Chuyện về những thủy thủ tàu không số (Bài 1)

07:00 | 25/11/2014

2,330 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ năm 1961 đến 1975, trên tuyến “đường Hồ Chí Minh trên biển” đã có 1.789 chuyến tàu không số vận chuyển 150 ngàn tấn vũ khí trang bị và 80 ngàn lượt cán bộ, vượt qua hàng vạn hải lý, khắc phục hơn 4.000 quả thủy lôi, chống chọi hơn 20 cơn bão, chiến đấu hơn 30 lần với tàu địch, đánh trả 1.200 lần máy bay địch tập kích, bắn rơi 5 chiếc và bắn cháy nhiều tàu xuồng của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Để lập nên những chiến công chói lọi ấy, có biết bao người con ưu tú anh dũng chiến đấu và không ít người trong số đó đã ngã xuống giữa lòng biển khơi. Báo Năng lượng Mới trân trọng giới thiệu một số nhân vật tiêu biểu, mà chiến công của họ là những trang đời huyền thoại…

Năng lượng Mới số 376

Bài 1: Vinh quang thời hoa lửa

Trận đánh quyết tử và những dòng ghi trong “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”

“Hai chìm, bảy nổi, chín lênh đênh”. Đấy là câu ví von về cuộc đời mình của ông Trần Ngọc Tuấn, cựu chính trị viên tàu 43, Đoàn tàu không số. Ông nói vậy, bởi trong chín lần vượt biển, thì hai lần đánh chìm tàu để không bị rơi tài sản vào tay giặc, bảy chuyển còn lại đều thành công. Để có được kỳ tích ấy, ông và đồng đội đã anh dũng chiến đấu và không ít người trong số đó vĩnh viễn nằm lại giữa lòng biển xanh…

Nha Trang chiều mưa. Những cơn mưa mùa thu khiến phố biển thêm an lành và mát mẻ. Trong ngôi nhà nhỏ số 9A/1B, phố Đặng Tất, cựu chiến binh Đoàn tàu không số Trần Ngọc Tuấn say sưa kể về những kỷ niệm một thời cùng đồng đội vượt biển chở vũ khí, lương thực chi viện chiến trường miền Nam.

Năm 1968, cục diện trên chiến trường phát triển mạnh mẽ và rộng khắp, trước tình hình đó, Bộ Tổng tham mưu tin tưởng giao nhiệm vụ cho Đoàn 759 tham gia vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam, phục vụ Chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân - 1968. Chuyến đi đặc biệt ấy, con tàu mang số hiệu số 43 gồm 17 thuyền viên, do thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng và Chính trị viên - Bí thư Chi bộ Trần Ngọc Tuấn chỉ huy. Nhiệm vụ trên giao là tàu 43 chở 37 tấn vũ khí vượt biển vào huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) giao hàng tại bến bí mật.

Ông Trần Ngọc Tuấn (người mặc áo quân phục cũ, đeo kính) thắp hương tưởng niệm các đồng đội đã hy sinh

Đêm 27/2/1968, tàu 43 và 3 chiếc tàu khác nhận lệnh xuất bến. Mặt biển đen đặc, gió lạnh thốc từng cơn, những con tàu lầm lũi đè sóng thẳng hướng vào Nam. Tuy đã được chuẩn bị rất kỹ và ngụy trang kín đáo, nhưng trên đường đi, máy bay và tàu chiến địch đã nghi ngờ phát hiện và theo dõi sát sao các hoạt động của tàu ta. Trước tình thế đó, chính trị viên Trần Ngọc Tuấn bình tĩnh động viên anh em giả vờ đánh bắt cá, lòng vòng trên biển suốt 3 ngày đêm. Mặc sóng to, gió lớn, bất chấp hành động quần đảo của máy bay và sự phong tỏa của tàu chiến địch, những thủy thủ tàu không số vẫn can trường, bình tĩnh xử lý linh hoạt các tình huống. Cứ kiên trì, bền gan hành quân như vậy, đến đêm thứ ba tàu 43 vào tới vùng biển Quảng Ngãi. Tất cả mọi thành viên đều khấp khởi mừng thầm, bởi chỉ còn một thời gian rất ngắn nữa thôi tàu sẽ cập bến.

