Chuyện lạ về lô gỗ trắc 553m3: Tòa chưa xử đã đem… bán?

07:13 | 16/11/2014

4,168 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã gần 4 năm trôi qua, vụ án buôn lậu lô gỗ trắc có số lượng kỷ lục hơn 535m3 tại miền Trung, trị giá hàng trăm tỉ đồng từng gây xôn xao dư luận. Ngày 30 và 31/10 vừa qua, TAND thành phố Đà Nẵng đã đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, vụ án vẫn còn rất nhiều vấn đề “bí ẩn” chưa được làm rõ, trong đó có việc lô gỗ bị mang bán đấu giá với giá “bèo” khi tòa án còn chưa xét xử vụ án. Đó cũng là lý do Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa, tuyên hoàn trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án.

Năng lượng Mới số 374

Lòng vòng, quan điểm trái ngược

Theo hồ sơ vụ án, ngày 17/12/2011 Công ty TNHH Ngọc Hưng ở Quảng Trị nhập lô gỗ 614m3 từ Lào, qua cửa khẩu Lao Bảo. Hai ngày sau, nguyên lô gỗ được xuất sang Trung Quốc được làm thủ tục hải quan ở cảng Cửa Việt. Khi lô hàng đang vận chuyển vào cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) để chuyển đi Trung Quốc thì bị Công an quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) phát hiện có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực hải quan nên đã giao cho Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng. Cục Điều tra Chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) vào cuộc và ra quyết định khởi tố vụ án. Sau đó, Cục Điều tra chống buôn lậu chuyển hồ sơ cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) Bộ Công an. C46 sau khi điều tra kết luận: “Chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu”. Hồ sơ vụ án được C46 trả về Tổng cục Hải quan, sau đó hồ sơ lại được chuyển sang Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44) Bộ Công an. Sau nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, trên cơ sở kết luận điều tra bổ sung của C44, Bộ Công an ngày 10/3/2014, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ngày 7/5/2014 đã có cáo trạng cho rằng, Công ty Ngọc Hưng đã “lập bộ hồ sơ, chứng từ giả, sau đó dùng bộ hồ sơ này để buôn lậu 614,672m3 gỗ không rõ nguồn gốc, xuất xứ”.

Xung quanh vụ án này, ngay từ đầu đến nay, hàng loạt cơ quan liên quan đã có quan điểm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về việc có đủ cơ sở kết luận có dấu hiệu buôn lậu hay không.

Quang cảnh phiên tòa

Từ lúc mới khởi tố, vụ án đã gây nhiều tranh cãi. Công văn giữa năm 2012 của C46 cho biết: “Quan điểm đánh giá và xử lý của các ngành có liên quan còn nhiều vấn đề chưa thống nhất (…), có nhiều quan điểm khác nhau”. Sau hơn hai tháng điều tra, C46 có công văn kết luận: “Chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu”. Công ty Ngọc Hưng khai báo chưa đúng số lượng và chủng loại gỗ nhưng “không trái với những quy định của Nhà nước về công tác quản lý xuất, nhập khẩu những sản phẩm này”.

Nhận chuyển hồ sơ từ C46, Cơ quan Cảnh sát điều tra sau đó lại cho rằng, vụ việc đủ cơ sở kết luận có dấu hiệu buôn lậu. Cục Kiểm lâm là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành đã hai lần có công văn khẳng định: “Doanh nghiệp không vi phạm”. Bộ Công Thương cũng có công văn nêu rõ: Gỗ được tự do tạm nhập, tái xuất mà không phải xin phép.

Ngày 3/10/2014, Cục Hải quan Quảng Trị vẫn có công văn cho rằng, không có hành vi phạm tội. Trong công văn gửi cho hội đồng xét xử, ông Lê Văn Tới (Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Trị) khẳng định: Lô hàng gỗ trắc nhập khẩu và xuất khẩu nguyên lô theo tờ khai là đúng quy định pháp luật. Hành vi khai sai số lượng, chủng loại của doanh nghiệp chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu mà chỉ xử lý hành vi vi phạm hành chính. 

