“Hai lúa” Hội An làm du lịch (Bài 1)

07:00 | 06/02/2015

2,354 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chẳng phải chuyện bà cựu Tổng thống Phần Lan Tarja Halonen cùng phu quân vượt nửa vòng trái đất đến Hội An để “học nghề” chài lưới, làm nóng lên thị trường du lịch ở đây, mà từ lâu đã có rất nhiều du khách nước ngoài đã đến các làng nghề ở Hội An để xếp hàng học làm… nông. Du lịch Hội An có thêm những sản phẩm du lịch độc đáo từ nghề chài lưới, từ việc nhà nông “chân lấm, tay bùn”…

˜Người dân ở làng rau Trà Quế có cái lý của họ khi nói như vậy. Họ bảo làm du lịch mà như “diễn kịch” là hỏng, mất khách. Đừng tưởng Tây (người dân nơi đây gọi chung du khách nước ngoài bằng cái tên như vậy) không biết tiếng Việt mà mình  “bịt mắt” họ được đâu…

Bài 1: Khôn ngoan chẳng lọ thật thà

Nông dân làm… thầy

Làng rau Trà Quế được xem là nơi hình thành mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên ở Hội An. Ở đây có 220 hộ làm nông nghiệp, thì có đến 130 hộ chuyên nghề trồng rau. Từ 40ha đất trồng rau, người dân nơi đây vừa thu hoạch được sản phẩm do chính mình làm ra, vừa thu được ngoại tệ từ những “bài giảng” cho khách du lịch ngay trên mảnh đất, luống rau...

Cách đây hơn 8 năm, những người dân quê chân lấm, tay bùn đang mải miết với công việc của mình, bỗng dưng thấy có đoàn khách Tây ào đến ruộng rau chỉ chỏ “xi la, xi lô”. Hướng dẫn viên du lịch nói với bà con rằng, khách du lịch họ muốn học cách cuốc đất, trồng rau. Bà con nông dân bất đắc dĩ trở thành “thầy giáo”. Họ nói rằng, dạy chữ thì bọn tôi chịu thua, chứ dạy cuốc đất, trồng rau thì bọn tôi dư sức. Chị Nguyễn Thị Thúy kể rằng, khách Tây họ nhìn bọn tôi làm với ánh mắt ngưỡng mộ và họ càng ngưỡng mộ hơn khi họ thử thực hành một vài công đoạn, đã thở phì phò.

Chị bảo, nhìn họ bậm môi cuốc đất, mồ hôi túa ra trên khuôn mặt thấy mà thương, chúng tôi “cầm tay chỉ việc” cho họ. Người nọ thử, rồi người kia thử, nhát cuốc lúc đầu còn bỡ ngỡ, sau quen dần, nhìn khuôn mặt họ dãn ra sung sướng, chúng tôi hiểu được “bài giảng” của mình đã thành công. Chị Thúy cười rổn rảng, cứ tưởng họ xin làm cho vui, ai dè cuối buổi họ trả công cho tôi số tiền thật lớn, mà trả bằng “đôla”. Chị Thúy thật thà, tôi thấy ái ngại, thú thực ai thấy tiền chẳng ham, chẳng muốn, mình là dân quê kiếm ra đồng bạc thấm đẫm mồ hôi, tôi nghĩ nếu có lấy tiền công chỉ “năm chục” là vừa. Thấy tôi ái ngại, chú hướng dẫn viên du lịch động viên tôi mới dám cầm.

