Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015):

Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (Phần 2)

08:13 | 21/03/2015

3,176 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
An Phran-xít đi được một lúc thì công việc tiêu hủy hồ sơ ở văn phòng Bộ tư lệnh cũng gần hoàn tất. Sau khi điện tiếp một điện thượng khẩn cho Thiệu và Viên xin rút quân khỏi Đà Nẵng, Trưởng bước ra sân.

>> Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (Phần 1)

Đêm đến, các chiến trường quanh Đà Nẵng đột nhiên trở nên yên tĩnh. Thỉnh thoảng chỉ có một vài loạt pháo cầm canh, từ các trận địa pháo binh ở bán đảo Sơn Trà và những chùm pháo sáng, pháo hiệu phụt lên đỏ lòm trên bầu trời thành phố, nhắc nhở gần 2 triệu con người đang sống chen chúc kinh hoàng trong cái căn cứ quân sự liên hợp khổng lồ này là chiến tranh vẫn còn đó. Chiến tranh không ở đâu xa, ngay trong bóng tối đang bao phủ đêm cuối cùng của Đà Nẵng này. Cơn mưa đầu mùa chợt đến thảng thốt, làm không khí có phần dịu mát. Thế nhưng Trưởng vẫn thấy hết sức ngột ngạt, khó thở.

Thực tế cuối cùng đã buộc Trưởng phải thừa nhận rằng không sao cứu vãn được nữa. Ngay cả việc lập lại trật tự ở cái thành phố này, Trưởng cũng thấy hoàn toàn bất lực. Cảm giác đau đớn, tuyệt vọng chán chường choáng ngợp đầu óc. Cái đau đớn nhất của Trưởng là trong canh bạc này Trưởng chưa kịp tung ra những con bài chủ chốt, chưa có một trận kháng cự đáng kể nào. Hơn 10 vạn quân, với cả tỉ đô la trang bị vũ khí, chưa kịp đánh chác một trận nào cho ra hồn, đã sụp đổ - sụp đổ từng mảng lớn với tốc độ dồn dập đến kinh người. Sự hốc hác, lúc nhúc của cả triệu lính đảo ngũ và dân thường tuyệt vọng, sự điên loạn, tan rã của Đà Nẵng – cái chốt kháng cự duy nhất còn lại ở phía bắc, sẽ còn lại mãi như một trò cười của lịch sử, một trong những cảnh thương tâm nhất của thế kỷ này. Trưởng khoanh tay trước tình thế. Có lẽ cái sự sụp đổ tức khắc của Đà Nẵng với Trưởng, còn dễ chịu hơn cảnh dao kề cổ và cái chết từ từ như thế này…

Tiếng động cơ ầm ầm làm Trưởng bừng tỉnh. Chiếc HU.1A quần thấp một vòng rồi đáp xuống sân Bộ tư lệnh. Động cơ còn nổ, đèn tín hiệu còn xanh đỏ lập lòe, trung tá Cầu, chỉ huy trưởng đài trung tâm kiềm báo 2 của sư đoàn 1 không quân nhảy ra. Cầu vừa giập gót, giơ tay chào, vừa nói trong hơi thở:

- Trình trung tướng! Tướng Khánh lệnh tôi về trực tiếp báo cáo với trung tướng. Tình hình căn cứ không quân Đà Nẵng hết sức nguy ngập. Xin trung tướng thẩm định tình hình và cho lệnh triệt thoái.

Trưởng chụp chiếc mũ sắt lên đẩu, khoát mạnh tay ra hiệu cho Cầu:

- Trung tá cùng tôi trở lại căn cứ ngay!

Nói rồi Trưởng lên ngay trực thăng đã sẵn sàng cất cánh bất cứ lúc nào. Cầu cũng lật đật lên trực thăng của mình bay theo.