Đúng 0 giờ 50 phút ngày 1/3/1968, tàu 43 cách bờ khoảng chừng 20 hải lý thì bất ngờ bị 4 tàu chiến của địch tăng tốc bao vây. Chúng đồng loạt bắn pháo sáng lên bầu trời đêm, những tia chớp sáng rực cả một vùng biển. Chỉ sau vài phút các loại pháo trên tàu địch bắn tới tấp vào tàu 43. Tiếp đến, chúng khép dần vòng vây hòng bắt sống toàn bộ tàu ta.

Không còn cách nào khác, Thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng đứng trên đài chỉ huy phát lệnh tiêu hủy tài liệu, sẵn sàng chiến đấu. Chính trị viên Trần Ngọc Tuấn đến từng vị trí động viên anh em giữ vững tinh thần. Tại khoang lái, chiến sĩ hàng hải Vũ Xuân Ruệ một tay giữ chặt bánh lái, tay còn lại cầm quả thủ pháo giơ cao, giọng giõng dạc: “Báo cáo chính trị viên! Chúng tôi đã sẵn sàng !”. Chính trị viên Tuấn hài lòng: “Được! Các đồng chí giữ vững vị trí chiến đấu!”.

Chính trị viên Tuấn vừa dứt lời thì đạn pháo địch từ 4 chiến hạm bắn cấp tập vào tàu 43. Cùng lúc 10 tàu cao tốc (loại nhỏ) xuất hiện, mỗi đợt 2 chiếc lao vào tấn công bên mạn phải tàu ta. Thuyền trưởng Thắng vẫn hiên ngang trên đài chỉ huy cho tàu luồn lách chờ tàu địch vào gần hơn nữa. Tàu địch cách tàu ta 300m, 250m, rồi 150m…

“Nhằm thẳng tàu địch. Bắn!”. Thuyền trưởng Thắng hô lớn.

Chỉ chờ có vậy, các loại súng của ta đồng loạt nã đạn. Một tàu địch trúng đạn bốc cháy dữ dội, hai chiếc khác bị thương nặng. Bị ta đánh trả bất ngờ gây tổn thương nặng nề, máy bay địch điên cuồng vãi đạn xuống tàu 43. Mặt biển như sôi lên vì đạn pháo và rốc-két. Tiếng DKZ, đại liên, súng máy cao xạ 12 ly 7 của ta rền vang. Trận chiến đấu diễn ra rất căng thẳng, nhưng vì lực lượng của ta không cân sức, nên tàu 43 trúng đạn, chao đảo. Chiến sĩ Vũ Văn Ruệ bị thương nặng, toàn thân đẫm máu, tay vẫn giữ chặt bánh lái. Ở vị trí DKZ, chiến sĩ quân y kiêm pháo thủ số 2 Võ Nho Tòng cũng trúng đạn, hy sinh… Sau hơn 3 giờ đồng hồ chiến đấu ngoan cường, tàu ta vừa dùng bom chìm và bộc phá chặn, vừa sử dụng đại liên, trung liên, súng máy 12,7 li tiêu diệt thêm 3 máy bay HU-1A, bắn hư hại nhiều tàu cao tốc địch rồi lao vào bờ…Quyết không để phương tiện và vũ khí rơi vào tay địch, thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng ra lệnh hủy tàu…

Ông Trần Ngọc Tuấn trao cho tôi cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. Ông nói: “Tôi còn sống đến ngày hôm nay là nhờ bác sĩ Thùy Trâm và bà con thôn Quy Thiện. Cháu đọc đi, trong cuốn sách này cô Trâm có viết về tôi và đồng đội của tôi đấy!”.

Tôi đọc những dòng bác sĩ Đặng Thùy Trâm viết trong cuốn nhật ký mà cảm thấy khung cảnh chia ly giữa người ra đi và người ở lại thời chiến tranh thật đáng trân trọng. Cuộc chia ly ấy giản dị, hồn nhiên và sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng: “Vậy là chiều nay các anh lên đường, để lại cho mỗi người một nỗi nhớ mênh mông giữa khu rừng vắng vẻ. Các anh đi rồi nhưng tất cả nơi đây còn ghi lại bóng dáng các anh: những con đường đi, những chiếc ghế ngồi chơi xinh đẹp, những câu thơ thắm thiết yêu thương. Nghe anh Tuấn ra lệnh: “Tất cả balô lên đường!”. Những chiếc balô vụng về may bằng những tấm bao Mỹ đã gọn gàng trên vai, mọi người còn nấn ná đứng lại trước mình bắt tay chào mình một lần cuối. Bỗng dưng một nỗi nhớ thương kỳ lạ đối với miền Bắc trào lên trong lòng mình như mặt sông những ngày mưa lũ và… mình khóc ròng đến nỗi không thể đáp lại lời chào của mọi người. Thôi! Các anh đi đi, hẹn một ngày gặp lại trên miền Bắc thân yêu”.

Thưa bác, cơ duyên nào bác có tên trong cuốn nhật ký này?

Ông Tuấn trả lời: “Thì trong chuyến vượt biển vào Quảng Ngãi hồi Mậu Thân - 1968 đó! Ngày ấy nhân dân xã Phổ Hiệp, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) đã che chở, đùm bọc, yêu thương cán bộ, thủy thủ tàu 43 trong những thời điểm khó khăn, ác liệt nhất!”.

 Ông kể: “Khi những tiếng nổ lớn ầm vang cả một vùng biển vừa tan cũng là lúc chúng tôi đã ở trong vòng tay che chở của đồng bào thôn Quy Thiện. Hôm đó, quân Mỹ hùng hổ tiến vào làng. Tiếng quát tháo, chửi thề inh ỏi. Tiếng giày đinh nện rầm rầm trên mặt đất. Vậy mà dưới hầm bí mật, chúng tôi vẫn được bà con che chở… Mười ngày đêm nằm hầm trong tình trạng thương vong, nếu không có sự đùm bọc, tận tình chăm sóc của nhân dân thì tôi và đồng đội đã bị địch bắt. Nếu ở lâu dưới hầm bí mật nguy cơ sẽ bị lộ, nên chúng tôi được du kích cáng lên bệnh xá của chị Đặng Thùy Trâm. Hai lần đi đều gặp địch buộc phải quay lại và đến đêm thứ ba mới về tới trạm xá. Trong thời gian điều trị, tôi và đồng đội được bác sĩ  Thùy Trâm chăm sóc tận tình, chu đáo. Hình ảnh nữ bác sĩ Thùy Trâm - người con gái thủ đô Hà Nội duyên dáng, trẻ trung, lạc quan, yêu đời tận tình cứu chữa thương binh trở thành liều “thuốc quý” động viên chúng tôi vượt qua tất cả…

Hai nửa cuộc đời của Máy trưởng Phan Nhạn

Mỗi lần vượt biển chở vũ khí vào miền Nam những thủy thủ tàu không số đều xác định, ra đi không hẹn ngày trở lại. Họ được tổ chức truy điệu sống trước lúc xuất bến. Vậy mà nhờ vào sự mưu trí, kiên cường và lòng quả cảm, ông đã cùng đồng đội thực hiện 15 chuyến vượt biển, băng qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù, vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí, đạn dược vào tiền tuyến lớn miền Nam. Bây giờ ở tuổi 83, con người huyền thoại ấy vẫn đang khó nhọc bươn chải giữa đời thường… Ông là Phan Nhạn - Máy trưởng các tàu 41, 43, 56 (Đoàn tàu không số) năm xưa...

Chìm khuất trong con hẻm mịt mù bụi than, ngôi nhà cấp 4 của ông Phan Nhạn thấp lè tè. Tiết trời mùa thu mà không khí ngột ngạt đến khó thở. Đang tắm cho đứa cháu ngoại, thấy chúng tôi đến, ông dừng tay: “Bố mẹ bọn trẻ bỏ nhau, tôi đành vừa làm ông vừa làm cha của chúng!”.

Tuy bận rộn nhưng ông cũng “ưu ái” giành thời gian để kể cho chúng nghe về hai nửa cuộc đời của ông...

“Tháng 3/1962, tôi được cấp trên điều về Đoàn 759 (Đoàn tàu không số). Sau đó biên chế về tàu 02 do đồng chí Nguyễn Dạt làm Thuyền trưởng. Vốn quen nghề sông nước lại có tay nghề cơ khí, cấp trên tin tưởng giao cho tôi giữ chức máy trưởng, kiêm tổ trưởng tổ bộc phá. Được giao nhiệm vụ như vậy là tự hào lắm, bởi tàu 02 đi tiên phong mở màn cho chiến dịch “đường Hồ Chí Minh trên biển”. Không ai bảo ai nhưng chúng tôi đều mong chờ ngày vượt biển.

Tuổi 83, ông Nhạn vẫn cùng chiếc xe đạp bươn chải giữa cuộc đời

Và ước mơ cháy bỏng đã thành hiện thực, ngày 16/10/1962, tàu 02 nhận lệnh chở 20 tấn vũ khí vào vùng biển Cà Mau. Dẫu biết rằng chuyến đi vô cùng nguy hiểm nhưng ai nấy đều háo hức, bởi chúng tôi biết mỗi khẩu súng, viên đạn chi viện cho chiến trường miền Nam là rất quý. Đúng 23 giờ 45 phút, tàu 02 lặng lẽ rời Cảng Đồ Sơn - Hải Phòng, ra khơi. Theo hải trình, tàu 02 sẽ đi qua đảo Hải Nam, rồi vòng ra phía ngoài quần đảo Hoàng Sa ở vùng hải phận quốc tế để tránh sự kiểm soát gắt gao của máy bay và tàu chiến Mỹ nhằm đảm bảo tuyệt đối bí mật cho cuộc hành trình. Thế nhưng, tàu 02 ra khơi chừng gần chục hải lý thì gặp gió mùa Đông Bắc giật cấp 5, cấp 6. Những đợt sóng hung hãn chồm lên, chiếc tàu gỗ tròng trành, chao đảo. Tất cả thủy thủ áo quần sũng nước, tơi tả. Máy chính, máy phụ hoạt động hết công suất nhưng con tàu vẫn ỳ ra, khó có thể tiếp tục vượt biển theo hải trình như dự kiến ban đầu.

Trước tình hình đó, Thuyền trưởng Nguyễn Dạt điện về đất liền xin cho tàu chuyển hướng đi gần quần đảo Hoàng Sa. Đây là một quyết định mạo hiểm vì đi vào vùng này gần đất liền, dễ bị tàu địch phát hiện, nhưng cũng chẳng còn phương án nào tốt hơn. Được sự nhất trí của trên, chúng tôi cho tàu chuyển hướng. Gần 2 giờ đồng hồ vật lộn với sóng gió, tàu gặp sự cố mất liên lạc với sở chỉ huy. Trong lúc nguy nan, anh em vẫn bình tĩnh, mưu trí điều khiển tàu vượt qua vĩ tuyến 17 ngay trước mũi tàu chiến Hạm đội 7 của Mỹ thường xuyên sục sạo, theo dõi.

Trên chuyến vượt biển gian nan ấy, ban ngày chúng tôi giả làm ngư dân thả lưới đánh cá, ngụy trang lừa địch. Tối đến cho tàu tăng tốc nhằm thoát khỏi sự đeo bám của chúng. Hành quân đến ngày thứ 6 thì đồng chí nhân viên hải đồ thông báo, tàu ta còn cách vùng biển Cà Mau khoảng gần 200 hải lý, như vậy là chậm 2 ngày so với dự kiến. Theo kế hoạch, để giữ bí mật cho bến, tàu chỉ vào thả hàng trong thời gian ngắn rồi ra ngay trước khi trời sáng. Thế nhưng, sau gần 3 giờ đồng hồ, chúng tôi vẫn không bắt liên lạc và nhận được tín hiệu gì từ bến.

 Sau này nghe các anh ở bến kể lại, chúng tôi mới biết, do sự cố tàu 02 mất liên lạc, nên sở chỉ huy đã điện thông báo tình hình cho bến và hẹn thời gian đón tàu. Nhận điện, các đồng chí ở bến bố trí người túc trực suốt ngày đêm từ Gành Hào đến mũi Cà Mau để đón tàu nhưng chờ hơn một ngày đêm mà vẫn không thấy tăm hơi. Vì thế anh em tại bến tưởng tàu chúng tôi gặp nạn, tất cả thủy thủ đã hy sinh, nên công tác đón tàu được hủy bỏ…”

Ông Nhạn (áo sẫm) cùng đồng đội về thăm lại chiến trường xưa

Từ chuyến vượt biển đầu tiên thắng lợi, Phan Nhạn tiếp tục được điều về giữ chức Máy trưởng các tàu 41, 43, 56… Thời gian từ năm 1962-1968, ông đã 15 lần vượt biển trên các con tàu không số chở vũ khí vào chiến trường miền Nam. Tàu 41 được tuyên dương danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân...

Ông Nhạn nhìn về bức chân dung người phụ nữ phúc hậu trên ban thờ, giọng nghèn nghẹn: “Vợ chồng sống với nhau chẳng được là bao! Từ ngày bà ấy đi xa, nhiều lúc tôi tưởng mình không thể nào qua khỏi!”.

Tôi hiểu nỗi buồn trong mắt người cựu binh tàu không số, bởi chuyện tình của ông rất đẹp nhưng cũng đầy vất vả, truân chuyên... Năm 1969, sau lần vượt biển trở về, ông nghỉ ngơi, học tập tại Đồ Sơn (Hải Phòng). Trai xứ Quảng chưa vợ lại to cao, đẹp trai, vậy mà ông vẫn “lính phòng không” vì mỗi lần tiếp xúc với con gái là lúng ta lúng túng như gà mắc tóc. Mãi cho tới khi bạn bè giới thiệu, ông mới chịu làm quen người con gái xứ Huế có mái tóc dài óng ả, giọng nói dễ thương. Hồi ấy bà Hoàng Thị Khâm là công nhân Xí nghiệp giày da Hải Phòng. Yêu nhau chưa đầy một năm thì họ nên duyên chồng vợ. Đám cưới giản dị, ấm nồng trong vòng tay bạn bè của cô dâu và đồng đội của chú rể.

Đất nước thống nhất, ông chuyển gia đình vào Nha Trang. Thành phố sau ngày giải phóng với bao bộn bề, người dân gồng mình khắc phục, hàn gắn vết thương chiến tranh. Vợ chồng ông cùng ba đứa con tá túc trong căn phòng tập thể chật chội. Bà bị bệnh tim bẩm sinh nên đau ốm liên miên. Ông xoay trở đủ nghề kiếm tiền chữa bệnh cho bà. Dẫu cuộc sống còn vất vả, nhưng gia đình ông đầy ắp tiếng cười. Niềm vui ấy cũng chỉ được một thời gian, bởi năm 1991, bà Khâm qua đời để lại 3 đứa con thơ dại.

Bây giờ ba người con của ông vẫn chưa có nghề nghiệp ổn định, thu nhập bấp bênh. Vợ chồng cô con gái lớn chia tay, hai đứa cháu ngoại về ở hẳn với ông. Nhẽ ra ở tuổi “xưa nay hiếm” được hưởng cuộc sống an nhàn, đằng này ông vẫn lọ mọ lo lắng cơm nước, tắm giặt cho mình và hai cháu ngoại. Có thể nói, ông Phan Nhạn là thủy thủ tàu không số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhất hiện nay. Ở tuổi 83, ông vẫn tá túc trong căn nhà cấp 4 xập xệ chừng 40m2. Tài sản quý giá nhất của ông là bức chân dung người vợ và tấm Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất trang trọng lồng trong khung kính...

Vĩnh Lộc