.H. vẫn cho rằng câu chuyệc chắc không phải đến mức độ như vậy.

"13 năm tôi lấy vợ. 13 năm tôi là anh em cọc chèo với Long nhưng chưa từng gặp mặt Long một lần, nghe nói có người em tên là Long thì biết là Long, thì lấy đâu ra mâu thuẫn để nó đến mức có ý định giết tôi như vậy.

Tôi đang đi làm xây dựng trên TP HCM thì nhận được điện thoại của nhân viên HIS hẹn gặp nói chuyện. Nói chuyện xong mà tôi đến giờ vẫn không tin đó là sự thật", anh Đ.N.H. bức xúc.

 

Lời chứng của đặc vụ M. Hardin - Bộ điều tra an ninh nội địa Mỹ.

 

"Về mặt kinh tế, tôi cam đoan là chưa từng dây dưa với Long chuyện gì cả. Có chăng ngày tết hoặc ngày sinh nhật, Long có lì xì cho các con tôi vài chục USD hay 100 USD để các cháu mua quà thôi. Bản thân tôi đi làm xây dựng cũng đủ để nuôi vợ ở nhà nội trợ và chăm sóc 3 đứa con, chứ không có chuyện phải nhờ vả về kinh tế để dẫn đến chuyện khúc mắc với Long".

"Vợ tôi đã rất lo sợ và hoảng loạn. Vợ con tôi ở nhà đọc báo trên mạng, thấy cả tên mình đăng trên đó. Con bé lớn cứ hỏi chuyện, nhưng gia đình phải cố gắng tránh để ảnh hưởng đến tinh thần của các cháu", anh H. tâm sự.

Anh H. còn cho biết, khi sự việc diễn ra, thực ra vợ chồng anh chị thương nhất là P.T.P (vợ của Long). "Thực ra cái P. là người rất đàng hoàng. Khi thằng Long đi tù, có gửi tiền cho P. trong tài khoản. Nhưng khi ra tù, P. đã trả lại hết cho Long, không hề đụng đến một đồng", anh H. kể lại…

P.T.P., còn gọi là Tina Phạm, tuy không chính thức kết hôn với Nguyễn Văn Long, nhưng đã có với Long 4 mặt con. Tina Phạm đã gửi một lá thư tới tòa, mong tòa xem xét và cân nhắc tới gia đình mình.

Khác với những gì công cố viên miêu tả rằng thủ phạm là một "người đàn ông cục cằn và bạo lực, với tiểu sử dài phạm các tội danh nghiêm trọng", Tina Phạm miêu tả Long "là một người bố tốt", luôn thức dậy sớm nhất, chuẩn bị bữa sáng và đưa bọn trẻ tới trường.

Tài liệu tại tòa cũng cho thấy Nguyễn Văn Long đã từng tốt nghiệp Trường trung cấp Shoreline Community, sau đó có tham gia học tại Đại học Washington và Đại học Seattle Pacific, nhưng không tốt nghiệp.

"Hành động kịp thời"

"Nguyễn Văn Long kiên quyết muốn những nạn nhân phải chết. HIS và cơ quan chức năng Việt Nam đã hành động kịp thời để cứu mạng sống của những nạn nhân.

 

“Người đưa đường” Văn Xuân Khuê.

HIS có hơn 70 văn phòng quốc tế, và chúng tôi làm việc chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật sở tại để đưa những tội phạm như Long ra trước công lý", Brad Bench, đặc vụ của HIS tại Seattle phát ngôn.

Chuyên án kéo dài 2 năm được tiến hành bởi sự hợp tác chặt chẽ của HIS, FBI và Bộ Công an Việt Nam. Giám sát cuộc điều tra phía Mỹ là 2 trợ lý công tố Jill Otake và Ye-Ting woo.

Nhận được yêu cầu hợp tác và thông tin sơ bộ từ phía Mỹ, Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm đã giao cho Cục CSĐTTP về TTXH bộ phận phía Nam (C45B) trực tiếp chỉ đạo điều tra. Phòng 5 là đơn vị được lãnh đạo C45B lựa chọn cho Chuyên án 512G, cái tên được lấy từ thời điểm chuyên án được mở, tháng 5-2012.

Đại tá Nguyễn Tri Phương, Phó Cục trưởng Cục CSĐTTP về TTXH đánh giá, đây là một đối tượng có nhân thân phức tạp và có mối quan hệ chằng chịt với giới xã hội đen, việc y cẩn thận thuê thêm "phương án dự phòng" là hoàn toàn có khả năng xảy ra.

C45B đã nhanh chóng hợp tác chặt chẽ với HIS, đẩy tốc độ điều tra của các trinh sát lên cao nhất. Kết quả là người hợp tác với Nguyễn Văn Long tại Việt Nam đã bị bắt gọn, các nạn nhân được đảm bảo an toàn. Toàn bộ những chứng cứ các trinh sát C45B thu được đã khiến Nguyễn Văn Long không thể chối cãi trước tòa án.

 

Theo CAND