Chợ xe máy cũ - những điều chưa biết 1

08:20 | 01/10/2012

36,259 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Phải mất đến hàng tuần lẵng nhẵng theo chân chú Quân (vốn là chú họ của tôi) làm nghề buôn bán xe máy cũ ở chợ xe Phùng Hưng tôi mới hiểu được rằng, để làm được cái nghề này và sống được với nó là chuyện không hề đơn giản.

Chị Hòa, 42 tuổi, nhà ở đường Xuân Thủy, Cầu Giấy làm nghề quét rác, gia đình vốn chẳng khá giả gì nhưng thương con đi học xa vất vả nên cố dồn tiền mua cho con chiếc xe máy. Chị mua một tờ báo rao vặt, sau một hồi cặm cụi đọc, gạch xóa, đánh dấu chị cùng chồng là anh Tính phi xe máy lên tận đường Âu Cơ, Tây Hồ xem con xe Wave Thái biển số 29K… giá 11 triệu như đã quảng cáo: “xe chính chủ, chủ nhân là nữ, đi xuất khẩu lao động nước ngoài nay cần bán gấp”. Rất nhanh, chiếc xe được sang tên đổi chủ với giá 10,5 triệu đồng. Tuy nhiên, đem xe về đi được vài tuần thì xe không nổ được nữa. Đưa đi sửa thì thợ bảo chết IC và họ khẳng định với chị đây là xe “buôn” vì ti, thụt, nhông, xích đều là đồ… Tàu, nếu bán lại cao nhất chỉ được khoảng 3 triệu. Xót của, chị Hòa ốm mất mấy ngày.

Bộ mặt thật của xe máy cũ

Phải mất đến hàng tuần lẵng nhẵng theo chân chú Quân (vốn là chú họ của tôi) làm nghề buôn bán xe máy cũ ở chợ xe Phùng Hưng tôi mới hiểu được rằng, để làm được cái nghề này và sống được với nó là chuyện không hề đơn giản. Ở một chừng mực nào đó, nghề này cũng giống như nghề buôn bán đồ cổ, đại loại: trước khi mua, bán phải thẩm định chất lượng đối tượng thật chính xác để đưa ra giá sát nhất và quan trọng hơn là phải đưa ra giá thật nhanh. Gãnh gọt theo kiểu mấy bà “giả vờ đi rồi một lúc sau quay lại” thì có khi chỉ vài giờ sau thợ khác đã “rước” mất rồi.

Chợ xe máy cũ Dịch Vọng là nơi tập trung của những thợ xe “siêu hạng” của Hà Nội
 

Chú tôi 45 tuổi, cao, đen, quanh năm đội mũ cối, hút thuốc lá có cán nhựa, nhà ở dưới đê Yên Phụ, sáng đi làm ở nhà máy nước Cáo Đỉnh, chiều về ra chợ xe Phùng Hưng làm “nghề tay trái”. Theo lời chú, quan trọng nhất trong nghề này là kinh nghiệm. Chính cái kinh nghiệm nhìn xe - nhìn người qua mười mấy năm “chinh chiến” đã giúp chú chỉ cần nhìn loáng qua là biết được xe thật, xe “mông” và nếu là xe “mông” thì đã qua bao nhiêu lần. Chú Quân kể rằng, lúc mới tập tọng vào nghề, nghe bạn bè giới thiệu, chú dồn ngót trăm triệu “đầu tư” đến 5 con xe Cúp 81 đời chót “kim vàng giọt lệ” mất công tân trang nhưng vẫn không thể nào bán được, đành bỏ xó. Chú bảo với tôi: “Đừng tưởng cái nghề này dễ, tao phải mất khối tiền “ngu” đấy, vì không biết nhìn xe nên “chén” phải toàn xe thợ”. Cuối cùng thì chú cũng đành bán tống, bán tháo để gỡ vốn, lỗ đâu mất gần nửa. Sau cái đận đó chú tưởng như “tan cửa nát nhà”, “khiếp nghề” phải đến hơn một năm sau chú lại mon men trở lại. Mà phải có những trận “tỉnh đòn” như thế cho nên giờ đây chú đã trở thành một tay thợ xe mà theo chú là “thợ của những thằng thợ” trong giới buôn xe chốn Hà thành.

