Tuyên án tử hình Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc

17:52 | 16/12/2013

4,867 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đúng 14h45 ngày 16/12, sau 3 ngày xét xử và 1 ngày nghị án, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội bắt đầu phần tuyên án đối với bị cáo Dương Chí Dũng và đồng bọn phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Ụ nổi 83M do Nhật Bản sản xuất từ năm 1965, chủ sở hữu là Công ty Nakhodka (Nga). Tính đến thời điểm Vinalines mua đưa về Việt Nam thì tháng 6/2008, ụ nổi này có tuổi là 43 năm, bị hư hỏng nhiều và không còn hoạt động. Thời điểm mua, Nakhodka bán ụ nổi với giá 2,3 triệu USD (tương đương 37 tỉ đồng theo tỷ giá năm 2008), tuy nhiên Vinalines không mua chiếc ụ nổi này qua Công ty Nakhodka mà vòng qua công ty môi giới có tên là AP (Singapore) với giá 9 triệu USD. Tổng mức đầu tư ụ nổi này do Dương Chí Dũng ký quyết định phê duyệt là gần 20 triệu USD. Với việc “thổi giá” trên, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn đã được lại quả 1,666 triệu USD (tương đương hơn 28,2 tỉ đồng) chia nhau.

Hội đồng xét xử vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm.

 

1. Bị cáo Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines):

Căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến tại tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt tử hình với bị cáo Dương Chí Dũng về tội “Tham ô tài sản” và 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng mức án là tử hình.

Hội đồng xét xử xác định, bị cáo Dương Chí Dũng với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines đã có hành vi cố ý làm trái các quy của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng với vai trò là chủ mưu, đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư "Dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam", ký quyết định phê duyệt mua ụ nổi 83M gây thiệt hại gần 367 tỉ đồng của Nhà nước.

Thông qua việc cố ý làm trái làm trái này, Dương Chí Dũng và một số đồng phạm đã tham ô hơn 28,2 tỉ đồng, cá nhân bị cáo đã tham ô 10 tỉ đồng. “Dương Chí Dũng phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, quá trình điều tra và xét xử tại phiên tòa, Dương Chí Dũng không ăn năn, hối cải, khai báo quanh co, chối tội, không có tình tiết giảm nhẹ. Vì vậy, cần áp dụng mức hình phạt cao nhất với bị cáo là loại khỏi đời sống xã hội".

2. Bị cáo Mai Văn Phúc (nguyên Tổng giám đốc Vinalines):

Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Mai Văn Phúc mức án tử hình về tội “Tham ô tài sản” và 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng mức án là tử hình.

Hội đồng xét xử nhận định, bị cáo này được xác định có vai trò cầm đầu, đã ký tờ trình đề nghị Hội đồng quản trị phê duyệt chủ trương, phê duyệt đầu tư “Dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam”, ký hợp đồng, ký thanh toán hợp đồng mua ụ nổi 83M, gây thiệt hại gần 367 tỉ đồng cho Nhà nước. Mai Văn Phúc và các đồng phạm đã tham ô 28 tỉ đồng, cá nhân Phúc được chia 10 tỉ đồng.

Mai Văn Phúc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, quá trình điều tra và xét xử khai báo quanh co, chối tội, vì vậy cần phải loại ra khỏi đời sống xã hội.

Chủ tọa Ngô Thị Ánh tuyên án.

 

3. Bị cáo Trần Hữu Chiều (nguyên Phó Tổng giám đốc Vinalines):

Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trần Hữu Chiều mức án 10 năm tù về tội “Tham ô tài sản” và 9 năm tù về tội “Cố ý làm trái làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng mức án là 19 năm tù.

Bị cáo Trần Hữu Chiều, được xác định có vai trò đồng phạm giúp sức trong việc ký các văn bản của ban quản lý dự án trình ban giám đốc phê duyệt mua ụ nổi. Ngoài mức án nói trên các bị cáo còn phải liên đới bồi thường khoản tiền 2,8 tỉ đồng đã tham ô và gần 367 tỉ đồng gây thiệt hại cho Nhà nước.

4. Bị cáo Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines):

Đối với Trần Hải Sơn, Hội đồng xét xử nhận định bị cáo này đã có vai đồng phạm giúp sức, đã tham gia đoàn khảo sát ụ nổi, lập và ký nháy báo cáo kết quả khảo sát không đúng với thực tế để hợp thức thủ tục mua, soạn thảo các văn bản mua ụ nổi gây thiệt hại gần 367 tỉ đồng của Nhà nước. Sơn và các đồng phạm đã tham ô hơn 28 tỉ đồng, bản thân Sơn được chia 7,8 tỉ đồng. Tại phiên tòa bị cáo này khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, tự nguyện khắc phục một phần hậu quả nên bị cáo này được giảm nhẹ hình phạt.

Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Hải Sơn 14 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” và 8 năm tù về tội “Tham ô tài sản”. Tổng mức phạt là 22 năm tù.

10 bị cáo trong vụ án do Dương Chí Dũng giữ vai trò chủ mưu.

5. Bùi Thị Bích Loan (nguyên Trưởng ban Tài chính - Kế toán Vinalines):

Hội đồng xét xử tuyên phạt mức án 4 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

6. Mai Văn Khang (nguyên Phó trưởng ban đóng mới tàu biển Vinalines):

Hội đồng xét xử tuyên phạt mức án 7 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

7. Lê Văn Dương (nguyên Đăng kiểm viên, Cục Đăng kiểm Việt Nam):

Hội đồng xét xử tuyên phạt mức án 7 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị cáo Dương Chí Dũng.

8. Huỳnh Hữu Đức (cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa):

Hội đồng xét xử tuyên phạt mức án 8 tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

9. Lê Văn Lừng (cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa):

Hội đồng xét xử tuyên phạt mức án 8 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

10. Lê Ngọc Triện (cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa):

Hội đồng xét xử tuyên phạt mức án 8 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị cáo Mai Văn Phúc.

Về dân sự: Ngoài mức án trên, các bị cáo còn phải liên đới bồi thường khoản tiền gây thiệt hại cho Nhà nước trong vụ mua bán ụ nổi 367 tỉ đồng.

Dương Chí Dũng bồi thường 110 tỉ đồng; Mai Văn Phúc 110 tỉ đồng, Trần Hải Sơn 46 tỉ đồng, Trần Hữu Chiều 39,4 tỉ đồng, Bùi Thị Bích Loan 6 tỉ đồng, Mai Văn Khang 12 tỉ đồng, Lê Văn Dương 15,7 tỉ đồng. Các bị cáo Đức, Lường, Triện mỗi người bồi thường 9 tỉ đồng.

Dương Chí Dũng bị kê biên 3 căn nhà ở Hà Nội và Mai Văn Phúc bị kê biên 1 căn nhà ở Hải Phòng.

 

Thiên Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc