Ghi ở “Hội trường Diên Hồng”

07:00 | 11/10/2014

5,827 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cho đến bây giờ, tôi vẫn thấy bâng khuâng, tiếc nuối khi nhớ về Hội trường Ba Đình đã được phá đi vào một ngày cuối năm 2008. Vẫn biết rằng, Hội trường Ba Đình xây dựng xong từ năm 1963 đã xuống cấp nhiều, công năng sử dụng không còn phù hợp nên việc phải phá đi, xây mới cũng là điều tất yếu. Nhưng vẫn cứ thấy nhớ và thấy thương Hội trường Ba Đình.

Không hiểu tới đây, tòa nhà Quốc hội mới được đưa vào sử dụng, người ta sẽ đặt tên gì? Gọi bằng tên “Hội trường Ba Đình” thì xem ra rõ ràng không ổn. Còn gọi là “Nhà Quốc hội” thì cũng lại giống nhiều tòa nhà Quốc hội trên thế giới?

Lại thấy tiếc quá cái tên “Hội trường Ba Đình”.

Ngày tôi còn bé, nhà ở Khu tập thể 1A Hoàng Văn Thụ (nay là khu khảo cổ Hoàng Thành) chúng tôi hay ra nhà Quốc hội chơi. Tôi không thể nào quên hôm khánh thành, người ta đã tổ chức một buổi diễn kịch dành cho những công nhân đã tham gia xây dựng. Ông chú rể tôi làm thợ mộc ở đó, vì thế được đến xem kịch và tôi, năm ấy mới hơn 7 tuổi cũng được đi cùng. Đó là vở kịch “Mười hai chiếc ghế”.

Ghi ở “Hội trường Diên Hồng”

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiểm tra việc xây dựng nhà Quốc hội

Rồi cũng tại Hội trường Ba Đình đó, tôi đã được chứng kiến biết bao sự kiện lớn của đất nước và tôi không thể nào quên được Hội trường Ba Đình và những con phố xung quanh đã đẫm nước mắt cùng nước mưa trong những ngày chịu tang Bác Hồ.

Có người nói tòa nhà đó cũng như khu Phủ Chủ tịch ở phía đối diện là linh thiêng, bởi lẽ trong suốt những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, khu vực này không bị một mảnh bom nào rơi vào. Kể cả những ngày giặc Mỹ mang B52 rải thảm Hà Nội...

Khi có quyết định xây mới tòa nhà Quốc hội đã có không ít ý kiến chưa đồng thuận, trong đó có cả những người mà tiếng nói vốn luôn có “sức nặng ngàn cân”. Hầu hết những người có ý kiến chưa thuận, cũng là do quá nặng lòng với Hội trường Ba Đình. Nói thật là tôi cũng không thích phá tòa nhà cũ đi, bởi lẽ đơn giản là hình ảnh Hội trường Ba Đình đã in sâu trong tâm trí của tôi và nhiều thế hệ người Việt.

Thế mới biết phá đi cái cũ để xây một cái mới thật khó làm sao, mặc dù đã biết rất rõ rằng phải làm như vậy.

Ngày 2/4/2007, tại phiên bế mạc của kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XI, các đại biểu đã biểu quyết xây dựng nhà Quốc hội mới với 86,56% tán thành. Và rồi gần 2 năm sau đó, việc xây dựng nhà Quốc hội mới được bắt đầu.

Bây giờ tòa nhà Quốc hội mới cơ bản đã hoàn thành. Công nhân đang gấp rút hoàn thành nốt những hạng mục, những công việc cuối cùng để tòa nhà vận hành vào kỳ họp Quốc hội trong ít ngày tới.

Nhìn tòa nhà mới chưa quen mắt, lại vẫn cứ nhớ tòa nhà cũ!

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang dẫn tôi đi thăm công trình tòa nhà Quốc hội đang được hoàn thiện.

Ghi ở “Hội trường Diên Hồng”

Nhà Quốc hội mới

Tôi đã bị choáng ngợp bởi sự trang nghiêm, sang trọng, rất hiện đại mà vẫn giữ được nét Việt Nam nào đó mà tôi chưa lý giải được. Thứ trưởng Cao Lại Quang cười và nói với tôi rằng: “Đây sẽ là công trình lớn cuối cùng mà tôi được tham gia”. Nghe ông nói, tôi hiểu rằng thời gian này sang năm là ông sẽ được nghỉ ngơi. Tên tuổi của Thứ trưởng Cao Lại Quang được ghi dấu ở nhiều công trình nổi tiếng ở Việt Nam. Đó là Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Yaly, Thủy điện Sê San, Hầm đường bộ đèo Hải Vân, Thủy điện Sơn La, Trung tâm Hội nghị Quốc gia...