Phiên họp cuối cùng của Bộ tư lệnh sư đoàn 1 không quân diễn ra tại đài kiểm báo trung tâm 2. Lúc này đã là 24 giờ 30 phút ngày 28-3. Dự họp có Nguyễn Đức Khánh, chuẩn tướng, tư lệnh sư đoàn 1 không quân; các không đoàn trưởng 41,51,71; trung tá Cầu, chỉ huy trưởng đài trung tâm kiểm báo 2. Mở đầu phiên họp, Nguyễn Đức Khánh đi thẳng vào vấn đề luôn, y hỏi Trưởng:

- Trình trung tướng, trung tâm 2 kiểm báo cho biết hải quân đã rút hết, các sư đoàn bộ binh và thủy quân lục chiến cũng đang tự thoái. Tình thế này,xin trung tướng cho lệnh triệt thoái căn cứ không quân Đà Nẵng

Trưởng nhìn Khánh chằm chằm, rồi buông gọn một câu:

- Tôi chấp nhận thỉnh cầu của chuẩn tướng!

Vừa thấy Trưởng chấp thuận lời đề nghị của mình, Khánh nói tiếp luôn:

- Trình trung tướng! Lực lượng sư đoàn đông, số sĩ quan cần rút đi rất nhiều. Tình thế này, nếu lập cầu không vận sẽ rất nguy hiểm. Làn sóng người di tản đang tràn ngập sân bay sẽ ùa tới. Vì vậy, xin trung tướng chỉ định cho một bãi bốc quân và lệnh cho hải quân đến đó.

Trưởng chưa kịp trả lời thì trung tá Cầu đã kiến nghị tiếp:

- Trình trung tướng! Nếu đã quyết định di tản căn cứ không quân Đà Nẵng, xin trung tướng cho phá hủy ngay đài trung tâm kiểm báo 2

Trưởng đứng lên, ra hiệu cho tất cả im lặng. Trưởng nói:

- Cho đến giờ phút này chưa có lệnh nào cho chúng ta rút lui. Tuy nhiên, tôi chấp thuận cho anh em tự thoái. Thay mặt Bộ tư lệnh Quân đoàn I, tôi quyết định như sau:

Thứ nhất: Di tản ngay tức khắc căn cứ không quân Đà Nẵng. Phi cơ đi tối đa. Phi trường đáp xuống có thể Phù Cát, Nha Trang, Phan Rang, Tân Sơn Nhất, Biên Hòa. Cái đó tùy nghi.

Thứ hai: Cho phá hủy tức khắc trung tâm kiểm báo 2. Trước khí phá, liên lạc lần cuối cùng báo cáo cho trung tướng Minh, tư lệnh không quân biết.

Thứ ba: Toàn bộ lực lượng còn lại, kể cả các đơn vị của sư 3 bộ binh và sư thủy quân lục chiến bảo vệ căn cứ không quân Đà Nẵng rút ngay ra bãi biển Nam Ô. Tàu hải quân đến, di chuyển ngay tức khắc.

Thứ tư: Đại tá tư lệnh phó sư đoàn 1 không quân trực tiếp chỉ huy và chịu hoàn toàn trách nhiệm về cuộc triệt thoái. Sau khi các đơn vị đã di tản khỏi căn cứ, đài kiểm báo đã phá hủy, đại tá dùng trực thăng đến ngay căn cứ hải quân vùng I duyên hải gặp tôi và tướng Khánh ở đó.

Nói rồi Trưởng kéo Khánh hấp tấp ra trực thăng. Trong lúc động cơ chiếc HU.1A người Mỹ cấp riêng cho Trưởng rú lên, cánh quạt bắt đầu quay thì đại tá tư lệnh phó sư đoàn 1 không quân và các không đoàn trưởng cuống cuồng ra khỏi trung tâm kiểm báo 2. Hàng chục máy bay các loại cùng lúc ầm ầm cất cánh và ủn đổ về căn cứ không quân Tân Sơn Nhất, làm náo động cả Sài Gòn. Phi hành đoàn và những người Mỹ, người Việt Nam mặt đờ đẫn, lảo đảo bước xuống thang máy bay ở phi trường Tân Sơn Nhất với tất cả tài sản còn lại được ôm gọn trong vòng tay. Cuộc triệt thoái khỏi căn cứ không quân Đà Nẵng bắt đầu lúc 23 giờ 55 phút ngày 28/3. Nghĩa là chỉ còn 5 phút nữa sẽ qua một ngày mới: Ngày 29/3/1975 – Ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn ở Đà Nẵng…

Trưởng và Khánh tới căn cứ hải quân vùng I duyên hải tại Tiên Sa lúc 0 giờ 30 phút ngày 29/3. Lâm Quang Thi, chuẩn tướng, tư lệnh phó; Nguyễn Duy Hinh, thiếu tướng, tư lệnh sư 3 bộ binh; phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, tư lệnh hải quân vùng I duyên hải và cả An Phran-xít, tổng lãnh sự Mỹ tại Đà Nẵng, đã tụ họp sẵn chờ Trưởng. Trong số tướng lĩnh chóp bu của vùng I vắng mặt tại cuộc họp này có Nguyễn Vă Điềm, chuẩn tướng, tư lệnh sư đoàn 1 bộ binh và thiếu tướng Lan, tư lệnh sư đoàn thủy quân lục chiến ( Tư lệnh sư thủy quân lục chiến lúc đó đã chuồn ra tàu chỉ huy của hải quân ngoài khơi. Còn Nguyễn Hữu Điềm thì cuống cuồng thu xếp gia đình lên trực thăng bay về Sài Gòn. Thế nhưng trực thăng của Điềm sau đó đã rơi tan xác trên địa phận tỉnh Bình Định. Điềm và 15 người cùng đi bỏ mạng. Các báo Sài Gòn loan tin này, có báo nói nguyên nhân tai nạn do trực thăng của Điềm hết xăng, có báo nói do trúng đạn của Quân giải phóng ).

Phiên họp cuối cùng của Bộ tư lệnh Quân đoàn I do Trưởng triệu tập, bàn kế hoạch lui binh khỏi Đà Nẵng không thành. Vừa khai cuộc ít phút thì căn cứ Tiên Sa chìm trong đạn pháo của Quân giải phóng. Hai trực thăng, trong đó có một chiếc của Trưởng bị hỏng nặng. Pháo vừa dứt loạt, các tướng lĩnh còn lại của Quân đoàn I mạnh ai nấy chạy. An Phran-xít nhảy đại lên trực thăng bay tuốt ra tàu Mi-lenr. Trưởng nhảy lên trực thăng của Khánh. Chiếc HU.1A của Khánh bị trúng mảnh pháo, thùng dầu chảy, cần lái bị cứng, xăng gần cạn, cuối cùng cũng đáp được xuống phi trường Non Nước. Trưởng và Khánh vừa nhảy ra đã bị quân cảnh gác căn cứ thủy quân lục chiến xông tới tước vũ khí cá nhân, không cho máy bay cất cánh. Đại tá Trí, tư lệnh phó sư thủy quân lục chiến phải ra can thiệp, Trưởng và Khánh mới được giải thoát. Ngay sau đó Trưởng chuồn ra tàu hải quân chỉ huy HQ.404 về Sài Gòn. Lúc đó là 6 giờ 30 phút ngày 29/3/1975 – Đó là thời khắc tắt thở của Quân đoàn I và là phút cáo chung của chính quyền Sài Gòn tại Đà Nẵng. Thế nhưng lịch sử vốn trớ trêu, không chịu dừng ở đấy, lại còn ghi thêm một chuyện nực cười nữa. Hơn 5 tiếng đồng hồ sau đó, hồi 11 giờ 40 phút, theo lệnh của Thiệu, Cao Văn Viên còn điện hỏa tốc bác bỏ đề nghị xin rút quân của Trưởng và lệnh cho Trưởng phải tử thủ Đà Nẵng bằng mọi giá. Lúc đó, Bộ tư lệnh Quân đoàn I đã hoàn toàn tan rã, mọi liên lạc đã chấm dứt. Viên phải nhờ Bộ tư lệnh hải quân điện cho tàu chỉ huy HQ.404 để chuyển cho Trưởng bức điện đó. Nội dung bức điện như sau:

                                       CÔNG ĐIỆN MANG TAY T29-3-75

                                          11 giờ 40 phút ngày 29-3-1975

                                           Kính gửi BTL/QĐI/QKI

                                       (Nhờ BTL/HQ chuyển qua HQ.05)

                                           Bản văn số 10-455/TTM/P341

   Bộ tổng tham mưu trân trọng chuyển đến quý Bộ tư lệnh, lệnh của tổng thống Việt Nam cộng hòa như sau:

   Thứ nhất: Mệnh lệnh tử thủ vẫn phải thi hành.

   Thứ hai: Trong lúc cố gắng di tản tối đa dân chúng bằng tàu thủy.

   Thứ ba: Đồng thời đừng để quân dụng quan trọng rơi vào tay địch

 

                                                          Đại tướng

                                                          CAO VĂN VIÊN

                                                          Tổng tham mưu trưởng

                                                          Quân lực Việt Nam cộng hòa

Chiến hạm HQ 404 đưa Trưởng về Sài Gòn. Trên tàu lúc đó có một lữ đoàn thuỷ quân lục chiến đi cùng. Khi tàu đang chạy ở ngoài khơi, Thiệu bắt được liên lạc, nói chuyện với Trưởng. Thiệu yêu cầu Trưởng quay lại tìm cách tái chiếm Đà Nẵng. Trưởng trả lời ngay là bây giờ lấy ai theo Trưởng để quay lại tái chiếm Đà Nẵng. Lính tráng đã chạy mỗi người mỗi ngả. Cấp chỉ huy thì mạnh ai nấy thoát. Sau đó Trưởng được lệnh cho hạm trưởng ghé tầu vào Cam Ranh, bỏ hết thuỷ quân lục chiến xuống và chỉ chở mình Trưởng về Sài Gòn. Trưởng không chịu và nhờ hạm trưởng gọi về Bộ tổng tham mưu, cuối cùng tướng Viên đồng ý cho tàu chở tất cả về Sài Gòn.

Vào lúc những dòng đầu của bức điện tuyệt mệnh trên được phóng lên không trung thì A-len Pót-ti-ơ, giáo sư người Pháp đu được lên càng chiếc máy bay lên thẳng của hãng hàng không Mỹ A-mê-ri-can. Đây là chiếc trực thăng sứ quán Mỹ phái lên để cứu viên lãnh sự Mỹ An Phran-xít. Rút kinh nghiệm ở Buôn Ma Thuột, chiếc trực thăng vũ trang được phái lên từ sáng sớm 29-3. Viên phi công cho máy bay quần lượn đến 11 giờ 30 phút trưa vẫn không bắt liên lạc được với An Phran-xít ( Lúc đó An Phran-xít đã chuồn được ra tàu Mi-lenr ).

Trong vòng lượn cuối cùng trước khi bay trở lại Sài Gòn, viên phi công đã nhìn thấy lá cờ Pháp phủ trên tường trung tâm văn hóa Pháp ở giữa Đà Nẵng, biết có người cầu cứu, đã quay lại. Máy bay sà thấp vứt xuống mấy chữ ngoệch ngoạc viết trên khẩu phần thức ăn của lính Mỹ, báo cho những người Pháp tới ngay sân bay dành cho máy bay lên thẳng ở gần đấy. A.Pót-ti-ơ và một số người Pháp vội kéo chạy tới thì bị lính Sài Gòn chiếm giữ sân bay dã chiến này xả súng, nên phải quay trở lại. Chiếc trực thăng không hạ được mà cứ bay là là trên khu văn hóa Pháp, cách mái nhà lối chừng hai mét. A. Pót-ti-ơ cuối cùng cũng đành liều mạng nhảy lên túm lấy càng máy bay. Một người khác cũng làm như vậy. Cả hai cứ quặp chặt chân vào càng máy bay và ngồi thu lu như thế tới 15 phút mới được kéo vào trong. 

Số phận cuối cùng đã mỉm cười với A-len Pót-ti-ơ – người ngoại quốc cuối cùng thoát khỏi địa ngục Đà Nẵng. Lúc trực thăng bay qua phi trường, A. Pót-ti-ơ nhìn thấy cả biển người chen lấn hỗn loạn. Đúng lúc ấy, những trái đạn pháo của Quân giải phóng rót tới, nổ tung trên các đường băng. Máy bay Boeing và các vận tải cơ cuối cùng còn mắc lại lao bừa vào dòng người chật ních trên đường băng, cất cánh. Nhiều người bị cánh máy bay phạt đứt ngang thân, bị trúng đạn của lính Sài Gòn xả theo, hoặc vì liều mạng bám càng đã rơi tõm từ trên cao xuống. Một phóng viên Mỹ có mặt trong đám hành khách chen nhau chật ních trong chuyến bay cuối cùng rời khỏi phi trường Đà Nẵng đã gọi đó là “ chuyến bay thoát khỏi địa ngục “ và mô tả trong bài báo của mình :

“… Chuyến bay cuối cùng lăn bánh khỏi sân bay Đà Nẵng trong kinh hoàng, chật ních người. Khi chiếc vận tải phản lực cỡ lớn chạy xuôi đường băng thì một lính nguỵ vì không lên được máy bay đã rượt theo ném một quả lựu đạn vào cánh máy bay. Lựu đạn nổ xé toác cánh đỗ của máy bay, trong khi rốc-két của Quân giải phóng rót tới nổ chặn đầu đường băng. Nhiều người trong cơn tuyệt vọng đã bám lấy càng và cánh máy bay. Nhiều người đã bị nghiền nát. Một số xác chết bị cuốn nát trong hốc bánh xe. Nhiều người bị rơi tõm xuống khi máy bay lên cao. Mọi thứ mang theo được vất xuống đất nhưng máy bay vẫn qúa nặng nên khi dã ở độ cao trên 1.000 mét, các nhân viên hàng không và lính trên máy bay đã phải dùng vũ khí và vũ lực ném gần 100 người xuống đất qua cửa chuyển hàng hoá phía sau. Cánh cửa giữa buồng lái đầy mấu. Đấy là chiếc Boeing 727 – chiếc máy bay cuối cùng rời khỏi địa ngục Đà Nẵng".  

Cũng là vào thời điểm đó, An Phran-xít, tổng lãnh sự Mỹ ở Đà Nẵng bước ra khỏi chiếc trực thăng HQ.65 với bộ mặt phờ phạc, đờ đẫn đằng sau bộ râu xồm, đến thẳng sứ quán Mỹ kể lại cho đại sứ Martin toàn bộ những chi tiết bi thảm về cuộc tháo chạy khỏi Đà Nẵng. Ngồi phịch xuống chiếc ghế kê ở góc phòng làm việc của Martin, Phran-xít nói:

- Thưa ngài đại sứ, Đà Nẵng đã mất, quân đội của tướng Trưởng không còn nữa!

Martin cười thản nhiên và lắc đầu. Vừa được Thiệu cam kết sẽ lấy lại Quân khu I bằng mọi giá, Martin không thể tin là Đà Nẵng đã mất. Martin thốt ra như người nói thầm - Không, Quân khu I không mất, Đà Nẵng không mất, tin tức tôi nhận được thì trái lại.

Phran-xít không kiềm chế được, thần kinh bị căng thẳng quá mức sau những gì khủng khiếp vừa được tận mắt chứng kiến, đã nổi cáu:

- Tôi vừa ở Đà Nẵng về với đám tàn quân của tướng Trưởng. Tôi nói Quân khu I đã đi đứt rồi, Đà Nẵng đi đứt rồi. Ngài đại sứ không tin cứ lấy trực thăng lên đấy mà xem.

Bị đốp vào mặt, Martin phật ý, lặng đi một lúc rồi lái sang chuyện khác, hỏi thăm sức khỏe của Phran-xít và tiễn Phran-xít ra khỏi phòng. Và cũng từ giờ phút ấy trở đi, Phran-xít một người trong cuộc, cương vị cao được Martin trọng dụng, trở thành người ngoài cuộc. Ngay tuần lễ sau đấy, Phran-xít bị chuyển xuống làm việc ở tầng cuối cùng, trong một căn buồng nhỏ và không được đặc quyền ra vào phòng làm việc của Martin nữa...

(Còn tiếp)

Trần Mai Hạnh