Lãnh đạo ACB lập tài liệu giả để kiện VietinBank

07:33 | 26/12/2014

1,659 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Luật sư Nguyễn Thị Bắc, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) đã đưa ra những chứng cứ vẫn còn giữ nguyên giá trị từ vụ án Nguyễn Đức Kiên (tức “bầu Kiên”) và khẳng định: “Lãnh đạo ACB lập tài liệu giả để kiện VietinBank”.

>> Pháp luật có nên bảo vệ giao dịch ngầm, trái phép trong vụ án Huyền Như?

Lập tài liệu giả để kiện VietinBank vì biết ACB đã bị Huyền Như… lừa

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Hòa, Kế toán trưởng ACB; Trịnh Kim Quang; Lê Vũ Kỳ nhân viên ACB đều khai nhận đã bị Huỳnh Thị Huyền Như lừa chiếm đoạt 718 tỷ (Hồ sơ vụ án Nguyễn Đức Kiên). Do biết như vậy, lãnh đạo ACB đã làm thêm nhiều văn bản và ghi lùi ngày để hợp thức hồ sơ nhằm mục đích khiếu nại, đòi tiền của VietinBank.

Các hồ sơ VietinBank bị ACB làm giả, gồm: Biên bản họp Thường trực Hội đồng quản trị (viết tắt: TT HĐQT) ngày 07/6/2011; Tờ trình của Kế toán trưởng Nguyễn Văn Hòa gửi Tổng Giám đốc ngày 07/6/2011; Giấy ủy quyền của Lý Xuân Hải ngày 07/6/2011…

Về việc làm gian dối này, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ và Trịnh Kim Quang khai nhận do Nguyễn Văn Hòa đã trình bày theo quy trình thì chỉ có gửi tiết kiệm, nếu không ký lại thì ACB làm sai quy trình và mất tiền không đòi lại được. (Lời khai của Phạm Trung Cang; Lê Vũ Kỳ; Trịnh Kim Quang trong Hồ sơ vụ án Nguyễn Đức Kiên).

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như.

Tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên, bị cáo Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB khai các tài liệu ký lùi ngày này đã được ACB làm giả. Trong hồ sơ vụ án có nhiều văn bản của ACB gửi cơ quan tiến hành tố tụng thể hiện ACB thừa nhận thiệt hại 718 tỷ đồng. Tại công văn số 6117/CV-PC-12 ngày 04/08/2012 gửi Cơ quan tố tụng và các cơ quan chức năng, ACB cũng thừa nhận mình là bên bị thiệt hại trong vụ án: “ …ACB là bên bị thiệt hại, bị ảnh hưởng bởi các hành vi chiếm đoạt tài sản của bà Huỳnh thị Huyền Như ...“.

Ngoài ra, việc tất toán trước hạn khoản vay hơn 455 tỉ cầm cố Thẻ tiết kiệm đứng tên các nhân viên của ACB là có căn cứ, đúng pháp luật. Theo nội dung Công văn số 1132/NHNN-CSTT ngày 18/10/2002 của Ngân hàng Nhà nước: “Bản chất của nghiệp vụ cho vay cầm cố Thẻ tiết kiệm là cho ứng trước số tiền gửi tiết kiệm để khách hàng sử dụng”.

Tất nhiên, khi cho vay phải dựa trên số dư trên Thẻ tiết kiệm để đảm bảo việc thu hồi nợ gốc và lãi vay. Trong trường hợp phải xử lý thu hồi nợ thì việc xử lý chỉ là thủ tục tất toán Thẻ tiết kiệm để thu hồi khoản tiền đã ứng trước đó.

VietinBank thực hiện tất toán Thẻ tiết kiệm đúng quy định

Khi phát hiện ra các dấu hiệu gian dối trong việc cầm cố các Thẻ tiết kiệm đứng tên nhân viên ACB tại các Phòng giao dịch Điên Biên Phủ và Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc VietinBank chi nhánh TP HCM, 2 Phòng giao dịch trên đã tiến hành xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ vay, tổng số thu nợ hơn 466 tỉ đồng (bao gồm tiền lãi: 6,7 tỉ đồng).

Phòng giao dịch Điên Biên Phủ và Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc VietinBank chi nhánh TP HCM là bên nhận bảo đảm ngay tình nên có quyền xử lý Thẻ tiết kiệm đã cầm cố để thu hồi tiền vay theo quy định của pháp luật và quy định của VietinBank cũng như căn cứ vào nội dung các Hợp đồng tín dụng kiêm giấy nhận nợ, kiêm hợp đồng cầm cố đã được ký kết.

Phòng giao dịch Điên Biên Phủ, Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc VietinBank chi nhánh TP HCM đã căn cứ vào quy định của pháp luật, quy định của VietinBank và quy định của các Hợp đồng tín dụng kiêm giấy nhận nợ, kiêm hợp đồng cầm cố đã được ký kết giữa VietinBank và bên vay để xử lý các Thẻ tiết kiệm đã bị cầm cố.

Việc Phòng giao dịch Điên Biên Phủ và Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng tất toán trước hạn khoản vay cầm cố Thẻ tiết kiệm đứng tên các nhân viên của ACB là đúng quy định của pháp luật, quy định của VietinBank và quy định trong các Hợp đồng tín dụng kiêm giấy nhận nợ kiêm hợp đồng cầm cố.

Bị cáo Huyền Như và đồng phạm tại phiên tòa Phúc thẩm.

Theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 19/09/2004 của Thống đốc NHNN ban hành Quy chế về tiền gửi tiết kiệm thì thẻ tiết kiệm được coi như tài sản của người gửi tiết kiệm, mất thẻ tiết kiệm cũng như mất tài sản. Thẻ tiết kiệm được chuyển nhượng, thừa kế, cầm cố vay vốn …. (các khoản 2, 3 Điều 24).

Quy chế này đã quy định: Mất thẻ tiết kiệm thì phải thông báo ngay cho tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm để tránh bị lợi dụng làm tổn thất tài sản, chịu trách nhiệm về những thiệt hại do không khai báo kịp thời việc mất thẻ tiết kiệm (các khoản 3,4 Điều 25). Các cá nhân ACB đã thực hiện giao dịch trái pháp luật với bị cáo Huyền Như, phó thác hoàn toàn các thẻ tiết kiệm cho Như nên các cá nhân này phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về thiệt hại do không quản lý thẻ tiết kiệm để Như lợi dụng chiếm đoạt.

ACB che giấu sai phạm để “né” trách nhiệm

Về phía VietinBank, các bị cáo nguyên là nhân viên của VietinBank (trừ bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như) hoàn toàn không biết nội dung “thỏa thuận ngầm” với lãi suất vượt trần giữa cá nhân bị cáo Huyền Như với ACB và không biết việc thực hiện nội dung “thỏa thuận ngầm” bất hợp pháp này. VietinBank cũng hoàn toàn không biết nguồn tiền gửi là của ACB.

Tất cả sự thật này, VietinBank đều không biết và không thể biết được do sự “kín kẽ” của ACB. VietinBank hoàn toàn không có lỗi đối với các sai phạm của lãnh đạo và nhân viên ACB, không có lỗi đối với “thỏa thuận ngầm” trái pháp luật giữa ACB và cá nhân bị cáo Huyền Như. VietinBank không có lỗi đối với sự tắc trách, vô trách nhiệm của các nhân viên ACB.

Do vậy, ACB phải tự chịu trách nhiệm về các sai phạm của mình theo khoản 3 Điều 10 Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN và khoản 3 Điều 25 Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Tại phiên tòa, đại diện VietinBank đã khẳng định, nếu VietinBank biết nguồn tiền của ACB, việc thỏa thuận lãi suất chênh lệch thì VietinBank sẽ không chấp thuận cho các nhân viên mở tài khoản thanh toán và gửi tiền tại VietinBank.

Từ những nội dung đã trình bày và phân tích Luật sư Nguyễn Thị Bắc khẳng định: “Do lòng tham “lãi suất” chênh của lãnh đạo ACB, lòng tham “phần trăm” của Huỳnh Thị Bảo Ngọc, Phó phòng quản lý quỹ nên tất cả đã “sập bẫy” của bị cáo Huyền Như. Lãnh đạo ACB, Huỳnh Thị Bảo Ngọc và các nhân viên ACB đã vi phạm pháp luật, tắc trách, vô trách nhiệm thực hiện giao dịch bất hợp pháp với Như. Các sai phạm này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như lợi dụng để thực hiện các thủ đoạn gian dối chiếm đoạt toàn bộ 718 tỷ đồng của ACB”.

Luật sư Nguyễn Thị Bắc nói: “Tôi thấy rằng Bản án số 46/2014/HSST ngày 27/01/2014 của TAND TP HCM với nội dung tuyên Huỳnh Thị Huyền Như phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và buộc Huỳnh Thị Huyền Như phải bồi thường cho ACB 718 tỷ đồng theo khoản 1 Điều 42 BLHS là hoàn toàn có căn cứ và đúng pháp luật”.

Hưng Long (t/h)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc