Hồng nhan đa truân (Kỳ 53)

07:00 | 08/03/2014

4,431 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiều thứ Bảy, tại nhà ông Cường đúng là vui như hội. Diệu Linh và Bình tất tả làm các món ăn. Thành ngồi trên xe lăn giúp chị nhặt rau. Ông Cường ngồi chơi với bé Hương và cu Tý. Còn bà Thanh và Hữu Tùng ngồi bên ngoài, vừa nói chuyện về đoàn phim, vừa theo dõi từng cử động của ông Cường.

>> Hồng nhan đa truân (Kỳ 52)

Nguyễn Như Phong

Thiệu:

- Cậu cứ cả nghĩ. Bây giờ bố đang bận ở đoàn làm phim nên lo nghĩ nhiều thôi. Không có chuyện gì đâu. Chỉ có một điều là dạo này thấy ông có vẻ yêu đời.

Thành:

- À, đúng rồi. Dạo này, thi thoảng còn thấy bố véo von hát nữa cơ.

Bình nói:

- Chết rồi. Không khéo bố tương tư cái cô tác giải cuốn tiểu thuyết này đây.

Thiệu gạt đi:

- Em cứ nghĩ vớ vẩn. Tương tư thế nào được. Nó là hoa hậu mà kể cả hiện tại nó có con đấy nhưng vẫn cứ trẻ đẹp. Bố mình thì dung nhan đã khác người. Chuyện tương tư là không có đâu.

Bình bĩu môi:

- Anh đúng là công an. Chuyện tình cảm không thể nói là già hay trẻ, dung nhan với nhan sắc được đâu. Anh biết không, có những hoàng tử ở nước ngoài bỏ cả ngai vàng để đi theo một ả gái điếm. Chuyện đấy từ xưa đã có chứ có phải là bây giờ mới có đâu. Không thể lấy chuyện lý trí để can thiệp vào chuyện tình cảm. Anh không thấy người ta nói rằng tình yêu chỉ tuân theo tiếng gọi của trái tim thôi à?

Thiệu nói:

- Ừ, thì đành rằng bây giờ các ông có phải lòng gái đẹp thì cũng là chuyện bình thường. Nhưng mà phải lòng thì phải lòng chứ. Bố cũng là người biết mình là người như thế nào. Cái chuyện thích thì còn có thể có, chứ còn yêu đương, tương tư thì không có đâu.

Bình suy nghĩ một lát, rồi nói:

- Thế tại sao mình không nghĩ rằng bố và Diệu Linh có thể nên duyên được?

Thiệu nói:

- Thế thì hóa ra là chuyện cổ tích à?

Bình nghĩ:

- Thôi được rồi, việc này thì có lẽ phải hỏi bà Thanh, chú Hữu Tùng. Hai người ấy rất thân với bố. Hằng ngày họ làm ở đấy, nếu có chuyện gì là họ biết ngay.

Thiệu:

- Làm sao mà biết được.

Bình:

- Anh chẳng hiểu gì về bà Thanh và ông Tùng cả. Hai người ấy là người đã làm việc với bố hơn 20 năm nay. Cô Thanh chăm bố như em gái chăm anh trai. Cô ấy là người hiểu bố hơn ai hết. Chính cô ấy đã nhiều lần giới thiệu người này, người khác cho bố mà không thành. Chú Tùng cũng vậy. Mình không hiểu được bố bằng cô chú ấy đâu.

***

Ngày hôm sau, đoàn làm phim đang quay thì Bình đến.

Ông Cường đang chỉ huy diễn xuất. Thấy con gái đến, ông hỏi:

- Hôm nay con đến đây làm gì đấy?

Bình:

- Con đến xem đoàn làm phim của bố, xem cô hoa hậu của bố thế nào.

Nghe câu “cô hoa hậu của bố”, ông Cường tươi hẳn nét mặt.

Nhưng rồi ông lại lườm con gái:

- Mày nói cái gì mà cô hoa hậu của bố?

Bình đùa cợt:

- Thì tiểu thuyết của chị ấy viết nhé, rồi kịch bản bố viết nhé. Bây giờ, chị ấy lại làm phó đạo diễn cho bố nữa nhé. Thế thì không là hoa hậu của bố thì là của ai?

Ông Cường bật cười:

- Thôi, mày ra kia. Bố làm việc tiếp đây.

Bình kéo bà Thanh và phó đạo diễn Hữu Tùng ra ngoài.

Bình hỏi:

- Có việc này cháu muốn hỏi cô chú. Cô và chú phải nói thật nhé.

Nhìn vẻ mặt nghiêm trọng của Bình, ông Tùng và bà Thanh ngạc nhiên.

Bà Thanh hỏi:

- Có chuyện gì mà mày có vẻ nghiêm trọng thế?

Bình nói:

- Dạo này cô chú có thấy bố cháu có gì khác lạ không ạ?

Hữu Tùng nói:

- Cháu bảo khác lạ là thế nào? Ông ấy vẫn khỏe mạnh, yêu đời, vẫn chửi như hát hay. Hôm nọ, ông ấy còn hắt cả cốc nước vào mặt diễn viên đấy.

Bình nói:

- Ôi cái chuyện hắt nước, rồi chửi diễn viên là bình thường. Đạo diễn thì ông nào mà chẳng chửi bậy. Nhưng mà cháu muốn hỏi chuyện khác cơ. Thôi cháu hỏi thẳng luôn. Cô chú có thấy bố cháu có tình cảm gì với cô hoa hậu kia không?

Bà Thanh cười sặc sụa.

Bà gí ngón tay vào trán Bình và nói:

- Trời ạ. Con này tinh quái như Tôn Ngộ Không ấy. Cái đấy thì cô nói thật với cháu là có. Bố cháu hình như phải lòng con bé hoa hậu ấy rồi.

Hữu Tùng nói:

- Phải lòng nó thì ai chẳng phải lòng. Em đây cũng thích nó bỏ xừ ấy.

Bà Thanh nói:

- Thằng này hay nhỉ? Thích là một chuyện, còn phải lòng lại là chuyện khác. Phải công nhận là bố mày dạo này có thay đổi tính nết thật. Điều này thì cô và ông Tùng biết. Cứ khi nào mà có con bé ấy ở đây thì bố cháu vui vẻ lắm, chỉ huy đâu ra đấy. Nhưng nó mà vắng mặt là thẫn thờ ngay. Mà xem ra nó cũng có tình cảm với bố mày đấy. Mấy hôm nay nó tự tay nấu cơm, mang cho bố cháu ăn. Dạo này ông ấy có ăn cơm hộp đâu.

Bình ngạc nhiên:

- Chị ấy nấu cơm cho bố cháu ạ?

Hữu Tùng:

- Đây, mày xem đây này.

Hữu Tùng chỉ vào một góc nhà, ở đó có một cái cặp lồng ba ngăn.

Ông nói:

- Đấy, cơm này, canh này, thức ăn thì ở cái cặp lồng ba ngăn kia. Hệt như thời bao cấp. Nó bảo bố mày, ăn cơm hộp không đảm bảo vệ sinh, hơn nữa lại là người có tuổi, sức ăn cũng kém. Thế nên có mấy món bố mày thích, mà bố cháu nói với nó lúc nào bọn cô có biết đâu thì nó cứ nấu cho bố cháu ăn. Ông ấy ăn cơm nó nấu quen rồi, bây giờ cơm hộp là không nuốt được.

Bình nhíu mày:

 - Nếu chỉ nấu cơm thì cũng không ăn thua. Còn chuyện gì khác không ạ?

Bà Thanh nói:

- Cái chuyện bố cháu có tình cảm với nó thì là chuyện rõ rồi. Cả đoàn phim này ai cũng biết cơ, mà nói thật là ai cũng mừng. Nếu như bây giờ bố cháu mà nên duyên với nó được thì cô đảm bảo rằng cái đám cưới ấy phải quy tụ tất cả dàn diễn viên ở Việt Nam đến để mừng cho bố cháu ấy. Mà cô với chú Tùng thì có khi còn sung sướng hơn cả chúng mày.

Thế rồi giọng bà Thanh bỗng trầm hẳn xuống:

 - Nói thật với cháu, mấy chục năm nay rồi, cô đi làm phim với bố cháu từ khi cô còn là công nhân. Rồi bố cháu cất nhắc cô lên làm phó chủ nhiệm, rồi chủ nhiệm đoàn phim. Cô đi với bố cháu cũng đến hơn một chục phim rồi. Cô thương bố cháu lắm. Ông là người tốt, suốt ngày chỉ nghĩ đến công việc, đến phim ảnh. Mong ước của ông ấy là làm sao để cho cái nền điện ảnh nước nhà cất cánh bay xa được như các nước trên thế giới. Thế nhưng mà “lực bất tòng tâm”. Nhiều thứ trói chân, trói tay, không làm được. Ông ấy cũng bất đắc chí. Còn chuyện riêng tư thì cháu biết rồi đất, bố mẹ cháu không ở được với nhau. Các cháu cũng lớn hết cả rồi, cũng có hiểu biết. Cũng may là chị em cháu biết thương bố, thương mẹ. Làm con cái giữ đạo hiếu thế cũng phải. Chuyện mấy năm nay bố cháu cứ sống một thân một mình, công việc thì như thế, nhiều lúc cô với chú Tùng cũng bàn nhau phải tìm một chỗ dựa cho bố cháu. Nói thế thôi, người ta bảo “con trông cha không bằng bà trông ông”. Bây giờ bố cháu tuổi tác như thế, lại còn thương tật nữa. Nghe nói trong người ông ấy còn hai mảnh đạn còn chưa lôi ra được.