“Không thiếu tiền” nhưng thiếu trách nhiệm

Lạ lùng và khó hiểu nhất trong vụ án này là quan điểm và trách nhiệm của Tổng cục Hải quan. Trả lời thẩm vấn của Hội đồng xét xử, bị cáo Đỗ Danh Thắng, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng  khai việc ra quyết định tạm giữ lô hàng là làm theo các công văn chỉ đạo của Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan Đà Nẵng. Theo lời khai của bị cáo, chỉ đạo của Cục Điều tra Chống buôn lậu và Tổng cục Hải quan giao cho Chi cục Hải quan cửa khẩu Đà Nẵng khám xét lô hàng mà Công an quận Ngũ Hành Sơn tạm giữ cũng rất chung chung, mơ hồ “khám xét để tìm ra “cái tròn tròn” trong lô gỗ vì nghi đó là dấu hiệu gỗ lậu không khai báo. Song sau khi khám xét mà không tìm ra “cái tròn tròn”, ông Thắng quyết định dừng việc khám xét để tiếp tục tiến hành các thủ tục thông quan lô hàng thì được chỉ đạo của Tổng cục Hải quan chuyển toàn bộ 22 contennaier của lô hàng đã bốc xuống tàu lên bờ, sau đó ra quyết định tạm giữ và tiến hành một loạt việc điều tra, khám xét khác. “Tôi đã làm hết trách nhiệm ngay từ đầu, yêu cầu không gia hạn tạm giữ lô hàng và cảnh báo nếu gia hạn thì sẽ phát sinh chi phí lớn. Nhưng ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó tổng cục trưởng chỉ đạo trong cuộc họp ở Đà Nẵng rằng cứ gia hạn, “Tổng cục Hải quan không thiếu tiền”. Công văn số 01 của Tổng cục Hải quan còn chỉ đạo sử dụng kinh phí thường xuyên của Tổng cục Hải quan để thanh toán cho việc tạm giữ lô hàng” - bị cáo Đỗ Danh Thắng khai. “Tôi đã nhiều lần báo cáo lên Tổng cục Hải quan đề nghị không tiếp tục tạm giữ lô hàng nhưng cấp trên còn “bắt tôi im”. Sợ phải chịu trách nhiệm nên tôi đã báo cáo vượt cấp lên Bộ trưởng Bộ Tài chính nên trong vụ việc này không thể nói tôi thiếu trách nhiệm, cáo trạng nêu tôi không báo cáo là không đúng” - bị cáo Đỗ Danh Thắng khẳng định. 

Lô gỗ bị tạm giữ tại Đà Nẵng

Trong vụ việc này, thiết nghĩ cũng cần làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính trong việc báo cáo chưa trung thực với Chính phủ. Sau hơn 2 tháng khám xét, ngày 5/3/2012 và ngày 9/3/2012 Chi cục Hải quan Cảng Đà Nẵng ban hành 2 văn bản số 08/HQCĐN và số 217/HQCĐN gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng, nói rõ: Không có lý do gì tạm giữ toàn bộ lô hàng… Chi cục sẽ không ban hành quyết định gia hạn tạm giữ đối với lô hàng vì các lý do sau: Lô hàng có nguồn gốc từ Lào; lượng không thừa so với khai báo; không phát hiện có dấu hiệu vi phạm hình sự thì chỉ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định. Tuy nhiên, thực hiện các công văn chỉ đạo số 47/ĐTCBL-P4 ngày 6/3/2012 và số 50/ĐTCBL-P4 ngày 9/3/2012 của Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan Chi cục Hải quan Cảng Đà Nẵng vẫn  phải ban hành Quyết định số 02/QĐ-HQCĐN ngày 9/3/2012 kéo dài thời hạn tạm giữ toàn bộ lô hàng. Trong khi lực lượng bắt giữ và khám xét trực tiếp khẳng định với Bộ Tài chính là lô gỗ có nguồn gốc từ Lào, lượng không thừa so với khai báo, không vi phạm pháp luật hình sự thì Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn không biết đã căn cứ vào đâu mà có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ: Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng có hành vi vi phạm: Xuất khẩu hàng hóa không khai báo hải quan... Gỗ không có nguồn gốc hợp pháp; không có giấy phép của Cục Kiểm lâm. Việc báo cáo này là sai sự thật khi mà Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính đã cố tình viện dẫn văn bản pháp luật về gỗ được khai thác từ rừng tự nhiên trong nước để áp dụng cho vụ việc: Toàn bộ lô hàng gỗ xuất khẩu thuộc nhóm IIA, danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm theo quy định tại Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ… và vận chuyển 7m3 gỗ thuộc nhóm IIA phải bị xử lý hình sự…

Có tiêu cực lớn từ hành vi bán đấu giá?