Khách Tây tập giã gạo

Ôi chao! Sự đôn hậu của người nông dân Hội An sao mà quý vậy ta, họ quả còn nghèo, còn khó, nhưng nhân cách họ giàu có biết chừng nào, có lẽ nhân cách và sự trong sáng thiệt thà ấy chính là sức hút du khách. Tôi lại càng hiểu hơn khi có người nông dân ở đây trả lời một nhà báo rằng, bọn tôi dân quê, lại có tuổi rồi, học ngoại ngữ không vô, có cố học thì cũng nói được mấy câu tiếng bồi, thôi thì tiếng mẹ đẻ của mình thế nào thì mình nói thế, mình cố tập bập bẹ được mấy câu “tiếng anh, tiếng em”, có khi khách Tây họ không hiểu, họ bảo mình đóng kịch, vòi vĩnh, vừa mang tiếng, vừa làm trò cười cho họ, cứ để mấy cô, mấy chú hướng dẫn viên du lịch giỏi ngoại ngữ giao tiếp là được rồi.

Lại có chuyện mấy bà khách Tây năn nỉ xin được học nấu cơm bằng bếp củi, người dân quê cứ tưởng họ đùa, ai đời thời buổi tân tiến, người ta nấu cơm bằng bếp ga, bếp điện, chỉ những người dân quê tiếc bó rạ, que củi mới còn lọ mọ nấu cơm bằng “ba ông đầu rau chụm lại”. Vậy là mấy bà nội trợ ở cái làng quê này lại trở thành “thầy” bất đắc dĩ. Bà Nhì, một phụ nữ chân quê kể, nhìn họ tíu tít học cách vo gạo, cách nhóm bếp, cách vần nồi cơm một cách thích thú, rồi nhìn họ ăn, họ thưởng thức thành quả lao động của chính mình mới hiểu rằng khách du lịch Tây có nhu cầu thực sự chứ không phải đến đây thăm thú rồi “mần” mấy cái việc ni cho vui. Vậy là “nghề” dạy Tây vo gạo, nấu cơm, dạy Tây làm người dân quê kiểng trở thành sản phẩm du lịch độc đáo.

Xay thóc, giã gạo thủ công cũng vậy. Vốn là công việc phụ của bà con lúc nông nhàn và cũng là để tiết kiệm chi tiêu, người dân quê mới còn giữ cái cối xay lúa, giữ cái cối giã gạo. Vậy mà khách Tây đòi học cho bằng được, họ trầm trồ thán phục khi nhìn người dân quê; người giã gạo cứ giã nhịp nhàng, người đảo gạo trong cối, đôi bàn tay cứ như có mắt, chẳng bao giờ bị lỗi, bị giã vào tay. Và rồi, bằng cách chỉ bảo tận tình, câu chuyện giữa tiếng Tây và tiếng ta cứ râm ran bên cối gạo, những vị khách du lịch ở phía trời xa hòa vào với người dân quê một cách tự nhiên. Họ hãnh diện, họ tự hào đã làm được công việc tưởng chừng như không bao giờ làm được. Và tất nhiên là họ cũng rất hào phóng trả công cho những người “thầy” của mình với sự biết ơn.

Mô hình du lịch cộng đồng xuất phát từ đấy, xuất phát từ những việc nhỏ nhặt, bình dị, xuất phát từ những suy nghĩ thật như đếm của chị Thúy, của người dân quê như vậy. Dẫu chưa phải hoàn thiện bởi thu nhập và lợi ích vẫn còn mang tính cục bộ, chưa đồng đều, sự liên kết hợp tác giữa cộng đồng với doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, nhưng đã tạo ra sự lan tỏa, mở ra nhiều cách làm mới, nhiều hướng đi thích hợp, nhiều sản phẩm du lịch khác, làm phong phú thêm hình ảnh Hội An, thu hút du khách đến với Hội An nhiều hơn, yêu thích Hội An nhiều hơn.

Học phí trả bằng… đô

Đấy là lớp học “làm nông dân”, mỗi khóa học chỉ mất 6 giờ đồng hồ, mà học phí thu được ở mỗi học viên 50USD. Xin nói ngay, mức học phí này hoàn toàn không phải lợi dụng để “chặt chém”, hoàn toàn do sự tự nguyện của học viên. Học viên ấy chính là khách du lịch ngoại quốc và lớp học ấy đang được mở, được dạy tại xã Cẩm Thanh (Hội An). Và mỗi khóa học như vậy thu về cả ngàn USD.