Hữu Tùng nói:

- Đúng rồi, còn hai mảnh. Cách đây mấy tháng, em nghe chuyện ông ấy ra nước ngoài, đến lúc đi qua máy soi thì phát hiện ra có kim loại. Nó khám lên khám xuống mà không thấy gì. Thế rồi nó lôi vào khám an ninh, rồi lột truồng ông ấy ra, lần mãi mà cũng không phát hiện ra gì. Thế rồi, cũng may mà nó hỏi ông ấy là: “Ông giấu kim loại gì trong người?”. Đến lúc bấy giờ thì ông ấy mới kể chuyện ngày xưa đi chiến tranh, bây giờ vẫn còn mảnh đạn. Đến lúc nhìn thấy mấy cái sẹo ở tay, ở ngực, chúng nó mới tin.

Bà Thanh bật cười:

- Chuyện như giai thoại. Bây giờ thế này, để cô dò hỏi cái Diệu Linh xem sao. Nếu nó cũng có tình cảm với bố mày thì chúng ta phải vun vào. Mà phải làm theo kiểu đặt đâu thì bố cháu phải ngồi đấy. Không cho ông ấy lựa chọn nữa.

Hữu Tùng nói:

- Chị cứ nói chuyện. Em thì nghĩ rằng có thể cái Diệu Linh cũng kính trọng ông anh, quý ông anh, chăm sóc ông anh như là con chăm sóc bố ấy. Nghe thế thì được. Chứ bảo bây giờ nó định nên duyên với ông anh thì em thấy khó lắm.

Bà Thanh nói:

- Chú hay nhỉ? Biết đâu đấy, mình cứ thử hỏi xem sao. Nếu như bây giờ hỏi mà nó có vẻ cũng đồng ý thì mình phải tiến tới ngay.

Hữu Tùng nghĩ một lúc, rồi nói:

- Ừ. Có khi cũng phải. Diệu Linh là hoa hậu, nhưng bây giờ cũng có tuổi rồi. Gọi là còn cái danh hoa hậu thôi. Cuộc sống của cô ấy bây giờ đã khác. Bây giờ cô ấy đi nuôi dạy trẻ, với cái cách sống hiện nay thì cô ấy quên cái danh hoa hậu rồi. Hơn nữa, cuộc đời cô ấy cũng bầm dập nhiều. Nói thật là đọc cuốn tiểu thuyết của Diệu Linh, em cũng thấy thương cô ta thật. Biết đâu bây giờ cô ta cũng muốn có một chỗ dựa, một gia đình êm ấm, bình dị. Tất nhiên là cô ấy với ông anh thì cũng chênh lệch quá. Hơn nhau đến 30 tuổi. Ông anh nhà mình lại chân tươi chân héo, mặt mũi thì như thế. Bây giờ bảo một cô từng là hoa hậu mặt hoa da phấn đi cạnh một ông già bằng tuổi bố mình thì xem ra cũng khập khễnh. Nhưng mà với người đời thì không biết thế nào mà nói trước được. Các cụ bảo rồi “Cái duyên cái số nó vồ lấy nhau”. Biết đâu cô hoa hậu này bây giờ mới đứng số thì sao.

Bình nói:

- Thôi được rồi, thứ Bảy này cháu sẽ làm bữa cơm ở nhà. Cháu mời cô chú và cả chị Diệu Linh đến.

Vừa lúc ấy đoàn làm phim nghỉ quay.

Ông Cường vẫy Bình ra:

- Con có chuyện gì mà từ nãy đến giờ cứ thì thào với cô Thanh và chú Tùng thế?

Bình cười tinh quái:

- À, con bàn với cô chú ấy là thứ Bảy này làm bữa cơm ở nhà cho đông vui. Con mời cô chú ấy và cả chị Diệu Linh đến nhà ăn cơm.

Thế rồi Bình chạy ra chỗ Diệu Linh:

- Chị ơi, em bảo này!

Diệu Linh quay ra:

- Bình đấy à. Em đến lúc nào chị không biết.

Bình:

- Thứ Bảy này em mời chị, chú Tùng, cô Thanh đến nhà ăn cơm với bố con em nhé!

Diệu Linh ngần ngừ một lát, rồi nói:

- Ừ, chị sẽ đến. Nhưng mà chị mang theo bé Hương nhé.

Bình đấm yêu vào vai Diệu Linh:

- Khiếp! Chị học cái tính câu nệ ấy từ bao giờ thế? Tất nhiên là chị đi đâu thì phải có con bé đi theo chứ. Em đây này, em đi đâu một bước cũng có thằng cu Tý đi theo. Em về nhà ăn cơm với bố em mà không có thằng cu Tý thì không xong với ông đâu.

Diệu Linh nói:

- Hay chiều hôm ấy chị đến phụ giúp em làm cơm nhé. Chị nghe bố em nói, em nấu ăn ngon lắm.

Bình lắc đầu:

- Em nói thật với chị, em giỏi nhất món luộc. Phàm cái gì luộc như trứng luộc, thịt luộc, rau luộc với... gạo luộc là em rất thạo. Còn những thứ kho, nấu khác thì em không rành.

Diệu Linh bật cười:

- Đừng có giấu nghề. Thôi, hôm ấy chị em mình sẽ cùng làm cơm.

Bình quay ra nói với bố:

- Thứ Bảy này bố có chương trình gì không ạ?

Ông Cường hỏi:

- Có chương trình là thế nào?

Bình nói:

- À, thứ Bảy này con về nhà làm cơm mời chú Tùng, cô Thanh và chị Linh đến ăn cơm với nhà mình cho vui.

Ông Cường nói vui:

- Ừ, thì mày mời cô chú với Diệu Linh về, chứ mày có mời tao đâu?

Bình không hiểu bố nói đùa hay nói thật:

- Bố hay nhỉ? Mời về nhà bố để làm cơm mà bố lại bảo có mời bố đâu. Lẽ ra việc này là bố phải làm và mời chị Linh về ăn cơm, chứ không phải việc của con. Mà việc này lẽ ra bố phải gợi ý từ lâu rồi. Có ai vô tâm như bố đâu.

Rồi Bình nói với bố như bạn bè nói với nhau:

- Bố đúng là… rất ngây thơ.

Ông Cường ngạc nhiên:

- Ơ con này, dám bảo bố mày ngây thơ?

Bình đùa:

- Chẳng ngây thơ là gì. Con nói bố nghe nhé, bố làm đạo diễn một phim về một hoa hậu, lại được đích thân hoa hậu làm phó đạo diễn cho bố nữa. Thế là vinh quang lắm còn gì nữa. Lẽ ra bố phải làm cơm mời chị ấy về nhà phải mấy chục lần rồi ấy.

Ông Cường hiểu ra ý của con gái:

- Thôi thôi, tao thua cái mồm của mày. Bây giờ, chúng mày thích làm thế nào thì làm. Thứ Bảy tao đi thăm một ông cựu chiến binh xong rồi về.

Bình nói:

- Thôi thôi, bố không đi thăm cựu chiến binh nào cả. Con biết rồi, bố mà ngồi với mấy bác cựu chiến binh nhà bố thì có khi quên hết cả sự đời. Hôm ấy bố ở nhà. Nhiệm vụ của bố là ngồi chơi với thằng Tý, con và chị Linh sẽ nấu cơm. Thế nhé bố. Phân công công việc thế là xong, con đi đây ạ.

Bình nói xong thì đi luôn.

***

Chiều thứ Bảy, tại nhà ông Cường đúng là vui như hội. Diệu Linh và Bình tất tả làm các món ăn. Thành ngồi trên xe lăn giúp chị nhặt rau. Ông Cường ngồi chơi với bé Hương và cu Tý. Còn bà Thanh và Hữu Tùng ngồi bên ngoài, vừa nói chuyện về đoàn phim, vừa theo dõi từng cử động của ông Cường.

Bà Thanh nói:

- Từ hôm con Bình nói, tôi linh cảm thấy đúng là ông Cường tương tư con bé thật. Ôi, lúc nãy nhìn mặt mũi ông ấy sáng bừng lên. Tôi chưa bao giờ thấy ánh mắt ông ấy lại lạ lùng như thế.

Hữu Tùng nói:

- Công nhận. Tự nhiên nhìn gương mặt ông anh như trẻ ra mấy tuổi.

Vào bữa cơm, Bình và Hữu Tùng tế nhị dồn cho Diệu Linh ngồi cạnh ông Cường.

Bình rót rượu vào các ly và trịnh trọng nói:

- Cháu xin phép thay mặt bố cháu chúc sức khỏe cô chú, chúc sức khỏe chị Diệu Linh. Và rất cảm ơn cô chú và chị Diệu Linh đã về ăn cơm với bố con nhà cháu.

Bà Thanh vẫy tay bảo Bình đặt ly xuống và nói:

- Này, ở đây ai là chủ gia đình? Mày hay là bố mày? Tại sao lại phải thay mặt? Bố mày còn ngồi ở đây, sức khỏe tốt, minh mẫn. Mày biết ông ấy chỉ huy diễn xuất cả một ngày trời mà giọng ông ấy có lạc đi chút nào đâu. Bây giờ mày lại bảo là “cháu thay mặt bố cháu”.

Bình cười:

- Thôi thì cô chú cứ đại xá cho con trẻ đi.

Thiệu kéo Bình ngồi xuống:

- Đúng rồi, để bố phát biểu trước.

Ông Cường cầm ly lên, rồi nói:

- Thôi, chúc sức khỏe mọi người.

Ông cụng ly với Diệu Linh trước, rồi đến mọi người khác. Bữa cơm rất vui vẻ. Mọi người vừa ăn vừa nói chuyện.

Bỗng Bình có điện thoại. Cô nhấc máy nghe, rồi chạy ra ngoài sân nói chuyện gì đó. Sau đó Bình trở vào, nhưng nét mặt trầm hẳn xuống.

Thiệu rỉ tai vợ:

- Có chuyện gì đấy em?

Bình nói nhỏ:

- Có người bạn của mẹ bên Đức gọi điện về. Thôi, tý nữa em nói chuyện với anh.

Bình cầm ly rượu lên chúc Diệu Linh:

- Em chúc chị mãi trẻ đẹp như thế này.

Uống được mấy ly rượu, ăn cơm, nói chuyện đưa đẩy được ít câu, bà Thanh hỏi:

- Này Diệu Linh, cháu có ý định lập gia đình nữa không?

Diệu Linh mỉm cười:

- Bây giờ thì cháu không nghĩ. Nhưng cuộc đời cũng chẳng biết thế nào cô nhỉ? Cháu cũng vấp váp mấy lần. Cháu cũng cứ định bảo là không, không, nhưng rồi tự dưng nó đến. Mình cũng như cánh bèo, bị dòng nước xô đẩy, muốn làm chủ bản thân mình cũng khó.

Bà Thanh nói:

- Từ hôm được biết cháu đến giờ, cô rất khâm phục cháu. Cô khâm phục cháu ở nghị lực vươn lên, nghị lực sống của người phụ nữ bằng chính bàn tay, khối óc của mình. Cô cũng rất quý cháu ở nhân cách nữa. Cô đã thấy nhiều những người đẹp có chút danh thì kênh kiệu, ngạo mạn, cư xử vô lối lắm. Cháu thấy rồi đấy, gần đây có bao nhiêu chuyện về những người đẹp trong giới showbiz ấy. Đủ loại tai tiếng trên đời. Hay là cô làm mối cho cháu một người nhé!

Diệu Linh bật cười:

- Ôi, cô đừng làm mối. Việc này tự nó đến thì đến, không thì thôi. Cháu cũng không đặt nặng vấn đề này nữa. Cháu có bé Hương bên cạnh đây rồi.

Bà Thanh nói:

- Không được, cô sẽ giới thiệu cho cháu một người. Về mặt tài năng, đức độ thì cháu khỏi phải lo. Đó là một người mà cháu có thể tự hào được. Còn việc khác thì tính sau.

Bình, Thiệu, Hữu Tùng thì hiểu ý. Diệu Linh cũng lờ mờ hiểu được ý của bà Thanh. Đến lúc này, cô cũng hiểu được tâm ý của Bình khi làm bữa cơm này.

Cô vội vàng gạt đi.

- Cô ơi, trong bữa cơm này cháu biết nói chuyện này thì cũng không hay, nhưng cô biết đấy. Cuộc đời cháu đã bị mệnh danh là “sát thủ” rồi. Cháu sợ lắm. Cháu không muốn có thêm người đàn ông nào mà phải “vắn số” vì cháu nữa.

Diệu Linh nói xong thì cầm ly lên.

Cô hơi dựa vào vai ông Cường:

- Cháu chúc chú một ly nhé!

Ông Cường sung sướng:

- Chúc cháu thành công mọi mặt.

(Xem tiếp kỳ sau)

N.N.P