Chuyện về những thủy thủ tàu không số (Bài cuối)

07:15 | 11/12/2014

2,671 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong ký ức của vị thuyền trưởng 9 lần “vượt biển” ấy vẫn vẹn nguyên một thời trai trẻ gắn bó cùng những con tàu không số trên tuyến đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh trên biển.

>> Chuyện về những thủy thủ tàu không số (Bài 2)

>> Chuyện về những thủy thủ tàu không số (Bài 1)

Năng lượng Mới số379

Bài cuối: Những ký ức không phai

Vị thuyền trưởng 9 lần “vượt biển”

Ở Đà Nẵng ai cũng biết  cựu chiến binh Vũ Tấn Ích, bởi ông là vị  thuyền trưởng 9 lần “vượt biển”. Chiến công của ông và đồng đội lênh đênh trên những con tàu không số chở vũ khí từ miền Bắc vào cho chiến truờng miền Nam đã góp phần làm nên con đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh trên biển...

Cơn mưa chiều vừa dứt, thành phố Đà Nẵng đã tấp nập người, xe buổi tan tầm. Trong ngôi nhà nhỏ trên phố Nguyễn Tri Phương, ông Vũ Tấn Ích đang đùa vui cùng đứa cháu nội tên là Vũ Phan Bảo Hiên. Niềm vui người cựu binh già hiện rõ trên ánh mắt.

- “Thưa bác! Cháu là...

- Cháu vào nhà đi! Bác nhận ra rồi! Vào đây bác cháu mình cùng hàn huyên nào!

Ông Ích biết tôi từ hồi tôi còn là lính thủy. Mấy lần gặp mặt cựu chiến binh Đoàn tàu không số tổ chức bên Vùng 3 Hải quân, tôi đều làm “phó nháy” nên ông khá ấn tượng và nhớ tên. Vì lẽ đó mà khi tôi đặt vấn đề là ông “duyệt” ngay. Dẫu rằng đã có nhiều nhà báo tới nhưng ông đều tế nhị từ chối.

Chân dung Thuyền trưởng Vũ Tấn Ích

Bên ấm trà tỏa hương nhè nhẹ, câu chuyện ông kể giúp tôi hiểu thêm về bao chiến công huyền thoại và sự mất mát, hy sinh của cán bộ, thủy thủ trên những con tàu không số năm xưa mà ông là một trong những nhân vật tiêu biểu... Tôi sinh năm 1930 tại xã Bình Thới, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Tròn 18 tuổi tôi nhập ngũ, trở thành chiến sĩ Trung đoàn 108 hoạt động trên chiến trường Khu 5. Sau khi tập kết ra Bắc, tôi sang Trung Quốc học lớp đào tạo thuyền trưởng, rồi tốt nghiệp với quân hàm trung úy, giữ chức Thuyền trưởng thuyền 5 (Phân đội 1, Đoàn 130 Hải quân).

Sống cảnh “ngày Bắc, đêm Nam”, trong tôi luôn canh cánh nỗi niềm mong ngày trở về chiến đấu giải phóng quê hương. Và khát khao ấy thành hiện thực khi đầu năm 1963 tôi được Bộ Tư lệnh Quân chủng giao nhiệm vụ chỉ huy con tàu sắt thứ 2 của Đoàn 759 vận chuyển vũ khí vào miền Nam bằng đường biển. Chuyến đi ấy, tôi làm Thuyền trưởng kiêm Chính trị viên và Bí thư Chi bộ Đội 6. Đêm 12/4/1964, tại Quảng Ninh, 12 cán bộ chiến sĩ tàu chúng tôi đa phần là con em vùng Liên Khu 5 và Nam Bộ vinh dự được Trung tướng Trần Văn Trà, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam và Trung tá Đoàn Hồng Phước, Đoàn trưởng Đoàn 759 gặp mặt thân mật và tiễn đưa tận bến. Đêm ấy, Trung tướng Trần Văn Trà nắm chặt tay tôi căn dặn: “Đồng chí là người chỉ huy độc lập, cao nhất, quyết định xử trí mọi tình huống. Vì thế phải tỉnh táo nắm chắc phương châm chiến đấu: Bám bờ là thế trận, bám bờ là chiến thắng. Tôi chờ tin thắng lợi!”.

Sau giây phút chia tay quyến luyến, chúng tôi bơi thuyền cao su ra tiếp nhận con tàu trọng tải 100 tấn (chở gần 60 tấn vũ khí) đang neo tại Hòn Kẽm, vịnh Bãi Cháy. Để chuyến đi đảm bảo yếu tố bí mật, tất cả quân tư trang, đồ dùng cá nhân có dấu hiệu liên quan đến miền Bắc đều để lại. Chúng tôi ngụy trang tàu giống hệt như tàu ngư dân đánh bắt xa bờ. Trong khoang cũng chất đầy lưới, ngư cụ và thực phẩm dự trữ như: mực, cá khô, mắm, muối... Tuy tàu có trọng tải tương đối lớn nhưng phương tiện hàng hải khá thô sơ, ngoài hải đồ, chỉ có một ống nhòm, một la bàn, máy vô tuyến điện sóng ngắn liên lạc với trung tâm bằng tín hiệu moóc và chiếc đèn pin dùng bắt tín hiệu với đất liền.

Lần đầu tiên tôi chỉ huy tàu vượt biển vào Nam, nên chưa thông thạo luồng, lạch. Đã vậy lại ra khơi gặp sóng to, gió lớn, tàu chiến địch rình rập suốt ngày đêm, vì thế chúng tôi phải tìm phương án tối ưu nhất để đấu trí với kẻ thù. Sau gần 10 ngày ngày lênh đênh trên biển, tàu ta vào bến Bến Tre đúng theo kế hoạch. Cứ tưởng mọi việc sẽ “thuận buồm, xuôi gió”, nhưng sự cố đã xảy ra, suốt hai đêm liền tàu không thể nào liên lạc được với bến. Trên biển, tàu địch tăng cường mật độ tuần tiễu. Trước tình hình đó, tôi chỉ huy tàu chạy ra hải phận quốc tế, đêm đến mới xuôi về hướng Nam. Sang ngày hôm sau gặp một thuyền đánh cá của ngư dân, qua trao đổi, chúng tôi biết chắc tàu mình đã đi vào vùng có quân giải phóng. Tôi ra lệnh cho tàu thẳng hướng vào bờ. Sau khi cho anh em ngụy trang tàu cẩn thận, tôi lội vào bờ và gặp ngay đồng chí Bông Văn Dĩa (phụ trách bến) mới biết tàu đã vào bến Bạc Liêu. Nói sao hết niềm vui sướng, chúng tôi ôm nhau mà nước mắt lăn dài. Suốt hai ngày đêm lực lượng tại bến khẩn trương chuyển vũ khí từ tàu xuống xuồng ba lá về vị trí cất giấu bí mật. Trả hàng xong, chúng tôi lưu luyến tạm biệt các đồng chí, đồng bào trở ra miền Bắc. Chuyến đi ấy, tôi và tập thể tàu được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai”.

Đang kể, ông Ích đi vào nhà trong cầm cuốn album lấy một tấm ảnh tập thể trao cho tôi và nói: “Chúng tôi chụp tấm hình này từ thời còn ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Ngày ấy sum vầy là thế, vậy mà giờ đây chẳng còn bao. Người thì đã hy sinh, người thì đã về với tiên tổ do tuổi cao, vết thương tái phát.!”.

Tôi hiểu ý ông muốn nói đến sự hy sinh của những người đồng đội. Đã có lần ông kể cho tôi nghe về vết thương lòng không dễ nguôi ngoai ấy... Chuyến đi ngày 6/7/1967, sau 11 ngày trên biển, con tàu do ông làm thuyền trưởng gặp máy bay và tàu chiến địch bao vây. Trước tình thế đó, ông và đồng đội vừa đánh trả vừa cơ động vào bến Ba Làng An (Quảng Ngãi). Trận đánh diễn ra ác liệt, nhưng ta chỉ cầm cự được một thời gian vì lực lượng không cân sức, cuối cùng Chính trị viên Huỳnh Ngọc Trạch và Phó thuyền trưởng Phạm Chuyên Nghiệp ở lại hủy tàu, Thuyền trưởng Vũ Tấn Ích và số thủy thủ còn lại lên bờ thoát khỏi vòng vây địch. Hôm đó, đồng chí Trạch và đồng chí Nghiệp ở lại hủy tàu, nhưng do bộc phá không nổ, hai đồng chí đã chiến đấu với địch và anh dũng hy sinh, còn con tàu thì bị rơi vào tay địch. Là người thẳng thắn, trung thực, sau sự kiện ấy ông luôn day dứt trong lòng và nhận trách nhiệm về mình. Nhưng đồng đội và cấp trên đều không nghĩ vậy vì đó là tình huống bất khả kháng diễn ra ngoài ý muốn. Với lại, chỉ trong thời gian 4 năm (1963-1967), mà thuyền trưởng Vũ Tấn Ích có tới 9 lần chỉ huy những con tàu không số “vượt biển” đã là một kỳ tích.

Và trong ký ức của vị thuyền trưởng 9 lần “vượt biển” ấy vẫn vẹn nguyên một thời trai trẻ gắn bó cùng những con tàu không số trên tuyến đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh trên biển.

Thủy thủ tàu không số lên rừng... làm trang trại

Ông nguyên là Thuyền phó tàu không số, thời còn tại ngũ có 8 chuyến vượt biển chở vũ khí vào chiến trường miền Nam. Ngày ấy, ông nổi tiếng bởi tính gan dạ, dũng cảm và mưu trí. Vì thế, trong 8 lần vượt biển, nhiều lần gặp hiểm nguy, nhưng ông và đồng đội đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trở về với đời thường, ông lại là cựu chiến binh tàu không số lên rừng làm... trang trại. Ông là Hồ Thăng Nhuận ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

Tìm về tổ ấm của vợ chồng ông, tôi thấy mọi thứ trưng bày trong nhà đều gắn với những kỷ niệm một thời chiến tranh. Cái bình tông, tấm khăn rằn, mảnh hải đồ, chiếc la bàn đi biển, chiếc lược bằng đuy-ra... tất cả đều được sắp đặt ngay ngắn trong tủ kính.

Thuyền trưởng Vũ Tấn Ích cùng đồng đội được vinh dự chụp ảnh lưu niệm với Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ở tuổi 83 nhưng người cựu binh già vẫn khỏe mạnh, tinh tường. Sau khi rót nước mời khách, ông vào chuyện thật tự nhiên và cởi mở: “Tôi quê ở phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Năm 14 tuổi tôi đã là đội viên du kích, sau đó vào chiến khu K20. Vốn thạo nghề sông nước, nên tháng 6/1955 tôi được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ điều khiển ghe chở số cán bộ miền Nam ra vùng biển Mũi Sy (Cửa Tùng, Quảng Trị), để hành quân ra Bắc. Ngày ấy, luồng lạch chật hẹp, địch thường xuyên rình rập, để thực hiện những chuyến đi trót lọt, chúng tôi phải khôn khéo ngụy trang thuyền ghe cẩn thận, khi thì đóng giả thuyền câu mực, lúc lại giả vờ thả lưới ven bờ. Gặp địch phải bình tĩnh, đôi khi còn phải chủ động lân la giả bộ làm quen, đánh lừa chúng. Cứ như vậy, tôi đã thực hiện 5 chuyến chở cán bộ ra vùng Mũi Sy trót lọt. Nhưng hình thức chở cán bộ bằng ghe cuối cùng cũng bị lộ. Ngày 9/7/1955 tôi bị địch bắt tại cửa biển Sơn Trà. Chúng đưa tôi về khu nhà binh ở cảng Tiên Sa đánh đập rất dã man, nhưng vẫn không khai thác được gì. Đêm ấy, lợi dụng lúc bọn lính say sưa bù khú, tôi dỡ ngói trốn thoát. Mấy ngày sau thì cơ sở bí mật cho tôi ra Bắc. Sau hai năm học lớp đào tạo chuyên ngành hàng hải, tôi được biên chế về Đoàn 759 (Quân chủng Hải quân)...”.

- Thưa ông, nghe nói thủy thủ tàu không số lần đầu tiên vượt biển nhiều cảm xúc lắm?

- Có lẽ không bao giờ tôi nguôi quên những giây phút ấy. Bồi hồi, lo lắng và tự hào! - Cựu binh Hồ Thăng Nhuận trả lời.

Chuyến vượt biển đầu tiên của tôi là ngày 14/4/1963. Chuyến đi ấy do ông Vũ Tấn Ích làm thuyền trưởng, trên tàu sắt (Đội 6) gồm 12 thành viên, tôi là thủy thủ trưởng. Tàu có nhiệm vụ chở 57 tấn vũ khí vào bến Bạc Liêu. Hồi đó, anh em chúng tôi là người từ các địa phương từ các nông trường về nên phần lớn chưa quen sông nước, ít kinh nghiệm đi biển. Nhờ linh hoạt xử lý các tình huống, sau một tuần chúng tôi đã vào đến mũi Hòn Khoai. Nhưng khi vào tới cửa Gành Hào thì tàu bị mắc cạn. Tình huống bất ngờ xảy ra khiến cán bộ, thủy thủ trên tàu rất lo lắng. Tôi vội vàng nhảy xuống biển và chạm ngay phải lớp bùn nhão nhoét. Tôi đề xuất với thuyền trưởng phương án khắc phục. Sau gần một giờ đồng hồ anh em moi lớp bùn non khỏi chân vịt. Lúc này bộ đội và nhân dân tại bến chèo thuyền ba lá tiếp nhận vũ khí. Con tàu sau khi bốc hết hàng từ từ nổi lên... thế là chúng tôi “cứu” được tàu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau chuyến đi thắng lợi trở về, tàu chúng tôi được đồng chí Phạm Hùng thưởng cho một cây thuốc Ru-bi...

Câu chuyện giữa tôi và ông Hồ Thăng Nhuận bị gián đoạn bởi sự xuất hiện của bà Diễn - vợ ông (cô xã đội phó ngày xưa mà ông hướng dẫn phá bom từ trường) về ngoài ngõ. Giọng bà đon đả: “Ông ơi! Chú Soạn, Bí thư đảng ủy phường chuyển giấy mời ông ra bàn về kỷ niệm ngày truyền thống “đường Hồ Chí Minh trên biển” nè!”.

Vợ chồng ông Nhuận cùng con trai Hồ Thăng Long

Bà quay sang tôi: “Chú biết không, ngày xưa thì ông ấy cứ đi biền biệt! Bây giờ ở tuổi “gần đất, xa trời”, vậy mà ông ấy vẫn còn hăng hái tham gia công tác mặt trận! Rõ khổ!

Bà tâm sự: “Chúng tôi làm lễ cưới chừng vài tháng thì xa nhau biền biệt.  Ông ấy lặng lẽ ra đi cùng với con tàu chở vũ khí vào Nam, còn tôi mỏi mòn đợi chờ trong nỗi nhớ thương đến khắc khoải, cháy lòng. Sau khi tôi sinh con đầu lòng vào năm 1968, thì cũng là lúc biệt tăm ông ấy. Cả trăm bức điện đánh đi chẳng ai trả lời. Ở quê, tôi đã nấu cơm cúng, lập bàn thờ, nuốt đắng cay vào lòng mà tự nhủ với lòng mình là phải hoàn thành tốt nhiệm vụ, nuôi dạy con nên người!”.

Ông Nhuận âu yếm nhìn người bạn đời: “Hồi đó, trên những chuyến tàu vượt biển, chúng tôi chỉ nhìn trong phạm vi sống chết cùng nhiệm vụ, không nghĩ một chút chi về gia đình. Hàng đã xuống tàu, mọi thủy thủ đều phải lo làm sao để cùng nhau đưa hàng đến địa điểm tập kết an toàn và tuyệt đối bí mật, phải xóa mọi dấu vết để bảo đảm giữ vững tuyến đường cho từng chuyến đi sau. Thực tình trong lòng lúc nào cũng nhớ vợ con”. Nghe ông nói vậy, bà nở nụ cười mãn nguyện....

Chuyện cựu binh tàu không số lên rừng làm trang trại ở tuổi 60 cũng có nhiều cái để viết, để nói. Hồi ông đề xuất ý định lên núi làm trang trại thì các con phản đối kịch liệt vì không muốn ba mình vất vả. Chỉ có bà là hiểu tính ông. Bà biết ông làm trang trại cốt là để tạo công ăn, việc làm cho các đồng đội vui thú tuổi già, chứ không phải ham hố làm giàu.

Năm 1982, ông lên UBND phường xin phép, rồi lẳng lặng xách rựa vào khu vực Cầu Trắng phát cây khoanh vùng làm trang trại. Tất nhiên ông không đơn độc bởi còn có sự ủng hộ của 13 cộng sự là cựu chiến binh như ông. Tuổi cao, chí càng cao, các cụ cũng cơm đùm, cơm gói, hăng say lao động. Với “chức danh” tổ trưởng sản xuất, ông chỉ đạo mọi người trồng các loại cây theo phương thức “lấy ngắn nuôi dài” xen kẽ giữa mít, xoài, ổi là chuối, dứa và các loại rau màu khác. Nhưng buổi đầu bị “phá sản” vì đất đai bạc màu, thiếu nước tưới tiêu. Không nản chí ông và các đồng chí cựu chiến binh đóng góp những đồng lương hưu của mình để mua máy bơm, lắp đặt ống dẫn nước. Những nhát cuốc của “các cụ” vẫn bập chan chát vào sỏi đá. Và “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, công sức của cựu binh Hồ Thăng Nhuận và các cộng sự đã được đền đáp. Sau ba năm tần tảo “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”, trang trại của tổ hưu trí Thọ Quang đã cho quả ngọt. Vụ thu hoạch cây trái đầu tiên, ông không bán mà biếu các cụ phụ lão, tặng các hộ nghèo, đối tượng chính sách và hàng xóm láng giềng.

Khi đã có thêm kinh nghiệm và chút ít vốn liếng, ông huy động cả lực lượng con cháu giúp sức cải tạo đất đai, xây dựng chuồng trại, ao hồ. Bạn bè, đồng đội đến thăm, ông dẫn lên trang trại nhâm nhi những sản phẩm “của nhà làm ra” và cùng nhau ôn lại kỷ niệm một thời chiến tranh đầy gian khổ, mất mát, hy sinh, nhưng vô cùng oanh liệt. Tiếng lành đồn xa, nghe tin các cựu chiến binh phường Thọ Quang làm kinh tế giỏi, nhiều người đã đến thăm và tấm tắc khen mô hình độc đáo “nuôi gà trên đá, nuôi cá trên núi” của các cụ.

Năm 1992, tuy đã bước sang tuổi 70 nhưng ông lại có thêm một quyết định khiến con cháu và bà con khối phố ngạc nhiên là nhận thêm 20ha đất rừng trên núi Sơn Trà. Nhiều người khuyên ông nên nghỉ ngơi, tịnh dưỡng tuổi già, nhưng ông đâu có chịu. Ông tiếp tục vận động thêm cựu chiến binh cùng tham gia. Đến ngày ông ký nhận khoán với UBND phường thì lực lượng đã lên tới 20 hộ gia đình. Vậy là các cụ lại động viên nhau “lên núi” như thuở nào họ đã từng làm trong những năm tháng chiến tranh.

Bây giờ mọi người mới hiểu lý do vì đâu mà ông Hồ Thăng Nhuận cùng các cựu chiến binh đã trăn trở và dồn tâm huyết của tuổi già trong hơn chục năm qua. Toàn bộ 20ha đất hoang hóa năm xưa đã phủ kín cây trồng, xanh màu hy vọng. Theo đó, cuộc sống của các cựu chiến binh từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ giải quyết công ăn, việc làm cho cựu chiến binh, ông còn quan tâm giúp đỡ các hộ nghèo, làm từ thiện, đóng góp xây dựng công đức...Với những đóng góp của mình, năm 2003 cựu binh Hồ Thăng Nhuận được thành phố Đà Nẵng bầu chọn ra thủ đô Hà Nội dự Hội nghị điển hình tiên tiến “Cựu chiến binh xóa đói, giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” toàn quốc.

Nay ở tuổi 86, ông Nhuận đã giao đất, giao rừng cho thành phố, nhưng đâu đã chịu nghỉ ngơi. Ông vẫn làm Tổ trưởng Đảng, Trưởng ban mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi...

Nói về người bạn đời, bà Diễn “trách yêu”: “Già rồi mà vẫn “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Nghe vậy, ông Nhuận cười rung mái đầu bạc: “Bà không nhớ à, người ta vẫn thường nói “gừng càng già càng cay” đó sao! Mình là cựu chiến binh, là Bộ đội Cụ Hồ nên phải làm gương cho con cháu noi theo chứ!...”.

Vĩnh Lộc