Đang tập trồng rau

Lão nông Phạm Nhì, một trong những  “thầy giáo nhà nông”  có thâm niên kể rằng, nhà ông có mảnh ruộng chừng “ngàn mét vuông”, với hai con trâu, hai vợ chồng ông cặm cụi quanh năm làm hai vụ lúa, trừ chi phí phân gio, mỗi vụ được mùa cũng chỉ thu được khoảng 4 triệu, năm nào gặp thiên tai, hạn hán coi như mất trắng. Vậy mà trong mấy năm nay khi chuyển sang làm nghề “dạy Tây làm nông nghiệp”, ông bảo khỏe re, thu nhập gấp cả chục lần làm nông nghiệp, bữa nào dắt trâu ra đồng là bữa ấy thu “tiền tươi thóc thật”. Tất nhiên, như ông nói “làm thầy” người ta không dễ, lấy được đồng tiền của người ta không hề đơn giản. Ngoài dạy cho người ta biết cày, biết cấy, cái quan trọng hơn là mình phải làm cho họ đam mê, đừng để cái thích tức thời của du khách sớm “lợt lạt”, dạy họ phải nhìn vào mắt họ, nhìn vào hành động của họ, phải biết cách để níu kéo họ, làm cho họ đi rồi còn phải quay trở lại để khám phá mình.

Tôi hỏi, cái bí quyết ấy là gì? Ông cười dễ ợt, đấy là sự thật thà, là dốc tâm truyền nghề, đừng tưởng Tây không biết tiếng ta mà “bịt mắt” được họ, đừng tưởng cứ hét giá trên trời mà họ không biết, ai làm thế họ chỉ đến một lần rồi đi không bao giờ trở lại. Ông khẳng định, ở đâu thì tôi không biết, chứ tại Cẩm Thanh, Tại Hội An là không có chuyện đó, dân quê tôi làm du lịch cũng như làm ruộng thôi, phải cần cù chị khó, thiệt thà như củ khoai, trái bắp, mình làm răng thì bày cho khách du lịch làm vậy.

Những ngày đầu năm 2015 này tôi về làng chài Phước Trạch. Tại đây  hơn 100 hộ dân làng chài này đang bận rộn với công việc “làm thầy”  cho hơn một chục đoàn khách du lịch đăng ký “học nghề chài lưới”. Người bận rộn nhất có lẽ là chàng trai trẻ Trần Văn Khoa - Giám đốc một công ty du lịch lữ hành. Anh vừa lo công tác tổ chức, vừa lo kiểm tra công tác bảo đảm an toàn cho du khách, nhưng cũng giành thời gian trao đổi với tôi, anh bảo du khách họ càng hăm hở bao nhiêu, mình càng phải chu đáo, cẩn trọng bấy nhiêu, chuyện sông nước là không thể đùa được. Qua trao đổi với Khoa, tôi được biết chính anh là “tác giả” của lớp học “làm nông dân” cho du khách ngoại quốc ở xã Cẩm Thanh. Hỏi anh, nguyên cớ gì mà anh lại “sáng tác”  ra các tour như vậy, anh bảo chẳng có bí quyết gì, tất cả đều là sự tình cờ, sự quan sát. Khách du lịch ngoại quốc đến Hội An thường là để khám phá để tìm hiểu.

Anh kể rằng đã có đoàn khách đã dừng rất lâu trước một chợ cá ven đường quan sát cảnh người dân quê mua bán cá, với họ đấy là sự ngỡ ngàng, là cơ may, bởi cả đời họ chưa từng được thấy bao giờ. Hỏi họ, họ bảọ chỉ được nhìn thấy con cá trong siêu thị. Lại hỏi, có muốn tận mắt xem người dân bắt cá không, như “gãi đúng chỗ ngứa”, họ không chỉ đồng ý mà còn, nói theo kiểu dân dã quê mình, họ “ năn nỉ” hết lời. Vậy là chuyện tổ chức thêm tour theo kiểu điền dã như vậy ra đời. Từ chỗ tổ chức cho du khách xem đến việc dạy cho du khách biết cách làm ra sản phẩm là điều tất yếu phải đến. Khoa bảo, khi ngồi trên thuyền chăm chú xem dân chài bắt cá, nhiều người đòi làm thử, tất nhiên là họ sẽ không làm được nếu không có sự hướng dẫn, chỉ bảo của nông dân, ngư dân. Vậy là các lớp học ra đời, ra đời một cách tự nhiên, một cách tất yếu như vậy.

Say sưa tập tát nước gầu sòng

Lão ngư có cái tên sông nước Bảy Chài thì hớn hở khoe rằng, làm cái nghề dạy Tây quăng chài, thả lưới chỉ cần 2 tiếng đồng hồ là đã có được “trăm ngàn”, chẳng bù cho trước đây lọ mọ cả đêm kiếm ra đồng bạc thật khó. Ông nhẩm tính, năm 2014 vừa rồi bình quân mỗi tháng ông cũng thu được 6 triệu từ cái thúng chài, từ tay lưới. Không hiếm gì ngày có nhiều đoàn khách xin làm học viên, thu nhập của dân chài nơi cửa biển này thu về tiền triệu.

Cách làm du lịch của nông dân Hội An là như vậy, không màu mè, không giả tạo, biến cái nông cụ, ngư cụ là phương tiện của sinh kế hằng ngày thành sản phẩm du lịch độc đáo, họ không chỉ thu về cho mình hàng ngàn USD, mà còn là sức hút “neo” các đoàn khách lại với các cơ sở lưu trú, điều này chính là câu trả lời cho việc tại sao các khách sạn ở Hội An lúc nào kín phòng.

Dạy trâu làm… du lịch

Tôi và nhà thơ Lê Anh Dũng, Trưởng đại diện Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân tại miền Trung - Tây Nguyên có buổi trò chuyện với chàng trai trẻ Nguyễn Phúc Tân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tân Khang, tên tiếng Anh là hoi an agritravel (Du lịch nông nghiệp Hội An).

Trụ sở của hoi an agritravel đặt ngay tại thôn Võng Nhị, xã Cẩm Thanh, hỏi Tân về quy mô, về dịch vụ, về ý tưởng kinh doanh. Tân bảo, mô hình công ty em là doanh nghiệp nhỏ, nhân viên chỉ khoảng 10 người, trong đó có cả em và vợ em, dịch vụ chính là xe trâu làng quê, giúp du khách trải nghiệm làm nông dân trồng lúa nước, trải nghiệm làm ngư dân. Mục đích là chia sẻ lợi ích của dịch vụ cho cộng đồng thông qua sự kết hợp với người dân địa phương để cung cấp dịch vụ cho du khách. Tân bảo, tất cả các dịch vụ và địa điểm phục vụ đều được liên kết với những người nông dân địa phương, công ty của Tân tuy ít nhân viên, nhưng bù lại có cả trăm cộng tác viên.

Thong dong ngồi xe trâu rong ruổi đường làng

Cái độc đáo của hoi an agritravel là dùng phương tiện thô sơ, dùng chính chiếc xe trâu quê mùa đưa du khách len lỏi vào những xóm nhỏ đồng quê. Cũng như Khoa, Tân là chàng trai xuất thân từ nghề Du lịch, sau khi tốt nghiệp đại học ngoại ngữ, Tân đã có thời gian khá dài làm việc ở các khách sạn lớn ở Hội An. Đúng vào giai đoạn đỉnh cao của nghề nghiệp khi anh làm quản lý ở Victoria, Palm Garden, The Nam Hai, vị trí chỉ đứng sau Tổng giám đốc, thu nhập là ước mơ của nhiều người, thì anh xin nghỉ đứng ra mở công ty du lịch nông nghiệp. Người thân thì ngỡ ngàng trước quyết định “đánh rụp” của anh; bạn bè thì tiếc rẻ cho anh, có người nói anh là khùng, là dở hơi khi có vị trí “ngon lành” như vậy mà mà tự dưng bỏ ngang. Tân thì có cái lý của riêng mình, anh bảo anh quyết định nhanh chóng nghỉ việc tại Victoria, Palm Garden, The Nam Hai là vì… con trâu.

Chúng tôi mắt tròn, mắt dẹt nhìn anh, anh thủng thẳng, trước đây ở Victoria, Palm Garden, The Nam Hai có nuôi một con voi, con voi này chỉ có nhiệm vụ duy nhất là kéo rác ở bãi biển, nhưng từ khi con voi này già yếu, việc dọn rác khách sạn phải thuê người dân địa phương dùng trâu kéo rác. Từ khi có con trâu xuất hiện đã thu hút sự quan tâm của du khách. Anh kể, anh đã quan sát rất kỹ nhiều đoàn du khách như bị trâu lấy “mất hồn”, anh hỏi chuyện, họ bảo đời họ, có người chỉ biết con trâu trên màn ảnh, người thì khoe đã từng nhìn thấy trâu rừng, nhưng nó hung dữ chứ không hiền lành ngoan ngoãn như trâu ở đây, họ thấy con trâu cần mẫn làm việc là chuyện lạ, lại càng lạ hơn khi thấy con trâu gần gũi, thân thiết với con người… Vậy là ý tưởng đưa con trâu vào làm du lịch nảy ra trong suy nghĩ của Tân, anh quyết định nghỉ việc ở Victoria, Palm Garden, The Nam Hai vì trâu là như vậy.

Khách Tây hóa thân thành nông dân cày ruộng

Anh về mở công ty, liên kết với nông dân dạy cho khách du lịch cày cấy, lội bùn, thổi lửa, cưỡi trâu, quăng chài, thả lưới… Tóm lại là dạy tất tật việc nhà nông để thu ngoại tệ. Nhiều hộ dân ở xã Cẩm Thanh trở thành  “nhà” hướng dẫn du lịch chuyên nghiệp, nhiều gia đình thoát nghèo trở lên khấm khá từ việc dạy Tây cưỡi trâu, cày ruộng. Trong số các hộ dân liên kết với công ty của Tân như các lão nông Trần Tám, Trần Xuân Công một thời thiếu thốn đủ bề giờ có của ăn, của để. Con trâu là đầu cơ nghiệp của nhà nông, giờ trong môi trường du lịch cũng đang phát huy được giá trị, đang mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân.

Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định của ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hội An khi nói về định hướng phát triển du lịch ở Hội An. Ông Sự bảo, Trong điều kiện đất chật, người đông Hội An không thể lấy cái “yếu thế” của mình so sánh với cái “ưu thế” của địa phương khác để phát triển du lịch. Phải biết phát huy cái ưu thế của riêng Hội An, ưu thế ấy là sự kết hợp giữa sinh thái và nhân văn trong một chỉnh thể. Cái yếu tố cộng đồng, vai trò sáng tạo của người dân đã được chính quyền các cấp ở Hội An tôn trọng và khuyến khích. Các sản phẩm du lịch từ cộng đồng đã và đang được hình thành ở các làng quê Hội An đang là hướng đi đúng. Phải tạo ra sự lan tỏa rộng ra các làng nghề, các địa phương để mọi người dân Hội An biết làm du lịch, đời sống khá lên từ du lịch.

(Xem tiếp số sau)

Phóng sự của Đặng Trung Hội

Năng lượng Mới số 396