Phiên tòa đã nóng lên khi hội đồng xét xử đề cập đến việc bán đấu giá lô hàng. Theo điều tra của phóng viên, có nhiều dấu hiệu cho thấy cơ quan chức năng đã lạm quyền, tiền hậu bất nhất trong xử lý lô hàng vật chứng. Theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 75 và Điều 76 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì chỉ có vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thì cơ quan tiến hành tố tụng mới có quyền quyết định bán theo quy định của pháp luật và chuyển đến tài khoản tạm giữ của cơ quan có thẩm quyền tại kho bạc Nhà nước để quản lý. Điều 76 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 quy định về việc xử lý vật chứng như sau: “Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện Kiểm sát quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Tòa án hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử…”. Thế mà, tại vụ án này, ngay trong giai đoạn điều tra, vụ án chưa được đình chỉ, Cơ quan điều tra đã triển khai bán đấu giá là cố tình vi phạm Điều 75, 76 Bộ luật Tố tụng hình sự. Ngay từ tháng 8-2013, ông Nguyễn Thanh Sang, Giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng cho biết, ông đã được chỉ đạo làm thủ tục đấu giá lô hàng. Tuy nhiên, vì các cơ quan tố tụng khác chưa đồng ý nên việc bán đấu giá chưa được thực hiện.

Cơ quan chức năng khám xét lô gỗ

Tại bản Kết luận điều tra số13/KLĐT-C44 (P4) ngày 15/10/2013, C44 ghi: Thực hiện kết luận tại cuộc họp lãnh đạo liên ngành tư pháp Trung ương ngày 24/9/2013 tại Bộ Công an, C44, Bộ Công an chuyển toàn bộ lô gỗ là vật chứng theo hồ sơ vụ án để các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp theo xử lý theo thẩm quyền. Sau khi xét xử và bản án có hiệu lực pháp luật, C44, Bộ Công an đề nghị chuyển lô gỗ (vật chứng) trên cho Chính phủ Lào theo hình thức viện trợ không hoàn lại vì quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam và Lào.

Như vậy, chính trong bản kết luận này, C44 cũng thể hiện rõ quan điểm chưa bán đấu giá lô hàng song chiều 16/1/2014, lô gỗ trắc đã được bán đấu giá theo đề nghị của Cơ quan điều tra, do một cơ quan thẩm định giá ở Hà Nội tiến hành. Đơn vị mua lại lô gỗ là Công ty Phú Xuân ở Bắc Ninh với giá trị lô gỗ được định giá là gần 64 tỉ đồng.

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử cũng đặt câu hỏi về hành vi bán đấu giá này vi phạm Điều 75, 76 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Bị cáo Trương Huy Liệu khai, lô gỗ theo thời giá khoảng hơn 300 tỉ đồng nhưng đã bị bán đấu giá khi vụ án chưa được tòa xét xử với giá chỉ hơn 63,6 tỉ đồng. Đại diện Cục Hải quan TP Đà Nẵng phát biểu tại tòa cũng thừa nhận: “Đang quá trình điều tra vụ án mà bán tang vật là sai. Lô gỗ này chỉ tòa án mới có quyền cho bán!”. Dư luận đặt câu hỏi về dấu hiệu tiêu cực của việc bán đấu giá khi mà chính trong bài báo “Xung quanh lô gỗ xuất khẩu của Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng: Nhiều điểm cần được làm rõ” được đăng trên Báo Hải quan số ra ngày 23/3/2012 đã cho biết lô gỗ có giá trị hơn 100 tỉ đồng. 

Một vấn đề rất cần được làm rõ là cơ quan chức năng nào cho phép bán đấu giá lô gỗ? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi chính Hội đồng xét xử cũng đặt câu hỏi việc bán đấu giá vi phạm Bộ luật Tố tụng Hình sự? Có hay không việc tiêu hủy vật chứng thông qua hành vi bán đấu giá. Đó là chưa kể nhiều dấu hiệu nghi vấn khác như: Chủ lô hàng, Công ty Ngọc Hưng cũng không được thông báo về việc bán đấu giá.

Phiên tòa cũng cho thấy còn nhiều “bí ẩn”, góc khuất trong việc Tổng cục Hải quan và Cục Điều tra Chống buôn lậu tiếp tục đòi thanh toán các khoản chi phí lên tới hơn 3 tỉ đồng từ nguồn tiền hơn 63 tỉ đồng bán đấu giá lô gỗ. Hội đồng xét xử đã yêu cầu Cục Hải quan Đà Nẵng trả lời về khoản tiền hơn 2 tỉ đồng về chi phí khám xét lô hàng, lưu kho bãi đã được quyết toán năm 2012 theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan. Thế nhưng hiện nay, Cục Hải quan Đà Nẵng vẫn có công văn thông qua Tổng cục Hải quan đề nghị thanh toán thêm số tiền này từ nguồn hơn 63 tỉ đồng bán đấu giá lô hàng. Hội đồng xét xử yêu cầu làm rõ việc đề nghị này có đúng pháp luật không, có dấu hiệu thanh toán trùng lặp không; chưa kể hồ sơ chứng từ đề nghị thanh toán đều là bản phô tô, không có chứng từ gốc. Đại diện Cục Hải quan Đà Nẵng đã không trả lời được câu hỏi của tòa, cho biết việc này thuộc trách nhiệm của Tổng cục Hải quan. Cục Điều tra Chống buôn lậu cũng bị Hội đồng xét xử đặt câu hỏi nghi vấn trong việc đề nghị thanh toán số tiền 998 triệu đồng cho khám xét lô hàng và các chi phí xác minh, điều tra, kể cả xác minh ở Lào. Ông Lê Nam Phong, đại diện Cục Điều tra Chống buôn lậu cho biết số tiền này đã được thanh toán theo đúng Thông tư số 79/2008 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cho rằng, Thông tư này không cho phép thanh toán đối với vụ việc như của Công ty Ngọc Hưng. “Nếu trường hợp tòa án phán quyết vụ việc không có dấu hiệu buôn lậu thì số tiền 998 tỉ đồng sẽ được xử lý như thế nào?”. “Sẽ được hạch toán vào chi phí điều tra chống buôn lậu của Cục Điều tra Chống buôn lậu” - ông Lê Nam Phong giải thích.

Như vậy, có thể thấy việc Tổng cục Hải quan tiếp tục đề nghị tòa án thanh toán thêm khoản tiền hơn 2 tỉ đồng và 998 triệu đồng cho hoạt động điều tra, nghiệp vụ liên quan đến vụ án, dù số tiền này đã được quyết toán vào ngân sách nghiệp vụ của ngành hải quan là vô lý, không đúng pháp luật. Bởi lẽ, một mặt, vụ án chưa được tòa án xét xử xong, chưa rõ vụ việc có dấu hiệu buôn lậu không thì không thể yêu cầu chiết khấu số tiền xử lý vật chứng (chưa bàn đến việc xử lý vật chứng có đúng pháp luật không?). Một mặt, hai khoản tiền trên đều đã được quyết toán thì việc Tổng cục Hải quan đề nghị thanh toán thêm lần nữa liệu có trùng lặp? Ai là người giám sát sau cùng về các khoản tiền này? Liệu có hay không dấu hiệu tiêu cực ở đây? Hơn nữa, tại phiên tòa, cả các nhân chứng, người có nghĩa vụ liên quan và Hội đồng xét xử đều nhiều lần nhắc đến việc ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nhiều lần phát biểu “Tổng cục Hải quan không thiếu tiền” khi yêu cầu gia hạn tạm giữ toàn bộ lô hàng. Nếu Tổng cục Hải quan xác định xử lý các khoản chi phí phát sinh từ việc điều tra vụ án lấy từ nguồn kinh phí nghiệp vụ thì căn cứ vào văn bản pháp luật nào để Tổng cục Hải quan yêu cầu Hội đồng xét xử trích chi trả bổ sung hai khoản tiền gần 3 tỉ đồng từ bán đấu giá lô gỗ? Đó là chưa kể, con số hơn 2 tỉ đồng cho chi phí gia hạn tạm giữ, khám xét, lưu kho bãi theo bị cáo Đỗ Danh Thắng là chưa chính xác, nếu tính toán đầy đủ phải lên tới hơn 3 tỷ đồng, bởi chi phí thuê kho bãi suốt mấy năm trời khoảng 97 triệu đồng/tháng. Vậy số tiền gần 1 tỉ đồng chênh lệch ở đây đã được Tổng cục Hải quan “hóa giải” bằng cách nào. Thiết nghĩ đây cũng là một tình tiết cần được làm rõ, xác định trách nhiệm trong điều tra bổ sung về vụ án.

Phóng sự của Nguyễn Văn Minh

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps