“Hai lúa” Hội An làm du lịch (Bài 2)

11:26 | 08/02/2015

1,692 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một du khách ngoại quốc đến Hội An đã viết ý kiến của mình trên trên trang Tripadvisor của Jack Tran Hoi An Eco-Tour rằng: “Chúng tôi không thể có một ngày nào tốt đẹp hơn khi được đến đây làm nông dân cùng những con trâu. Đây là điểm nhấn toàn bộ chuyến đi Việt Nam của gia đình tôi. Bạn chỉ bỏ ra vài giờ và chừng 20USD là có một trải nghiệm thật hoàn hảo. Học cưỡi trâu và điều khiển một con trâu biết vâng lời là điều không nên bỏ qua”.

Năng lượng Mới số 397

Bài 2: Viết tiếp chuyện dạy… trâu làm du lịch

(Tiếp theo và hết)

Chọn trâu cũng lắm công phu

Chứng kiến cảnh du khách hớn hở đi xe trâu, cưỡi trâu, rồi cày bừa trên đồng ruộng… đừng tưởng đấy là chuyện bình thường. Việc chọn trâu, dạy trâu làm quen với “công việc” mới là không hề đơn giản và tốn nhiều thời gian công sức. Không phải nhà ai có trâu cũng mang ra làm du lịch được, càng không phải ai cũng là người “huấn luyện” được trâu làm du lịch. Nguyễn Phúc Tân lưu ý chúng tôi như thế.

Anh kể rằng, trong đàn trâu làm du lịch mà có cả giống đực và giống cái, thì dứt khoát xảy ra chuyện, mà đã để xảy ra chuyện thì coi như là làm hỏng hẳn loại sản phẩm du lịch này. Tôi hỏi, xảy ra chuyện là sao? Tân bảo, ví như trong đàn mà có hai con trâu đực thì dứt khoát xảy ra xung đột, con nào cũng muốn thể hiện mình trước bạn tình, “con gà còn tức nhau tiếng gáy, huống hồ trâu”, trâu đực mà hung lên lao vào nhau thì chẳng khác gì hổ, còn hung tợn hơn nhiều những con trâu so tài ở Hội chọi trâu Đồ Sơn. Anh như hỏi lại chúng tôi, đang ngồi trên lưng trâu, đang thả hồn thơ mộng, bỗng dưng con trâu lồng lên, nó hất anh văng đánh vèo khỏi lưng rồi lao vào đối thủ, hỏi anh có dám đến gần nó nữa không, lúc ấy ngay cả chủ trâu cũng bó tay, chứ đừng nói là khách du lịch. Công phu lắm và cũng phải có bí quyết mới huấn luyện được.

Thú vị khi được cưỡi trâu

Chúng tôi tìm đến lão nông Lê Viết Nhiên, ở phường Cẩm Châu, ông là người sở hữu đàn trâu đến 14 con đang làm các dịch vụ du lịch. Hỏi ông về bí quyết chọn trâu, huấn luyện đàn trâu làm du lịch, ông cười rổn rảng mà rằng, muốn trâu làm được du lịch thì trước hết phải biết chọn giống, tui cứ theo ông bà mình dạy “xoáy đầu thì bán, xoáy trán thì nuôi, xoáy đuôi thì xẻ thịt”.

Ngoài đặc điểm chung “mồm gầu dai, tai lá mít, đít lồng bàn”, là giống tạp ăn, nuôi dễ, khỏe mạnh, lành tính và trung thành. Con trâu tốt là phải hội đủ các tiêu chuẩn như: Lông rậm, sừng đinh, đuôi chai, thấp quản. Chọn trâu cũng như chọn vợ vậy, phải biết xem tướng trâu, “mua trâu chọn nái, mua gái chọn dòng”…

Ông cười, tui không biết chọn vợ có phải đúng như câu ca trên không, chuyện đúng sai chưa bàn tới, nhưng việc chọn trâu thì trúng phóc. Con trâu làm du lịch, tiêu chuẩn đầu tiên là phải hiền và khỏe. Muốn biết được nó có hiền, có khỏe không thì phải nhìn vào đặc điểm của nó, đừng tưởng nhìn “tướng tá” con trâu to lừng lững là đã khỏe, đã tốt đâu. Con trâu to, nặng cả tấn mà có xoáy ở đuôi, đuôi lại có đốm trắng thì chỉ có… thịt, loại ấy vô tích sự. Con trâu khôn hiện ra ở cái chùm xoáy ở lông. “Xoáy” ở trán giữa 2 sừng là tốt nhất. Trâu tốt là trâu phải có hai tai sát cặp sừng, hai gót chân sau không chụm vào nhau.

Ông bảo, theo kinh nghiệm, hình thức, đặc điểm của con trâu còn báo trước rằng gia chủ gặp phúc hay họa. Nên người chọn trâu, mua trâu ai cũng phải thuộc nằm lòng câu “đầu tang, xoáy tóc, hàm sà. Trong ba thứ ấy cửa nhà ra đi”, đó là tiêu chí cần tránh trước tiên. Người nuôi trâu còn rất kỵ loại “trâu cười”.

Chúng tôi nhướng mắt nhìn ông, ông thong thả, muốn biết trâu có cười hay không, đêm đến khi dùng đèn soi vào mặt, con trâu hiền thì nó lim dim cặp mắt, thong thả nhai lại, con dở gặp ánh sáng nó nhe răng ra, loại này chớ có mua; hay trâu “tam tinh” (ba mắt - có một cục lồi giữa trán giống như con mắt thứ ba); rồi trâu “bạch thiệt” (trắng lưỡi) hay loại bị “đốm đuôi”... Những con trâu có đặc điểm ấy là dứt khoát không mua, không nuôi.

Một tốp đang thực hành cấy lúa

Khi đã chọn được con trâu ưng ý rồi, nuôi trâu đàn phải đặt tên cho từng con, phải huấn luyện cho chúng thạo việc cày bừa, phải biết nghe khẩu lệnh thế nào là đứng lại, thế nào thì quẹo phải, quẹo trái… Tóm lại việc huấn luyện, việc dạy để cho chúng biết nghe lời, đấy mới là công đoạn đầu, công đoạn của việc đồng áng. Còn nếu đưa chúng ra làm du lịch thì lại phải qua một giai đoạn huấn luyện nữa…

Tắm bằng xà phòng Camay và tập ngửi… nước hoa

Chuyện tưởng như đùa. Xin thưa, đấy là chuyện thật, thật “một trăm phần trăm”, không hề ngoa, không hề nói thêm. Chuyện ấy đã và đang diễn ra ở các làng nghề du lịch đồng quê ở Hội An.

Tôi mang chuyện này hỏi Nguyễn Phúc Tần, anh Tần bảo, đúng là như vậy. Anh kể, con trâu đi cày khác hẳn với con trâu làm dịch vụ du lịch. Cũng đều là thói quen cả thôi, con trâu cày, bừa chỉ có mình chủ với nó, con trâu làm dịch vụ du lịch tiếp xúc với đông người, vì vậy phải huấn luyện, phải dạy để nó quen, không dạy được khi thấy đông người nó lồng lên, nó phi nước đại… vậy là công cốc.

Vậy phải huấn luyện như thế nào, anh Tần bảo, chuyện này thì tôi chỉ biết bập bõm, đại loại là phải cho trâu làm quen với đông người, càng đông càng tốt, chuyện trò râm ran càng dài càng tốt, khi đã quen rồi để cho nhiều người “sờ mó” vào nó càng nhiều, càng lâu thì càng tốt, nghĩa là làm cho nó dạn dĩ, thân thiện với đám đông. Vậy còn tắm xà phòng thơm và cho trâu ngửi nước hoa để làm gì.

Tần bảo, việc này cũng xuất phát từ thực tế, đã có cả đàn trâu khi tiếp xúc với người mình thì ngoan ngoãn nghe lời, hô quỳ thì quỳ, bảo nằm là nằm, vậy mà thấy bóng khách du lịch ngoại quốc là “vùng vằng”, có con còn bỏ chạy, chủ có hô, có hét, có ra “khẩu lệnh” thế nào cũng chạy thoát khỏi đám đông mới đứng lại. Chẳng phải những con trâu ấy hư, mà cũng chẳng phải do công tác huấn luyện, dạy dỗ không đến nơi, đến chốn…

Phải nghiền ngẫm mãi, tìm hiểu, quan sát chán mới tìm ra cái “tổ con tò vò”. Nguyên nhân ấy chính là mùi nước hoa, mùi thơm, mùi cơ thể của người Tây khác với người mình. Con trâu vốn đã quen với mùi bùn, mùi đất, vốn đã quen với môi trường đồng áng, ruộng vườn, ngửi thấy mùi lạ nó không “hục hoặc” mới là chuyện lạ.

Du khách có một bữa ăn thú vị trên sông nước

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhiều lão nông có trâu làm các dịch vụ du lịch về việc huấn luyện trâu. Ông Lê Viết Nhiên bật mí, để trâu quen được với tất cả hơi người lạ, phải coi con trâu như là bạn của mình. Nói “ăn, ngủ” với trâu thì hơi quá, nhưng nếu không chăm bẵm, vỗ về nó ngay từ lúc nhỏ, không cận kề, thân thiện, thì sao hiểu được tính nết nó. Có như vậy mình bảo nó quỳ, là nó biết chống hai chân trước xuống, nói nó nằm nó biết nằm…

Nói thì đơn giản vậy thôi, phải huấn luyện ròng rã 2 năm trời mới thành thục. Rồi việc để cho trâu quen với mùi khách du lịch ngoại quốc phải mua thứ xà bông Camay khách du lịch hay xài, vài ngày tắm cho trâu một lần, rồi tìm mua thứ nước hoa có mùi tương tự người Tây hay xức cho trâu ngửi, kỳ công lắm, mất nhiều thời gian lắm mấy chú ạ. Có kỳ công như vậy thì khi tiếp xúc mới Tây trâu không hục hặc, không dị ứng, không khó bảo, đặc biệt là không gây thương tích cho khách.

Ông khoe với chúng tôi, từ ngày đưa trâu vào làm du lịch, đàn trâu của ông mỗi năm cho thu nhập ít nhất 150 triệu đồng. Ngoài ra,  mấy con trâu mẹ, mỗi năm đẻ ra chừng 4-5 con, mỗi con trị giá khoảng 20 triệu đồng. Đàn trâu của ông mang lại cho gia chủ gần 300 triệu đồng.

Cũng như ông Nhiên, ông Phạm Hò (51 tuổi), người thôn Thanh Nhất (xã Cẩm Thanh), một người nổi tiếng với nghề dạy trâu. Khách Tây đã thích thú, thích thú đến kinh ngạc khi ông Hò “thì thầm” vào tai trâu, con trâu đang gặm cỏ, ông thì thầm vào tai nó câu gì đó, nó ngoan ngoãn nằm xuống một cách “ngon lành”. Hay nó đang kéo cày băng băng, ông nói câu gì đó như hát, nó đứng lại im phăng phắc, ngoe nguẩy cái đuôi. Đại loại các chuyện như vậy đủ “hút hồn” khách Tây. Ông khoe với chúng tôi, hơn 3 năm nay 4 con trâu được ông huấn luyện làm du lịch, chủ yếu để cho khách cưỡi, cày, bừa... ngày nào cũng có việc để làm. Mỗi tháng ông thu từ 15-18 triệu đồng.

Tập xay lúa

Té ra là vậy, ai bảo “ngu như trâu”, thì quả là không biết gì về trâu, không hiểu gì về trâu. Qua những chuyện trên mới thấy con trâu quê mình, con trâu Việt Nam thân thương, hiền lành và khôn ngoan biết chừng nào. Văn hóa nghề nông của nước ta thể hiện rất rõ mối quan hệ giữa người với trâu. Trâu không chỉ là con vật, mà còn là người bạn cùng làm nông, nhà nông tâm tình tha thiết với trâu về công việc cày cấy: “Trâu ơi! Ta bảo trâu này/ Trâu ăn no cỏ trâu cày với ta/ Cấy cày là nghiệp nông gia/ Ta đây trâu đấy ai mà quản công/ Bao giờ cây lúa còn bông/ Thời còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”. “Đầu cơ nghiệp” của nhà nông thời “a còng” quả là hữu dụng, biết sử dụng, biết huấn luyện, con trâu mãi là “đầu cơ nghiệp” quả cấm có sai.

Khách Tây mê tít

Du khách phương Tây quen với nhịp sống công nghiệp, họ đến Hội An như là được “xả trét”, được thư giãn. Họ lội ruộng, cưỡi trâu, họ quăng chài, thả lưới… đấy là sự trải nghiệm thú vị. Không gì lý thú bằng, không gì ý nghĩa hơn trong một chuyến du lịch họ có thêm nhiều khám phá mới.

Khách Tây nhí tập làm hàng xáo

Những ngày đầu năm này tôi về Hội An, có cả tiếng đồng hồ chuyện trò với Bí thư Thành ủy Nguyễn Sự, chuyện nhân tình thế thái, chuyện Hội An đang mất đi nguồn tài nguyên quý báu của du lịch, đấy là biển Cửa Đại, từng được bình chọn là một trong những bãi biển đẹp nhất của châu Á đang bị xâm thực. Trước thực trạng ấy ông Sự bảo, biển xâm thực Hội An không chỉ mất đất, mất bãi tắm đẹp, ảnh hưởng trực tiếp đến du lịch, đến đời sống của nhân dân. Hội An đang mất đi tài nguyên rất lớn, lãnh đạo Hội An trăn trở lo toan.

Ông bảo, trước thực trạng này mình phải “trở bộ” ông ạ, phải chuyển đổi phương hướng mới, cách thức mới, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới để tạo ra thế cạnh tranh và giữ vững sự ổn định để phát triển. Ông bảo, muốn gì thì gì phải bảo đảm du lịch luôn là ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò chủ đạo của thành phố. Tôi hỏi, nghe nói Hội An đang đưa trâu vào làm du lịch, đưa nông nghiệp, ngư nghiệp vào làm du lịch có hiệu quả lắm.

