Chưa làm lễ Tù Cải, chết không nhắm được mắt

15:48 | 02/03/2014

2,366 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lễ Tù Cải của người Dao đỏ diễn ra trong suốt 3 ngày 3 đêm với nhiều nghi thức kỳ lạ. Các thầy mo sẽ thay nhau đọc lời cúng và nhảy múa với ý nghĩa xin phép thần linh được qua các cửa ải để báo cáo với tổ tiên rằng đứa trẻ của gia đình đã trưởng thành. Họ tâm niệm, chỉ những người đã trải qua lễ Tù Cải, khi chết linh hồn mới được đưa về nhà thờ cúng.

Giống như lễ Cấp sắc của người Dao ở các địa phương khác, lễ Tù Cải của người Dao đỏ ở huyện Phong Thổ, Lai Châu đã có từ rất lâu đời. Đây là một nghi thức để công nhận một người đã trưởng thành và đặc biệt quan trọng trong cuộc đời mỗi người.

Cụ Tẩn A Ngầu, một cụ cao niên ở xã Sì Lờ Lầu, huyện Phong Thổ chia sẻ: “Người Dao đỏ chúng tôi quan niệm rằng, Tù Cải không chỉ là để công nhận sự trưởng thành của mỗi người mà còn là lễ để nhập họ cho người con gái sau khi đã về nhà chồng và để đặt tên cúng cơm cho mỗi người. Quan niệm về Tù Cải này của người Dao đỏ chúng tôi khác ở chỗ là chỉ làm lễ cho những người đã xây dựng gia đình và làm cho cả phụ nữ”.

Mảnh vải ghi thông tin của người làm lễ Tù Cải - tín vật quan trọng nhất của người Dao đỏ

Thường vào dịp đầu xuân người Dao đỏ tổ chức lễ Tù Cải nhiều vì khi đó mọi người rảnh rỗi hơn. Các cặp trai gái sau khi cưới sẽ mời thầy cúng về làm Tù Cải cho cả hai vợ chồng. Thầy cúng Lý Chiếu Khai ở bản Gia Khâu, xã Sì Lờ Lầu cho biết, đối với mỗi cặp vợ chồng, việc làm Tù Cải không còn đơn thuần là chứng nhận sự trưởng thành, mà quan trong hơn là để nhập họ cho người con gái khi về nhà chồng.

Vợ chồng sau khi đã làm Tù Cải sẽ bị dàng buộc không bỏ được nhau vì người vợ đã nhập họ của nhà chồng, đã là con ma của nhà chồng. Dù sau này người chồng có chết đi, người vợ đó có đi lấy chồng khác thì khi chết hồn vẫn quay về với chồng cũ. Vì vậy mà các cặp vợ chồng sau khi cưới mà chưa làm Tù Cải thì rất dễ bỏ nhau.

Miếng gỗ đã khắc tên âm cho người làm lễ Tù Cải

Cũng theo ông Khai, người dân nơi đây từ lâu đã tâm niệm, chỉ những người đã làm Tù Cải thì khi chết hồn mới được lên trời, được về với tổ tiên và được lập bàn thờ để thờ cúng. Vì vậy khi làm Tù Cải, các thầy cũng sẽ phải đặt cho những người làm tù cải mỗi người một tên cúng cơm. Tên cúng cơm này rất quan trọng vì nó là tên dùng để cúng bái, gọi hồn… sau khi người đó chết đi. Người Dao đỏ phải cúng người đã chết đến hết 10 đời nên cái tên Tù Cải của mỗi người càng trở nên quan trọng hơn.

Khi cúng phải gọi tên Tù Cải thì hồn mới về, vì vậy nên người nào không Tù Cải không có tên cúng cơm khi chết ma nhà mình sẽ không nhận, như vậy hồn sẽ quay lại là phiền người khác. Chính vì thế mà có nhiều người khi sống chưa có điều kiện làm Tù Cải, khi chết đi người nhà phải mời thầy cúng về làm Tù Cải cho. Thậm chí có những người chết đến cả chục năm sau mới được làm Tù Cải vì khi đó gia đình mới có điều kiện để làm.

Các thầy cúng thực hiện nghi thức cúng trong lễ Tù Cải của một cặp vợ chồng ở bản Gia Khâu, xã Sì Lờ Lầu

Đối với con trai từ 16 tuổi trở lên, nếu bị chết trẻ khi chưa lấy vợ thì gia đình cũng phải làm Tù Cải cho. Đối với con gái chưa lấy chồng mà chết trước hay sau 16 tuổi đều không phải làm Tù Cải. Và trong quan niệm này càng thể hiện rõ hơn việc con gái làm Tù Cải thực chất là để nhập họ về nhà chồng.

Việc làm tù cải rất khó, phức tạp, mất nhiều thời gian và khá tốn kém. Theo thầy cúng Tẩn Sài Lùng - một trong những thầy cúng cao tay vào loại bậc nhất ở Sì Lờ Lầu hiện nay thì làm Tù Cải phải mất thời gian 3 ngày đêm. Để làm được Tù Cải, mỗi người cần phải có 7 thầy cúng, người được Tù Cải sẽ gọi 7 thầy cúng này là “sư phụ” hoặc “bố Tù Cải” vì họ là những người đặt tên cúng cơm cho mình.

Các thầy cúng ghi lại tất cả thông tin của những người làm Tù Cải

Trong số 7 thầy cúng trên, thầy cúng chính chỉ được làm sư phụ của một người còn lại những thầy khác có thể làm sư phụ của nhiều người… Khi cúng, thầy chính được thổi tù và còn lại các thầy khác phải nhẩy múa và cúng. Trang phục để làm Tù Cải của các thầy cúng cúng khá đặc biệt, chủ yếu là áo mầu đỏ và hoa văn sặc sỡ. Ngoài ra để làm được Tù Cải, các thầy cúng cần phải có bộ tranh Tam Thanh vẽ đủ các vị thần của người Dao đỏ. Bộ tranh này thường được truyền qua nhiều đời và khá đắt tiền, có những bộ có niên đại hàng trăm năm.

Mọi người ngồi quây quần đông đủ trước khi làm nghi lễ 3 ngày 3 đêm

Đối với người được làm Tù Cải, trong những ngày làm lễ họ phải kiêng ăn thịt, chỉ ăn đậu phụ (được ăn bữa đầu tiên và bữa cuối cùng), kiêng không được ra ngoài, phải ngồi trên sàn, con gái phải năm trong giường, đến bữa có người mang đồ ăn vào cho ăn. Đồng thời phải kiêng không được nói chuyện với người ngoài, trừ thầy cúng. Riêng đàn ông thì phải kiêng không được ngủ với vợ trước khi làm Tù Cải một tháng. Nếu người nào phạm phải một trong những điều kiêng kỵ trên thì việc làm Tù Cải sẽ không hiệu quả, như vậy sẽ phải làm lại rất tốn kém.

Chính vì phải kiêng nên chỉ khi các thầy cúng chuẩn bị đặt tên cho thì những người làm Tù Cải mới xuất hiện. Khi đó họ phải mặc áo dài và đeo những bức tranh Tam Thanh thờ các vị thần lên đầu. Khi đặt tên phải đốt 7 cầy đèn hoặc nến tượng trưng cho 7 ngôi sao phù hộ cho mình.

Người Dao đỏ ở Lai Châu tâm niệm: Một ai đó khi chưa làm lễ Tù Cải thì  khi chết linh hồn sẽ không được về với tổ tiên

Có một điểm đặc biệt khiến lễ Tù Cải của người Dao đỏ khác với người Dao Tiển đó là người Dao đỏ không có nghi lễ rơi đài. Thay vào đó, trong lễ Tù Cải, sau khi đặt tên xong, thầy cúng sẽ đưa cho một mảnh vải ghi thông tin, tên tuổi ngày làm Tù Cải… và một miếng gỗ có khắc tên Tù Cải của người đó đã được làm phép để khi chết chôn cùng. Đây là hai tín vật quan trọng nhất nên thường thì người ta dùng mảnh vải bọc miếng gỗ lại và cất rất kỹ. Trường hợp nếu không may bị mất, hay vô tình cháy nhà cháy mất thì khi chết người nhà sẽ phải mua rất nhiều tiền vàng về và mời thầy đến cúng báo mất và xin thay thế.

Thảo Phượng