Với tác phong nhanh nhẹn, quyết liệt và cái nhìn tinh tường, đi tới đâu, ông cũng “bắt lỗi” được công nhân đang làm. Ông uốn nắn họ từ cách lau sàn đến tẩy vết bẩn... Cùng đi với ông còn có Phó ban Quản lý Dự án Nhà Quốc hội Đỗ Thiều Quang - một cái tên thật lãng mạn. Với dáng người chắc đậm và đi nhanh thoăn thoắt, Quang giới thiệu cho tôi những nét cơ bản nhất của Nhà Quốc hội mới. Trong gần ba tháng qua, mỗi ngày, Quang làm việc ở công trường tới 18 tiếng mỗi ngày.

Chúng tôi đứng trước cửa ra vào hội trường lớn và thấy một bức phù điêu gò đồng dài dễ đến chục mét về Hội nghị Diên Hồng thời Trần. Bức phù điêu rất đẹp và sinh động. Gương mặt mỗi vị bô lão được vua Trần Thánh Tông mời đến đều bừng bừng khí thế và không gương mặt nào giống gương mặt nào. Cụ thì đi thuyền đến hội nghị, cụ đi xe ngựa, cụ được khiêng võng... Lúc này tôi mới chợt nhớ ra một đồng chí lãnh đạo Quốc hội đã có sáng kiến đặt tên cho hội trường để họp Quốc hội là “Phòng Diên Hồng”, còn phòng họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là “Phòng Tân Trào”.

Nghe rất hay và hết sức có ý nghĩa!

Chúng tôi vào Phòng Diên Hồng và thấy choáng ngợp trước sự bề thế của căn phòng này. Phòng có 575 chỗ cho các đại biểu Quốc hội và 300 chỗ ở tầng trên dành cho đại biểu dự thính hoặc khách mời. Tổng diện tích mặt sàn là 1.500m2. Phòng Diên Hồng được thiết kế hết sức độc đáo, theo hình côn ngược, có 4 cửa ra vào theo 4 hướng Đông - Tây - Nam - Bắc. Cửa chính Đông là bức phù điêu Hội nghị Diên Hồng.

Ghi ở “Hội trường Diên Hồng”

Hội trường Ba Đình

Tôi hỏi Thứ trưởng Cao Lại Quang rằng, phòng họp này ngoài họp ra có làm được việc gì khác không, như biểu diễn văn nghệ chẳng hạn. Ông lắc đầu: “Phòng này chỉ được sử dụng cho việc họp, cùng lắm là thêm chức năng chụp ảnh lưu niệm. Không thể biểu diễn văn nghệ được”.

Ở trong Phòng Diên Hồng, ghế được xếp theo hình vòng cung, hệ thống âm thanh, ánh sáng cực kỳ hiện đại. Các vách gỗ ốp tường đều được thiết kế để hút âm thanh và sau vách gỗ cũng còn có thêm lớp vải hút âm. Thiết kế này đảm bảo âm thanh trong hội trường sẽ rất trung thực và không có một chút âm dội lại.

Tất cả thiết bị đều được nhập từ Đức, vách gỗ từ Hàn Quốc, bàn ghế theo thiết kế và vật liệu của Tây Ban Nha nhưng do Việt Nam gia công sản xuất.

Nghe nói hầu hết thiết bị và vật liệu được nhập khẩu, tôi chợt thấy chạnh lòng. Ừ thì bảo những thiết bị có công nghệ cao như hệ thống trang âm, ánh sáng, hệ thống máy móc phục vụ cho tòa nhà, ta không làm được, phải nhập khẩu đã đành. Nhưng tại sao gỗ làm bàn ghế, gỗ làm vách ngăn, rồi gạch men lát, đá ốp tường… là những thứ ta sản xuất được và nếu theo quảng cáo thì chất lượng cũng “sêm sêm G7”, vậy mà cũng phải đi nhập? Cứ bảo là phải “ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhưng, nếu như tại tòa nhà Quốc hội này, bên cạnh việc “hoàn toàn do người Việt quản lý, giám sát và thi công”, nếu thêm vào là “có nhiều hạng mục công trình được làm bằng nguyên liệu Việt, do người Việt sản xuất…” thì hay biết bao nhiêu?

Phòng Diên Hồng có kết cấu độc lập với tòa nhà, hay có thể hiểu một cách nôm na là phòng họp được “treo lơ lửng” giữa một khoảng không gian lớn.

Một điểm độc đáo của Phòng Diên Hồng là toàn bộ phòng họp nặng khoảng 3.000 tấn được đặt trên 8 cây cột khổng lồ xây dựng theo công nghệ bê tông cốt cứng. Ở giữa mỗi cây cột là một lõi thép cứng nặng 80 tấn, dài 30m.

Anh Đỗ Thiều Quang kể với chúng tôi về việc lắp 8 cột thép này. Đó cũng có thể coi là một kỳ tích trong việc xây dựng tòa nhà Quốc hội mới.

Vì mặt bằng thi công ở đây cực kỳ chật hẹp nên việc tính toán đưa 8 cây cột đòi hỏi phải hết sức chính xác và phải có loại cần cẩu chuyên dụng. Để đảm bảo an toàn vì có độ vươn xa 100m, Ban Quản lý dự án đã phải thuê một cần cẩu của Na Uy với sức cẩu 1.200 tấn để cẩu những khối thép này, rồi đặt xuống với độ sai số không quá 5mm. Ngay việc đổ bê tông cho Phòng Diên Hồng cũng được làm theo cách không giống ai là dùng “cốp pha leo” - nghĩa là đổ trên trước, kích bổng lên rồi đổ tiếp ở dưới.

Sảnh của nhà Quốc hội mới rộng đến 4.000m. Thấy tôi ngạc nhiên vì sảnh rộng quá, Thứ trưởng Cao Lại Quang giải thích: Sảnh còn được sử dụng để đón tiếp các nguyên thủ đến thăm Việt Nam những hôm thời tiết không thuận lợi, ngoài ra, các gian phòng xung quanh sảnh còn phục vụ cho nhiều công năng khác nhau như hội họp, hội thảo…

Ghi ở “Hội trường Diên Hồng”

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang (giữa) trao đổi với phóng viên về công tác xây dựng nhà Quốc hội

Anh Đỗ Thiều Quang dẫn tôi đi tới các tầng hầm và giới thiệu các khu kỹ thuật phục vụ cho tòa nhà. Toàn bộ tòa nhà sử dụng hệ thống điều hòa nhiệt độ do Pháp thiết kế. Hệ thống điều hòa đảm bảo mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Hệ thống điện cho tòa nhà cũng được thiết kế rất đặc biệt, đảm bảo bất kỳ bóng đèn nào bị cháy, ở trung tâm đều biết. Nếu điện lưới bị mất, chậm nhất là sau 32 giây, hệ thống điện sẽ được cấp trở lại bằng 4 chiếc máy phát điện có tổng công suất 8.000kVA. Khi tòa nhà đi vào vận hành, đội ngũ phục vụ cho tòa nhà là khoảng 200 người.

Anh Đỗ Thiều Quang đã từng là Trưởng phòng Kỹ thuật khi xây dựng Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Theo anh, nếu so sánh thì việc xây dựng tòa nhà Quốc hội khó khăn hơn Trung tâm Hội nghị Quốc gia rất nhiều. Bởi công năng sử dụng của Trung tâm Hội nghị Quốc gia đơn giản hơn, trang thiết bị không hiện đại bằng và mặt bằng thi công rất rộng nên thoải mái bày, thoải mái sử dụng các thiết bị thi công. Còn tại tòa nhà Quốc hội mới này, mặt bằng thi công chật đến nỗi có những vị trí phải tính toán đến từng mét vuông, thậm chí chỗ đỗ ôtô cũng phải lên sơ đồ sắp xếp. Đó là còn chưa kể bãi tập kết vật liệu ở xa, làm đến đâu thì chở về đến đấy. Vào lúc cao điểm, trên mặt bằng xây dựng gần 3 hécta này có đến 2.000 công nhân, kỹ sư làm việc. Họ thi công ở dưới các tầng hầm sâu hơn 11m trong lòng đất, họ thi công trên nóc nhà ở độ cao 40m. Việc sắp xếp cho các lực lượng thi công được nhịp nhàng, không dẫm chân lên nhau, đó là một sự tính toán cực kỳ khoa học và chính xác.

Cũng phải nói thêm rằng, chính cái chuyện “mặt bằng” này cũng đã tốn không ít giấy mực bởi nhiều cuộc tranh luận của các kiến trúc sư. Trước đó không ít ý kiến cho rằng, không gian của tòa nhà Quốc hội mới chật quá… Thôi thì con mắt của các kiến trúc sư thế nào, mình là người ngoại đạo, không dám bình phẩm. Chỉ có điều hơi “ấm ức” là nếu đứng ở bên kia đường, nhìn sang thì không thể thấy được lá cờ tung bay trên nóc nhà hình cầu của tòa nhà Quốc hội. Thật ra thì cũng có thấy, nhưng chỉ được khoảng một phần ba lá cờ. Mà ngắm lá cờ lại không được ngắm trọn vẹn thì cũng thấy thiêu thiếu?

Một cái khó nữa cho những người xây dựng nhà Quốc hội là phải bảo vệ được tối đa các di tích khảo cổ Hoàng Thành. Trong quá trình đào móng và xây dựng tầng hầm, động đến cái gì có tính “cổ” dù chỉ là viên gạch, mảnh sành vỡ thì cũng phải báo cáo với các cơ quan văn hóa. Những gì của cha ông tìm thấy được, phải đưa vào một nơi bảo quản nghiêm ngặt, rồi được giám định bởi các nhà khảo cổ vốn quen nghề “soi mói”. Sau này, sẽ có hàng ngàn cổ vật - di tích của Hoàng thành Thăng Long xưa - sẽ được trưng bày ở dưới tầng hầm, trong những chiếc tủ được làm bằng kính chống đạn nhập từ Đức.

Thiết kế tòa nhà Quốc hội do kiến trúc sư của Đức thiết kế, các yêu cầu về vật liệu, thiết bị cũng do kiến trúc sư đặt ra và không cho phép chúng ta tùy tiện thay đổi. Nhưng đội ngũ thi công và giám sát thi công là của Việt Nam. Lần đầu tiên chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm xây dựng một công trình lớn và hiện đại như thế này. Do đó đội giám sát được lãnh đạo Bộ Xây dựng đặc biệt quan tâm. Có 40 nhà thầu đã tham gia xây dựng. Để bố trí cho nhịp nhàng, không ai bị mất thời gian vì chờ đợi hoặc sự chồng chéo trong thi công là điều không đơn giản.

Ghi ở “Hội trường Diên Hồng”

Cuối tháng 10 này, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII sẽ được tổ chức tại đây sau hơn 4 năm họp nhờ ở Hội trường Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, để tòa nhà Quốc hội hoàn thành và được bàn giao thì có lẽ cũng phải gần hết năm 2014. Việc này giống như mình xây nhà thôi. Xong được căn nhà, vào nhập trạch, nhưng có khi hàng tháng sau mới hết việc vặt. Một điều lý thú nữa là tòa nhà Quốc hội có thể sẽ được mở cửa cho người dân và du khách tham quan.

“Đây sẽ là một điểm nhấn văn hóa của thủ đô Hà Nội vào dịp 60 năm Giải phóng Thủ đô - Nhà Quốc hội là một công trình quan trọng và có ý nghĩa lớn trong hệ thống công trình tiêu biểu cho thành tựu phát triển kinh tế - văn hóa, lịch sử, trình độ khoa học - công nghệ, những kết tinh của nền nghệ thuật Việt Nam. Hy vọng phương án chọn sẽ đáp ứng được những tiêu chí của một công trình kiến trúc tiêu biểu nhiều mặt cho Đất - Nước, thể hiện được khát vọng vươn tới tương lai của toàn dân tộc” - Đó là lời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi nói về công trình kiến trúc đặc biệt quan trọng này. Và dù có thể là chưa hẳn hoàn hảo trăm phần trăm, nhưng tòa nhà Quốc hội mới này đã đáp ứng được những tiêu chí mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt mong muốn.

Ghi chép của Nguyễn Như Phong