Ông Sự bảo, đúng là như vậy, hiện nay các tour làng nghề là sản phẩm không phải mới tại Hội An. Nhưng để cho du khách một ngày được làm nông dân như là một cuộc thám hiểm lý thú, vì vậy cần phải chuyên nghiệp hơn. Tất nhiên sự chuyên nghiệp ấy phải từ chính các chủ thể là người dân. Đừng nghĩ chuyên nghiệp là diễn, là sắp đặt; anh đừng bày, đừng dàn dựng theo kiểu sân khấu, mọi thứ phải diễn ra tự nhiên, có như vậy du khách mới hứng thú tìm hiểu những giá trị truyền thống của người dân ở nền văn minh lúa nước.

Du khách không chỉ nhìn thấy mà còn trực tiếp tham gia công việc, hòa mình vào nhịp sống yên bình tuy còn nhiều vất vả của người lao động. Những hoạt động như thế đã góp phần làm đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch, tạo nên những sản phẩm riêng chỉ có ở Hội An. Ông bảo, ngay lúc này đang có đoàn khách du lịch Thụy Điển, họ đang điền dã ở cánh đồng Voi, thôn 5 xã Cẩm Thanh, ông xuống đấy xem, biết đâu có khối chuyện để viết.

Khách Tây tập quăng chài

Trong không khí rộn ràng của mùa xuân vui tươi, phố cổ Hội An vẫn trầm mặc trong sự hào hứng của du khách. Tôi đã có mặt tại cánh đồng Voi, tại đây đoàn du khách 50 người Thụy Điển như đang hòa mình vào với dân quê. Họ chăm chú nhìn đôi bàn tay thoăn thoắt cấy lúa của các bà, các chị; họ trầm trồ về những đường cày. Nhiều người phấn khích còn lội xuống ruộng tập làm nông dân…

Bà Lillemor Edberg như vừa “lập được công lớn”, hồ hởi khoe: “Tôi thật sự thích thú khi cấy lúa. Công việc khó nhọc lắm, người nông dân ở đây giỏi quá. Tôi khâm phục họ, khâm phục nhiều lắm, cảm ơn các bạn cho chúng tôi những trải nghiệm tuyệt vời…”. “Đây là lần đầu tiên tôi đến đất nước các bạn, có quá nhiều điều thú vị ở Hội An. Tôi sẽ còn trở lại với những người bạn để trải nghiệm thêm nhiều điều thú vị khác nữa”, một du khách khác của Thụy Điển đã nói với tôi như vậy. Bà Carlene Penkett (40 tuổi, người Canada) làm việc tại Liên Hiệp Quốc về bảo vệ môi trường đã quyết định đưa cả gia đình đến Việt Nam, đến Hội An chỉ để… cưỡi trâu.

Bà bảo: “Tôi đọc được thông tin trên các trang mạng du lịch về tour làm nông dân ở Hội An, Việt Nam, tôi thấy quyến rũ quá, vì vậy tôi quyết định cắt tour đi Hongkong để sang Hội An. Tôi muốn các con mình có một kỳ nghỉ ý nghĩa. Tôi vô cùng thích thú khi được trải nghiệm loại hình du lịch này. Tôi thích những con trâu hiền lành, tôi yêu những người nông dân chất phác. Tôi bất ngờ và khâm phục việc kinh doanh du lịch gắn liền với sự thương yêu động vật và thân thiện với môi trường như thế này”.

Trên trang Tripadvisor của Jack Tran Hoi An Eco-Tour có đến hàng ngàn chia sẻ của du khách quốc tế về những trải nghiệm thú vị với con trâu. Malanne, một thành viên của trang mạng này, viết: “Chúng tôi không thể có một ngày nào tốt đẹp hơn khi được đến đây làm nông dân cùng những con trâu. Đây là điểm nhấn toàn bộ chuyến đi Việt Nam của gia đình tôi. Bạn chỉ bỏ ra vài giờ và chừng 20USD là có thể trải nghiệm mọi thứ thật hoàn hảo. Học cưỡi trâu và điều khiển một con trâu biết vâng lời là điều không nên bỏ qua”.

Hội An đang giữ cho mình một không gian cổ kính, với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Và Hội An cũng đang mở rộng không gian du lịch, sản phẩm du lịch Hội An đang được đa dạng hóa. Đồng nghĩa với đó là đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Song, điều quan trọng hơn cả là nền văn minh lúa nước, văn hóa nghề nông đang có sức hút mạnh mẽ sự khám phá của du khách quốc tế. Hướng đi này dù còn mới mẻ nhưng đầy triển vọng, tạo ra sự độc đáo riêng của Hội An.

Phóng sự của Đặng Trung Hội

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps