Có một thành cổ bị lãng quên

07:00 | 16/06/2013

1,163 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nằm sát đường Hồ Chí Minh, khu thành cổ đã tồn tại khoảng 300 năm. Tuy nhiên, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử và sự bào mòn của thời gian, thành chỉ còn lại duy nhất một chiếc cổng nguyên vẹn…

Quá khứ hào hùng…

Thuộc thôn Bá Lam 2, xã Cao Thắng, huyện Lương Sơn, Hòa Bình, khu thành cổ nằm khiêm nhường trên một con đường ngoằn ngoèo, lầy lội, ít người qua lại. Hầu hết những người dân sống ở khu vực này đều không hay biết đến gốc tích của nó.

Bác Trần Thị Huệ (thôn Bá Lam 2, Lương Sơn) cho biết: “Từ bé tôi đã thấy khu thành cổ này rồi. Không biết là xây dựng từ bao giờ, lại nằm ở chỗ hoang vu nên chẳng ai để ý”.

Khu thành cổ bí ẩn

Thế nhưng có mấy ai biết được ngôi thành cổ này đã chứng kiến biết bao biến cố của lịch sử và những bí ẩn bên trong nó. Theo ông Trần Văn Sản, 76 tuổi, sống ngay sát cổng thành kể: “Tôi nghe các cụ kể lại rằng, khu thành này đã tồn tại mấy trăm năm nay rồi. Thành được xây dựng bởi tổng trấn Hà Đông để trả ơn cho Lý trưởng thôn Cao Lăng (thuộc xã Cao Dương bây giờ) – người đã có công giúp tổng trấn trong những ngày khó khăn lên kinh ứng thí.

Thành này còn có tên là Tỉnh Đạo, chứa 300 binh lính để ngăn chặn bọn giặc thổ phỉ từ vùng núi Hòa Bình vào thành Thăng Long thời nhà Nguyễn. Cho đến những năm chống Pháp và chống Mỹ, nó vẫn là một khu căn cứ quân sự quan trọng để chứa xăng dầu phục vụ cho chiến đấu”.

 

Cổng thành phía Tây còn nguyên vẹn… nhưng đầy rác

 

Ngoài ra, còn có nhiều thuyết truyền miệng về gốc tích của khu thành bí ẩn này. Có người cho rằng, thành được xây dựng từ thời nhà Nguyễn, là nơi chiêu mộ binh lính, xây hào đắp đập của một vị tướng quân tên là Đinh Công Bản để chống lại sự trả thù của Nguyễn Ánh. Tuy nhiên, thành bị đánh bất ngờ, Đinh Công Bản đem quân bỏ chạy và để lại thành hoang tàn từ đó.

Thành có vị trí xây dựng hết sức đặc biệt, xung quanh là hào nước và núi non bao bọc. Toàn bộ diện tích khoảng 4 hécta. Cấu trúc của thành khá độc đáo, mang đậm kiến trúc tường thành Việt Nam thời phong kiến. Tường thành được xây dựng bằng đá ong; cổng thành mái vòm, vững chãi, làm bằng gạch đỏ, cao khoảng 3m. Bước vào trong, những mộng đá khá lớn được đục đẽo tinh xảo, gắn vào thân của bên trong cổng thành, có thể được sử dụng để nâng đỡ, chốt giữ cửa gỗ to và nặng, trấn giữ cửa thành.  

…Chìm vào quên lãng?

Khu thành cổ đã từng giữ vị trí quan trọng về mặt quân sự trong các thời kì nhưng hiện nay nó biến thành một vùng đất hoang phế. Trước kia, thành có bốn cổng nằm ở bốn phía, nhưng cho đến bây giờ nó chỉ còn lại hai cổng phía Đông và Tây, trong đó cổng phía Tây còn nguyên vẹn.

Cổng thành phía Nam và phía Bắc đã bị phá bỏ từ lâu. Một số người sống tại đây cho biết, hai cổng phía Nam và Bắc bị phá bỏ từ những năm 60 của thế kỉ trước.

Con đường dẫn vào cổng thành phía Đông thì chật hẹp, cỏ dại mọc um tùm, chen hết cả lối đi. Mái vòm của cổng này đã bị phá hủy và được thay thế bởi tấm tôn hiện đại, trơ lại hai bên thành hoang tàn, mục nát, rêu phong…

Cổng thành phía Tây đã thay cổng vòm bằng... mái tôn.

Mặc dù còn nguyên vẹn cả cổng thành nhưng cổng phía tây cũng đã bị bào mòn đi nhiều. Ngay trước cổng thành là một bãi rác bốc mùi hôi thối do người dân sống xung quanh thải ra. Hầu hết tường thành đã bị hủy bỏ, giờ chỉ còn những vết tích là đoạn tường cao khoảng 2m, ẩn mình giữa những bãi ngô.

Phần đất bên trong thành được xã tổ chức đấu thầu để cho người dân trồng rau và hoa màu. Có lẽ chúng ta sẽ không thể nhận ra một quá khứ hào hùng của khu thành cổ này, thay vào đó là những ruộng rau và bãi ngô xanh bạt ngàn. Không chỉ thầu khu đất trong thành để trồng hoa màu, người dân còn xây nhà trong đó để ở. Cách đây vài năm thì có tới 4 hộ gia đình sống trong trong thành, nhưng hiện tại chỉ còn hai nhà trụ lại bởi họ còn vườn, còn đất nơi đây.

Cây ăn quả được trồng trong thành.

 

Khi được hỏi về khu thành, một người sống trong thành cho hay: “Nếu muốn hỏi về thành thì phải hỏi các cụ trong làng. Tôi chỉ là người thầu ở đây để trồng rau thôi, không biết gì về gốc tích của thành này đâu”.

Theo tìm hiểu, trước kia không mấy ai quan tâm tới khu thành cổ này, qua thời gian, nó vẫn chỉ sừng sững ở đó như một chứng tích của lịch sử, “nhưng gần đây có nhiều nhà báo, phóng viên đến khảo sát thì câu chuyện về khu thành cổ này lại rộ lên” - ông Sản vừa chỉ tay về khu thành vừa nói.

Sống gắn bó với khu thành cổ đã lâu, nhiều người dân, nhất là những vị cao niên luôn mong muốn khu thành cổ được phục dựng, được công nhận là di tích, bởi nó không chỉ gắn với cuộc sống của người dân mà còn có ý nghĩa lịch sử quan trọng.

Diệu Linh – Lưu Nhạn