Với một con xe máy cũ điều quan trọng nhất là xác định xem máy đã “ra” chưa (bổ máy). Nếu xe đã từng bị bổ máy, thì giá lại khác xa so với xe còn nguyên bản, mặc dù chiếc xe này có mới hơn hoặc chạy “bốc” hơn đi chăng nữa. Chú Quân lim dim khói thuốc gật gù bảo: “Không nói cao siêu làm gì, chỉ với chiếc xe Wave Anpha giá khoảng 10 triệu thôi, thằng máy còn và thằng máy đã bổ cách nhau trên dưới 4 triệu rồi. Lơ ngơ có ngày húp cháo”. Nhìn vào từng con ốc, dân xe có thể biết được con ốc đó đã từng bị chịu sức vặn hay chưa. Cái khó là có thể con ốc bị trầy xước bên ngoài do va đập nhưng thực chất chưa bao giờ bị cờ-lê động đến hoặc có thể ốc còn mịn nhưng đã bị động đến nhiều lần rồi.

Bất kể lúc nào đi ngang qua cổng trước và cổng sau của chợ xe Dịch Vọng trên đường Chùa Hà và Trần Đăng Ninh, ai cũng có thể gặp vô số lời chào mời đại loại như: “Bán xe à anh ơi!” hoặc cụ thể hơn: “Bán bao nhiêu anh ơi”. Và nếu gật đầu, sẽ có 4-5 người xúm lại vây quanh chiếc xe để soi. Nhìn chung trong những khu chợ như thế này chuyện mua hay bán một chiếc xe rất nhanh, như thể người ta mua một cái áo vậy. Một điều dễ nhận thấy là những người làm nghề này đặc biệt có tài ăn nói, thậm chí ăn nói rất có duyên và họ bắt được đúng tâm lý của người mua. Chú Quân bảo: “Phải như thế mình mới nắm bắt được khách mua đang băn khoăn điều gì và mình sẽ giải thích luôn những điều khách còn nghi ngờ”. Tôi băn khoăn hỏi chú Quân rằng, với số tiền hạn hẹp tầm 9 triệu tôi nên mua một con xe Trung Quốc mới hay chiếc xe Thái cũ. Chú giải thích cho tôi từ đầu đến cuối về cái được, cái mất và cuối cùng, tất nhiên là chú kết luận nên mua xe Thái cũ. Và quả thực tôi nghe xong bái phục chú quá.

Người bán đã vậy, người mua lại càng dễ rơi vào mê hồn trận hơn. Không sành xe, sành đời, thì dễ bị mua với giá đắt hơn thực tế. Nghe lời ngọt ngào của thợ, không tỉnh táo đi xem xét và mặc cả kỹ lưỡng thì lãnh hậu quả ngay. Có khi nhờ người quen thạo xe đi xem còn bị mắc thêm vào bẫy hoa hồng, chỉ cần qua một vài ngón tay kín đáo của cò làm ám hiệu.

Ở chợ xe, ngoài chủ cửa hàng, dân buôn còn có một đội ngũ mà dân chợ xe gọi là “chỉ điểm”. Đó là những người không có vốn, vốn buôn không lớn hoặc không có nhiều kinh nghiệm trong nghề buôn xe. Họ chuyên làm công việc là tìm kiếm xe cũ và bán tin cho thợ xe đến tận nhà chủ xe để mua. Và mỗi lần mua bán xong xuôi, không cần biết lời lãi thế nào, nhưng thợ xe phải chi cho “chỉ điểm” 200.000-400.000 đồng tùy theo độ “hời” của chiếc xe đó. Phạm vi hoạt động của đội quân này không chỉ bó hẹp trong nội thành mà còn ra cả các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh và có khi lên cả Bắc Giang, Tuyên Quang…

Kỹ nghệ “mông”, “tút”

Có lẽ không hề ngoa khi gọi công đoạn “mông” xe là một kỹ nghệ, bởi nó cũng cần đến độ tỉ mỉ, khéo léo với từng chi tiết. Trong năm vừa qua, loại xe chủ yếu mà dân buôn ưa thích là Spacy Nhật cũ, Wave Thái cũ từ biển 29K trở về (bởi vì từ biển 29K trở đi loại xe Wave Thái không còn bán trên thị trường) và các loại xe phân khối lớn nhập khẩu. Những loại xe này từ lâu đã nổi tiếng là những loại xe “nồi đồng cối đá”, dã chiến bậc nhất. Nhiều thế hệ xe mới của các hãng đã xuất hiện nhưng những loại xe này vẫn đang được người tiêu dùng ưa thích. Tâm lý của những người này khi đi mua xe rất muốn mua được những chiếc xe chắc chắn, độ bền cao. Thế nhưng, may mắn lắm thì mua được chiếc xe theo ý muốn, còn đen đủi có khi lại rước thêm lo nghĩ vào người.

Tôi có dịp được tận mắt chứng kiến từ đầu đến cuối từng công đoạn của “kỹ nghệ mông xe” mà phải gọi là cải tử hoàn sinh cho một con xe đã nát bươm. Sau một thời gian lân la “trà đá thuốc lào” làm thân với anh H - một thợ xe ở chợ Dịch Vọng, biết tôi thích nghề anh H đã chấp nhận lời năn nỉ của tôi cho tôi đi cùng xuống Vĩnh Tuy mua xe. Anh H quê gốc Nam Định, râu ria, quần áo bụi bặm như cao bồi Bắc Mỹ, thỉnh thoảng vẫn khào khào nói ngọng đi “làm” thành đi “nàm” nhưng được cái trên giời dưới biển chuyện gì cũng nói được. Anh bảo tôi: “Muốn làm được cái nghề này thì phải luyện được giọng hót thật hay, nhìn mặt khách mà làm. Khách bây giờ không như khách ngày trước, nhiều người họ cũng am hiểu lắm. Quan trọng nhất là khi mua xe vào mình tán được giá thấp thì khi bán ra mới có lãi”.

Chợ xe máy cũ lúc nào cũng tấp nập người mua, bán

Buổi chiều, cơm nước xong xuôi, tôi cùng anh H lên đường xuống Vĩnh Tuy. Chiếc xe mà tôi và anh H xem là chiếc xe Dream biển 31Z3… đã cũ mèm, phần sắt hoen rỉ rất nhiều, phần nhựa nhiều chỗ cũng đã rạn nứt. Đoán biết chiếc xe đã bỏ không lâu ngày nên anh H nói ngay với chủ xe là một cậu thanh niên tóc xoăn tít: “Anh đến chắc để dọn cho nhà em đống sắt vụn rồi”. Sau khi nổ máy, tắt máy khoảng 3 lần, ngó nghiêng gõ gõ, búng búng một lúc anh H hỏi chủ xe: “Bán bao nhiêu?”. Chủ xe nói chắc: “6 triệu”. Anh H bảo: “Đúng 3 triệu, được thì bán cho anh”. Giằng co một lúc, người thì xe tôi cũ nhưng toàn đồ xịn, xe Thái nguyên bản, người thì chẳng biết xe chú có đi được về đến nhà không… Giá cuối cùng 3,5 triệu. Xong. Anh H rút tiền trả luôn, không cần sang tên đổi chủ. Cậu chủ nhà rút tờ đăng ký xe (từ năm 1995) đã ố vàng, sứt mất một góc đưa cho anh H. Cuộc mua bán diễn ra chưa đầy nửa giờ.

Quả thực tôi và anh H rất gian nan mới đưa được con xe về đến nhà. Máy khô dầu nổ chói cả tai. Xích cam sàn sạn như sàng cát, còn nhông sau thì thỉnh thoảng rú lên như bắn tiểu liên. Chỗ nào đường tốt thì 15 km/giờ, chỗ nào đường xấu thì gọ ghẹ 5 km/giờ. Qua hơn 20 cây số, chẳng hiểu vì sao xích xe đã nghiến bung cả hộp xích ra không lắp lại được đành phải cầm tay mang về. Anh H vừa thở vừa bảo: “Đi được thế này còn tốt chán đấy, nhiều con nát quá không đi nổi, anh phải làm chuyến ba-gác chở về. Như dân đồng nát”.

Mang xe về đến nhà, việc đầu tiên là anh H làm vệ sinh cho xe. Chiếc xe bị tháo rời ra từng bộ phận. Anh H bảo: “Xe máy khiếp nhất là thiếu chất bôi trơn và bụi bẩn, con xe trong tình trạng này khá lâu rồi”. Anh H lau dầu cho từng bộ phận, cọ thật kỹ những phần sắt hoen rỉ, cẩn thận tỉ mỉ như người ta rửa xương bốc mộ. Những phần nhựa cáu bẩn cũng được anh cho một thứ hóa chất gì đó lau một lúc bóng loáng. Theo anh H, nhất thiết phải giữ lại nguyên tất cả các bộ phận là đồ Thái, kể cả cái còi hỏng, bình ắc-quy yếu điện hay một mảnh mác cũ. Về phần máy, anh H bảo ngày mai dắt ra cho mấy thằng “em” nó “vật” nửa buổi chiều là đâu lại vào đấy. Côn, hơi làm lại hết, những thứ không dùng được nữa như nhông xích, xích cam, săm lốp thì thay tất. Tổng chi phí mất hơn 2 triệu, kể cả công đoạn bắn lại sơn đồ nhựa, đánh bóng yếm, bắn sơn lại bệ máy. Chiếc xe đã trở lại thời thanh xuân của mình, mặc dù bên trong với thâm niên hoạt động 14 năm, đã không ít bộ phận đã đến ngưỡng tuổi thọ của nó. Giá chiếc xe này được rao bán trên báo là 10 triệu, nguyên bản, chính chủ.

Một điều khá đặc biệt là chị N - vợ anh H lại trở thành người chuyên bán xe cho chồng. Xe được rao bán trên nhiều tờ báo chuyên về rao vặt. Không nhiều người đi mua xe lại thích mua xe của dân buôn ngoài chợ vì sợ mua phải xe “mông má”. Muốn mua xe cũ, người mua đành lên báo dò địa chỉ, đến tận nhà chủ xe. Và tất nhiên khi người ta tìm đến nhà anh H thì đã có chị N ở nhà tiếp khách bảo rằng đấy là xe của chồng (em trai, em gái, bố, mẹ…) của em, chồng em đi làm nhà nước, mua xe tay ga mới, muốn bán xe này.

Một thợ đang "mông má" lại xe cũ

Người mua thì ai cũng thích xe mình mua được phải là xe chính chủ và câu chuyện chính chủ cho những chiếc xe cũng thật ly kỳ và ngoạn mục. Để xe của mình được “chính chủ” thì anh H mượn chứng minh thư của chủ cũ (tất nhiên chủ cũ phải chính chủ) photo ra một bản. Khách đến chỉ việc xòe ra và trình bày một lý do “hành chính” thỏa đáng nào đó mà chứng minh thư gốc phải vắng nhà là tất cả đều hợp lệ. Mà suy cho cùng, người mua khi đã thích xe, ưng xe thì chính chủ hay không chính chủ chẳng mấy quan trọng nữa rồi. Quan trọng là chất lượng. Theo lời chú Quân thì dân trong nghề đều làm như thế cả, chồng bán xe ngoài chợ, vợ bán xe ở nhà. Lên báo tìm xe có khi gặp toàn dân buôn.

Quả thực, bây giờ tôi mới hiểu tại sao anh H phải mất 200.000 đồng cho “chỉ điểm” mà không tự mình lên báo tìm xe.

Cẩn thận kẻo bị lừa!

Lác đác tìm trong chợ xe, túm năm tụm ba vẫn thấy những đám choai choai, đầu xanh đầu đỏ đang ra giá xe với nhau. Theo lời bác T bán nước ở đầu cổng chợ xe Dịch Vọng thì bọn trẻ bây giờ buôn xe có khi còn kinh hơn mấy thợ già. Chẳng biết tiền ở đâu ra mà chúng mua vào bán ra toàn những loại xe đắt tiền như SH, Dylan, @… Bét nhất là Nuvo, Jupiter… Mức độ liều lĩnh của cánh trẻ nhiều khi làm cho cánh buôn già nể phục.

Bọn trẻ không ngại ngùng mua vào những con xe “không hồn” (không có đăng ký) có khi mua cả đồ trộm cắp. Mà với những chiếc xe như thế này nếu bị cơ quan công an phát hiện thì trách nhiệm liên đới cũng không nhỏ.

Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn Hà Nội, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ trộm cắp, tiêu thụ xe máy hàng loạt, mà đối tượng chủ yếu là giới trẻ.

Tựu trung lại, người tiêu dùng khi quyết định tìm mua cho mình một chiếc xe máy ai cũng đều cân nhắc kỹ lưỡng trước quyết định của mình. Và không phải là không có lý khi họ chọn cho mình một chiếc xe cũ nhưng chính hãng, dùng tốt và giá tiền hợp lý. Nhưng khi muốn mua cho mình một chiếc xe máy cũ, chúng ta nên thận trọng hơn trong việc lựa chọn thẩm định chất lượng xe. Đừng vì nhãn mác thật mà nghĩ đó là xe chất lượng thật. Không khéo lại trở thành người làm không công cho chính phương tiện của mình.

Phóng sự của Vũ Minh Tiến

(Năng lượng Mới số 159, ra thứ Sáu ngày 28/9/2012)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps