Nhiều doanh nghiệp mắc bẫy Huyền Như vì tham lãi suất

15:48 | 26/12/2014

706 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Luật sư Nguyễn Thị Bắc (bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo) khẳng định: “Khi xem xét, đánh giá bản chất nội dung vụ án, xác định tội danh cho hành vi của bị cáo Như không thể cắt khúc riêng lẻ từng thủ đoạn, từng hành vi gian dối mà phải xem xét một cách tổng thể về ý thức chủ quan, thủ đoạn, hành vi phạm tội trong mối quan hệ với đối tượng mà Như hướng tới”.

Im lặng để hưởng lãi suất “chênh lệch”

Luật sư Nguyễn Thị Bắc, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đưa ra quan điểm: Đại diện VKS Tối cao cho rằng hành vi chiếm đoạt số tiền 1.085 tỷ đồng từ tài khoản tiền gửi thanh toán của 5 đơn vị: Công ty cổ phần Chứng khoán SaigonBank Beryaja, Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Hưng Yên, Công ty cổ phần Chứng khoán Phương Đông, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại An Lộc là hành vi phạm tội tham ô tài sản.

Từ đó, vị đại VKS Tối cao đề nghị HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo của 5 nguyên đơn dân sự, áp dụng khoản 1 Điều 250 Bộ Luật Tố tụng hình sự hủy một phần bản án sơ thẩm đã xét xử bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của các đơn vị trên để điều tra lại.

Xét về thủ tục tố tụng, luật sư Bắc lập luận: “Tôi cho rằng ý kiến này của vị đại diện VKS là không phù hợp với quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự. Bởi lẽ, bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như không kháng cáo và VKS không kháng nghị về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tòa án đã tuyên nên phần bản án về tội danh có hiệu lực pháp luật từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Theo các điều 230 và 240 Bộ Luật tố tụng hình sự thì cấp phúc thẩm không được làm xấu đi tình trạng của bị cáo đối với phần đã có hiệu lực pháp luật”.

Bị cáo Huyền Như phạm tội do các tổ chức tín dụng… tham lãi suất

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như được dẫn giải ra khỏi tòa án sau phiên xét xử.

Trong vụ án này, căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ, quan hệ giao dịch giữa các đơn vị, cá nhân với bị cáo Huyền Như mà trong đó VietinBank là đơn vị có liên quan đã có những dấu hiệu của tội phạm đã được VietinBank phát hiện thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát và đã chủ động báo cáo cơ quan chức năng đề nghị làm rõ để xử lý theo pháp luật. Cơ quan tiến hành tố tụng đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và đã tiến hành điều tra, truy tố, xét xử vụ án.

Căn cứ các tài liệu và toàn bộ những nội dung có thể khẳng định, bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như đã có ý đồ lừa đảo chiếm đoạt tiền của các đơn vị, cá nhân ngay từ đầu. Để thực hiện ý định này, Như đã giả danh, lợi dụng danh nghĩa Vietinbank để huy động vốn của các đơn vị, cá nhân bằng bẫy lãi suất cao và bằng các thủ đoạn gian dối.

Bị cáo Như làm các đơn vị, cá nhân “sập bẫy lãi suất” bởi… lòng tham. Huỳnh Thị Huyền Như đã sử dụng nhiều thủ đoạn gian dối khác nhau: Trả tiền lãi suất chênh trước khi ký hợp đồng hoặc ngay khi tiền về tài khoản thanh toán, chi riêng tiền phần trăm cho người đại diện, ký Hợp đồng giả, dẫn dụ chuyển tiền vào tài khoản thanh toán, tráo giấy đăng ký mở tài khoản thanh toán, làm dấu giả, sử dụng lệnh chi khống, làm chứng từ giả…

Bị cáo Huyền Như phạm tội do các tổ chức tín dụng… tham lãi suất

Các bị cáo được dẫn giải đến phiên tòa. 

Nguyên đơn tiếp tay cho bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như

Tất cả đã tạo thành một chuỗi hành vi gian dối có tính toán, sắp đặt để Huyền Như thực hiện việc chiếm đoạt trót lọt tiền của các đơn vị, cá nhân bị… mắc lừa. Các hành vi trong chuỗi hành vi gian dối của bị cáo Như đều nhắm vào tài sản của các đơn vị này nhằm mục đích chiếm đoạt. Các hành vi, thủ đoạn gian dối trên có quan hệ mặt thiết với nhau và hành vi gian dối trước là tiền đề cho hành vi gian dối sau, hành vi gian dối sau là mục đích của hành vi gian dối trước.

Tất cả chuỗi hành vi này chỉ có thể được thực hiện do chính sai phạm của các đơn vị, cá nhân thể hiện ở sự tắch trách, vô trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân, từ lãnh đạo đến các người đại diện giao dịch mà nguyên nhân của sự sai phạm này là lòng tham “lãi suất” cũng như tỷ lệ “phần trăm”. Từ đó, tất cả đã “sập bẫy” lừa đảo của Như.

Đây là quan hệ lừa đảo và trong quan hệ lừa đảo thì người lừa đảo phải hoàn trả tài sản đã chiếm đoạt cho người bị lừa đảo. Người bị lừa đảo có quyền đòi kẻ lừa đảo phải bồi thường theo quy định tại Khoản 1 Điều 42 Bộ luật hình sự. Bản án sơ thẩm của TAND TP HCM với nội dung tuyên bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" của Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Nam Việt, Công ty cổ phần Chứng khoán SaigonBank Beryaja, Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Hưng Yên, Công ty cổ phần Chứng khoán Phương Đông, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại An Lộc.

HĐXX cấp sơ thẩm tuyên buộc bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như phải bồi thường cho các đơn vị này toàn bộ số tiền mà Như đã chiếm đoạt theo khoản 1 Điều 42 BLHS là hoàn toàn có căn cứ và đúng pháp luật. Luật sư Bắc nhấn mạnh: “VietinBank không có trách nhiệm bồi thường số tài sản mà Huỳnh Thị Huyền Như đã lừa đảo chiếm đoạt của 7 đơn vị trên”.

Vị luật sư đại diện bảo vệ quyền lợi cho VietinBank đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm xem xét bác kháng cáo của các đơn vị: ACB, NaviBank, SBBS, Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Hưng Yên, Công ty cổ phần Chứng khoán Phương Đông, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại An Lộc và bà Lê Thị Ngọc Nga.

“Chúng tôi không đồng ý với đề nghị của vị đại diện VKS Tối cao hủy một phần bản án sơ thẩm đối bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" của 5 công ty trên để điều tra lại”, luật sư Nguyễn Thị Bắc nói.

Hưng Long (t/h)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc