Vụ đột kích bắt "cát tặc" trên sông Hồng:

Ai chống lưng cho "vua cát tặc" sông Hồng?

11:12 | 19/11/2014

11,380 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hồng (đoạn qua các xã Vân Hà, Vân Nam, Vân Phúc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng chính quyền các xã nói trên không có biện pháp xử lý triệt để, trái lại còn bị dọa nạt, xúc phạm. Chính quyền huyện Phúc Thọ chỉ biết “khổ tâm” khi không xử lý được nhóm “cắt tặc”. Dư luận đặt ra câu hỏi phải chăng có người chống lưng cho Toàn “cụt” tác oai tác quái?.

>> Hà Nội: Vì sao "cát tặc" lộng hành?

>> Đột kích, bắt 51 tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng

Ai

Hàng chục tàu cát ngưng hoạt động sau khi cơ quan chức năng vào cuộc

Xóa sổ “cát tặc”

Tìm về xã Vân Nam, Vân Phúc những ngày gần đây, chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui sướng của người dân khi nhóm “cát tặc” mới bị lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát giao thông đường thủy, cảnh sát cơ động và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an xóa sổ.

Vẫn nhớ như in đêm mùng 7, rạng sáng ngày 8/11, khi lực lượng công an đột kích, bắt giữ 51 tàu khai thác cát trái phép, ông Phùng Văn Thủy một người dân sống gần bờ sông kể: Từ trước đó mấy hôm, tôi thấy khoảng mười thanh niên lạ mặt vác cần đi câu cá. Có người lại cầm súng bắn chim cũng ở khu vực bến phà Nam Vân. Đến buổi tối lại càng lạ hơn khi có khoảng 5 xe ô tô được dán chữ hỷ như xe đi đám cưới về làng. Mãi sau người ta đồn là xe của công an ngụy trang về bắt các đối tượng khai thác cát trái phép.

Cũng theo ông Thủy, khoảng 3h sáng 8/11, khi ông đang ngủ thì nghe thấy một tiếng nổ lớn ở phía bờ sông. Đây chính là lúc lực lượng Công an phát lệnh truy bắt các đối tượng khai thác cát trái phép.

“Nghe tiếng nổ, chúng tôi gọi nhau dậy xem thì thấy hàng trăm chiến sỹ công an từ các phía đổ về phía các tàu cát. Dưới sông, hàng chục tàu do công an điều khiển cũng vây kín khu vực các đối tượng đang khai thác cát trái phép” – ông Thủy hồ hởi kể.

Khi lực lượng công an bất ngờ vây bắt, các đối tượng khai thác cát bỏ chạy toán loạn, có người nhảy xuống bỏ chạy nhưng không thoát. Theo ông Thủy, có hàng chục người đã bị lực lượng Công an bắt giữ cùng số tàu khai thác cát trên sông.

Một người dân sống gần bến phà Nam Vân nói: “Nhà tôi sống gần sông, chưa bao giờ tôi thấy một cuộc vây bắt có nhiều công an đến vậy. Tình trạng khai thác cát ở đây diễn ra lâu rồi nhưng công an xã không xử lý được, Công an huyện về bắt nhiều lần nhưng chỉ được một vài ngày các đối tượng này lại khai thác cát trở lại."

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Ngọc Điệp, Trưởng cụm Dân cư số 1, xã Vân Nam phấn khởi nói: “Chúng khai thác cát khoảng 5 năm nay rồi nhưng đến hôm lực lượng công an về mới bắt được các đối tượng ấy. Từ hôm bọn chúng bị bắt dòng sông yên tĩnh hẳn, không còn tiếng máy móc, tiếng xe ô tô đi nữa. Giá như cơ quan chức năng bắt sớm hơn chúng tôi đã đỡ khổ”.

Thông tin từ cơ quan chức năng, quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã tạm giữ tạm giữ 21 tàu cuốc, trị giá hơn 2 tỷ/tàu và hơn 30 tàu hút cát trên sông Hồng đồng thời tạm giữ hàng chục đối tượng có mặt trên tàu và các đối tượng có dấu hiệu bảo kê, đầu nậu cát trên bờ.

Sau khi phá thành công chuyên án trên, các đơn vị đã được Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang biểu dương, khen thưởng. Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng chỉ đạo phải kiên quyết đấu tranh, xử lí nghiêm các đối tượng trên.

Ai “chống lưng” cho Toàn “cụt”?

Theo tìm hiểu của phóng viên, hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Hồng do một đối tượng Vũ Anh Toàn (SN 1976, thường gọi là Toàn "cụt") cầm đầu. Khu vực khai thác cát trái phép nằm giáp ranh giữa hai xã Vân Nam của huyện Phúc Thọ và xã Hồng Châu (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc). Việc khai thác cát do đàn em của Toàn “cụt” thực hiện.

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Quốc Tuấn, Trưởng công an xã Vân Nam nói: “Toàn “cụt” là người cầm đầu nhưng hắn không trực tiếp ra mặt mà bỏ tiền thuê người làm chủ các công trình do hắn xây dựng. Các công trình này đều được xây dựng sai quy định. Đã nhiều lần, chúng tôi báo cáo sự việc lên huyện Phúc Thọ, huyện đã cử Phòng Tài nguyên & Môi trường giải quyết nhưng vẫn không thể xử lý được các nhóm đối tượng này”.

Không những “bất lực” trong việc đưa ra các biện pháp xử lý, chính quyền xã Vân Nam cũng thường xuyên bị nhóm “cát tặc” chửi bới, xúc phạm.

“Chúng tôi ra bãi bồi ngăn chặn việc khai thác cát thì bọn chúng chửi bới, thách thức. Sau khi chửi bới, chúng nói bóng nói gió là sẽ “xử lý” người thân chúng tôi. Ngay cả khi có mặt của Công an huyện Phúc Thọ, bọn chúng cũng chẳng ngại” – ông Tuấn nói thêm.

Về phía chính quyền xã Vân Phúc, ông Đặng Văn Kiều, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nhiều lần phải ngậm đắng nuốt cay khi bị nhóm “cát tặc” nhắn tin, gọi điện đe dọa.

“Từ thời đồng chí Đặng Văn Bài làm Chủ tịch xã, chúng tôi ngăn cản việc khai thác cát trái phép đã bị thách thức, đe dọa. Nhiều khi chúng gọi điện, nhắn tin đe dọa nhưng thẩm quyền của xã không thể xử lý được nên chỉ báo cáo lên huyện và lập biên bản hiện trường khi ngăn cản nhóm “cát tặc” khai thác cát” – ông Kiều nói.

Lãnh đạo huyện Phúc Thọ tại buổi họp giao ban báo chí ở Thành ủy Hà Nội

Khi phóng viên đặt câu hỏi, liệu có người chống lưng cho Toàn “cụt”, ông Kiều chỉ nói không biết: “Giờ bảo là ai đứng đằng sau thì chịu, không biết được”.

Chiều 18-11, trao đổi với báo chí trong cuộc họp giao ban tại Thành uỷ Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Trường – Trưởng công an huyện Phúc Thọ tỏ thái độ bức xúc trước vấn nạn “cát tặc” lộng hành gây nhức nhối trong quần chúng nhân dân. Nhưng khi không xử lý được nhóm “cát tặc” lực lượng công an huyện cũng chỉ biết “khổ tâm”.

Ông Trường cũng khẳng định không có việc “chống lưng” cho đối tượng Toàn “cụt” tác oai, tác quái và mong muốn thành phố tăng cường phối hợp để xử lý các trường hợp này.

“Việc người dân phản ánh, kiến nghị chúng tôi cũng hết sức khổ tâm vì không xử lý được. Trong thời gian tới, chính quyền huyện Phúc Thọ đề nghị UBND thành phố Hà Nội, Công an thành phố Hà Nội, đề nghị cơ quan chức năng phối hợp, tăng cường lực lượng ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép” – đại diện lãnh đạo huyện Phúc Thọ nói.

Toàn “cụt” là ai?

Theo tìm hiểu của phóng viên, Vũ Anh Toàn (SN 1976), biệt danh Toàn “cụt” có quê gốc tại xã Vân Nam nhưng hiện trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội. Để cầm đầu nhóm khai thác cát trái phép, Toàn “cụt” đã thành lập Công ty TNHH cứu hộ, cứu nạn Biển Đông.

Bề ngoài, hoạt động của công ty này là cứu hộ, cứu nạn trên sông nhưng thực chất là "thu phế" của các tàu, thuyền đi ngang qua. Địa bàn hoạt động của nhóm “cát tặc” nằm trên ba xã Vân Hà, Vân Nam và Vân Phúc (huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Thời điểm đêm mùng 7, rạng sáng 8/11 khi cơ  quan chức năng bắt quả tang các tàu đang hút cát Toàn “cụt” đã bỏ trốn.

Trước đó, năm 2008, Toàn “cụt” nhận thầu nhiều diện tích đất công ở ven sông và cho xây dựng khu văn phòng, nhà nghỉ, nhà ăn của Công ty TNHH Biển Đông. Toàn “cụt” cũng thu nạp nhiều đàn em ngổ ngáo, xây dựng xưởng sản xuất kem Tràng Tiền cách trái phép. Khi bị UBND xã Vân Phúc xử lý, lập biên bản, Toàn “cụt” đã cho đàn em thách thức chính quyền.

Năm 2011, Toàn “cụt” lợi dụng việc mua 360m2 đất của ông Doãn Đức T. (nguyên Bí thư chi bộ 1 xã Văn Phúc) để xây dựng trụ sở công ty và lấn chiếm thêm 150m2 đất nông nghiệp. Vấn đề này UBND xã Vân Phúc đã kiểm tra xử lý nhưng cũng không có kết quả.

Theo nhiều người dân địa phương, vì Toàn bị cụt mất ba ngón tay nên mới có biệt danh Toàn “cụt”. Tuy nhiên, Toàn lại rất giàu có, cơ ngơi rộng hàng ngàn mét vuông. Toàn không tiếc tiền mua vàng ròng, bọc các ngón tay bị cụt mỗi khi ra đường. Toàn “cụt” luôn xài hàng hiệu, hàng chất lượng và kiểu cách. Mặc dù sở hữu nhiều ô tô nhưng Toàn luôn dạo phố bằng chiếc xe máy tay côn trị giá vài chục ngàn đô la.

>> Hà Nội: Vì sao "cát tặc" lộng hành?

>> Đột kích, bắt 51 tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng

Xuân Hinh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps